2003
Vai Trò Thiết Yếu của Công Việc Truyền Giáo của Các Tín Hữu
Tháng Năm năm 2003


Vai Trò Thiết Yếu của Công Việc Truyền Giáo của Các Tín Hữu

Chúng ta phải tự chuẩn bị mình để phụ giúp những người truyền giáo trong việc tìm kiếm các con cái của Cha Thiên Thượng mà sẽ chấp nhận sứ điệp của Sự Phục Hồi.

Thưa các anh chị em, lễ Phục Sinh là thời gian mà giới Ky Tô Hữu tập trung vào và vui mừng nhớ đến sự phục sinh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta. Sự kiện đó đã thay đổi mọi việc mãi mãi. Đấng Cứu Rỗi đã cất bỏ mọi trở ngại mà ngăn cản chúng ta không cho quay trở lại cùng một Cha Thiên Thượng nhân từ. Đổi lại, Ngài truyền lịnh cho chúng ta “hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ,

“và dạy họ giữ hết tất cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma Thi Ơ 28:19–20).

Một lối giải thích khác về cùng sứ điệp đó được ghi lại trong Sách Phúc Âm của Giăng. Tại bờ biển Ga Li Lê, Chúa đã ba lần hỏi Phi E Rơ: “Ngươi yêu ta chăng?” Mỗi lần đáp, câu trả lời của Phi E Rơ vẫn không thay đổi: “Chúa biết rằng tôi yêu Chúa.” Và mỗi lần như thế, Chúa đã chỉ thị cho Phi E Rơ: “Hãy chăn những con chiên ta. Hãy chăn chiên ta. Hãy chăn chiên ta” (Giăng 21:15–17).

Lệnh truyền đầy xúc động của Đấng Cứu Rỗi để “chăn chiên [Ngài]” đến ngày nay vẫn còn hiệu lực. Như Phi E Rơ và các anh em của ông thời xưa, Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô ngày nay có bổn phận phải đem Phúc Âm lại cho cả thế gian. Bổn phận này ít khi nào rời khỏi tâm trí của chúng tôi. Mỗi Vị Thẩm Quyền Trung Ương có trách nhiệm làm một người truyền giáo.

Nhưng Đấng Cứu Rỗi không chỉ nói đến Các Sứ Đồ mà thôi. Ngài cũng đã nói đến tất cả mọi người mà đã được ban phước để nghe Phúc Âm và là tín hữu của Giáo Hội Ngài. Trong một sự mặc khải được ban cho Tiên Tri Joseph Smith, Chúa phán về điều này bằng lời rất giản dị: “Này, ta phái các ngươi đi làm chứng và phải cảnh cáo lại người lân cận mình” (GLGƯ 88:81).

Trong Đại Hội Trung Ương vừa qua, chúng tôi đã khuyến khích các thanh niên của chúng ta phải tự chuẩn bị đầy đủ hơn để phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng tôi yêu cầu họ phải trở nên những người truyền giáo xứng đáng, hội đủ điều kiện, và có sự nhiệt thành thuộc linh. Với những tình trạng bất ổn trong thế giới ngày nay, họ phải là “thế hệ quan trọng nhất của những người truyền giáo trong lịch sử của Giáo Hội.” (Xin xem M. Russell Ballard, “The Greatest Generation of Missionaries,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 46.) Chúng tôi không kỳ vọng họ phải toàn hảo, nhưng họ cần phải có ước muốn, sẵn lòng và cam kết để phục vụ để họ có thể đạt được những mức độ mới mẻ về phần thuộc linh với tư cách là những giảng viên phúc âm. Họ cần phải biết sứ điệp về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy bằng quyền năng trong những lời riêng của họ dưới ảnh hưởng dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội chúng tôi đang làm việc cật lực để giúp tất cả những người truyền giáo của chúng ta trưởng thành hơn về mặt thuộc linh. Nỗ lực này trên toàn cầu được đề cập tới là “nâng cao sự kỳ vọng” hay “nâng cao tiêu chuẩn.” Chúng tôi xin cám ơn các bậc cha mẹ, những vị giám trợ và chủ tịch giáo khu về sự ủng hộ của các anh chị em trong nỗ lực này. Chúng tôi cũng cám ơn các thanh thiếu niên trung thành của Giáo Hội về sự sẵn lòng của các em để sống theo tiêu chuẩn của Chúa. Cầu xin Ngài tiếp tục ban phước cho các em trong khi các em chuẩn bị phục vụ Chúa trong thế giới nhiễu nhương này.

Nhưng khi chúng ta nâng cao mức độ của sự kỳ vọng nơi hành động của những người truyền giáo của chúng ta, thì chúng ta cũng cần phải nâng cao mức độ của sự kỳ vọng nơi hành động của tất cả các tín hữu của chúng ta trong việc làm tròn những bổn phận truyền giáo của họ. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các anh chị em để ủng hộ và phụ giúp những người truyền giáo của chúng ta trong việc tìm kiếm và làm báp têm cho nhiều con cái của Cha Thiên Thượng hơn. Chúng tôi cần các anh chị em trông nom, bảo vệ, và soi dẫn những người tôi tớ này của Chúa. Nếu tiêu chuẩn cần phải được nâng cao cho những người truyền giáo của chúng ta, thì nó cũng phải được nâng cao cho mọi người chúng ta. Chúng ta phải trung tín hơn. Chúng ta phải bén nhạy hơn về phần thuộc linh. Chúng ta phải tự chuẩn bị mình để phụ giúp những người truyền giáo trong việc tìm kiếm các con cái của Cha Thiên Thượng mà sẽ chấp nhận sứ điệp của Sự Phục Hồi.

Thưa các anh chị em, hãy nhớ rằng chúng ta không thuyết phục người ta mua một sản phẩm nào đó. Chúng ta không bán một thứ gì cả. Chúng ta không cố gắng gây ấn tượng cho bất cứ người nào bằng con số thống kê hay sự tăng trưởng của chúng ta. Chúng ta là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, được ban cho quyền năng và được Chúa phái đi ra để tìm kiếm, chăm sóc, và đem vào Giáo Hội của Ngài một cách an toàn tất cả những ai đang tìm kiếm lẽ thật.

Khi được nhìn từ viễn ảnh vĩnh cửu đó những gì chúng ta phải làm dường như rất đơn giản và rõ ràng, nhưng tôi biết rằng công việc truyền giáo của người tín hữu có thể đầy thử thách và đôi khi làm khiếp sợ. Tôi xin đề nghị ba điều giản dị mà chúng ta có thể làm để phụ giúp trong trách nhiệm này mà đã được Thượng Đế ban cho chúng ta.

Thứ nhất, chúng ta nên sử dụng đức tin của mình và cầu nguyện riêng cá nhân và chung với gia đình, cầu xin được giúp đỡ trong việc tìm ra những cách thức để chia sẻ Phúc Âm được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cầu xin Chúa mở đường cho mình. Hãy thành tâm chọn một ngày với gia đình mình để mời một người nào đó vào nhà mình để cho những người truyền giáo giảng dạy. Các anh chị em hãy nhớ rằng đây là Giáo Hội của Chúa. Hãy để Ngài dẫn dắt các anh chị em qua lời cầu nguyện liên tục. Với một lời cầu nguyện trong lòng, hãy nói chuyện với mọi người, nếu có thể được. Đừng xét đoán trước. Đừng từ chối không chia sẻ Tin Lành với bất cứ người nào. Hãy nói chuyện với mọi người, và hãy tin cậy nơi quyền năng được hứa của Thánh Linh để ban cho các anh chị em những lời mà các anh chị em nên nói. Hãy để cho họ quyết định chấp nhận hay từ khước lời mời của các anh chị em. Qua thời gian, Chúa sẽ dẫn những người đang tìm kiếm lẽ thật đến với các anh chị em. Ngài là Đấng Chăn Hiền Lành. Ngài biết chiên của Ngài, và chiên biết tiếng của Ngài, được thốt ra qua các anh chị em, và chiên sẽ theo Ngài (xin xem Giăng 10).

Mới đây, Chủ tịch Hinckley có nói: “Sẽ là một ngày vĩ đại khi các tín hữu của chúng ta không những cầu nguyện cho những người truyền giáo khắp thế giới, mà còn cầu xin Chúa giúp đỡ họ trong việc phụ giúp những người truyền giáo đang làm việc trong tiểu giáo khu của mình” (“Missionary Service,” First Worldwide Leadership Training Meeting, ngày 11 tháng Giêng năm 2003, 19).

Thứ nhì, các vị lãnh đạo phải hướng dẫn qua tấm gương. Thánh Linh sẽ thúc giục và hướng dẫn các anh chị em trong việc tìm kiếm những người quan tâm đến sứ điệp của chúng ta. Sự xứng đáng cá nhân của các anh chị em sẽ cho các anh chị em lòng can đảm và quyền năng thuộc linh để soi dẫn các tín hữu của mình nhằm giúp đỡ những người truyền giáo một cách tích cực.

Cách đây mấy năm, một người cải đạo trung tín, là Anh George McLaughlin, được kêu gọi chủ tọa một chi nhánh nhỏ có 20 tín hữu ở Farmingdale, Maine. Anh là một người khiêm nhường, và kiếm sống bằng nghề lái xe đi giao sữa. Qua sự nhịn ăn và thật lòng cầu nguyện của anh, Thánh Linh đã dạy anh về những gì mà anh và các tín hữu trong chi nhánh của anh cần phải làm để giúp cho Giáo Hội tăng trưởng trong khu vực của họ. Qua đức tin lớn lao, sự cầu nguyện liên tục, và tấm gương đầy quyền năng của anh, anh đã dạy các tín hữu của mình cách thức chia sẻ phúc âm. Đó là một câu chuyện kỳ diệu, một trong số những câu chuyện truyền giáo xuất sắc của gian kỳ này. Chỉ trong một năm, đã có 450 người cải đạo chịu phép báp têm vào chi nhánh. Năm kế, đã có thêm 200 người cải đạo. Chủ tịch McLaughlin đã cho biết: “Công việc của tôi với tư cách là chủ tịch chi nhánh là giảng dạy [những người cải đạo mới] cách thức trở thành người Mặc Môn. Tôi phải dạy họ cách trình bày những bài nói chuyện và những bài học trong nhà thờ. Tôi phải dạy họ cách thức giảng dạy phúc âm cho con cái họ. Tôi đã huấn luyện các tân tín hữu trở thành các tín hữu tích cực.” Thật khá đơn giản.

Chỉ năm năm sau đó, giáo khu Augusta Maine đã được tổ chức. Nhiều vị lãnh đạo của giáo khu mới này là từ những người cải đạo trong Chi Nhánh Farmingdale. Chúng ta có thể hỏi tại sao họ đã thành công như thế trong những ngày đó, và câu trả lời có thể là bởi vì nhu cầu cấp bách để củng cố Giáo Hội. Tôi xin bảo đảm cùng các anh chị em rằng sự cấp bách đó trong tất cả các đơn vị của Giáo Hội thì cũng quan trọng trong thời nay như thời xưa.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rõ ràng rằng công việc truyền giáo phải được tập trung vào tiểu giáo khu. Các chủ tịch giáo khu và các giám trợ có và chịu trách nhiệm để giúp các tín hữu tìm kiếm những người có lòng trong sạch và chuẩn bị họ cho phép báp têm và có một cuộc sống phục vụ trong các tiểu giáo khu và giáo khu của họ. Chủ tịch Hinckley cũng có nói rằng: “Tôi muốn đề nghị rằng mọi giám trợ trong Giáo Hội đưa cho các tín hữu của mình một phương châm: ‘Tất cả chúng ta hãy cùng làm việc để phát triển tiểu giáo khu’” (“Find the Lambs, Feed the Sheep,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, 120).

Một vị giám trợ tại tiểu bang Washington đã thành tâm tuân theo lời khuyên bảo đó. Đây là những gì ông đã làm. Qua các vị lãnh đạo chức tư tế và những tổ chức bổ trợ, hội đồng tiểu giáo khu phối hợp công việc truyền giáo trong tiểu giáo khu. Những người truyền giáo được mời tham dự buổi họp hội đồng tiểu giáo khu để thảo luận công việc của họ. Các tín hữu được chỉ định đi chung với những người truyền giáo đến thăm những người tầm đạo. Các tín hữu và những người truyền giáo cũng đi thăm những gia đình kém tích cực và những gia đình chỉ có một phần số người tín hữu. Năm ngoái, tiểu giáo khu này đã làm phép báp têm và lễ xác nhận cho 46 tân tín hữu, và số người cải đạo được giữ chân lại thì rất cao. Những người gia nhập Giáo Hội hay trở lại hoạt động trong tiểu giáo khu này đã có sẵn nhiều bạn bè bởi vì chức tư tế và các tổ chức bổ trợ tham gia vào tiến trình cải đạo dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ qua hội đồng tiểu giáo khu (xin xem “Ward Council Is Secret of Centralia Ward Success,” Church News, ngày 1 tháng Hai năm 2003, 5).

Thưa các vị giám trơ, hãy sử dụng cả tiểu giáo khu trong việc rao giảng phúc âm. Các anh em sẽ thấy rằng Chúa sẽ ban phước cho các anh em và các tín hữu của các anh em với nhiều người cải đạo hơn và thêm nhiều người khác nữa sẽ trở lại hoạt động tích cực. Công việc truyền giáo không những là một phần chương trình nghị sự của hội đồng tiểu giáo khu mà còn là một phần chương trình nghị sự của nhóm túc số anh cả, Hội Phụ Nữ, các tổ chức bổ trợ, nhóm túc số, và các nhóm khác nữa. Việc làm phép báp têm và giữ chân những cha mẹ cùng con cái của họ phải được nhấn mạnh. Do đó, công việc truyền giáo của các vị lãnh đạo chức tư tế và những tổ chức bổ trợ nên được phối hợp bởi người lãnh đạo công việc truyền giáo và vị giám trợ qua hội đồng tiểu giáo khu. Và khi làm như vậy, những người cải đạo sẽ trở thành các tín hữu tích cực hoạt động trong tiểu giáo khu của họ.

Hiện giờ, các tín hữu có một cơ hội đặc biệt để chia sẻ phúc âm bằng cách xem dĩa DVD Finding Faith in Christ (Tìm Thấy Đức Tin nơi Đấng Ky Tô) được kèm theo tạp chí Ensign số tháng Tư năm 2003 của các anh chị em. Hãy mời những người lân cận và bạn bè đến sinh hoạt một buổi tối với các anh chị em vào mùa lễ Phục Sinh, và cùng nhau chia sẻ cuộc sống, giáo vụ, và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Cũng có thể là điều thích đáng để mời những người truyền giáo tham dự và giảng dạy họ về cách thức Chúa đã phục hồi Giáo Hội của Ngài qua Tiên Tri Joseph Smith.

Thứ ba, công việc truyền giáo của người tín hữu không đòi hỏi sự phát triển những mưu mẹo hay mánh lới. Nó thật sự đòi hỏi đức tin—đức tin chân thật và sự tin cậy nơi Chúa. Nó cũng đòi hỏi tình thương yêu chân chính. Giáo lệnh lớn thứ nhất là “hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi … Điều răn thứ hai đây cũng vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:37, 39).

Vậy, hãy để cho quyền năng của tình thương yêu hướng dẫn chúng ta trong việc chia sẻ Phúc Âm với những người trong gia đình, bạn bè, những người lân cận, những bạn đồng nghiệp và tất cả những người khác mà chúng ta gặp trong đời sống. Đa số ai cũng muốn vui hưởng bình an và hạnh phúc. Đó là ước muốn tự nhiên của con người. Người ta muốn tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn đề họ đang gặp. Điều này càng ngày càng đúng trong thế giới mà chúng ta hiện đang sống.

Sự tiến bộ trong nghề nghiệp, lợi tức gia tăng, nhà cửa to hơn, hay xe hơi mới hơn và đồ thiết bị để giải trí thì không mang lại bình an và hạnh phúc lâu dài. Hạnh phúc có được từ việc hiểu biết Thượng Đế và nhận biết rằng Ngài có một kế hoạch cho niềm vui và bình an vĩnh cửu của chúng ta. Hạnh phúc có được từ việc nhận biết và yêu mến Đấng Cứu Rỗi và sống cuộc sống của chúng ta phù hợp theo những lời giảng dạy của Ngài. Hạnh phúc có được từ những mối quan hệ vững mạnh của gia đình và Giáo Hội mà được đặt trên các giá trị phúc âm.

Có một số tín hữu nói rằng: “Tôi sợ phải chia sẻ phúc âm bởi vì tôi có thể làm phật lòng một người nào đó.” Kinh nghiệm đã cho thấy rằng người ta không bị phật lòng khi việc chia sẻ được thúc đẩy bởi tình thương yêu và mối quan tâm chân thật. Làm thế nào một người có thể bị phật lòng khi chúng ta nói: “Tôi ưa thích cách thức Giáo Hội giúp tôi” và rồi nói thêm những lời mà Thánh Linh hướng dẫn. Chỉ khi nào dường như chúng ta đang làm tròn một công việc chỉ định và chúng ta không bày tỏ mối quan tâm và tình thương yêu thực sự, thì chúng ta mới làm những người khác phật lòng. Thưa các anh chị em, đừng bao giờ quên là các anh chị em và tôi có được các giáo lý chân chính mà sẽ mang người ta tới Chúa. Phúc âm được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô tự nó có quyền năng để mang lại hạnh phúc sâu xa và lâu dài cho tâm hồn con người—một điều mà sẽ được quý trọng và trân quý cho suốt thời gian còn lại và suốt vĩnh cửu. Chúng ta không phải chỉ cố gắng tìm kiếm người gia nhập Giáo Hội của mình mà thôi; chúng ta đang chia sẻ với họ sự trọn vẹn của phúc âm được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù sứ điệp của chúng ta đầy quyền năng biết bao, chúng ta cũng không thể bắt buộc người khác chấp nhận nó. Nó chỉ có thể được chia sẻ—bằng tấm lòng với tấm lòng, tâm hồn với tâm hồn, tinh thần với tinh thần—bằng cách làm những người láng giềng tốt và bằng cách quan tâm và tỏ rõ tình yêu thương. Chúng ta cần phải chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ có được phúc âm rực chiếu trong cuộc sống của mình, và điều đó sẽ cho người khác thấy các phước lành mà phúc âm đã mang đến.

Chúng ta hãy noi theo lời khuyên bảo của Tiên Tri Joseph Smith: “Sau khi tất cả mọi điều đã được nói ra rồi, thì bổn phận nặng nề và quan trọng nhất [của chúng ta] là rao truyền Phúc Âm” (History of the Church, 2:478).

Thưa các anh chị em, chúng ta có thể và phải làm tốt hơn. Tôi cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban cho mỗi người chúng ta đức tin và lòng can đảm để chúng ta tham gia nhiều hơn trong việc ủng hộ những người truyền giáo toàn thời gian của mình nhằm chia sẻ phúc âm được phục hồi với tất cả các con cái của Thượng Đế khắp thế gian. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.