Tạ Ơn trong Mọi Việc
Khi chúng ta tạ ơn trong mọi việc, thì chúng ta nhìn thấy sự gian khổ và nghịch cảnh trong phạm vi mục đích của cuộc sống.
Ở một trong những thời kỳ đầy nghịch cảnh thuộc linh và thế tục được chép trong Sách Mặc Môn, khi dân của Thượng Đế “chịu đựng đủ mọi thứ khổ đau,” Chúa đã truyền lệnh cho họ phải “tạ ơn trong mọi việc” (Mô Si A 26:38–39). Tôi mong muốn được áp dụng lời dạy đó cho thời kỳ của chúng ta.
I.
Các con cái của Thượng Đế luôn được truyền lệnh phải tạ ơn. Có những tấm gương trong suốt các quyển Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô đối với anh em là như vậy” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:18). Tiên tri An Ma đã dạy: “Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế” (An Ma 37:37). Và trong sự mặc khải hiện đại, Chúa đã phán rằng “kẻ nào tiếp nhận mọi điều với lòng biết ơn thì sẽ được vinh hiển và sẽ được ban thêm cho của cải trên thế gian này, phải, có thể gấp trăm lần thêm nữa” (GLGƯ 78:19).
II.
Chúng ta có rất nhiều điều để tạ ơn. Đầu tiên và trước hết, chúng ta biết ơn Đấng Cứu Rỗi của mình, Chúa Giê Su Ky Tô. Dưới kế hoạch của Đức Chúa Cha, Ngài đã sáng tạo thế gian. Qua các tiên tri của Ngài, Ngài đã mặc khải kế hoạch cứu rỗi kèm theo các lệnh truyền và các giáo lễ. Ngài xuống thế để giảng dạy và chỉ cho chúng ta đường đi. Ngài đã chịu đau khổ và đã trả cái giá cho các tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta chịu hối cải. Ngài đã phó mạng sống của Ngài và Ngài đã thắng cái chết và đã sống dậy từ mộ phần để tất cả chúng ta đều có thể được sống trở lại. Ngài là sự sáng và sự sống của thế gian. Như Vua Bên Gia Min đã dạy, nếu chúng ta “dâng tất cả những lời cám ơn và lời ca ngợi với tất cả tâm hồn mà [chúng ta] có đủ khả năng có được, lên Đấng Thượng Đế đã sáng tạo ra mình, đã gìn giữ và bảo tồn mình, và … phục vụ Ngài với hết tâm hồn mình đi nữa, thì [chúng ta] vẫn còn là những tôi tớ vô dụng” (Mô Si A 2:20–21).
Chúng ta tạ ơn về các lẽ thật đã được mặc khải mà cho chúng ta biết các sự việc đúng hay sai. Như Kinh Thánh dạy, Chúa ban cho chúng ta các sứ đồ và các tiên tri “để các thánh đồ được trọn vẹn” (Ê Phê Sô 4:11–12). Chúng ta dùng lẽ thật được mặc khải mà họ cho chúng ta đặng “chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê Phê Sô 4:14). Những người mà hiểu biết về mọi tai họa và đánh giá mỗi ý kiến hay khám phá mới bằng cách so sánh chúng với các lẽ thật đã được Thượng Đế mặc khải thì không cần phải bị “day động và dời đổi,” mà có thể được vững vàng và yên tĩnh. Thượng Đế sống ở trên các tầng trời của Ngài và các lời hứa của Ngài thì chắc chắn: “Lòng các ngươi chớ bối rối,” Ngài đã phán cùng chúng ta về những hủy diệt sẽ xảy ra trước ngày tận thế, bởi vì “khi nào những điều đó xảy ra thì các ngươi sẽ hiểu rằng những lời ta hứa với các ngươi đã được ứng nghiệm” (GLGƯ 45:35). Thật là một lời giảng dạy đầy an ủi và tin cậy trong những thời kỳ rối ren này!
Chúng ta tạ ơn về các lệnh truyền. Chúng là những hướng dẫn để tránh xa cạm bẫy và chúng là những lời mời gọi để tiếp nhận các phước lành. Các lệnh truyền đánh dấu lối đi và chỉ cho chúng ta thấy con đường dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.
III.
Trong tám tháng vừa qua ở Phi Luật Tân, tôi đã nghe nhiều chứng ngôn về các phước lành của phúc âm. Khi ngỏ lời tại buổi lễ cung hiến ngôi thánh đường của tiểu giáo khu mình, một vị giám trợ người Phi đã bày tỏ lòng biết ơn của ông đối với sứ điệp phúc âm mà đã đến với cuộc sống của ông cách đây khoảng 10 năm. Ông đã mô tả cách thức phúc âm đã cứu ông ra khỏi một cuộc sống đầy những hành động ích kỷ , quá độ và ngược đãi và làm cho ông trở thành một người chồng và người cha tốt. Ông đã làm chứng về các phước lành mà đã đến với ông từ việc đóng tiền thập phân.
Ngỏ lời tại một buổi họp của giới lãnh đạo, một vị cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu là một luật sư và một vị lãnh đạo cộng đồng, đã nói: “Tôi có thể tuyên bố cùng toàn thể thế giới mà không hề do dự rằng điều lớn lao nhất mà đã từng xảy đến trong cuộc sống của tôi là việc trở thành tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này đã tạo ra một sự khác biệt lớn trong cuộc sống của tôi và của gia đình tôi mặc dù tôi cảm thấy có nhiều điều nữa mà tôi phải học hỏi và áp dụng vào cuộc sống của mình. Giáo Hội quả thật là một kỳ công và một phép lạ.”
Các anh chị em không cần phải hành trình đi Phi Luật Tân mới có được các chứng ngôn như thế. Chúng hiển nhiên ở bất cứ nơi đâu mà sứ điệp phúc âm được chấp nhận và sống theo. Nhưng Chị Oaks và tôi có lòng biết ơn sâu xa về cơ hội của mình được sống và phục vụ ở Phi Luật Tân nơi mà chúng tôi đã gặp hằng ngàn tín hữu tuyệt vời trong những phần đất mới và hiểu biết phúc âm trong cách thức mới.
Trong thế giới đang phát triển, chúng ta học biết về tầm quan trọng của việc thiết lập Giáo Hội—không phải chỉ giảng dạy và làm phép báp têm, mà còn giữ chân các tín hữu mới bằng cách yêu thương, kêu gọi và sắc phong, và nuôi dưỡng họ bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế nữa. Chúng ta đã học biết về tầm quan trọng của việc khuyến khích các tín hữu từ bỏ các văn hóa truyền thống mà trái ngược với các lệnh truyền và các giao ước phúc âm và sống theo thể cách mà họ và con cháu họ “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời … được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:19–20).
Những người mà làm điều này trở thành một phần của nền văn hóa phúc âm mà trong đó những người trên thế giới cùng chia sẻ các lệnh truyền, các giao ước, các giáo lễ và các phước lành. Những người như thế trải qua một “sự thay đổi lớn lao” trong lòng họ, “khiến [họ] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5;2). Hình ảnh của Thượng Đế được “ghi khắc trên mặt [họ]” (An Ma 5:19). Những tín đồ như thế của Đấng Ky Tô được tìm thấy ở mọi quốc gia nơi mà phúc âm và Giáo Hội đã được thiết lập. Có nhiều người trong số họ ở Phi Luật Tân và chúng tôi đang cố gắng khuyến khích nhiều người thêm nữa trong số họ. Chúng tôi làm điều này bằng cách phát triển và nới rộng từ các khu vực nơi mà các tín hữu đã có một sự hiểu biết vững mạnh và sự phát triển trong phúc âm, tập trung sự giảng dạy của chúng tôi vào nơi mà có đủ nhóm với nhiều tín hữu có sự cam kết để cung ứng việc kết tình thân hữu, giảng dạy, nêu gương và sự trợ giúp cần thiết cho các tín hữu mới vừa chịu phép báp têm đang cố học hỏi điều mà phúc âm đòi hỏi nơi họ phải làm cũng như các phước lành mà phúc âm mang đến cho họ.
IV.
Chúng ta biết ơn những mặc khải mà cho thấy rằng chúng ta còn phải tạ ơn về những nỗi khổ sở của mình bởi vì chúng hướng lòng chúng ta trở lại cùng Thượng Đế và cho chúng ta các cơ hội để chuẩn bị thành những con người mà Thượng Đế muốn chúng ta trở thành. Chúa đã dạy tiên tri Mô Rô Ni rằng: “Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ có thể khiêm nhường,” và rồi hứa rằng: “nếu họ biết hạ mình” và “có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27). Giữa cảnh ngược đãi mà các Thánh Hữu Ngày Sau đang gánh chịu ở Missouri, Chúa đã ban cho một lời giảng dạy và lời hứa tương tự: “Thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, hỡi các bạn của ta, các ngươi chớ sợ hãi. Các ngươi hãy để cho lòng mình được an ủi, hãy vui mừng mãi mãi và hãy tạ ơn Chúa về mọi điều; … và tất cả những gì đã làm cho các ngươi phải đau buồn sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi” (GLGƯ 98:1, 3). Và Chúa đã phán cùng Joseph Smith trong cảnh khổ sở ở Ngục Thất Liberty: “Hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và vì sự lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:7). Brigham Young đã hiểu điều đó. Ông nói: “Không có một kinh nghiệm nào trong cuộc sống [hoặc] trong một giờ mà không hữu ích cho tất cả những người lấy điều đó làm thành việc học hỏi của mình, và nhắm vào việc cải tiến nhờ vào kinh nghiệm mà họ đạt được” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 179).
Như một người nào đó đã nói, có một sự khác biệt lớn giữa 20 năm kinh nghiệm với một năm kinh nghiệm nhưng được lặp lại 20 lần. Nếu chúng ta hiểu được những lời giảng dạy và lời hứa của Chúa, thì chúng ta sẽ học hỏi và lớn mạnh từ những nghịch cảnh của mình.
Nhiều lời giảng dạy đầy soi dẫn của các vị tiên tri hiện đại của chúng ta đã được sưu tập trong The Teachings of Presidents of the Church, khóa học của chúng ta về Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ. Các giáo lý và nguyên tắc vĩnh cửu được gồm vào trong những quyển sách này là những nguồn thông sáng và hướng dẫn thiêng liêng. Các giảng viên khôn ngoan trong các tiểu giáo khu và chi nhánh sẽ không thay thế bằng những đề tài và sự khôn ngoan của họ, mà chú trọng đến những lời giảng dạy đầy soi dẫn và sự áp dụng chúng vào những hoàn cảnh và thử thách hiện nay.
Ví dụ như trong quyển sách hiện hành, chúng ta đọc những lời này của Chủ Tịch John Taylor về đề tài lòng biết ơn về sự khốn khổ: “Chúng ta đã học biết nhiều điều qua nỗi khốn khổ. Chúng ta gọi nó là nỗi khốn khổ. Tôi gọi nó là ngôi trường kinh nghiệm… . Tôi chưa bao giờ xem những điều này theo cách nào khác hơn là những thử thách vì mục đích thanh tẩy các Thánh Hữu của Thượng Đế để họ có thể, như thánh thư nói, trở thành vàng khối mà đã được bảy lần tinh luyện trong lửa” (Teachings of Presidents of the Church: John Taylor [2001], 203). Những người tiền phong giống như Chủ Tịch John Taylor, là người đã chứng kiến cảnh tiên tri của họ bị giết chết và đã trải qua những ngày dài ngược đãi và sự gian khổ vượt xa óc tưởng tượng nhờ vào đức tin của họ, đã ngợi khen Thượng Đế và cảm tạ Ngài. Qua những thử thách của họ và các hành động can đảm và đầy soi dẫn mà họ có để đối phó với chúng, họ đã lớn mạnh trong đức tin và phần thuộc linh. Qua những nỗi khổ sở của họ, họ đã trở thành những người mà Thượng Đế muốn họ trở thành, và họđã đặt nền móng của công việc vĩ đại mà ban phước cho cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Giống như những người tiền phong, chúng ta phải tạ ơn Thượng Đế về những nghịch cảnh của mình, và cầu xin sự hướng dẫn khi đối phó với chúng. Qua thái độ đó và qua đức tin và sự vâng lời của mình, chúng ta sẽ làm cho những lời hứa của Thượng Đế ban cho chúng ta thành hiện thực. Đó là tất cả phần của kế hoạch.
Tôi rất ưa thích cuốn phim ca nhạc Fiddler on the Roof. Trong đó có một người cha Do Thái tuyệt vời hát bài “If I Were a Rich Man.” Lời cầu nguyện đáng ghi nhớ của ông kết thúc với lời nài xin này:
Chúa là Đấng tạo ra sư tử và chiên con,
Ngài truyền lệnh tôi phải là người như thế này.
Nếu tôi là một người giàu có,
Thì có làm hỏng kế hoạch rộng lớn vĩnh cửu nào đó không?
(lời của Sheldon Harnick [1964])
Có, Tevye, nó có thể làm hỏng chứ. Chúng ta hãy tạ ơn về con người của chúng ta và về những tình huống mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta trong cuộc hành trình cá nhân của mình trên trần thế.
Trong thời xưa, Tiên Tri Lê Hi đã giảng dạy lẽ thật này cho con trai của ông, là Gia Cốp:
“Từ thuở ấu thơ con đã từng chịu nhiều nỗi khổ đau và phiền muộn vì tính tình lỗ mãng của các anh con.
“Tuy vậy, hỡi Gia Cốp, đứa con sinh đầu tiên trong vùng hoang dã của cha, con đã biết được sự cao cả vĩ đại của Thượng Đế; và Ngài sẽ làm sự đau khổ của con thành lợi ích cho con” (2 Nê Phi 2:1–2).
Mẹ của tôi yêu thích đoạn thánh thư đó và sống theo nguyên tắc của đoạn thánh thư đó. Nỗi khổ đau lớn nhất của đời bà là cái chết của chồng bà, cha của chúng tôi, chỉ sau mười một năm kết hôn. Điều này đã thay đổi cuộc sống của bà và gây ra nhiều gian khổ lớn lao khi bà tiếp tục đi kiếm sống và một mình nuôi nấng ba đứa con nhỏ của mình. Tuy nhiên, tôi thường nghe bà nói rằng Chúa đã làm sự đau khổ đó thành lợi ích cho bà bởi vì cái chết của chồng bà đã bắt bà phải phát triển các tài năng của mình mà phục vụ và trở thành con người mà bà không bao giờ có thể trở thành được nếu không có cảnh dường như thảm kịch đó. Mẹ của chúng tôi là một người khổng lồ về thuộc linh, vững mạnh và xứng đáng trọn vẹn với lời tôn kính đầy yêu thương mà ba người con của bà đã khắc vào mộ bia của bà: “Đức Tin của Mẹ Củng Cố Tất Cả.”
Các phước lành của nghịch cảnh tác động đến những người khác. Tôi biết rằng việc được một người mẹ góa bụa nuôi nấng và những đứa con phải học làm việc khó nhọc lúc tuổi còn thơ là một phước lành. Tôi biết rằng cảnh nghèo khó và làm việc khó nhọc thì không gian khổ hơn sự sung túc và thời gian thừa thãi. Tôi cũng biết rằng sức mạnh được tôi luyện trong nghịch cảnh và đức tin được phát triển trong một khung cảnh mà chúng ta không thể thấy trước được.
V.
Khi chúng ta tạ ơn trong mọi việc, thì chúng ta nhìn thấy sự gian khổ và nghịch cảnh trong phạm vi mục đích của cuộc sống. Chúng ta được gửi đến đây để được thử thách. Phải có sự tương phản trong mọi sự việc. Chúng ta phải học hỏi và tăng trưởng qua sự tương phản đó, qua việc đối phó với những thử thách của mình và qua việc giảng dạy những người khác cũng làm như vậy. Người bạn đồng nghiệp thân mến của chúng tôi, Anh Cả Neal A. Maxwell, đã nêu lên cho chúng ta một tấm gương cao quý về điều này. Lòng can đảm, thái độ tuân phục của ông trong việc chấp nhận nỗi đau khổ của mình với căn bệnh ung thư và sự kiên quyết phục vụ của ông đã mang đến sự an ủi cho hằng ngàn người và đã dạy các nguyên tắc vĩnh cửu cho hằng triệu người. Tấm gương của ông cho thấy rằng Chúa sẽ không những làm những đau khổ của chúng ta thành lợi ích cho chúng ta mà Ngài còn sẽ dùng chúng để ban phước cho cuộc sống của vô số người khác.
Chúa Giê Su giảng dạy bài học này khi Ngài và các môn đồ của Ngài gặp một người mù từ thuở sinh ra. Các môn đồ hỏi: “Ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sinh ra thì mù như vậy?” Chúa Giê Su đáp: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:2–3).
Nếu chúng ta nhìn đời qua viễn ảnh thuộc linh, thì chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ về việc làm của Thượng Đế đã được xúc tiến qua những nghịch cảnh của các con cái Ngài. Tôi thường đi thăm Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Hoa Kỳ ở Manila. Đối với tôi, đó là một chốn thiêng liêng. Đó là nơi chôn cất hơn 17.000 người lính, thủy thủ và phi công đã chết trong những trận đánh của Đê Nhị Thế Chiến ở Thái Bình Dương. Đài Kỷ Niệm cũng vinh danh hơn 36.000 quân nhân khác cũng đã chết nhưng thi hài của họ mất tích. Khi tôi bước ngang qua những bức tường xinh đẹp có khắc tên họ và tiểu bang nơi họ sinh ra, tôi thấy có nhiều người mà tôi nghĩ là các Thánh Hữu Ngày Sau.
Khi ngẫm nghĩ về những cái chết trong thời chiến của rất nhiều tín hữu xứng đáng và tuyệt vời và biết bao nỗi khổ sở mà điều này đã gây ra cho những người thân yêu của họ, tôi đã nghĩ đến khải tượng lớn lao của Chủ Tịch Joseph F. Smith được chép trong Tiết 138 của Giáo Lý và Giao Ước. Ông đã nhìn thấy “muôn vàn linh hồn ngay chính mà đã trung tín trong chứng ngôn về Chúa Giê Su trong khi họ sống trên dương thế” (câu 12). Họ đã được tổ chức và chỉ định làm sứ giả “mặc cho họ quyền năng và thẩm quyền, và ủy thác cho họ ra đi mang ánh sáng phúc âm đến với những kẻ ở trong bóng tối, … và phúc âm được thuyết giảng cho người chết là như vậy” (câu 30). Khi suy ngẫm điều mặc khải này và nhớ đến hằng triệu người đã chết trong chiến tranh, tôi hân hoan nơi kế hoạch của Chúa mà trong đó nghịch cảnh của cái chết của nhiều người ngay chính đổi thành phước lành của các sứ giả ngay chính để rao giảng phúc âm cho vô số bạn đồng đội của họ.
Khi chúng ta hiểu được nguyên tắc này, rằng Thượng Đế ban cho chúng ta những cơ hội để nhận được các phước lành và ban phước cho chúng ta qua những nghịch cảnh của chúng ta và những nghịch cảnh của người khác, thì chúng ta có thể hiểu lý do tại sao Ngài đã lặp lại lệnh truyền cho chúng ta phải “tạ ơn Đức Chúa Trời các ngươi về mọi việc” (GLGƯ 59:7).
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được ban phước để hiểu được lẽ thật và mục đích của các giáo lý và các lệnh truyền mà tôi đã mô tả, và chúng ta sẽ có đủ lòng trung tín và sự vững mạnh để tạ ơn trong mọi việc. Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Sáng Tạo của chúng ta, là Đấng mà chúng ta tạ ơn, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.