Được Ban Phước bởi Nước Sống
Nước sống chữa lành. Nó nuôi dưỡng và duy trì cuộc sống. Nó mang đến sự bình an và niềm vui.
Trong thời gian đầu giáo vụ của Đấng Ky Tô, Ngài đã hành trình từ Giê Ru Sa Lem đến nơi Ngài trú ngụ trong thời niên thiếu ở Na Xa Rét, tại Ga Li Lê. Ngài đã đi qua Sa Ma Ri, và mệt mỏi vì cuộc hành trình của Ngài, đã dừng chân nghỉ tại cái giếng Gia Cốp cổ xưa. Trong khi Chúa Giê Su chờ các môn đồ của Ngài đi kiếm thức ăn nơi thành phố bên cạnh, thì có một người đàn bà Sa Ma Ri đến gần bên giếng. Các anh chị em biết câu chuyện đó rồi. Khi Chúa Giê Su xin nước uống, người đàn bà ngạc nhiên thấy rằng một người Do Thái lại đưa ra lời yêu cầu như thế đối với bà. Trong hằng nhiều thế kỷ , dân Do Thái và dân Sa Ma Ri đã xem nhau là kẻ thù. Nhưng Đấng Ky Tô đã bảo bà rằng nếu bà hiểu người mà bà đang tiếp chuyện là ai thì bà sẽ xin Ngài nước: nước sống—nước sẽ làm cho bà hết khát vĩnh viễn. Dĩ nhiên, bà không hiểu, vậy nên Ngài giải thích:
“Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi:
“Nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:13–14).
Người đàn bà Sa Ma Ri thích ý nghĩ không bao giờ phải uống nữa. Chắc chắn, bà sẽ không thấy nhớ sự lao nhọc hằng ngày để vác bình đựng nước nặng nề từ cái giếng đi về nhà mình. Nhưng khi Đấng Ky Tô làm chứng cùng bà rằng Ngài là Đấng Mê Si, và khi Thánh Linh xác nhận cùng bà rằng đó là sự thật, thì bà bắt đầu nhận thức rằng Chúa Giê Su đang phán bảo về các lẽ thật lớn lao hơn. Bà bỏ lại đàng sau cái giếng nước và quày quả đi kiếm những người khác mà có thể đến và lắng nghe. Tuy nhiên, tôi không chắc, ít nhất là vào thời điểm đó, là bà hiểu biết một cách trọn vẹn—hoặc chúng ta có hiểu biết một cách trọn vẹn chăng—ý nghĩa có được một mạch nước sống bên trong chúng ta.
Nước sống chữa lành. Nó nuôi dưỡng và duy trì cuộc sống. Nó mang đến sự bình an và niềm vui.
Tôi biết một phụ nữ đang vất vả với sự tức giận đối với một người nào đó mà đã làm thương tổn chị và gia đình chị. Mặc dù chị bảo con cái chị chớ trở nên gay gắt và phẫn uất, nhưng chị cũng phải tự mình đánh bại những cảm nghĩ đó. Sau nhiều tuần khẩn nài với Cha Thiên Thượng, cuối cùng chị đã cảm nhận được một sự thay đổi. Chị kể lại: “Một ngày nọ, giữa lúc tôi đang dâng lên những lời cầu nguyện hầu như liên tục, thì sự chữa lành đã xảy đến. Tôi cảm thấy một cảm giác tự nhiên lan khắp châu thân. Sau đó, tôi cảm thấy một cảm giác an toàn và bình an. Tôi biết rằng bất luận điều gì đã xảy ra, gia đình tôi và tôi cũng sẽ được bình an. Nỗi tức giận, cũng như ước muốn trả thù của tôi, đã rời khỏi tôi.”
Nước sống là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô; Đấng truyền đạt nước đó là Đức Thánh Linh. Người bạn tôi đã biết điều gì là đúng. Chị đã nói ra những lời thích đáng cùng gia đình chị. Nhưng chỉ khi nào chị hạ mình đủ để uống nước đó—để cảm nhận được Đức Thánh Linh—thì chị mới có thể bắt đầu được chữa lành.
Khi tôi gặp nhiều phụ nữ trong năm vừa rồi—và các vị lãnh đạo chức tư tế của họ—tôi đã nghe được vô số lời tường thuật về quyền năng chữa lành của Đấng Ky Tô. Có rất nhiều nỗi đau khổ trong cuộc sống trần thế, có rất nhiều nguyên nhân cho nỗi đau đớn. Tôi biết hiện có những người đang gửi những người thân yêu của mình vào nơi hiểm nguy và hằng ngày họ cầu nguyện cho những người thân yêu của mình được an toàn trong trận chiến. Tôi nói chuyện cùng các bậc cha mẹ mà đang lo sợ cho con cái họ, nhận thức được những cám dỗ mà chúng gặp. Tôi có những người bạn thân đang đau đớn bởi những ảnh hưởng đầy tác hại của hóa học trị liệu. Tôi biết có những cha mẹ đơn chiếc, bị người phối ngẫu bỏ rơi, đang một mình nuôi nấng con cái. Tôi đã tự mình đối phó với những hậu quả làm suy yếu của sự chán nản. Nhưng tôi đã học biết từ kinh nghiệm của mình, và tôi học biết từ những người mà tôi gặp, rằng chúng ta không bao giờ bị bỏ mặc tự đối phó. Chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi. Một nguồn tốt lành, sức mạnh và tin tưởng ở bên trong chúng ta, và khi chúng ta lắng nghe với một cảm nghĩ tin cậy, thì chúng ta được nâng lên cao. Chúng ta được chữa lành. Chúng ta không những được sống còn, mà chúng ta còn yêu đời. Chúng ta cười; chúng ta vui hưởng; chúng ta tiến bước với đức tin.
Nước sống cũng nuôi dưỡng. Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng cũng giống như lời Ngài hứa, Đấng Ky Tô sẽ đến với tất cả những kẻ gánh nặng; Ngài cho chúng ta được yên nghỉ (xin xem Ma Thi Ơ 11:28). Ngài giúp đỡ chúng ta khi chúng ta mỏi mệt. Một mạch nước là một nguồn nước tràn tuôn, cho sự tỉnh táo liên tục—nếu chúng ta uống nước ấy. Tính kiêu hãnh có thể hủy diệt tác dụng của nước và có thể làm cho lơ là. Nhưng những người uống nhiều không những tự họ trở nên lành mạnh, mà còn trở thành một nguồn nước cho những người khác, giống như một tinh thần nuôi dưỡng và cung ứng cho tinh thần kia.
Năm ngoái, một người bạn thân của gia đình tôi qua đời. Lucile được 89 tuổi và là một góa phụ hơn hai mươi năm. Bà không phải là người giàu có, không nổi danh, và đa số thiên hạ không ai biết gì về sự qua đời của bà. Nhưng gia đình bà biết. Láng giềng bà biết. Các tín hữu trong tiểu giáo khu của bà biết. Đối với tất cả mọi người đã biết được tình yêu thương của bà, thì cái chết của bà đã làm cho thế gian mất đi một điều quý giá. Trong những năm góa bụa của bà, Lucile đã chịu đựng nhiều thử thách khó khăn, kể cả cái chết của một đứa cháu nội trai yêu dấu, và những yếu đuối của tuổi già. Nhưng Lucile tiếp tục nuôi dưỡng mọi người mà bà quen biết với tinh thần, với bánh trái, chăn mền, tính hóm hỉnh và thiện tâm của bà. Và bà ưa thích làm việc trong đền thờ. Một ngày mùa xuân năm 1981, bà đã viết trong nhật ký của mình: “Sáng nay vào lúc 3 giờ rưỡi sáng, khi tôi đang trên đường đến đền thờ, tôi trông thấy lá cờ bay nhẹ trong gió thoảng và nhìn lên bầu trời xinh đẹp và nghĩ thật hạnh phúc biết bao cho tôi được ở nơi đó. Tôi cảm thấy buồn cho tất cả mọi người đang ngủ và bỏ lỡ sự bắt đầu của một ngày đẹp trời.”
Đa số chúng ta không nghĩ rằng thế giới đang “thức dậy” vào lúc 3 giờ rưỡi sáng, và chúng ta cũng thật hạnh phúc nằm cuộn mình trong giường vào lúc ấy và cho phép Lucile cảm thấy thương hại cho chúng ta. Nhưng đó thật là một thái độ tuyệt vời! Chỉ có một nguồn tốt lành từ bên trong mới có thể giải thích được điều đó. Bà có được tinh thần thuần khiết này vào lúc nào, 15, 25 hay ngay cả 55 tuổi? Tôi không được biết. Trong hầu hết các trường hợp, có lẽ phải mất cả một đời người để lắng nghe Đức Thánh Linh trước khi chúng ta biết được rõ ràng tiếng nói của Thượng Đế, và trước khi chúng ta tin cậy nơi nước sống đủ để nếm nước suốt ngày—nhất là một ngày bắt đầu vào lúc 3 giờ rưỡi sáng. Nhưng tôi tin rằng nước sống đã giữ vững Lucile trong những năm dài đó khi mà bà có thể đã chọn để cảm thấy tội nghiệp cho bản thân mình, và cuộc sống, tinh thần của bà, đã trở nên thức ăn nuôi dưỡng mọi người mà bà quen biết.
Nước sống có thể mang đến sự bình an và niềm vui ngay cả khi mạch nước bên trong chúng ta dường như đã khô cạn. Mới đây, tôi có nghe một phụ nữ mà có đứa con trai mắc tâm bệnh, và đã chết một cách bất ngờ. Gia đình ấy đau khổ vô cùng. Người mẹ không thể tưởng tượng nổi bà có thể biết được hạnh phúc là gì nữa. Nhưng bà đã được ban phước nhờ vào sự phục vụ của một thiếu nữ, một trong các em gái đã từng học lớp Laurel của bà—giờ đây là một người phụ nữ trẻ trong Hội Phụ Nữ và là giảng viên thăm viếng của bà—là người đã nói: “Chị đã giúp em; giờ đây em sẽ giúp chị—và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua điều này.” Sự bình an, ngay cả niềm vui, bắt đầu trở lại với cuộc sống của bà.
Nó có thể mất cả đời người—và lâu hơn—để tinh luyện tinh thần chúng ta một cách trọn vẹn, nhưng nước sống có sẵn cho tất cả mọi người, kể cả những người trẻ. Tôi được soi dẫn khi tôi nhìn các thiếu nữ của Giáo Hội, sau khi nhận được phần huấn luyện thuộc linh từ thưở ấu thơ, bước vào Hội Phụ Nữ và lập tức mang thêm vào sức mạnh cho các phụ nữ có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi hết sức vui mừng khi nhìn thấy cũng các thiếu nữ đó nhận biết họ có thể học hỏi biết bao nhiêu từ các phụ nữ lớn tuổi hơn họ. Sự bình an đến cùng chúng ta từ Chúa, nhưng chúng ta có thể giúp lẫn nhau cảm thấy sự bình an đó khi chúng ta chia sẻ gánh nặng và hạnh phúc của nhau.
Lời hứa của Đấng Ky Tôi thì giản dị và cao quý : “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27). Thưa các anh chị em, cảnh hỗn loạn đang hoành hành chung quanh chúng ta. Kinh tế đang gặp hiểm nguy; các gia đình đang vất vả; chúng ta đang sống trong “những thời kỳ hiểm họa”, như Chủ Tịch Hinckley đã nói, (“The Times in Which We Live,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 83). Nhưng nước sống vẫn còn cho sự bình an và niềm vui. Khi chúng ta sống ngay chính, khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, một trong những sự ban cho mà chúng ta nhận được là sự tin tưởng. Chúa phán cùng chúng ta: “… hãy yên tâm và hiểu ta là Thượng Đế” (GLGƯ 101:16). Giữa cơn hỗn loạn, chúng ta phải ngừng lại. Chúng ta phải lắng nghe Thánh Linh mà phán bảo chúng ta rằng “Tất cả đều tốt đẹp!” (“Cùng Lại Nhau Đây, Hỡi Các Thánh Hữu,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 2) cũng giống như khi các Thánh Hữu ngày xưa đã phải làm. Có nguyên nhân để phải lo lắng, nhưng cũng có lý do lớn lao hơn để có được sự bình an.
Người đàn bà Sa Ma Ri nhìn vào gương mặt của Đấng Ky Tô, lắng nghe tiếng nói của Ngài, và nhận biết Ngài khi mà đa số những người khác chối bỏ tất cả những điều gì mà Ngài giảng dạy. Chúng ta cũng biết được Ngài, hay chúng ta có thể, nếu chúng ta để cho quyền năng chữa lành của Ngài, sức mạnh nuôi dưỡng của Ngài, sự bình an và niềm vui của Ngài, tuôn chảy qua chúng ta “thành một mạch nước văng ra cho đến sự sống đời đời.” Tôi cầu nguyện cho chúng ta có thể làm được điều đó trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.