Đứa Con và Môn Đồ
Chúa tin cậy các môn đồ trung thành của Ngài. Ngài gửi những người đã được sẵn sàng đến với các tôi tớ đã chuẩn bị của Ngài.
Tất cả chúng ta với giao ước báp têm đã hứa mang phúc âm đến cho những người khác.1 Đôi khi, việc sợ bị bác bỏ hay làm phật lòng dường như đối với chúng ta là một chướng ngại không thể nào vượt qua được. Tuy nhiên một số tín hữu đã dễ dàng vượt qua chướng ngại đó. Tôi đã quan sát họ kỹ trong những cuộc hành trình của mình. Bây giờ tôi còn có thể hình dung ra một số tín hữu đó.
Ngày thứ Bảy là ngày chợ búa trên khắp thế giới. Tại miền quê Ghana, ở Ecuador, và trên những Hải Đảo Phi Luật Tân, vô số người mang sản phẩm nông trại và những món đồ thủ công của họ ra thị xã bán. Họ nói chuyện với những người mà họ gặp trên đường. Và họ chuyện trò với những người ở gần họ trong khi họ chờ ai đó đến mua đồ. Phần nhiều cuộc nói chuyện là về những phấn đấu trong cuộc sống, về việc vượt qua cảnh nghèo nàn và đôi khi về điều hiểm nguy.
Trong số những người đang trên đường đi và ở bên trong chợ là các Thánh Hữu Ngày Sau. Phần nhiều cuộc nói chuyện của họ với những người họ gặp thì cũng giống như điều mà các anh chị em nghe bất cứ nơi đâu trên thế giới: “Ông/bà ở đâu tới vậy?” “Đó là con trai của ông/bà đi với ông/bà à?” “Ông/bà có bao nhiêu đứa con?” Nhưng sẽ có một sự khác biệt nơi các Thánh Hữu Ngày Sau. Điều đó có thể thấy rõ trong dáng mạo của họ cũng như trong lời nói của họ. Họ lắng nghe kỹ với vẻ thành thật của một người quan tâm đến những câu trả lời cho các thắc mắc và quan tâm đến người khác.
Nếu cuộc chuyện trò kéo dài hơn một vài phút, thì nó sẽ chuyển hướng đến những điều mà quan trọng sâu xa đối với cả hai người. Họ nói về những gì mà họ tin tưởng mang đến hạnh phúc và những gì mang đến sự buồn phiền. Và cuộc nói chuyện sẽ chuyển hướng đến những hy vọng cho cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Người Thánh Hữu Ngày Sau thường trầm tĩnh nói về hy vọng. Không phải lúc nào cũng thế, nhưng đôi khi, người Thánh Hữu Ngày Sau được hỏi rằng: “Tại sao ông/bà có được nhiều sự bình an như thế?” “Làm thế nào ông/bà biết được những điều này mà ông/bà nói là ông/bà biết?”
Và rồi sẽ có một câu trả lời hòa nhã. Có lẽ nó sẽ là về Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến cùng người thiếu niên, Joseph Smith. Nó có thể là về giáo vụ đầy nhân từ của Đấng Cứu Rỗi phục sinh, như đã được mô tả trong Sách Mặc Môn, cho những người thường mà có đức tin nơi Ngài và yêu mến Ngài như chúng ta.
Nếu các anh chị em có thể nghe được một cuộc nói chuyện như thế, thảo luận về những sự việc thuộc linh, trong chợ hay trên đường phố, thì các anh chị em có thể hỏi: “Làm thế nào tôi có thể làm điều đó? Làm thế nào tôi có thể trở nên khá hơn trong việc chia sẻ đức tin của mình với những người mà chưa cảm nhận được điều mà tôi cảm nhận?” Đó là câu hỏi cho mỗi người chúng ta là các tín hữu. Câu hỏi đó cũng nằm trong ý nghĩ của mỗi vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh trong Giáo Hội là những người mà giờ đây có nhiệm vụ lãnh đạo công việc truyền giáo giữa dân mình. Câu trả lời cho câu hỏi đó là lý do chính cho sự gia tăng số người muốn tìm hiểu phúc âm.
Tôi đã nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và thành tâm về một số người là những nhân chứng trung tín và hữu hiệu một cách kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài. Cuộc sống của họ thì đầy soi dẫn. Một người khiêm nhường đã được kêu gọi làm chủ tịch một chi nhánh nhỏ. Có rất ít tín hữu nên ông không thấy cách thức để chi nhánh có thể hoạt động. Ông đi vào rừng cây để cầu nguyện. Ông cầu vấn Thượng Đế là ông cần phải làm gì. Câu trả lời được ban cho. Ông và một ít tín hữu bắt đầu mời bạn hữu cùng đến tham gia với họ. Trong một năm, hằng trăm người đã chịu phép báp têm và trở thành những người đồng quốc trong Giáo Hội của Chúa.
Tôi biết có một người hành trình hầu như mỗi tuần vì công việc làm của mình. Mỗi ngày đều có thể có những người truyền giáo ở nơi nào đó trên thế gian giảng dạy một người nào đó mà ông gặp. Có một người khác dường như không nản lòng bởi số người mà ông phải nói chuyện về phúc âm trước khi bất cứ ai trong số người này muốn được những người truyền giáo giảng dạy. Ông không quan tâm đến bao nhiêu lần ông đã bị khước từ mà chỉ quan tâm đến hạnh phúc của cuộc sống đã thay đổi của người khác.
Không có một mẫu mực riêng trong điều mà họ làm. Không có một kỹ thuật chung. Một số tín hữu luôn luôn mang theo quyển Sách Mặc Môn để phân phát. Những người khác định ngày để tìm ra một người nào đó cho những người truyền giáo giảng dạy. Một số người khác nữa thì lại tìm ra những câu hỏi mà khiến cho những người khác suy nghĩ về những gì quan trọng nhất trong cuộc sống của một người. Mỗi người này đã cầu nguyện để biết điều gì phải làm. Họ dường như nhận được câu trả lời khác nhau, đặc biệt thích hợp với họ và với những người mà họ gặp.
Nhưng về một phương diện, thì họ đều giống nhau. Đó là điều này: họ có một cách thức chung để hiểu biết họ là ai. Họ có thể làm những gì mà họ được soi dẫn để làm nhờ vào sự hiểu biết họ là ai. Để làm được những gì mình phải làm, chúng ta sẽ phải trở thành giống như họ ít nhất là trong hai cách. Trước hết, họ thấy rằng họ là con cái yêu dấu của Cha Thiên Thượng nhân từ. Nhờ vào điều đó, họ tìm đến Ngài một cách dễ dàng và thường là trong lời cầu nguyện. Họ trông mong nhận được sự hướng dẫn riêng của Ngài. Họ vâng lời trong sự hiền lành và khiêm nhường, với tư cách là con cái của một người cha hay mẹ toàn hảo. Ngài ở gần bên họ.
Thứ nhì, họ là các môn đồ có lòng biết ơn của Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh. Họ tự biết rằng Sự Chuộc Tội là có thật và cần thiết cho tất cả mọi người. Họ cảm thấy được tẩy sạch qua phép báp têm bởi những người có thẩm quyền và sự tiếp nhận Đức Thánh Linh cho chính họ. Và nhờ vào sự bình an mà họ đã trải qua, họ giống như các con trai của Mô Si A, “… mong muốn rằng sự cứu chuộc phải được rao truyền cho mọi sinh linh, vì họ không thể chịu đựng được khi nghe có người nào bị hủy diệt; phải, dù chỉ có ý nghĩ một linh hồn nào đó sẽ phải chịu cực hình bất tận cũng đủ làm cho họ run rẩy và kinh sợ.”2
Những người mà nói dễ dàng và thường xuyên về phúc âm phục hồi thì quý trọng ý nghĩa của phúc âm đối với họ. Họ thường nghĩ về phước lành lớn lao đó. Đó là sự ghi nhớ về ân tứ họ đã nhận được mà làm cho họ thiết tha muốn cho những người khác cũng nhận được. Họ cảm nhận tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Đối với họ, những lời này là thực tại hằng ngày, hằng giờ của họ:
“Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương. “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước.”3
Ngay cả khi cảm nhận được tình yêu thương đó, người môn đồ chân chính đôi khi cũng cảm thấy lo âu. Sứ Đồ Giăng đã nói rõ ràng về điều đó: sẽ không còn sợ hãi nữa khi chúng ta được trọn vẹn trong sự yêu thương. Chúng ta có thể cầu nguyện để có được ân tứ đó của tình yêu thương trọn vẹn. Chúng ta có thể cầu nguyện với sự tin tưởng rằng chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta và cho tất cả những người mà chúng ta gặp. Ngài yêu thương chúng ta và những người này nhiều đến nỗi trả giá tất cả tội lỗi của chúng ta. Đó là một điều để tin tưởng rằng Ngài đã làm điều đó. Việc có được sự thay đổi trong lòng mình để luôn luôn cảm nhận điều đó là một điều gì quan trọng hơn nhiều. Lệnh truyền phải cầu nguyện để cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi cũng là một lời hứa. Hãy nghe lời sau đây:
“Vậy nên, hỡi các anh em thân mến, nếu không có lòng bác ái, thì các anh em chẳng ra gì cả, vì lòng bác ái không bao giờ hư mất. Vậy nên, hãy gắn bó với lòng bác ái, nó là một điều vĩ đại nhất trong mọi điều, vì tất cả mọi điều sẽ tàn lụi—
“Nhưng lòng bác ái là tình thương yêu thuần túy của Đấng Ky Tô, và nó bền bỉ mãi mãi; và vào ngày sau cùng ai được tìm thấy rằng có được nó thì sẽ được mọi điều tốt lành.
“Vậy nên, hỡi các anh em yêu mến, các anh em hãy cầu nguyện Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các anh em được tràn đầy tình thương này mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam tử của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các anh em có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết như Ngài lúc nào cũng thanh khiết vậy.”4
Chúa tin cậy các môn đồ trung thành của Ngài. Ngài gửi những người đã được sẵn sàng đến với các tôi tớ đã chuẩn bị của Ngài. Các anh chị em đã từng có kinh nghiệm, cũng như tôi đã có, gặp những người mà các anh chị em chắc chắn rằng cuộc gặp gỡ không thể nào là do tình cờ.
Tôi có một người bạn mà cầu nguyện mỗi ngày để gặp được một người nào đó đã sẵn sàng để tiếp nhận phúc âm. Anh ấy mang theo mình một quyển Sách Mặc Môn. Cái đêm trước khi anh thực hiện một chuyến đi ngắn, anh quyết định không mang theo quyển sách đó nhưng thay vì thế lại mang theo một thứ gọi là “tấm thẻ chuyền tay.” Nhưng vào buổi sáng đó, một ấn tượng thuộc linh đến với anh: “Hãy mang theo Sách Mặc Môn.” Anh bỏ một quyển sách vào túi xách của mình. Một người phụ nữ mà anh quen biết ngồi cạnh anh trên máy bay và anh tự hỏi: “Có phải là người này chăng?” Người phụ nữ này lại cũng có mặt trong chuyến bay trở về của anh. Lập tức, anh nghĩ: “Tôi đem chuyện phúc âm ra nói như thế nào đây?”
Thay vì thế, người phụ nữ này nói với anh: “Ông đóng tiền thập phân cho Giáo Hội anh, phải không?” Anh nói rằng anh đã làm thế. Người phụ nữ này nói rằng đáng lẽ bà phải đóng tiền thập phân cho giáo hội của mình nhưng bà đã không làm. Và rồi bà nói: “Sách Mặc Môn nói về điều gì thế?” Anh giải thích rằng đó là thánh thư, một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, được Tiên Tri Joseph Smith phiên dịch. Người phụ nữ này dường như thích thú. Vậy nên, anh thò tay vào túi xách mình và nói: “Tôi có ấn tượng phải mang theo quyển sách này với mình. Tôi nghĩ rằng sách này dành cho bà đấy.”
Người phụ nữ bắt đầu đọc sách. Khi họ chia tay nhau, người phụ nữ nói: “Ông và tôi sẽ có thêm nhiều cuộc chuyện trò về điều này.” Điều mà bạn tôi không thể biết, nhưng Thượng Đế biết, là người phụ nữ ấy đang tìm kiếm một giáo hội. Thượng Đế biết rằng bà đã theo dõi bạn tôi và muốn biết điều gì về giáo hội anh mà đã làm cho anh hạnh phúc. Thượng Đế biết bà sẽ hỏi về Sách Mặc Môn và Ngài biết bà sẽ sẵn lòng để cho những người truyền giáo giảng dạy. Bà đã sẵn sàng. Và bạn tôi cũng thế. Và các anh chị em và tôi cũng có thể được thế.
Sự xứng đáng và ước muốn của các anh chị em sẽ sáng rực trên gương mặt và ánh mắt của các anh chị em. Các anh chị em sẽ phấn khởi về Giáo Hội của Chúa và công việc của Ngài và điều đó sẽ biểu lộ cho thấy. Các anh chị em sẽ là môn đồ của Ngài 24 giờ một ngày trong mọi tình huống. Các anh chị em sẽ không cần xây đắp sự can đảm của mình trong một cơ hội lớn lao để nói chuyện với một người nào đó và rồi sẽ không bao giờ phải làm lại điều đó. Sự kiện mà đa số người ta không quan tâm đến phúc âm phục hồi sẽ chẳng có ảnh hưởng đến điều mà các anh chị em làm hay nói. Nói lên những gì mà các anh chị em tin tưởng sẽ là một phần của việc các anh chị em là ai.
Cha tôi thì cũng như thế. Ông là một nhà khoa học. Ông diễn thuyết trước các khán giả trong những quốc gia trên khắp thế giới. Có một lần tôi đọc một bài diễn thuyết ông đưa ra tại một đại hội của các nhà khoa học. Trong bài đó, ông đã nhắc đến sự sáng tạo và một Đấng Sáng Tạo khi ông nói về khoa học của mình. Tôi biết rằng rất ít người, nếu có chăng, trong số các khán giả ấy có cùng tín ngưỡng với ông. Vậy nên, tôi nói với ông trong sự ngạc nhiên và khâm phục: “Thưa Cha, Cha đã chia sẻ chứng ngôn của mình.” Ông nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên trên mặt và nói: “Vậy sao?”
Ông còn không biết rằng ông đã gan dạ. Ông chỉ nói lên những điều ông biết là có thật. Khi ông chia sẻ chứng ngôn ngay cả những người khước từ điều đó cũng biết rằng điều đó không phải là một phần của kế hoạch mà bởi vì điều đó là một phần của con người ông. Ông luôn luôn hành động như thế bất luận ông ở đâu.
Đó là đặc điểm của mỗi người bạo dạn và hữu hiệu trong việc chia sẻ phúc âm. Họ thấy mình là con cái của Cha Trên Trời đầy lòng nhân từ và hằng sống. Và họ thấy mình là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ không cần có nỗ lực đặc biệt để cầu nguyện. Họ làm điều ấy một cách tự nhiên. Không có một nỗ lực đặc biệt nào để tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi. Tình yêu thương của Ngài đối với họ và tình yêu thương của họ đối với Ngài thì luôn ở với họ. Đó là con người của họ và cách mà họ tự thấy mình và thấy những người chung quanh họ.
Giờ đây điều đó đối với chúng ta có thể dường như đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng nó sẽ đến. Sự thay đổi đó nơi cá nhân các tín hữu đang xảy ra trong khắp Giáo Hội tại mọi quốc gia. Đây là thời kỳ lớn lao đã được các tiên tri biết trước kể từ thời Tạo Dựng. Phúc âm phục hồi sẽ đi đến mọi quốc gia. Đấng Cứu Rỗi phán những lời này cùng Tiên Tri Joseph Smith:
“… Ta đã phái thiên sứ của ta bay giữa trời, có mang theo phúc âm vĩnh cửu, và đã từng xuất hiện cho một số người thấy, và trao phúc âm ấy cho loài người, và sẽ xuất hiện cho nhiều người cư ngụ trên thế gian này thấy.
“Và phúc âm sẽ được thuyết giảng cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc.”5
Bất cứ cảnh hỗn loạn nào xảy ra, chúng ta cũng có thể biết rằng Thượng Đế sẽ quy định những giới hạn để làm tròn những lời hứa của Ngài. Chính Ngài, chứ không phải là loài người, có sự kiểm soát tối thượng các quốc gia và các sự kiện ngõ hầu các mục đích của Ngài được làm tròn. Ở giữa mọi dân tộc và mọi quốc gia, sẽ có những người gia nhập Giáo Hội và phục vụ với niềm tin tuyệt đối rằng họ là con cái của Thượng Đế và trở thành các môn đồ đã được thanh tẩy của Đấng Ky Tô phục sinh trong Giáo Hội của Ngài.
Cách đây mấy năm, tôi đã nói chuyện cùng những người truyền giáo trong trung tâm huấn luyện ở Nhật. Tôi đã hứa với họ rằng một sự thay đổi lớn lao sẽ đến với quốc gia đó. Tôi nói rằng sẽ có một sự gia tăng lớn con số các tín hữu thiết tha chuyện trò với những người mà họ gặp về chứng ngôn của họ về phúc âm phục hồi. Ý nghĩ của tôi lúc bấy giờ là sự can đảm để thốt ra sẽ đến từ sự khâm phục gia tăng đối với Giáo Hội trong đất nước đó. Giờ đây, tôi biết rằng phép lạ lớn lao, một sự thay đổi lớn lao, sẽ đến với tâm hồn của các tín hữu, chứ không phải nơi thế giới chung quanh họ.
Họ và các tín hữu trên khắp thế giới sẽ yêu thương, lắng nghe, nói và làm chứng về sự thay đổi của tấm lòng. Các vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh sẽ lãnh đạo họ bằng cách nêu gương. Kết quả thu hoạch con số tín hữu sẽ lớn và họ sẽ được an toàn trong tay Chúa.6
Để được là một phần của phép lạ đó, các anh chị em không được chờ đợi cho đến khi các anh chị em cảm thấy gần gũi với Cha Thiên Thượng hoặc cho đến khi các anh chị em chắc chắn rằng các anh chị em đã được thanh tẩy nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cầu nguyện để có được cơ hội gặp gỡ những người mà cảm thấy rằng có thể có một điều gì đó tốt lành hơn trong cuộc sống của họ. Hãy cầu nguyện để biết mình phải làm gì để giúp họ. Những lời cầu nguyện của các anh chị em sẽ được đáp ứng. Các anh chị em sẽ gặp gỡ những người đã được Chúa chuẩn bị sẵn. Các anh chị em sẽ tự mình cảm thấy và nói những điều vượt quá kinh nghiệm trước kia của mình. Và rồi sẽ đến lúc mà các anh chị em tự mình cảm thấy đến gần Cha Thiên Thượng hơn và các anh chị em sẽ cảm thấy được sự thanh tẩy và tha thứ mà Đấng Cứu Rỗi hứa ban cho các nhân chứng trung tín của Ngài. Và các anh chị em sẽ cảm thấy được sự chấp thuận của Ngài, biết rằng các anh chị em đã làm những gì mà Ngài đòi hỏi nơi các anh chị em, bởi vì Ngài yêu thương và tin tưởng các anh chị em.
Tôi biết ơn được sống trong thời kỳ như vậy. Tôi biết ơn đã biết được rằng các anh chị em và tôi là con cái yêu dấu của Cha Thiên Thượng đầy vinh quang. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của tôi và của các anh chị em, và Đấng Cứu Rỗi của tất cả những người mà chúng ta sẽ gặp gỡ. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith. Các chìa khóa của chức tư tế đã được phục hồi và sự quy tụ cuối cùng, vĩ đại đã bắt đầu. Tôi biết đó là sự thật.
Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.