Lời Cầu Nguyện dành cho Trẻ Em
Là cha mẹ, chúng ta có thể giữ cho cuộc sống được vững chắc … với tình yêu thương và đức tin, truyền lại cho thế hệ mai sau, cho từng đứa con một.
Vào lúc kết thúc ngày giảng dạy đầu tiên của Ngài giữa dân Nê Phi trung tín, Đấng Giê Su phục sinh hướng sự chú ý của Ngài đến một nhóm người xem đặc biệt mà thường đứng thấp hơn tầm nhìn của chúng ta, đôi khi gần như không thấy được.
Biên sử ghi lại, “Ngài bảo họ hãy đem những trẻ nhỏ lại cho Ngài… .
“Và … khi mọi người đều quỳ hết xuống đất, … Ngài cũng qùy xuống … ; và kìa Ngài cất lời cầu nguyện Đức Chúa Cha, nhưng những điều Ngài cầu nguyện không thể viết lại được, … những điều lớn lao kỳ diệu … Ngài nói cùng Đức Chúa Cha.
“… Khi Chúa Giê Su cầu nguyện xong … , Ngài đứng lên; … và … khóc, … và bồng từng đứa trẻ một, và ban phước cho chúng, cùng cầu nguyện Đức Chúa Cha cho chúng.
“Và khi làm như vậy xong, Ngài lại khóc; … Ngài bảo đám đông rằng, … Hãy nhìn con trẻ của các ngươi.”
Chúng ta không thể biết chính xác Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy gì trong giây phút cảm động như thế, nhưng chúng ta biết chắc rằng Ngài đã “ưu phiền” và đã “than thở trong lòng” bởi những ảnh hưởng phá hoại luôn dồn dập chung quanh trẻ thơ vô tội.1 Chúng ta biết Ngài đã cảm thấy sự cần thiết lớn lao để cầu nguyện và ban phước cho các trẻ em.
Trong những thời kỳ giống như thời kỳ mà chúng ta hiện sống, cho dù những đe dọa mang tính chất toàn cầu hay địa phương hay trong cuộc sống cá nhân, tôi cũng cầu nguyện cho các trẻ em. Có những ngày dường như vô vàn cám dỗ và sự phạm tội đổ xuống các trẻ em, dễ dàng trút xuống chúng trước khi chúng có thể chống cự lại được, trước khi chúng phải đối phó với những điều đó. Và thường thì ít nhất một số trong các lực lượng tác động dường như vượt qua sự kiềm chế của cá nhân chúng ta.
Ôi, một số những lực lượng này có thể vượt qua sự kiềm chế của chúng ta nhưng tôi làm chứng bằng đức tin nơi Thượng Đế hằng sống rằng chúng không vượt quá quyền năng kiềm chế của Ngài. Ngài hằng sống và quyền năng của chức tư tế có tác dụng đối với cả người sống lẫn người chết. Chúng ta không lẻ loi và không run sợ như thể bị bỏ mặc một mình. Khi làm phần mình, chúng ta có thể sống theo phúc âm và bảo vệ những nguyên tắc của nó. Chúng ta có thể tuyên bố với những người khác về Đường Đi chắc chắn, Lẽ Thật cứu rỗi, Cuộc Sống hân hoan.2 Chúng ta có thể tự mình hối cải bằng bất cứ cách thức nào mà chúng ta cần để hối cải và khi chúng ta đã hoàn thành tất cả, thì chúng ta có thể cầu nguyện. Trong tất cả các cách thức này chúng ta có thể ban phước cho nhau và đặc biệt cho những người cần sự bảo vệ của chúng ta nhiều nhất—là các trẻ em. Là cha mẹ, chúng ta có thể giữ cho cuộc sống được vững chắc theo cách thức mà nó luôn được giữ vững—với tình yêu thương và đức tin, truyền lại cho thế hệ mai sau, cho từng đứa con một.
Trong việc dâng lên một lời cầu nguyện như thế cho giới trẻ, tôi xin đề cập đến một khía cạnh khá cụ thể khác về sự an toàn của chúng. Trong điều này tôi nói một cách cẩn thận và đầy tình thân ái đến bất cứ những người lớn nào của Giáo Hội, cha mẹ hoặc ai khác, là những người có thể có sự nghi ngờ hoặc thắc mắc, là những người chưa hoàn toàn tận tụy đối với Thượng Đế, là những người xem Giáo Hội như một chỗ dừng chân, không thực sự chia sẻ đức tin và tham gia đầy đủ vào phúc âm. Đối với tất cả những người này—là những người mà chúng ta yêu thương và hy vọng rằng họ có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi tham gia đầy đủ hơn vào phúc âm—tôi xin nói: hãy coi chừng cái giá mà phải trả cho một lập trường như thế thường thì không trả được hết trong suốt cuộc đời của các anh chị em. Không, buồn thay, một số yếu tố của vấn đề này là một món nợ hoang phí, mà con cháu của các anh chị em phải xuất tiền túi ra mà trả tiếp trong những cách thức đắt hơn cả những gì các anh chị em từng dự trù.
Trong Giáo Hội này có một sự chấp nhận và khuyến khích lớn lao—và giáo lệnh trong thánh thư—cho việc nghiên cứu và học hỏi, cho việc so sánh và xem xét, cho việc thảo luận và chờ đợi thêm sự mặc khải. Tất cả chúng ta đều học hỏi “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một”3 với mục tiêu là có được đức tin thật sự nơi Thượng Đế dẫn tới lối sống giống như Đấng Ky Tô. Trong điều này, không được có sự áp bức hoặc mưu mô, không được có sự hăm dọa hoặc đạo đức giả. Nhưng đừng để cho các trẻ em trong Giáo Hội này nghi ngờ về sự tận tâm của cha mẹ của chúng đối với Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Phục Hồi của Giáo Hội của Ngài, và sự xác thực của các vị tiên tri và các vị sứ đồ tại thế, vào thời nay cũng như thời xưa, là những người dẫn dắt Giáo Hội theo như “ý muốn của Chúa, … tâm thần của Chúa, … lời nói của Chúa, … và quyền năng của Thượng Đế cho sự cứu rỗi.”4 Trong những vấn đề căn bản như thế về đức tin, các vị tiên tri không bào chữa cho việc đòi hỏi sự nhất trí, thực vậy sự tuân theo mà, trong ý nghĩa đầy hùng biện, Tiên Tri Joseph Smith đã dùng chữ này.5 Trong bất cứ trường hợp nào, như Anh Cả Neal Maxwell có lần đã nói với tôi trong một cuộc trò chuyện thân mật: “Dường như không có ai than phiền gì về việc phải tuân theo vào ngày mà nước ở Biển Đỏ được rẽ ra.”
Cha mẹ thường không thể lởn vởn với sự nghi ngờ hoặc hoài nghi về phúc âm, rồi sau đó ngạc nhiên khi thấy con cái họ cũng dựa vào những nghi ngờ đó và hoàn toàn chấp nhận. Nếu trong các vấn đề đức tin và tin tưởng, trẻ em đang gặp nguy hiểm vì bị cuốn theo làn sóng triết lý hoặc trào lưu thực hành văn hóa không thích hợp với phúc âm, là cha mẹ, chúng ta cần phải chắc chắn hơn bao giờ hết để bám chặt lấy các tiêu chuẩn mà có thể nhận ra được rõ ràng đối với những người trong gia đình chúng ta. Chúng ta sẽ không giúp đỡ được ai, nếu phần thuộc linh của chúng ta bị hủy diệt cùng với con cái, khi chúng ta có cố gắng giải thích qua tiếng ồn ào của cả thế gian rằng chúng ta đã thực sự biết Giáo Hội là chân chính và rằng các chìa khóa của chức tư tế thực sự được nắm giữ ở đó, nhưng chúng ta chỉ không muốn ép buộc con cái của mình nghĩ khác. Không, chúng ta không thể trông mong con cái đến được bến bờ an toàn nếu cha mẹ dường như không biết buộc neo của thuyền họ ở đâu. Ê Sai đã có lần sử dụng một sự so sánh khác về hình ảnh như thế khi ông nói về những kẻ không tin, “những dây [của ngươi] đã cởi ra, không thể giương buồm được, những dây không thể thả được cánh buồm.”6
Tôi nghĩ một số cha mẹ có thể không hiểu rằng ngay cả khi họ cảm thấy vững chắc trong lòng của họ về vấn đề chứng ngôn cá nhân, nhưng họ cũng không thể biểu lộ cho con cái họ thấy rằng họ có đức tin đó. Chúng ta có thể là các Thánh Hữu Ngày Sau khá tích cực và tham dự lễ đầy đủ nhưng nếu chúng ta không sống theo lối sống đạo đức của phúc âm và giảng dạy con cái mình về sự tin chắc nhiệt thành đối với sự trung thực của Sự Phục Hồi và sự hướng dẫn thiêng liêng của Giáo Hội từ lúc có Khải Tượng Thứ Nhất cho đến giờ phút này, thì chúng ta sẽ ân hận nhưng không ngạc nhiên, khi các con cái này có thể không trở thành những Thánh Hữu Ngày Sau tích cực, tham dự lễ đầy đủ, hoặc bất cứ điều gì tương tự.
Cách đây không lâu Chị Holland và tôi đã gặp một thanh niên tốt mà đến tiếp xúc với chúng tôi sau khi đã trải qua những tin tưởng huyền bí và tìm hiểu nhiều loại tôn giáo Đông Phương, tất cả chỉ với ý định thử tìm kiếm đức tin tôn giáo. Anh ta thú nhận rằng cha của mình không tin vào bất cứ điều gì. Nhưng anh nói rằng ông nội của anh, thực sự là một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Người thanh niên này nói: “Nhưng ông đã không mấy tích cực. Lúc nào ông cũng hoài nghi về Giáo Hội.” Từ ông nội là một người hoài nghi đến con trai là một người không tin rồi đến cháu nội là người đang khẩn trương tìm kiếm những gì Thượng Đế đã từng ban cho gia đình của anh! Thật là một ví dụ cổ điển về lời cảnh cáo mà Anh Cả Richard L. Evans có lần đã nói.
Ông nói: “Đôi khi một số cha mẹ lầm tưởng rằng khi họ không phải tuân theo một cách nghiêm chỉnh những điều giảng dạy của Giáo Hội hoặc có một quan điểm gọi là phóng khoáng về những điều căn bản và thiết yếu—nghĩ rằng một chút lỏng lẻo hay buông thả thì không sao—hoặc họ có thể không giảng dạy hay không tham dự Giáo Hội, hoặc có thể đưa ra những lời phê bình chỉ trích. Một số cha mẹ … cảm thấy rằng họ có thể lơ là đối với những nguyên tắc căn bản mà không ảnh hưởng đến gia đình của họ hoặc tương lai của gia đình họ. “Nhưng,” ông nhận xét, “nếu một người cha hay người mẹ hơi đi lạc lối, thì con cái còn sẽ lạc lối xa hơn cả cha mẹ.”7
Để dẫn dắt một đứa trẻ (hoặc bất cứ ai khác!), ngay cả một cách ngẫu nhiên, xa rời lòng trung tín, lòng trung kiên và sự tin tưởng mãnh liệt chỉ bởi vì chúng ta muốn được tài giỏi hơn hoặc độc lập là một điều mà không cha mẹ nào hoặc bất cứ ai khác từng được cho phép làm. Đối với vấn đề tôn giáo, một tinh thần ngờ vực không phải là tấm gương đức hạnh cao hơn một tấm lòng tin tưởng, và sự phê bình có chủ tâm và nghi ngờ về ý nghĩa và ý định đôi khi được áp dụng cho việc viết tiểu thuyết mà thôi, thì có thể chỉ là sự phá hủy khi áp dụng cho những gia đình mong muốn có đức tin ở trong nhà. Và sự lạc lối như thế từ đường lối ngay chính có thể có những hậu quả từ từ và khó thấy. Như một người quan sát đã nói: “[Nếu nhiệt độ của] nước tắm của tôi … được tăng lên chỉ 1 độ mỗi 10 phút, thì làm sao [mà tôi] biết được lúc nào để hét lên vì bị bỏng?”8
Trong khi xây cất đền tạm thiêng liêng của họ trong vùng hoang dã Si Nai, con cái thời xưa của Y Sơ Ra Ên đã được truyền lịnh làm vững chắc các dây thừng chống đỡ và những cọc nắm giữ chúng.9 Tại sao? Vì nhiều vấn đề khó khăn xảy ra trong cuộc sống—thường xuyên. Vì vậy hãy sửa chữa, buộc chặt vào những tiêu chuẩn của Chúa và buộc chặt lại thêm. Mặc dù thế, chúng ta vẫn biết rằng một số con cái sẽ chọn những điều làm buồn lòng cha mẹ. Những người cha và những người mẹ có thể làm mọi việc ngay chính vậy mà con cái vẫn bị lạc lối. Quyền tự quyết vẫn có hiệu lực. Nhưng ngay cả trong những giờ phút đau khổ như thế các anh chị em sẽ được an ủi để biết rằng con cái của mình đã biết về đức tin bất biến của các anh chị em nơi Đấng Ky Tô, nơi Giáo Hội chân chính của Ngài, nơi các chìa khóa của chức tư tế và những người nắm giữ chúng. Rồi, các anh chị em sẽ được an ủi để biết rằng nếu con cái của mình có chọn rời khỏi con đường thẳng và hẹp, thì chúng rời đi mà biết rõ rằng cha mẹ của chúng vẫn vững vàng ở trên con đường ấy. Hơn nữa, rất có thể chúng sẽ quay trở lại với con đường đó khi chúng “tỉnh ngộ,”10 và nhớ lại tấm gương yêu thương và những lời giảng dạy dịu dàng mà các anh chị em ban cho chúng trên con đường đó.
Hãy hết lòng sống theo phúc âm một cách rõ ràng. Hãy giữ những giao ước mà con cái của các anh chị em biết các anh chị em đã lập. Hãy ban những phước lành chức tư tế. Và chia sẻ chứng ngôn của mình!11 Đừng cho rằng con cái của các anh chị em sẽ bằng cách nào đó tự mình hiểu được niềm tin của các anh chị em. Tiên tri Nê Phi đã nói vào lúc cuối đời ông rằng họ đã viết biên sử của họ về Đấng Ky Tô và giữ gìn sự tin chắc của họ về phúc âm của Ngài với mục đích “để thuyết phục con cháu chúng ta, “ông nói—rằng “con cháu chúng ta có thể hiểu được … [và tin vào] con đường ngay chính.”12
Như Nê Phi đã làm, chúng ta có thể tự hỏi xem con cái chúng ta biết gì? Từ chúng ta chăng? Tự mình biết chăng? Con cái chúng ta có biết rằng chúng ta yêu mến thánh thư không? Chúng có thấy chúng ta đọc và đánh dấu thánh thư và áp dụng thánh thư trong cuộc sống thường ngày không? Con cái chúng ta có bao giờ tình cờ mở cửa ra và thấy chúng ta đang quỳ xuống cầu nguyện không? Chúng có nghe thấy chúng ta không chỉ cầu nguyện với chúng mà còn cầu nguyện cho chúng, không phải vì điều gì mà chỉ vì tình yêu thương của cha mẹ không? Con cái chúng ta có biết chúng ta tin vào việc nhịn ăn là một điều gì đó có ý nghĩa nhiều hơn một sự khó khăn bắt buộc mỗi Chúa Nhật đầu tháng không? Chúng có biết rằng chúng ta nhịn ăn cho chúng và cho tương lai mà chúng chưa hề biết tới không? Chúng có biết chúng ta yêu thích được ở trong đền thờ, vì một lý do quan trọng là đền thờ cung ứng một mối ràng buộc với chúng mà cái chết hoặc ngục giới không thể bẻ gẫy được không? Chúng có biết chúng ta yêu mến và tán trợ các vị lãnh đạo địa phương và trung ương, là những người không hoàn hảo, vì sự sẵn lòng của họ để chấp nhận sự kêu gọi mà họ đã không tìm kiếm, ngõ hầu gìn giữ một tiêu chuẩn ngay chính mà họ không tạo ra không? Những đứa con đó có biết rằng chúng ta hết lòng yêu thương Thượng Đế và chúng ta mong ước được gặp mặt— và sấp mình dưới chân—của Con Trai Độc Sinh Yêu Dấu của Ngài không? Tôi cầu nguyện rằng chúng biết.
Thưa các anh chị em, con cái chúng ta hướng về tương lai với sự thúc đẩy và với sự chỉ bảo của chúng ta. Và ngay cả khi chúng ta lo lắng quan sát chúng hướng về tương lai và biết tất cả những điều xấu xa mà có thể làm lệch hướng của chúng sau khi rời khỏi vòng tay của chúng ta, tuy nhiên chúng ta lấy hết can đảm bằng cách nhớ rằng yếu tố hữu diệt quan trọng nhất trong việc quyết định nơi chúng đến sẽ là sự vững vàng, sức mạnh, và sự kiên quyết của cha mẹ.13
Carl Sandburg có lần đã nói, “Việc một đứa bé sinh ra đời cho thấy rằng Thượng Đế quy định là cuộc sống phải tiếp tục.”14 Vì tương lai của đứa bé đó cũng như của bản thân các anh chị em, hãy vững mạnh. Hãy tin tưởng. Hãy luôn yêu thương và luôn làm chứng. Hãy luôn cầu nguyện. Những lời cầu nguyện đó sẽ được nghe thấy và được đáp ứng vào những lúc bất ngờ nhất. Thượng Đế sẽ không gửi sự giúp đỡ đến cho một ai một cách sẵn sàng bằng việc Ngài sẽ gửi sự giúp đỡ cho một đứa trẻ—và đến cha mẹ của một đứa trẻ.
“Và [Chúa Giê Su] bảo đám đông rằng: Hãy nhìn con trẻ của các ngươi.
“Và … khi đưa mắt lên nhìn họ chợt thấy các tầng trời mở ra, và các thiên sứ từ trời hạ xuống như đang ở giữa một đám lửa. Rồi các vị này đến bao quanh các trẻ nhỏ, khiến chúng như được bao vây giữa đám lửa; và các thiên sứ này săn sóc chúng.”15
Cầu mong điều đó luôn luôn được như thế tôi tha thiết cầu nguyện—cho các trẻ em—trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.