2003
Quyền Năng Tuyệt Diệu của Sự Cầu Nguyện
Tháng Năm năm 2003


Quyền Năng Tuyệt Diệu của Sự Cầu Nguyện

Chúng ta nên cầu nguyện theo ý muốn của Cha Thiên Thượng. Ngài muốn thử thách chúng ta, củng cố chúng ta, và giúp chúng ta đạt được tiềm năng trọn vẹn của mình.

Trong thời đại này của các máy điện toán, máy điện thoại, và máy bíp cầm tay, con người có thể liên lạc với nhau hiệu quả hơn bao giờ hết. Tuy thế, sự thông tin tốt lại thường thiếu sót. Mới vừa đây, trong khi đang đến thăm một viện điều dưỡng, tôi đã nói chuyện với một người đàn bà về gia đình của bà. Bà kể cho tôi biết rằng bà có ba đứa con trai, và hai trong số ba đứa con này đến thăm bà thường xuyên.

Tôi hỏi: “Vậy còn đứa con thứ ba thì sao?”

Bà khóc mà đáp rằng: “Tôi không biết nó ở đâu. Nhiều năm rồi, tôi không nghe tin tức gì của nó hết. Tôi còn không biết tôi có được bao nhiêu đứa cháu nữa.”

Tại Sao Chúng Ta Cầu Nguyện

Nếu một người mẹ như thế mà còn mong mỏi được nghe tin tức của những đứa con trai của mình, thì là điều dễ để thấy lý do tại sao một Cha trên Trời đầy nhân từ lại muốn nghe tin tức về con cái của Ngài.1 Qua sự cầu nguyện, chúng ta có thể cho thấy tình yêu mến của mình đối với Thượng Đế. Và Ngài đã làm điều này dễ dàng cho chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện lên Ngài bất cứ lúc nào. Chúng ta không cần có dụng cụ đặc biệt. Chúng ta cũng không cần nạp pin hay trả một lệ phí dịch vụ hằng tháng.

Một số người chỉ cầu nguyện khi họ đương đầu với các vấn đề cá nhân. Một số người khác không bao giờ cầu nguyện. Một đoạn thánh thư đã đưa ra sự nhận xét này: “Các người không nhớ đến Đấng Thượng Đế của các người về những gì Ngài đã ban cho các người, mà các người chỉ luôn luôn nhớ đến của cải của mình. Các người không biết cám ơn Đấng Thượng Đế của các người đã ban cho các người những thứ ấy.”2

Đã từ lâu, các tiên tri bảo chúng ta phải cầu nguyện một cách chân thành và thường xuyên.3

Cách Thức Cầu Nguyện

Chúa Giê Su đã dạy chúng ta cách thức cầu nguyện.4 Chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng của mình,5 trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, 6 bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.7 Đây là “thủ tục cầu nguyện đúng đắn,”8 trái với những “lời lặp lại vô ích”9 hay những lời kể lể để “cho thiên hạ đều thấy.”10

Chúa Giê Su đã mặc khải rằng chúng ta cầu nguyện lên một Đức Chúa Cha thông sáng là Đấng biết những thứ gì chúng ta cần, trước khi chúng ta cầu xin Ngài.11

Mặc Môn đã dạy con trai mình, là Mô Rô Ni, rằng chúng ta nên cầu nguyện “với tất cả mãnh lực của lòng mình.”12 Nê Phi đã kêu lên: “Tôi cầu nguyện cho [dân tôi] không ngừng vào lúc ban ngày, và ban đêm thì nước mắt tôi đẫm ướt gối cũng vì họ,. và tôi chân thành khẩn cầu Thượng Đế của tôi, và tôi biết rằng Ngài sẽ nhậm lời cầu khẩn của tôi.”13

Quyền năng tuyệt diệu của sự cầu nguyện có thể được củng cố thêm bằng việc nhịn ăn, thỉnh thoảng, khi thích hợp, cho một nhu cầu đặc biệt.14

Những lời cầu nguyện còn có thể được dâng lên trong âm thầm. Một người có thể nghĩ về những lời cầu nguyện, nhất là khi những lời nói sẽ gây ra trở ngại.15 Chúng ta thường quỳ xuống để cầu nguyện; chúng ta có thể đứng hay ngồi.16 Vị thế thì không quan trọng bằng sự tuân phục thuộc linh đối với Thượng Đế.

Chúng ta kết thúc lời cầu nguyện của mình “trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.”17 Khi chúng ta nghe một người khác cầu nguyện, chúng ta nói lớn để thêm vào chữ “A Men” của mình, có nghĩa là “Đây cũng là lời cầu nguyện của tôi.”18

Khi Nào Nên Cầu Nguyện

Khi nào chúng ta nên cầu nguyện? Chúa đã phán: “Hãy siêng năng tìm tòi. Hãy tin tưởng và cầu nguyện luôn luôn, rồi mọi việc sẽ tiến hành có lợi cho các ngươi.”19

An Ma đã nói: “Hãy cầu vấn Chúa trong mọi việc làm của mình. Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện; phải, khi đêm đến, con nằm xuống nghỉ ngơi, hãy nghỉ ngơi trong Chúa để Ngài chăm sóc giấc ngủ cho con. Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế.”20

Chúng ta cầu nguyện riêng, thường xuyên với gia đình mình, tại bữa ăn, và trong các sinh hoạt hằng ngày. Nói tóm lại một cách giản dị, chúng ta là dân biết cầu nguyện.

Kinh Nghiệm Cá Nhân với Sự Cầu Nguyện

Nhiều người trong chúng ta đã có các kinh nghiệm với quyền năng tuyệt diệu của sự cầu nguyện. Một kinh nghiệm của tôi đã được chia sẻ với một vị tộc trưởng giáo khu từ miền nam Utah. Lần đầu tôi gặp ông trong văn phòng y khoa của tôi cách đây hơn 40 năm, trong thời kỳ phôi thai của công việc giải phẫu tim. Người thánh thiện này đã gặp nhiều đau đớn vì quả tim suy yếu. Ông đã nài xin được giúp đỡ, nghĩ rằng tình trạng của ông là do một van tim bị hư nhưng có thể sửa lại được.

Nhiều sự định lượng cho thấy rằng ông đã có hai van tim không tốt. Mặc dù một van tim có thể sửa được bằng giải phẫu, nhưng van tim kia thì không thể sửa lại được. Do đó, một cuộc giải phẫu đã không được đề nghị. Ông tiếp nhận tin này với nỗi thất vọng lớn.

Những lần đi khám tiếp theo sau đó kết thúc với cùng một lời khuyên đó. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng, ông đã nói cùng tôi với sự xúc động lớn: “Thưa Bác Sĩ Nelson, tôi đã cầu nguyện cho sự giúp đỡ và tôi được dẫn dắt đến bác sĩ. Chúa sẽ không mặc khải cho tôi cách thức sửa lại van tim thứ hai đó, nhưng Ngài có thể mặc khải điều đó cho bác sĩ. Tâm trí của bác sĩ đã được chuẩn bị kỹ rồi. Nếu bác sĩ chịu thực hiện cuộc giải phẫu này, Chúa sẽ biểu lộ cho bác sĩ biết những gì bác sĩ nên làm. Xin làm ơn thực hiện cuộc giải phẫu mà tôi cần, và cầu nguyện cho sự giúp đỡ mà bác sĩ cần.”21

Đức tin lớn lao của ông đã tác động sâu xa nơi tôi. Làm thế nào tôi có thể khước từ ông? Tiếp theo một lời cầu nguyện tha thiết chung, tôi đã đồng ý thử làm. Trong khi chuẩn bị cho ngày định mệnh đó, tôi đã nhiều lần cầu nguyện, nhưng tôi vẫn không biết tôi nên làm gì để sửa lại mảnh van tim bị hở của ông. Ngay cả khi cuộc giải phẫu bắt đầu,22 người phụ tá của tôi hỏi: “Bác sĩ sẽ làm gì cho vấn đề đó?”

Tôi nói: “Tôi không biết.”

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc giải phẫu. Sau khi giải tỏa phần tắc nghẽn của van tim thứ nhất xong,23 chúng tôi đã phơi bày ra van tim thứ hai. Chúng tôi thấy rằng nó còn nguyên vẹn, nhưng nó đã nở rộng đến nỗi nó không thể thi hành chức năng của nó được. Trong khi tôi đang xem xét van tim này, thì một lời nói đã gây ấn tượng rõ ràng vào tâm trí tôi: Hãy giảm bớt chu vi của vòng tim. Tôi lặp lại lời nói đó cho người phụ tá của mình: “Mô của van tim sẽ đủ nếu chúng ta có thể giảm bớt một cách hiệu quả đường vòng tim cho nó trở lại kích thước bình thường của nó.”

Nhưng làm sao được? Chúng tôi không thể áp dụng một dây nịt, thể như một người thường sử dụng để thắt lưng quần quá khổ. Chúng tôi không thể nén chặt nó với sợi dây da thể như một người thường thắng đai ngựa. Rồi thì một hình ảnh sống động đã đến cùng tâm trí tôi, chỉ cho tôi biết có thể khâu van tim như thế nào—một vết khâu ở đây, một cái nếp gấp nơi kia—để hoàn thành mục đích mong muốn. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đó trong tâm trí—đầy đủ với những đường ẩn hiện nơi mà mũi khâu phải được thực hiện. Sự sửa chữa được hoàn tất như đã được phác họa trong tâm trí tôi. Chúng tôi đã thử cái van tim và thấy rằng chỗ hở đã được làm nhỏ lại một cách đáng kể. Người phụ tá của tôi đã nói: “Đây là một phép lạ.”

Tôi đã trả lời: “Đây là sự đáp ứng cho một lời cầu nguyện.”

Sự bình phục của bệnh nhân thật nhanh chóng và tình trạng của ông đã khả quan nhiều. Không những ông đã được giúp đỡ một cách kỳ diệu, mà những người khác nếu có vấn đề tương tự cũng có thể được giúp đỡ giải phẫu như thế. Tôi không có công cán gì. Sự ngợi khen phải thuộc về vị tộc trưởng trung tín này và Thượng Đế, là Đấng đã đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng tôi. Người trung tín này đã sống nhiều năm nữa, và rồi qua đời.

Cầu Vấn Chúa

Khi cầu nguyện, chúng ta không nên mạo muội mà khuyên bảo Chúa, mà phải cầu vấn Ngài,24 và lắng nghe lời khuyên dạy của Ngài.25 Lời cầu nguyện đầu tiên của Joseph Smith đã khai mở Sự Phục Hồi của phúc âm.26 Vào năm 1833, ông đã nhận được Lời Thông Sáng sau khi ông cầu xin Chúa ban cho lời khuyên dạy.27 Điều mặc khải về chức tư tế do Chủ Tịch Spencer W. Kimball nhận được vào năm 1978 đã đến sau lời thiết tha cầu vấn.28 Sự soi dẫn về việc xây cất các đền thờ nhỏ hơn đã đến sau sự suy ngẫm của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.29

Sự Đáp Ứng cho Lời Cầu Nguyện

Không phải tất cả mọi lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng như chúng ta có thể mong muốn. Thỉnh thoảng câu trả lời sẽ là không được. Chúng ta không nên ngạc nhiên. Các cha mẹ trên trần thế không chấp nhận mọi lời yêu cầu của con cái họ.30

Mới đây, tại một buổi họp tối gia đình với các con và các cháu, những đứa cháu của chúng tôi đã có một thời gian đầy vui thú. Một đứa cháu trai sáu tuổi đã rất bực dọc khi cha của nó nói rằng đã đến giờ phải đi về. Đứa bé trai yêu dấu này đã làm gì? Nó đến cùng tôi và nói: “Thưa ông nội, cháu xin phép ông để không vâng lời cha của cháu nhé?”

Tôi đã nói: “Không được, cháu cưng. Một trong các bài học quan trọng nhất của đời sống này là học biết rằng hạnh phúc có được qua sự vâng lời.31 Hãy đi về với gia đình cháu, rồi cháu sẽ được vui sướng.” Mặc dù thất vọng, nhưng nó đã nghiêm chỉnh vâng lời.

Chúng ta nên cầu nguyện theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.32 Ngài muốn thử thách chúng ta, củng cố chúng ta, và giúp chúng ta đạt được tiềm năng trọn vẹn của mình. Khi Tiên Tri Joseph Smith bị giam cầm trong Ngục Thất Liberty, ông đã nài xin được cứu giúp. Lời cầu nguyện của ông đã được đáp ứng với một lời giải thích: “Tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và vì sự lợi ích cho ngươi.”33

Bài Ca Cầu Nguyện

Tôi đã cảm thấy có ấn tượng để kết thúc sứ điệp này về sự cầu nguyện với một lời cầu nguyện—được trình bày với một bài thánh ca. Chúa đã phán rằng: “bài ca của người ngay chính là lời nguyện cầu dâng lên ta.”34 Phần nhạc được trích dẫn từ sách Thánh Ca của chúng ta,35 và tôi đã viết lời mới cho bài ca đó. Với lời cám ơn Craig Jessop, Mack Wilberg, và những người bạn thân khác trong Đại Ca Đoàn Tabernacle, chúng ta có thể nghe bài ca cầu nguyện đó. Xin mời Anh Jessop: [Đại Ca Đoàn Tabernacle ca bài “Lời Cầu Nguyện của Chúng Con Dâng Lên Ngài”].

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Nhiều câu thánh thư nói đến những người “chậm chạp trong việc tưởng nhớ tới Chúa” (xin xem Mô Si A 9:3; 13:29; Hê La Man 12:5).

  2. Hê La Man 13:22.

  3. Để có thêm ví dụ, xin xem Giê Rê Mi 29:11–13; Giô Ên 2:32; Phi Líp 4:6; 1 Nê Phi 15:8–11; An Ma 37:37.

  4. Khi Ngài đã thực hiện xong Sự Chuộc Tội, Ngài đã duy trì sự giao tiếp bằng lời cầu nguyện với Đức Chúa Cha của Ngài, trong Vườn Ghết Sê Ma Nê (xin xem Lu Ca 22:39–44), lẫn trên thập tự giá tại Cái Sọ (xin xem Lu Ca 23:33–34, 46).

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 6:9; Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:10; Lu Ca 11:2; 3 Nê Phi 13:9.

  6. Xin xem Gia Cốp 4:4–5; 3 Nê Phi 20:31; 27:9; Môi Se 5:8.

  7. Xin xem Mô Rô Ni 6:9; 10:4–5.

  8. Bruce R. McConkie, A New Witness for the Articles of Faith (1985), 380.

  9. Ma Thi Ơ 6:7.

  10. Ma Thi Ơ 6:5.

  11. Xin xem Ma Thi Ơ 6:8.

  12. Mô Rô Ni 7:48.

  13. 2 Nê Phi 33:3; xin xem thêm Gia Cốp 3:1; An Ma 31:38; GLGƯ 37:2.

  14. Xin xem Ma Thi Ơ 17:21; Mác 9:29; 1 Cô Rinh Tô 7:5; Mô Si A 27:22–23; An Ma 5:46; 3 Nê Phi 27:1; GLGƯ 88:76.

  15. Một trong các bài thánh ca của chúng ta kể lại rằng “Lời cầu nguyện là ước muốn chân thành của tâm hồn, / Dù được thốt ra bằng lời hay âm thầm, / … Ánh mắt hướng nhìn lên / Khi chỉ có Thượng Đế là gần gũi” (Hymns, 145).

  16. Dịp nào có thể được thích hợp.

  17. Để có lời chỉ dẫn hữu ích khác, xin xem Dallin H. Oaks, “The Language of Prayer,” Ensign, tháng Năm năm 1993, 15–18.

  18. Xin xem American Heritage Dictionary of the English Language, xuất bản lần thứ 4 (2000), 57: “A Men… . Được dùng vào lúc cuối lời cầu nguyện hay một lời nói bày tỏ sự đồng ý hay tán thành. [Middle English, từ tiếng Anh Xưa, từ Late Latin āmēn, từ Hy Lạp Greek, từ Hê Bơ Rơ ‘āmēn, chắc chắn, đích thực, từ ‘āman, được vững vàng.”]

  19. GLGƯ 90:24; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  20. An Ma 37:37; sự nhấn mạnh được thêm vào. Xin xem thêm Mô Si A 26:39; An Ma 26:22. Để so sánh lời giảng dạy từ Phao Lô, xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:17.

  21. Mặc dù những lời của ông không được trích dẫn từng chữ một, đây là phần trình bày chính xác về lời nói của ông.

  22. Cuộc giải phẫu này được thực hiện vào ngày 24 tháng Năm năm 1960.

  23. Ông đã bị chứng hẹp nơi van tim hai lá của mình, do sốt thấp khớp trước đó gây ra.

  24. Chúa đã phán: “Nếu ngươi cầu xin thì ngươi sẽ nhận được, từ điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, từ sự hiểu biết này đến sự hiểu biết nọ” (GLGƯ 42:61). Chẳng hạn, hãy tham khảo tiết 9 của Giáo Lý Giao Ước. Chúa đã giải thích rằng “ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi mới hỏi ta xem điều đó có đúng không. Nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm cang ngươi hừng hực trong ngươi, và như vậy là ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng. Còn điều đó không đúng, thì ngươi sẽ không có những cảm giác như vậy, mà ngươi sẽ cảm thấy tâm trí như tê dại” (các câu 8–9). Xin xem thêm Gia Cốp 4:10.

  25. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 15:26; Phục Truyền Luật Lệ Ký 13:17–18; 1 Sa Mu Ên 15:22; Giê Rê Mi 26:4–6; Ôm Ni 1:13; GLGƯ 41:1; 133:16.

  26. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20.

  27. Xin xem GLGƯ 89.

  28. Xin xem GLGƯ Tuyên Ngôn Chính Thức—2.

  29. Xin xem Church News, ngày 1 tháng Tám năm 1998, 3, 12; ngày 13 tháng Ba năm 1999, 9; ngày 4 tháng Ba năm 2000, 7; ngày 24 tháng Sáu năm 2000, 9.

  30. Ngay cả Vị Nam Tử của Thượng Đế còn phải chịu đựng một kinh nghiệm như thế: “Rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu Ca 22:42). Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử đều biết điều gì phải được thực hiện.

  31. Về sự tuân theo luật pháp thiêng liêng, xin xem Áp Ra Ham 3:25. Về sự tuân theo lời khuyên dạy khôn ngoan từ các bậc cha mẹ đầy lòng trìu mến, xin xem Ê Phê Sô 6:1; Cô Lô Se 3:20.

  32. Xin xem Hê La Man 10:4–5.

  33. GLGƯ 122:7.

  34. GLGƯ 25:12.

  35. Hymns, 337; nhạc do Joseph Parry soạn; giai điệu: SWANSEA.