“Bài học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Vâng Theo Các Giáo Lệnh Của Thượng Đế”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2021)
“Bài học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Tài Liệu Những Lời Giảng Dạy và Giáo Lý của Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Bài học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Vâng Theo Các Giáo Lệnh Của Thượng Đế
Trong đơn vị này, anh chị em sẽ có cơ hội cân nhắc xem làm thế nào anh chị em có thể gia tăng sự tin cậy vào Thượng Đế. Một yếu tố quan trọng của việc đặt sự tin cậy vào Thượng Đế là học cách sẵn sàng vâng theo các giáo lệnh của Ngài. Anh chị em đặt tầm quan trọng ở mức độ nào khi tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế? Có giáo lệnh nào mà anh chị em thấy đặc biệt khó khăn để tuân giữ không? Khi học Sách Mặc Môn để chuẩn bị đến lớp, anh chị em hãy suy ngẫm về mục đích của các giáo lệnh của Thượng Đế và những phước lành mà anh chị em có thể tiếp nhận khi tìm cách noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về sự vâng lời.
Phần 1
Tôi có thể học được điều gì về sự vâng lời từ Chúa Giê Su Ky Tô?
Từ Kinh Tân Ước, chúng ta biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã đến gặp Giăng Báp Tít để được làm phép báp têm để họ có thể “làm cho trọn mọi việc công bình” (Ma Thi Ơ 3:13–17). Như được ghi chép lại trong Sách Mặc Môn, Nê Phi giải thích lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng vô tội, lại chịu phép báp têm (xin xem 2 Nê Phi 31:6–7).
Khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến với người dân Nê Phi ở xứ Phong Phú, Ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vâng theo các giáo lệnh của Cha Ngài. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận xét:
Trong số tất cả các sứ điệp của những lời giảng dạy từ thiên thượng, lời tuyên bố mà [Đấng Cứu Rỗi] đã mang đến là gì? Dân Nê Phi trung tín đã lắng nghe khi Ngài phán: “Ta là sự sáng và sự sống của thế gian; và ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta, và ta đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy tội lỗi của thế gian, và khi làm việc ấy là ta đã cam chịu theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong mọi sự việc từ lúc ban đầu” [3 Nê Phi 11:11]. Năm mươi sáu từ. Đó là điều cốt yếu trong sứ mệnh trần thế của Ngài. Đó là sự vâng lời và trung thành với ý muốn của Đức Chúa Cha, dù cho chén có đắng hay cái giá phải trả có đau đớn đến thế nào đi nữa. (Christ and the New Covenant [năm 1997], trang 251)
Gần cuối giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi, Chúa đã tuyên phán: “Ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, vì Cha ta đã sai ta đến” (3 Nê Phi 27:13).
Phần 2
Trong những phương diện nào mà tôi có thể được ban phước khi tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế?
Ngay sau khi Lê Hi và gia đình ông rời Giê Ru Sa Lem vào vùng hoang dã, La Man và Lê Mu Ên bắt đầu ta thán cha của họ. Đau buồn trước lòng dạ chai đá của họ, Nê Phi cầu nguyện cho các anh của mình. Để đáp lại lời khẩn nài của ông, Chúa đã dạy cho Nê Phi một lẽ thật quan trọng về sự vâng lời. (Xin xem 1 Nê Phi 2:11–12, 18–21.)
Khi đề cập đến lời hứa trong đoạn thánh thư này, Giám Trợ Gérald Caussé, Giám Trợ Chủ Tọa, đã dạy:
Lời hứa này là trọng tâm của câu chuyện và những lời giảng dạy của Sách Mặc Môn. Nó xuất hiện trong 18 câu khác nhau và 7 trong số 15 cuốn sách. Mặc dù phước lành thịnh vượng được đề cập trong các thánh thư này về cơ bản là có bản chất thuộc linh, nhưng nó cũng bao hàm khả năng cho dân của Thượng Đế được hưởng sự tiến bộ về kinh tế và trở nên tự lực về mặt vật chất. (“She Spiritual Foundations of Church Financial Self-Reliance,” Ensign, tháng Bảy năm 2018, trang 46)
Vào lúc gần cuối đời, Vua Bên Gia Min đã tập hợp dân chúng lại để đưa ra một bài giảng cuối cùng. Là một phần trong bài giảng, ông dạy rằng tất cả chúng ta đều là “những tôi tớ vô dụng” và sẽ luôn mắc nợ Thượng Đế (Mô Si A 2:20–21). Trong ngữ cảnh chúng ta mắc nợ Ngài, Vua Bên Gia Min đã dạy tại sao Thượng Đế đòi hỏi chúng ta phải tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
Khi bình luận về mục đích của các giáo lệnh của Thượng Đế, Chủ Tịch Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy:
Tại sao Thượng Đế ban cho chúng ta các giáo lệnh? Có phải là để giữ chúng ta cúi xuống, trong sự phục tùng Ngài không? Có phải là để xóa bỏ hết cơ hội vui thú trên thế gian này không? Không phải vậy, sự thật thì ngược lại: Thượng Đế đã ban cho chúng ta các giáo lệnh bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn giải thoát cho chúng ta khỏi nỗi đau khổ, khốn cùng và hối tiếc. Ngài biết rằng cách duy nhất để thực sự hạnh phúc trong cuộc sống này và cảm nhận được niềm vui vô bờ bến trong thế giới mai sau là noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô về sự vâng lời luật pháp của Thượng Đế. (“Obedience Brings Blessings” [bài nói chuyện được đưa ra trong lễ phát bằng tại trường Brigham Young University–Hawaii commencement, ngày 21 tháng Tư năm 2018], speeches.byuh.edu)
Phần 3
Tôi có thể học được điều gì về sự vâng lời từ các chiến sĩ trẻ tuổi?
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Việc trung tín vâng lời các lệnh truyền của Thượng Đế đều thiết yếu để tiếp nhận Đức Thánh Linh”. Sau đó, ông nói đến các chiến sĩ trẻ tuổi như một ví dụ về sự vâng lời và nói rằng chúng ta “nên cố gắng trở nên giống [họ]” (“Nhận Được Đức Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 96, 97).
Các chiến sĩ trẻ tuổi là con cái của dân La Man là những người đã được cải đạo theo Chúa sau khi họ được các con trai của Mô Si A giảng dạy phúc âm. Những người La Man này được gọi là những dân Am Môn hoặc dân An Ti Nê Phi Lê Hi. Sau khi cải đạo, dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã hứa với Thượng Đế rằng họ sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí chiến tranh nữa. (Xin xem An Ma 23:4–7, 16–17.) Sau đó, những người con trai trẻ tuổi của họ, những người không lập giao ước này, đã chọn gia nhập quân đội Nê Phi và bảo vệ đất nước của họ. Các chiến sĩ trẻ tuổi này mong muốn Hê La Man làm người chỉ huy họ. Họ đánh nhiều trận với dân La Man. Trong khi nhiều chiến sĩ bị thương, kỳ diệu thay, không một ai trong số họ bị giết chết trong chiến trận. (Xin xem An Ma 53:10–19; 57:22–25; 58:39.)
Nói với các bậc cha mẹ về việc dạy dỗ con cái về tầm quan trọng của sự vâng lời, Chủ Tịch Russell M. Nelson đưa ra lời khuyên bảo sau đây:
Hãy giảng dạy về đức tin để tuân giữ tất cả mọi giáo lệnh của Thượng Đế, và biết rằng các giáo lệnh này được ban cho để ban phước cho con cái của Ngài cùng mang đến niềm vui cho họ [xin xem 2 Nê Phi 2:25]. Hãy cảnh giác chúng rằng chúng sẽ gặp những người lựa ra các giáo lệnh nào mà họ sẽ giữ và bác bỏ các giáo lệnh khác mà họ chọn để vi phạm. Tôi gọi điều này là vâng lời một cách tùy thích. Lối thực hành này của việc tùy ý lựa chọn giáo lệnh nào để tuân theo sẽ không hữu hiệu. Nó sẽ đưa đến cảnh khổ sở. Để chuẩn bị gặp Thượng Đế, một người phải tuân giữ tất cả mọi giáo lệnh của Ngài. Để vâng lời các giáo lệnh thì cần phải có đức tin và việc tuân giữ các giáo lệnh của Ngài sẽ củng cố đức tin đó. (“Đối Phó với Tương Lai bằng Đức Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 34)
Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy bị quá tải khi cố gắng tuân giữ chính xác tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế. Để giúp chúng ta hiểu được làm thế nào mà Đấng Cứu Rỗi có thể gia tăng khả năng vâng lời của chúng ta, Anh Cả Bednar đã dạy:
Thưa các anh chị em, điều tối quan trọng đối với tất cả chúng ta là phải nhớ rằng việc tiến tới các mức độ vâng lời cao hơn và đòi hỏi nhiều hơn về mặt thuộc linh không chỉ đơn giản là vấn đề có quyết tâm cá nhân hơn, gan dạ hơn và ý chí hơn; đúng ra là, nó được thực hiện nhờ quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (“In a State of Happiness (Mormon 7:7)” [buổi họp đặc biệt tại trường Brigham Young University–Idaho, ngày 6 tháng Một năm 2004], byui.edu)