“Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Quyền Năng Củng Cố của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (Năm 2021)
“Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài Học 7 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Quyền Năng Củng Cố của Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy suy ngẫm trong một giây lát về những lúc mà anh chị em gặp khó khăn về thể chất, tinh thần, cảm xúc, hoặc thuộc linh. Cũng hãy nghĩ về những phương diện mà anh chị em cảm thấy yếu đuối hoặc thiếu khả năng. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nhận xét: “Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã có quyền năng để cứu giúp—giúp đỡ—mọi nỗi đau đớn và hoạn nạn của người trần thế” (“Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 62). Khi anh chị em học thêm về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cân nhắc cách Chúa đã giúp và sẽ tiếp tục giúp anh chị em chịu đựng nỗi đau khổ và khắc phục sự yếu kém trong cuộc sống mình.
Phần 1
Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi có thể giúp tôi với những nỗi ưu phiền và bệnh tật của tôi?
Chủ Tịch Tad R. Callister, cựu Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã nói về mức độ sâu rộng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi theo cách này:
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô … [đã] làm cho chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế, trở nên giống như Ngài hơn, và có được niềm vui trọn vẹn. Điều này đã được thực hiện bằng cách vượt qua bốn trở ngại:
Cái chết thể xác
Cái chết thuộc linh do A Đam và các tội lỗi của chúng ta gây ra
Những nỗi ưu phiền và bệnh tật của chúng ta
Những sự yếu kém và không hoàn hảo của chúng ta
(“Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 85)
Trong bài học 6, “Sự Chuộc Tội Vô Hạn của Chúa Giê Su Ky Tô,” chúng ta đã đề cập đến hai trở ngại đầu tiên. Bây giờ, chúng ta hãy cân nhắc cách mà Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi khắc phục được trở ngại thứ ba và thứ tư.
Vào khoảng năm 83 trước Công Nguyên, An Ma Con đã từ bỏ chức vụ trưởng phán quan để ông có thể giảng dạy lời của Thượng Đế trong khắp xứ. Trong thành phố Ghê Đê Ôn, An Ma đã tiên tri rằng Đấng Cứu Chuộc sẽ được sinh ra trên trần thế và sống giữa dân Ngài và rằng Ngài sẽ trải qua mọi nỗi đau đớn, thống khổ, và cám dỗ của cuộc sống trần thế.
Giám Trợ Chủ Tọa Gérald Caussé đã nhận xét về lời giảng dạy đặc biệt này trong Sách Mặc Môn như sau:
Ngoài việc mang những gánh nặng tội lỗi của chúng ta, Đấng Ky Tô đã tự mang lấy nỗi buồn phiền, yếu đuối, khổ sở, và bệnh tật cùng tất cả những nỗi thống khổ vốn có trong cuộc sống trần thế của con người. Không có nỗi đau khổ, không có đau đớn, hoặc nỗi buồn phiền nào mà Ngài không phải chịu đựng cho chúng ta [xin xem An Ma 7:11–12]. (“Một Nhân Chứng Sống về Đấng Ky Tô Hằng Sống,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 39)
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng đã dạy:
Trong một giây phút yếu đuối, chúng ta có thể kêu lên: “Không một ai hiểu nỗi niềm này cả. Không một ai biết cả.” Nhưng Vị Nam Tử của Thượng Đế hoàn toàn hiểu, vì Ngài đã cảm nhận và mang lấy gánh nặng của riêng chúng ta. Và vì sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Ngài (xin xem An Ma 34:14), nên Ngài có thể hoàn toàn thấu cảm và có thể ban cho chúng ta vòng tay thương xót của Ngài. Ngài có thể tìm đến, ảnh hưởng, giúp đỡ, chữa lành, và củng cố chúng ta cùng giúp chúng ta làm điều chúng ta có thể không bao giờ làm được nếu chỉ trông cậy vào khả năng của chính mình. (“Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 90)
Phần 2
Đấng Cứu Rỗi có thể giúp tôi với những sự yếu kém và không hoàn hảo của tôi như thế nào?
Là tác giả cuối cùng của Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni đã gồm vào một phần tóm lược các bảng khắc của Ê The, mà chứa đựng truyện ký về dân Gia Rết và các bản ghi chép của anh trai Gia Rết. Mô Rô Ni kinh ngạc trước quyền năng trong bản ghi chép của anh trai Gia Rết và bày tỏ mối lo ngại của ông về sự yếu kém mà ông nhận thấy trong bản ghi chép của bản thân ông và trong các bản ghi chép của các vị tiên tri khác trong Sách Mặc Môn.
Chị Michelle D. Craig, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ đã dạy về việc có một quan điểm vĩnh cửu về những sự yếu kém và không hoàn hảo của chúng ta:
Dĩ nhiên, tất cả chúng ta sẽ thiếu tiềm năng thiêng liêng của mình, và có một số lẽ thật trong việc nhận biết rằng một mình chúng ta thì không có đủ. Nhưng điều đáng mừng của phúc âm là với ân điển của Thượng Đế, chúng ta có đủ. …
Sự thật đáng ngạc nhiên là những yếu kém của chúng ta có thể là một phước lành khi chúng làm chúng ta hạ mình và làm cho chúng ta tìm đến cùng Đấng Ky Tô. …
Thật ra, các phép lạ của Chúa Giê Su thường bắt đầu với sự thừa nhận về mong muốn, nhu cầu, thất bại, hoặc không thích đáng. (“Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 54)
Phần 3
Làm thế nào tôi có thể mang ân điển của Chúa vào cuộc sống của mình một cách trọn vẹn hơn?
Trong các bản ghi chép của ông, Nê Phi đã làm chứng rằng Môi Se đã đưa dân Y Sơ Ra Ên ra khỏi vòng nô lệ nhờ quyền năng và ân điển của Thượng Đế. Nê Phi viết: “Như Đức Chúa Trời hằng sống, thì không còn một danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này ngoài danh hiệu Chúa Giê Su Ky Tô này … mà nhờ đó loài người mới có thể được cứu” (2 Nê Phi 25:20). Nê Phi đã giảng dạy dân ông rằng chỉ có ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô, chứ không chỉ tuân theo luật Môi Se, mới có thể cứu họ. Ân điển là một “phương tiện giúp đỡ hay sức mạnh thiêng liêng, được ban cho qua lòng thương xót và tình yêu thương bao la của Chúa Giê Su Ky Tô” (Bible Dictionary, “Grace”).
Cụm từ “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23) có thể khiến chúng ta cảm thấy quá sức. Xem cách mà hai lời phát biểu sau đây của hai thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của cụm từ này.
Chúng ta không phải đạt được đến một mức độ tối thiểu nào đó về năng lực hay là sự tốt lành trước khi Thượng Đế giúp đỡ—chúng ta có thể có được sự giúp đỡ thiêng liêng mỗi giờ mỗi ngày, bất kể chúng ta đang ở đâu trên con đường vâng lời của mình. Nhưng tôi biết rằng ngoài việc mong muốn được Ngài giúp đỡ, chúng ta phải luôn luôn cố gắng, hối cải, và chọn Thượng Đế để Ngài có thể hành động trong cuộc sống của chúng ta phù hợp với công lý và quyền tự quyết về mặt đạo đức. (D. Todd Christofferson, “Được Tự Do Mãi Mãi, Tự Hành Động Lấy Một Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 19)
Chúa, qua ân điển của Ngài, sẽ giúp mỗi người chúng ta vác thập tự của mình và làm nhẹ gánh nặng của chúng ta. … Xin đừng bỏ cuộc bởi những thất bại sau đó và tự xem bản thân anh chị em là không đủ khả năng để từ bỏ tội lỗi và khắc phục thói nghiện. Tình hình sẽ chỉ tệ hơn nếu như anh chị em ngừng cố gắng và sau đó tiếp tục giữ sự yếu kém và tội lỗi! Hãy luôn luôn nỗ lực hết sức mình, biểu lộ qua những việc làm của anh chị em một ước muốn tẩy sạch mặt trong của bình chứa, như Đấng Cứu Rỗi đã dạy. Đôi khi giải pháp cho những thử thách nào đó sẽ đến sau một thời gian dài phấn đấu liên tục. Lời hứa được tìm thấy trong Sách Mặc Môn rằng “nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” [2 Nê Phi 25:23] áp dụng cho những trường hợp này. Xin hãy nhớ rằng ân tứ về ân điển của Đấng Cứu Rỗi “không nhất thiết bị giới hạn về thời gian ‘sau khi’ chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm. Chúng ta có thể nhận được ân điển của Ngài trước, trong, và sau thời gian mà chúng ta cần để nỗ lực” [xin xem Bruce C. Hafen, The Broken Heart: Applying the Atonement to Life’s Experiences (năm 1989), trang 155–156]. (Ulisses Soares, “Hãy Vác Thập Tự Giá Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 113–114)