Chiên Đi Lạc Thì Rất Quý
Đối với các bậc cha mẹ đau khổ mà đã luôn ngay chính, siêng năng và thành tâm trong việc giảng dạy con cái ngỗ nghịch của họ, thì chúng tôi nói cùng các anh chị em rằng Đấng Chăn Lành đang chăm sóc chúng.
Thưa các anh chị em và bạn hữu thân mến, sứ điệp của tôi buổi sáng hôm nay là một sứ điệp về hy vọng và an ủi gửi đến những bậc cha mẹ đau khổ mà đã làm hết sức mình để nuôi dạy con cái họ trong sự ngay chính với tình yêu thương và lòng tận tụy, nhưng đã bị thất vọng vì con của họ đã chống đối hay đã bị lạc lối để đi theo con đường tà ác và hủy diệt. Khi nghĩ đến nỗi đau đớn xót xa của các anh chị em, tôi nhớ lại những lời của Giê Rê Mi: “Tại Ra Ma nghe có tiếng than thở, khóc lóc đắng cay. Ra Chên khóc con cái mình, mà không chịu yên ủi về con cái mình, vì chúng nó không còn nữa.” Chúa đã ban cho lời cam đoan đối với điều này: “Hãy nín tiếng ngươi, đừng than khóc … vì công việc của ngươi sẽ được thưởng … chúng nó sẽ trở về từ xứ kẻ thù.”1
Tôi phải bắt đầu bằng cách làm chứng rằng lời của Chúa phán cùng những bậc cha mẹ trong Giáo Hôi này được chép trong tiết 68 của Giáo Lý và Giao Ước trong lời chỉ dẫn phi thường này: “Và lại nữa, những bậc cha mẹ nào trong Si Ôn, hay ở trong bất cứ một giáo khu nào đã được tổ chức, có con cái đã lên tám tuổi mà không chịu dạy con cái mình biết giáo lý về sự hối cải và đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh được ban cho bởi phép đặt tay, thì tội lỗi sẽ trút lên đầu những bậc cha mẹ ấy.”2 Những bậc cha mẹ được chỉ dẫn để “dạy con cái mình biết cầu nguyện và biết bước đi ngay thẳng trước nhan Chúa.”3 Là một người cha và một người ông, tôi chấp nhận điều này là lời của Chúa, và với tư cách là một tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi khuyến khích các bậc cha mẹ nên hết lòng theo sát lời khuyên dạy này.
Ai là những bậc cha mẹ tốt? Họ là những người đã cố gắng một cách yêu mến, thành tâm và nghiêm túc dạy con cái họ bằng cách nêu gương và bằng lời giáo huấn “để cầu nguyện và bước đi ngay thẳng trước nhan Chúa.”4 Điều này rất đúng dù cho ngay cả một số con cái của họ ngỗ nghịch hay chạy theo vật chất thế gian. Con cái đến thế gian này với linh hồn và cá tính riêng biệt của chúng. Một số con cái “có thể thử thách bất cứ bậc cha mẹ nào trong bất cứ hoàn cảnh nào… . Có lẽ có những con cái khác ban phước cuộc sống và là niềm vui của hầu hết bất cứ người cha hay người mẹ nào.”5 Các bậc cha mẹ thành công là những người đã hy sinh và vất vả làm hết sức mình trong hoàn cảnh gia đình của họ.
Tình yêu thương sâu xa của cha mẹ đối với con cái họ không thể nào đo lường được. Nó không giống với bất cứ mối quan hệ nào khác. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái lớn hơn mối quan tâm của họ đối với cuộc sống của chính họ. Tình yêu thương của một người cha hay mẹ đối với một đứa con thì vẫn tiếp tục mặc dù có thể có nỗi đau khổ và thất vọng. Tất cả các bậc cha mẹ đều hy vọng và cầu nguyện rằng con cái của họ sẽ chọn những quyết định khôn ngoan. Con cái mà biết vâng lời và có trách nhiệm mang đến cho cha mẹ mình niềm hãnh diện và hài lòng bất tận.
Nhưng nếu con cái mà được cha mẹ trung tín và đầy lòng thương yêu dạy dỗ nhưng lại chống đối hay bị lạc lối thì sao? Có hy vọng chăng? Nỗi đau buồn của một người cha hay mẹ đối với đứa con bất trị thì hầu như khó giải khuây được. Người con trai thứ ba của Vua Đa Vít, là Áp Sa Lôm, giết chết một trong những người anh của mình và cũng nổi loạn chống cha mình. Áp Sa Lôm bị Giô Áp giết chết. Khi nghe tin Áp Sa Lôm đã chết, Vua Đa Vít đã khóc và bày tỏ nỗi buồn rầu của mình: “Ôi, Áp Sa Lôm, con trai ta! Áp Sa Lôm con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp Sa Lôm! con trai ta! con trai ta!”6
Tình phụ tữ này cũng được biểu lộ trong câu chuyện ngụ ngôn về đứa con trai phá của. Khi đứa con trai bất trị của ông trở về nhà sau khi đã ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình, người cha đã bắt con bò mập làm thịt và ăn mừng sự trở về của đứa con phá của, nói cùng đứa con trai ngoan ngoãn nhưng phẫn uất bực bội: “Thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được.”7
Tôi tin tưởng và chấp nhận lời an ủi của Anh Cả Orson F. Whitney:
“Tiên Tri Joseph Smith đã nói—và ông chưa bao giờ giảng dạy một giáo lý nào đầy an ủi hơn—rằng những gắn bó vĩnh cửu của các bậc cha mẹ trung tín và những lời hứa thiêng liêng ban cho họ về sự phục vụ dũng cảm trong Chính Nghĩa của Lẽ Thật, không những cứu rỗi họ mà cũng còn cứu rỗi con cái họ nữa. Mặc dù một số chiên có thể lạc lối, nhưng mắt của Người Chăn vẫn theo dõi chúng, và sớm muộn gì thì chúng cũng sẽ cảm nhận được lòng ưu ái của Thượng Đế giang tay ra dìu chúng trở về bầy. Trong cuộc sống này hay cuộc sống mai sau, chúng sẽ trở về. Chúng sẽ phải trả nợ của mình cho công lý ; chúng sẽ đau khổ vì tội lỗi của chúng; và có thể bước đi trên con đường chông gai; nhưng cuối cùng nếu con đường này dẫn chúng, giống như Đứa Con Phá Của mà đã biết hối cải, trở về với tấm lòng và nhà cửa của một người cha luôn nhân từ và tha thứ, thì kinh nghiệm đau thương ấy sẽ không vô ích. Hãy cầu nguyện cho các con cái thiếu thận trọng và ngỗ nghịch của các anh chị em; hãy ghì chặt lấy chúng với đức tin của các anh chị em. Hãy hy vọng, hãy tin tưởng cho đến khi các anh chị em đạt được sự cứu rỗi của Thượng Đế.”8
Một nguyên tắc trong lời nói này mà thường không được chú ý tới là chúng phải hối cải hoàn toàn và “đau khổ về các tội lỗi của chúng” và “trả nợ cho công lý .” Tôi nhận biết rằng giờ đây là lúc để chuẩn bị gặp Thượng Đế.9 Nếu không có sự hối cải của những đứa con ương ngạnh trong cuộc sống này, thì có thể nào những mối ràng buộc gắn bó đủ vững mạnh nổi cho chúng để có thể thực hiện sự hối cải của chúng chăng? Trong Giáo Lý và Giao Ước, chúng ta được bảo rằng: “Những người chết nào hối cải sẽ được cứu chuộc nếu họ tuân theo các giáo lễ của Nhà Thượng Đế,
“Và sau khi họ đã trả xong hình phạt về sự phạm tội của mình, và được tẩy sạch, họ sẽ nhận được phần thưởng tùy theo công việc họ làm, vì họ là những người thừa kế sự cứu rỗi.”10
Chúng ta nhớ rằng đứa con trai phá của đã hoang phí hết gia tài của mình và khi đã hết tiền của thì nó trở về nhà cha của nó. Nơi đó nó được đón chào vào gia đình, nhưng gia tài của nó đã tiêu xài hết.11 Lòng thương xót không thể lấy đi những đòi hỏi của công lý và quyền năng gắn bó của những bậc cha mẹ trung tín sẽ chỉ đòi hỏi nơi các con cái ương ngạnh điều kiện hối cải của chúng và Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Các con cái ương ngạnh nhưng biết hối cải sẽ thụ hưởng sự cứu rỗi và tất cả các phước lành mà đi kèm theo, nhưng sự tôn cao thì đòi hỏi càng nhiều hơn nữa. Nó phải được khổ công để đạt được. Câu hỏi là ai sẽ được tôn cao phải để cho Chúa trả lời với lòng thương xót của Ngài.
Có rất ít người mà phạm nhiều chống đối và tội lỗi quá lớn lao đến đỗi “mất đi quyền năng hối cải.”12 Sự phán xét đó cũng phải để cho Chúa. Ngài phán cùng chúng ta: “Ta là Chúa, sẽ tha thứ cho ai ta muốn tha thứ; còn các ngươi thì cần phải biết tha thứ tất cả mọi người.”13
Có lẽ trong cuộc sống này, chúng ta không được ban cho sự hiểu biết trọn vẹn về cách thức kéo dài của mối ràng buộc của các bậc cha mẹ ngay chính với con cái của họ. Có thể là có nhiều nguồn giúp đỡ hữu hiệu hơn điều chúng ta biết.14 Tôi tin rằng có một sức đẩy mạnh của gia đình khi ảnh hưởng của các tổ tiên yêu quý tiếp tục với chúng ta từ bên kia bức màn che.
Chủ Tịch Howard W. Hunter nhận xét rằng “sự hối cải chỉ là nỗi nhớ nhà của linh hồn, và sự chăm sóc liên tục và đầy cảnh giác của người cha hay mẹ là loại tha thứ chắc chắn rõ ràng nhất trên trần thế của Thượng Đế.” Gia đình không phải là điều gần giống nhất mà sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi đã tìm để thiết lập hay sao?15
Chúng ta học biết nhiều về vai trò làm cha mẹ từ cha mẹ của mình. Tình yêu thương của tôi đối với cha tôi thật sâu đậm khi ông ân cần, kiên nhẫn, và thông cảm. Khi tôi làm hư hại chiếc xe của gia đình, ông đã hòa nhã và sẵn lòng tha thứ. Nhưng các con trai của ông có thể chắc rằng kỷ luật sẽ gắt gao nếu chúng không nói lên sự thật hoàn toàn, hay tiếp tục vi phạm những quy luật, nhất là tỏ ra thiếu lễ độ đối với mẹ của chúng tôi. Cha của tôi đã qua đời gần nửa thế kỷ rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy nhớ nhiều về việc có thể đi tới ông để có được lời khuyên bảo khôn ngoan và đầy yêu thương. Tôi nhìn nhận là thỉnh thoảng tôi nghi ngờ về lời khuyên bảo của ông nhưng tôi không thể bao giờ có thể nghi ngờ về tình thương yêu của ông đối với tôi. Tôi chưa bao giờ muốn làm ông thất vọng.
Một yếu tố quan trọng của việc cố gắng hết khả năng mình với tư cách là cha mẹ là cung ứng kỷ luật đầy yêu thương nhưng cứng rắn. Nếu chúng ta không kỷ luật con cái mình, thì xã hội có thể làm điều đó theo cách thức mà chúng ta hay con cái chúng ta không thích. Một phần kỷ luật con cái là dạy chúng làm việc. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Một trong những giá trị lớn nhất … là đức tính làm việc lương thiện. Sự hiểu biết mà không có sự làm việc kèm theo thì vô ích. Sự hiểu biết kèm theo sự làm việc là thiên tài.”16
Cạm bẫy của Sa Tan đang gia tăng lan tràn, và việc nuôi dạy con cái đang trở nên khó khăn bởi vì điều này. Do đó cha mẹ cần phải cố gắng hết sức mình và nhờ vào sự giúp đỡ mà sự phục vụ và sinh hoạt của Giáo Hội có thể cung ứng. Nếu cha mẹ sống không đứng đắn và lạc lối dù là nhất thời thì một số con cái của họ cũng có thể bắt chước theo gương đó.
Có một khía cạnh khác mà cần được đề cập đến. Tôi khẩn khoản cùng các con cái mà đã xa lánh cha mẹ mình hãy mở rộng vòng tay đối với họ, dù cho họ không phải là những người tốt mà đáng lẽ họ phải được như vậy. Con cái mà chỉ trích cha mẹ mình có thể nhớ kỹ lời khuyên bảo khôn ngoan của Mô Rô Ni khi ông nói: “Chớ kết tội tôi về những khuyết điểm của tôi; chớ kết tội cha tôi về những khuyết điểm của ông; và cũng chớ kết tội tất cả những người đã ghi chép biên sử trước ông. Mà trái lại các người hãy tạ ơn Thượng Đế, vì Ngài đã biểu lộ cho các người thấy những khuyết điểm của chúng tôi, để các người có thể học hỏi và trở nên khôn ngoan hơn chúng tôi.”17
Khi Mô Rô Ni đến viếng Vị Tiên Tri Joseph Smith trẻ tuổi vào năm 1823, ông đã trích dẫn câu sau đây về sứ mệnh của Ê Li: “Và người sẽ gieo vào lòng các con cái những lời hứa đã lập với cha ông chúng để cho lòng con cái trở lại cùng cha.”18 Tôi hy vọng rằng tấm lòng của tất cả các con cái cuối cùng sẽ quay lại cùng cha của họ và cũng như mẹ của họ.
Khi còn niên thiếu, tôi quen biết với một cặp vợ chồng tuyệt vời nọ có một người con trai bất trị và xa lánh gia đình họ. Nhưng trong những năm sau này của họ, người con trai đã hòa thuận lại với họ và là đứa con đầy lòng chăm sóc và quan tâm nhất trong số tất cả con cái của họ. Khi chúng ta lớn tuổi, sức thúc đẩy từ cha mẹ và ông bà mình ở bên kia bức màn che trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là một kinh nghiệm thú vị khi họ đến viếng chúng ta trong giấc mơ của mình.
Thật là một điều bất công và tàn nhẫn để xét đoán các bậc cha mẹ tận tâm và trung tín bởi vì một số con cái của họ chống đối hay lạc lối khỏi những lời giảng dạy và tình yêu thương của cha mẹ mình. Có các cặp vợ chồng may mắn có con cháu mà mang lại cho họ sự an ủi và hài lòng. Chúng ta phải quan tâm đến các bậc cha mẹ xứng đáng, ngay chính mà cố gắng và chịu đau khổ với con cái ngỗ nghịch. Một người bạn của tôi thường nói: “Nếu anh chị em không có vấn đề nào với con cái mình, thì hãy đợi mà xem.” Không một ai có thể nói với bất cứ mức độ chắc chắn nào những gì mà con cái họ sẽ làm trong những hoàn cảnh nào đó. Khi người mẹ vợ khôn ngoan của tôi nhìn thấy những đứa trẻ khác vô kỷ luật thì bà thường nói: “Tôi không bao giờ nói con cái của tôi sẽ không làm điều đó bởi vì chúng có thể làm điều đó ngay trong khi tôi đang nói đây!” Khi cha mẹ buồn phiền vì con cái ngỗ nghịch và ương ngạnh, thì chúng ta phải, với lòng thương xót, ngăn cấm việc “ném đá đầu tiên.”19
Một tín hữu Giáo Hội ẩn danh đã viết về nỗi đau buồn liên tục mà em trai của chị đã gây ra cho cha mẹ chị. Người em trai này đã dính líu với ma túy. Nó đã phản đối tất cả mọi nỗ lực kiềm chế và kỷ luật. Lòng nó đầy dối trá và bướng bỉnh. Không giống như đứa con trai phá của, đứa con trai lạc lối này không tự nguyện về nhà. Thay vì thế, nó bị cảnh sát bắt và bắt buộc phải nhận chịu những hậu quả về hành động của nó. Cha mẹ của Bill đã giúp đỡ Bill trong chương trình điều trị hai năm mà cuối cùng mang đến sự bình phục của nó khỏi ma túy. Chị của Bill đã nhận xét một cách ngắn gọn: “Tôi nghĩ rằng cha mẹ tôi rất phi thường. Họ không bao giờ nao núng trong tình yêu thương của họ đối với Bill, mặc dù họ không đồng ý và ngay cả ghét điều nó đang làm đối với bản thân nó và đối với cuộc sống của gia đình họ. Nhưng họ đã có đủ sự cam kết đối với gia đình mình để giúp đỡ Bill trong bất cứ phương diện nào cần thiết để khuyến khích nó sống qua những lúc khó khăn và bước lên một nền tảng vững chắc hơn. Họ đã thực hành phúc âm của Đấng Ky Tô một cách sâu xa hơn, nhạy bén hơn và bao quát bằng cách yêu thương kẻ đi lạc lối.”20
Chúng ta chớ kiêu ngạo mà thay vì thế hãy khiêm nhường biết ơn nếu con cái của chúng ta biết vâng lời và lễ độ đối với những lời giảng dạy của chúng ta về các đường lối của Chúa. Đối với các bậc cha mẹ đau khổ mà đã luôn ngay chính, siêng năng và thành tâm trong việc giảng dạy con cái ngỗ nghịch của họ, thì chúng tôi nói cùng các anh chị em rằng Đấng Chăn Lành đang chăm sóc chúng.Thượng Đế biết và hiểu nỗi đau buồn xót xa của các anh chị em. Còn có hy vọng. Hãy tìm sự an ủi trong những lời của Giê Rê Mi: “Công việc của ngươi sẽ được thưởng” và con cái của các anh chị em có thể “trở về từ xứ kẻ thù.”21 Tôi làm chứng như vậy và cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.