2003
Nơi Thánh Thiện, Chốn Thiêng Liêng
Tháng Năm năm 2003


Nơi Thánh Thiện, Chốn Thiêng Liêng

Khả năng của chúng ta để tìm kiếm, chấp nhận, và tôn kính điều thánh thiện hơn là điều ô uế và điều thiêng liêng hơn là điều trần tục, định rõ nếp sống thuộc linh của chúng ta.

Để trả lời cho câu hỏi của Phi Lát: “Chính ngươi là Vua dân Giu Đa, phải chăng?” Đấng Cứu Rỗi đáp: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy” (Giăng 18:33, 36). Với mấy lời nói này, Chúa Giê Su đã tuyên phán rằng vương quốc của Ngài là độc lập và riêng biệt với thế gian này. Những điều giảng dạy, giáo lý , và tấm gương cá nhân của Đấng Cứu Rỗi đã nâng tất cả những người thực sự tin vào Ngài tới một tiêu chuẩn thiêng liêng mà đòi hỏi cả mắt cùng tâm trí chỉ biết hướng về vinh quang của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 4:5; 88:68). Vinh quang của Thượng Đế gồm có tất cả những gì thánh thiện và thiêng liêng. Khả năng của chúng ta để tìm kiếm, chấp nhận, và tôn kính điều thánh thiện hơn là điều ô uế và điều thiêng liêng hơn là điều trần tục, định rõ nếp sống thuộc linh của chúng ta. Quả thật, nếu không có điều thánh thiện và thiêng liêng, thì chúng ta chỉ có điều ô uế và trần tục.

Giữa những náo động của trần thế, mà chắc chắn là có nhiều bấp bênh của nó, thì cần phải có những nơi cung cấp sự trú ẩn, phục hồi, hy vọng, và bình an cho phần thuộc linh. Quả thật có những nơi như thế. Những nơi đó vừa thánh thiện lẫn thiêng liêng. Đó là những nơi mà chúng ta tìm được điều thiêng liêng và cảm nhận được Thánh Linh của Chúa.

Ba lần trong Giáo Lý và Giao Ước, Chúa khuyên dạy dân của Ngài phải “đứng trong những vùng đất thánh” (xin xem GLGƯ 45:32; 87:8; 101:22). Phạm vi của lời khuyên dạy của Ngài cũng quan trọng hơn khi chúng ta nhìn vào hiện trạng của thế giới chúng ta. Những bệnh tật đầy sức tàn phá, sự ngược đãi, và chiến tranh là những sự kiện rất quen thuộc đối với chúng ta và đã tác động mạnh vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Khi đương đầu với những vấn đề rắc rối như thế, Chúa phán rằng: “Này, ý ta muốn những người nào biết kêu cầu đến danh ta và thờ phượng ta đúng theo phúc âm vĩnh cửu của ta, thì sẽ được đứng trong những nơi thánh” (GLGƯ 101:22).

Những nơi thánh luôn là thiết yếu trong việc thờ phượng Thượng Đế một cách thích đáng. Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, những nơi thánh như thế gồm có các địa điểm với ý nghĩa có tính cách lịch sử, nhà ở của chúng ta, các buổi lễ Tiệc Thánh, và các đền thờ. Đa số những điều chúng ta tôn kính, và giảng dạy cho con cái của mình để biết tôn kính thì thánh thiện và thiêng liêng, được phản ảnh ở các nơi này. Đức tin và sự tôn kính kết hợp với những nơi này và sự kính trọng mà chúng ta có cho những điều đang hoặc đã được tiết lộ trong những nơi này làm cho chúng được thiêng liêng. Tầm quan trọng của các nơi thánh và các chốn thiêng liêng trong việc thờ phượng của chúng ta khó có thể nào được đánh giá quá cao.

Việc chuẩn bị kỹ càng cho bản thân là điều đòi hỏi nơi chúng ta để nhận được lợi ích thuộc linh trong những nơi thánh. Những nơi thánh và các chốn thiêng liêng cũng được phân biệt bởi sự hy sinh mà những nơi này đòi hỏi. Anh Cả M. Russell Ballard đã giảng dạy rằng “chữ hy sinh thực sự có nghĩa là ‘làm cho thiêng liêng’ hay là ‘dâng hiến’” (“The Law of Sacrifice,” Liahona, tháng Ba năm 2002, 13). những chữ thiêng liênghy sinh xuất phát từ cùng một nguồn gốc. Một người không thể có được điều thiêng liêng nếu trước tiên không có một sự hy sinh cho một thứ gì đó cho điều ấy. Sự thiêng liêng không thể có được nếu không có sự hy sinh cá nhân. Sự hy sinh thánh hóa những điều thiêng liêng.

Đối với nhiều người, khu rừng gần nông trại của gia đình Smith ở miền bắc Nữu Ước chỉ là xinh đẹp và yên tĩnh. Tuy nhiên, đối với Các Thánh Hửu Ngày Sau ở khắp nơi trên thế giới, đó là một nơi thiêng liêng nhờ vào đức tin và sự tôn kính mà chúng ta mang đến cho nó và mức sâu xa của sự hy sinh mà nó biểu trưng.

Cách đây mấy tháng, vào một ngày đẹp trời cuối thu, vợ tôi và tôi đã ngồi trong khu rừng đó. Nơi đó quả thật là một nơi xinh đẹp, và chúng tôi đã thưởng thức cảnh yên tĩnh vắng vẻ mà chúng tôi đã tìm thấy ở đó. Tuy nhiên, nơi đó còn có một ý nghĩa quan trọng hơn là cảnh yên tĩnh vắng vẻ, vì chúng tôi đã ngồi gần nơi mà Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith lúc còn trẻ. Đức tin của chúng ta, và sự tôn kính của chúng ta đối với cuộc viếng thăm của các Ngài và sự hy sinh cá nhân xảy ra sau đó nhờ vào điều này, trong cuộc sống của Vị Tiên Tri lẫn cuộc sống của tổ tiên của chúng ta, đã biến đổi nơi xinh đẹp này thành một chốn thánh và thiêng liêng.

Những cảm nghĩ sâu đậm và đầy sự kính trọng tương tự được khơi động bởi những nơi thiêng liêng khác trên thế giới mà có liên quan tới lịch sử và sự thiết lập của Giáo Hội này. Những nơi thiêng liêng này soi dẫn đức tin của chúng ta và cho chúng ta sự khuyến khích để sống trung thành với đức tin đó và tiến tới, dù cho những thử thách có thể xảy đến trong cuộc sống của chúng ta.

Nhà của chúng ta cũng là những nơi đầy chỗ thiêng liêng. Mặc dù không phải luôn luôn là một nơi yên tĩnh, nhà của chúng ta có thể được tràn đầy Thánh Linh của Chúa. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giảng dạy trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” rằng: “Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Các cuộc hôn nhân và các gia đình thành công được thiết lập và duy trì trên các nguyên tắc của đức tin, cầu nguyện, hối cải, tha thứ, kính trọng, yêu thương, thương xót, việc làm và những sinh hoạt giải trí lành mạnh” (Liahona, tháng Mười năm 1998, 24).

Có được một gia đình như vậy đòi hỏi sự hy sinh cá nhân. Chúa có phán cùng Tiên Tri Joseph Smith rằng: “Gia đình ngươi cần phải hối cải và từ bỏ một vài điều xấu” (GLGƯ 93:48). Mỗi gia đình của chúng ta có rất nhiều sinh hoạt và sự giải trí khác nhau, không phải tất cả đều được lành mạnh và tốt lành—và phần đông thì không thực sự cần thiết. Cũng giống như gia đình của Vị Tiên Tri, gia đình của chúng ta cũng cần hối cải và từ bỏ một số điều để giúp chúng ta duy trì tính chất thiêng liêng của gia đình chúng ta không? Sự thiết lập căn nhà của chúng ta thành những nơi thánh phản ảnh bề sâu của sự hy sinh mà chúng ta sẵn sàng làm cho gia đình của chúng ta.

Các buổi lễ Tiệc Thánh thực sự có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ những buổi họp. Các buổi lễ Tiệc Thánh là những giây phút thiêng liêng trong một chốn thánh. Trong các buổi lễ Tiệc Thánh hằng tuần này, chúng ta suy nghĩ tới hành động hy sinh đầy thương xót nhất mà thế gian đã từng được biết. Chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương của Thượng Đế, là Đấng đã ban cho Con Trai Độc Sanh của Ngài để chúng ta có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta tưởng nhớ tới Ngài và bày tỏ lòng tự nguyện mang danh Ngài và tuân giữ các giáo lịnh của Ngài. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho cá nhân, kể cả sự hy sinh tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối của mình, là một điều kiện tiên quyết cho sự sinh lại thường xuyên của phần thuộc linh được dâng lên qua sự tham dự xứng đáng. Chúng ta phải sẵn lòng và có khả năng để từ bỏ những sự việc thế gian chỉ trong một vài giây phút ngõ hầu có thể suy nghĩ tới những điều thiêng liêng hơn. Nếu không có sự sinh lại này của phần thuộc linh, thì đức tin của chúng ta dễ bị khắc phục bởi nhữg điều trần tục và ô uế.

Cách đây nhiều năm, khi các con trai của chúng tôi còn rất nhỏ, tôi có đưa ra một lời nhận xét tại bữa ăn tối về sự tuyệt hảo của buổi lễ Tiệc Thánh của chúng tôi và tôi đã học hỏi được biết bao nhiêu điều. Sự đáp ứng của chúng là cái nhìn mà như muốn nói với tôi rằng chúng không chắc là ngay cả chúng tôi đã tham dự trong cùng một buổi họp. Sự khác biệt giữa kinh nghiệm của tôi và các con trai của tôi chỉ là một trong số sự trưởng thành nhỏ bé và sự chuẩn bị cá nhân Sự sinh lại của phần thuộc linh mà chúng ta nhận được từ các buổi lễ Tiệc Thánh của mình thì sẽ không vượt trội hơn sự chuẩn bị, sự sẵn lòng và ước muốn của chúng ta để được giảng dạy.

Các đền thờ, với hàng chữ khắc “Chí Thánh Đối Với Chúa”, là những nơi thiêng liêng nhất trong số tất cả những chốn khác trên thế gian. Các đền thờ này được tiêu biểu cho bằng chứng về tình yêu thương của Thượng Đế đối với tất cả con cái của Ngài, trong quá khứ và hiện tại. Các phước lành của đền thờ được kết nối và không thể bị tách rời khỏi sự hy sinh trọng đại. Các giáo lễ được thực hiện trong các đền thờ đó làm cho chúng ta có thể nhận được các phước lành trọn vẹn của sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Chỉ điều này thôi là đủ để cho đền thờ được xem là thánh thiện và thiêng liêng. Tuy nhiên, cũng cần có sự hy sinh cá nhân nữa. Chúng ta hy sinh thời gian trong việc sưu tầm các tổ tiên của mình và thời giờ để thi hành các trách nhiệm của mình trong đền thờ. Chúng ta cũng cố gắng sống theo các tiêu chuẩn cao nhất của sự xứng đáng cá nhân để hội đủ điều kiện bước vào chốn thiêng liêng của nơi chí thánh này.

Trong các nơi thánh và chốn thiêng liêng, chúng ta tìm được sự trú ẩn, phục hồi, hy vọng, và bình an cho tâm hồn. Những điều này có đáng cho mọi hy sinh cá nhân cần thiết không? Thưa các anh chị em của tôi, cầu xin cho mỗi người chúng ta sẽ biết tôn kính và kính trọng những điều thánh thiện và thiêng liêng trong cuộc sống của mình. Cầu xin cho chúng ta giảng dạy con cái của mình những điều tương tự. Tất cả chúng ta hãy đứng trong những nơi thánh và thiêng liêng của sự bình an thuộc linh.

Tôi xin làm chứng về Chúa và Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, chính là Hoàng Tử của Bình An và Hy Vọng, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.