Hãy Thổi Vang Tiếng Kèn Đồng
Thế gian cần các môn đồ của Đấng Ky Tô là những người có thể truyền đạt sứ điệp phúc âm một cách rõ ràng và từ đáy lòng.
Mùa hè vừa qua, hai đứa cháu ngoại trai nhỏ đã đến ở với vợ chồng chúng tôi, trong khi cha mẹ của chúng tham gia vào sinh hoạt đi đoạn đường di cư của người tiền phong với giáo khu của chúng. Con gái của chúng tôi muốn chắc chắn là hai đứa trẻ tập đàn dương cầm trong khi xa nhà. Nó biết rằng một vài ngày ở nhà ông bà ngoại sẽ làm cho chúng dễ quên tập đàn hơn. Một buổi trưa nọ, tôi quyết định ngồi xuống với đứa cháu trai 13 tuổi là Andrew, và nghe nó đánh đàn.
Đứa trẻ này rất hiếu động và thích chơi ngoài trời. Nó có thể dễ dàng dành tất cả thời giờ ra để săn bắn và câu cá. Trong khi nó tập đàn piano, tôi có thể biết là nó thà được đi câu cá trên một con sông gần đó. Tôi lắng nghe trong khi nó đánh mạnh xuống phím của mỗi hợp âm sắc của một bài hát quen thuộc. Mỗi nốt nhạc nó đánh đều có cùng cường điệu và cùng nhịp điệu, làm cho rất khó để nhận ra rõ giai điệu. Tôi ngồi trên băng ghế bên cạnh nó và giải thích tầm quan trọng của việc chỉ nhấn mạnh hơn một chút trên các phím giai điệu và nhấn nhẹ hơn một chút trên những nốt nhạc đi kèm theo giai điệu. Chúng tôi nói về cây đàn piano nhiều hơn chỉ là một dụng cụ cơ khí kỳ diệu. Cây đàn có thể là tiếng nói và cảm nghĩ riêng của đứa trẻ và trở thành một công cụ truyền đạt tuyệt vời. Giống như một người nói chuyện và nói trôi chảy từ lời này sang lời khác, thì giai điệu cũng phải nhịp nhàng trôi chảy khi ta đánh từ nốt nhạc này đến nốt nhạc khác.
Chúng tôi cười đùa với nhau khi đứa cháu tôi cố gắng đi cố gắng lại. Nụ cười má lúm đồng tiền của nó càng rõ hơn khi giai điệu quen thuộc bắt đầu nghe khác hơn âm thanh lộn xộn lúc trước. Thông điệp đã trở nên rõ ràng: “Tôi là con Đức Chúa Cha, Ngài đã gửi tôi đến đây.”1 Tôi hỏi Andrew xem nó có thể cảm thấy sự khác biệt trong sứ điệp đó không. Nó đáp: “Vâng, thưa Ông Ngoại, con có thể cảm nhận được sứ điệp đó!”
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy chúng ta về cách so sánh sự truyền đạt với các nhạc cụ khi ông viết cho các tín hữu ở Cô Rinh Tô:
“Vậy, dẫu vật không linh tánh phát ra tiếng, như ống tiêu, đờn cầm: nếu không có âm điệu phân biệt nhau, thể nào nhận biết được ống tiêu hay là đờn cầm thổi và khảy cái chi?
“Lại nếu kèn trổi tiếng lộn xộn, thì ai sửa soạn mà ra trận?”2
Nếu có lúc nào mà thế gian cần các môn đồ của Đấng Ky Tô là những người có thể truyền đạt sứ điệp phúc âm một cách rõ ràng và từ đáy lòng, thì chính là bây giờ đây. Chúng ta cần tiếng kèn thổi lên.
Chắc chắn là Đấng Ky Tô là tấm gương sáng nhất của chúng ta. Ngài luôn luôn chứng tỏ lòng can đảm để đứng lên bênh vực cho điều đúng. Lời Ngài vang vọng qua nhiều thế kỷ khi Ngài mời gọi chúng ta nhớ tới việc yêu thương Thượng Đế và đồng bào của mình, tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế và sống nêu gương cho thế gian. Ngài đã không sợ phải phản đối các quyền lực hoặc những người cai trị trên thế gian trong thời kỳ của Ngài, ngay cả những quyền lực và những người cai trị này chống đối sứ mệnh của Ngài do Cha Thiên Thượng ban cho Ngài. Lời nói của Ngài đã không nhằm làm hoang mang mà là để ảnh hưởng tâm hồn của con người. Ngài biết rõ ý muốn của Cha Ngài trong tất cả những gì Ngài đã nói và làm.
Tôi cũng thích tấm gương của Phi E Rơ, là người đã phải đối phó với người thế gian bằng lòng can đảm và sự rõ ràng trong ngày lễ Ngũ Tuần. Vào ngày hôm đó, mọi người nhóm lại từ nhiều quốc gia và chỉ trích Các Thánh Hữu ban đầu vì nghe họ nói Các Thánh Hữu này nói thứ tiếng lạ và nghĩ rằng họ say rượu. Vì có Thánh Linh dấy lên trong tâm hồn mình, nên Phi E Rơ, đứng ra bênh vực Giáo Hội và các tín hữu. Ông đã làm chứng với những lời này: “Hỡi người Giu Đa, và mọi người ở tại thành Giê Ru Sa Lem, hãy biết rõ điều nầy, và lắng tai nghe lời ta.”3
Sau đó ông trích dẫn từ thánh thư trong đó có ghi chép những lời tiên tri của Đấng Ky Tô và chia sẻ chứng ngôn trung thực này: “Vậy, cả nhà Y Sơ Ra Ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê Su nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Ky Tô.”4
Nhiều người nghe được lời của ông và cảm nhận được Thánh Linh, và 3.000 người đã gia nhập hàng ngũ của Giáo Hội ban đầu. Đây là bằng chứng hùng hồn rằng một người nam hay người nữ có thể tạo ra một sự khác biệt vì sẵn lòng làm chứng khi thế gian dường như đang đi ngược với đường lối của Giáo Hội.
Là tín hữu, khi chúng ta chọn quyết định để đứng làm chứng mạnh mẽ về giáo lý của Thượng Đế và Giáo Hội của Ngài, thì một điều gì đó thay đổi ở bên trong chúng ta. Chúng ta thụ nhận hình ảnh của Ngài trong sắc mặt của mình. Chúng ta trở nên gần gũi hơn với Thánh Linh của Ngài. Rồi Ngài sẽ đi trước mặt chúng ta và ở bên “tay mặt [chúng ta] và ở bên trái [chúng ta], và Thánh Linh của [Ngài] sẽ ở trong trái tim [chúng ta], và các thiên sứ của [Ngài] sẽ vây quanh [chúng ta] để nâng đỡ [chúng ta].”5
Các môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô không tìm cách bào chữa cho giáo lý, khi giáo lý này không phù hợp với các khái niệm hiện nay của thế gian. Phao Lô là một môn đồ dũng cảm khác đã mạnh dạn tuyên bố rằng ông “không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.”6 Các môn đồ chân chính đại diện cho Chúa khi có thể không phải là thuận tiện để làm như vậy. Các môn đồ chân chính mong muốn soi dẫn tấm lòng của con người chứ không phải chỉ gây ấn tượng cho họ mà thôi.
Thường thì không phải là điều thuận tiện hoặc thoải mái để đứng lên bênh vực Đấng Ky Tô. Tôi chắc chắn rằng đó là trường hợp của Phao Lô khi ông được gọi ra trước mặt Vua Ạc Ríp Ba và được yêu cầu phải tự biện hộ cho mình và kể câu chuyện của mình. Không chút do dự, Phao Lô tuyên xưng niềm tin của mình với quyền năng mạnh mẽ đến nỗi nhà vua trở nên lo sợ mà thừa nhận rằng “thiếu chút nữa” ông đã bị thuyết phục để trở thành một Ky Tô hữu.
Câu trả lời của Phao Lô đã cho thấy ước muốn của ông dành cho dân chúng là phải hiểu hoàn toàn điều ông đã nói. Ông nói với Vua Ạc Ríp Ba rằng ông mong muốn tất cả những người nghe ông sẽ không “thiếu chút nữa” là Ky Tô hữu, mà sẽ là “hết thảy” trở thành môn đồ của Đấng Ky Tô.7 Những người nào nói chuyện một cách rõ ràng có thể hoàn thành điều này.
Trong nhiều năm tôi đã nghiên cứu câu chuyện về giấc mơ của Lê Hi trong Sách Mặc Môn,8 tôi đã luôn luôn nghĩ rằng tòa nhà rộng lớn vĩ đại là một nơi mà chỉ những người nổi loạn mới cư ngụ. Tòa nhà đó rất đông người, họ chế nhạo và chỉ trỏ vào người trung tín đang nắm chặt thanh sắt, tượng trưng cho lời của Thượng Đế, và cố gắng đi đến cây sự sống, tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế. Một số người không thể chịu nổi áp lực của những người chế nhạo họ và bị lạc lối. Những người khác quyết định nhập bọn với những người chế nhạo trong tòa nhà. Họ đã không có can đảm để mạnh dạn lên tiếng chống lại những lời chỉ trích hoặc thông điệp của thế gian sao?
Khi tôi chứng kiến thế gian hiện nay đang xa dần khỏi Thượng Đế, tôi nghĩ rằng tòa nhà này đang phát triển về kích thước. Ngày nay nhiều người thấy mình lang thang trên hành lang của tòa nhà rộng lớn vĩ đại mà không nhận biết rằng họ đang thực sự trở thành một phần của nền văn hóa của nó. Họ thường đầu hàng những cám dỗ và những thông điệp của thế gian. Cuối cùng chúng ta thấy họ chế nhạo hoặc nhập bọn với những người chỉ trích hoặc chế nhạo.
Trong nhiều năm qua, tôi đã nghĩ rằng đám đông chế nhạo đang chế giễu lối sống của người trung tín, nhưng ngày nay đám đông trong tòa nhà đó đã thay đổi trong giọng điệu và hành động của họ. Những người chế nhạo thường cố gắng làm át đi sứ điệp đơn giản của phúc âm bằng cách tấn công một số khía cạnh của lịch sử Giáo Hội hoặc đưa ra lời chỉ trích khe khắt về một vị tiên tri hay vị lãnh đạo khác. Họ cũng đang tấn công vào trọng tâm của giáo lý chúng ta và luật pháp của Thượng Đế, đã được ban ra kể từ lúc sáng tạo thế gian. Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và tín hữu của Giáo Hội Ngài, chúng ta đừng bao giờ buông bỏ thanh sắt đó. Chúng ta phải để cho tiếng kèn vang vọng từ tâm hồn mình.
Sứ điệp đơn giản này rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài. Phúc âm được phục hồi trong những ngày sau này qua các vị tiên tri tại thế và bằng chứng là Sách Mặc Môn. Con đường hạnh phúc là qua đơn vị gia đình cơ bản như đã được tổ chức từ lúc ban đầu và đã được Cha Thiên Thượng mặc khải. Đây là giai điệu quen thuộc của sứ điệp mà nhiều người có thể nhận ra, vì họ đã nghe sứ điệp đó từ cuộc sống tiền dương thế của họ.
Đây là lúc để chúng ta, là Các Thánh Hữu Ngày Sau, phải đứng lên làm chứng. Đây là lúc để những nốt nhạc của giai điệu phúc âm vang lên to hơn tiếng ồn ào của thế gian. Tôi thêm chứng ngôn của tôi vào sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian này. Ngài hằng sống! Phúc âm của Ngài được phục hồi và các phước lành về hạnh phúc và bình an có thể được bảo đảm trong cuộc sống này bằng cách sống theo các lệnh truyền của Ngài và bước theo con đường của Ngài. Đây là chứng ngôn của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.