2005
Một Mẫu Mực cho Tất Cả
Tháng Mười Một năm 2005


Một Mẫu Mực cho Tất Cả

Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là một mẫu mực cho tất cả… . Đó chính là tin lành quan trọng—giáo lý và các quyền năng chuộc tội vô tận của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mới gần đây một tham dự viên trong một chương trình phát thanh đã thắc mắc về sức thu hút của Giáo Hội đối với quốc tế khi xét về nguồn gốc của Giáo Hội ở New York, trụ sở của Giáo Hội ở Utah và câu chuyện trong Sách Mặc Môn về một dân tộc Mỹ Châu thời xưa. Khi tôi nghĩ về những người bạn ở Á Châu, Phi Châu, Âu Châu và những phần đất khác trên thế giới, thì thật hiển nhiên là người thảo luận viên đó đã không hiểu tính chất phổ biến của phúc âm phục hồi hoặc về cách thức các giáo lễ, giao ước và phước lành của phúc âm áp dụng cho tất cả mọi người ở khắp nơi. Ý nghĩa toàn cầu về Khải Tượng Thứ Nhất của Tiên Tri Joseph Smith và Sách Mặc Môn không được đo lường bằng địa điểm mà bằng sứ điệp về mối quan hệ của con người với Thượng Đế, tình yêu thương của Đức Chúa Cha đối với các con cái của Ngài và tiềm năng thiêng liêng trong mỗi con người.

Lời kêu gọi của vị tiên tri trong suốt các thời đại đã là “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32; xin xem thêm Ma Thi Ơ 5:48; Giăng 10:10; 14:6) và rằng sự cứu rỗi là qua Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha (xin xem Giăng 1:14, 18; GLGƯ 29:42). Lời kêu gọi đó thì phổ quát và áp dụng cho tất cả con cái của Thượng Đế cho dù đó là người Phi Châu, Á Châu, Âu Châu hoặc bất cứ quốc tịch nào khác. Như Sứ Đồ Phao Lô đã tuyên bố cùng dân A Thên, tất cả chúng ta đều “là dòng dõi Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29).

Kế hoạch của Đức Chúa Cha về cuộc sống, mà đặt trọng tâm vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, thì đã được chuẩn bị trước khi thế gian được tạo dựng (xin xem Áp Ra Ham 3:22–28; An Ma 13:3). Nó đã được ban cho A Đam và Ê Va và họ đã được truyền lệnh giảng dạy về kế hoạch ấy cho con cái của họ (xin xem Môi Se 5:6–12). Theo thời gian, con cháu của A Đam khước từ phúc âm, nhưng phúc âm được hồi phục lại qua Nô Ê và rồi, một lần nữa, qua Áp Ra Ham (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 6:2–4; Ga La Ti 3:6–9). Phúc âm đã được ban cho dân Y Sơ Ra Ên vào thời Môi Se. Nhưng cần phải có một phương tiện cực kỳ chặt chẽ để mang họ đến với Đấng Ky Tô sau bao nhiêu thế kỷ họ đã sống trong sự bội giáo (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5-6; GLGƯ 84:19–24). Cuối cùng phúc âm trọn vẹn đã được chính Đấng Cứu Rỗi phục hồi cho dân Y Sơ Ra Ên vào thời trung thế.

Một trong các đoạn rõ ràng nhất của thánh thư về diễn tiến của sự bội giáo và sự phục hồi được tìm thấy trong câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su về bọn trồng vườn nho tà ác (xin xem Mác 12:1–10). Trong câu chuyện ngụ ngôn này, Chúa Giê Su nhắc người ta nhớ đến nhiều vị tiên tri đã được phái đi trước đây để dựng lên một dân tộc ngay chính. Rồi Ngài nói rằng các sứ giả này đã bị khước từ nhiều lần như thế nào. Một số đã bị đánh đập và đuổi về tay không. Những người khác bị giết. Và rồi khi Ngài tiên tri về giáo vụ của chính Ngài, Chúa Giê Su phán bảo cùng những người đang lắng nghe Ngài rằng Đức Chúa Cha đã quyết định gửi đi “con trai một [của Ngài], con trai rất yêu dấu của Ngài,” (Bản Dịch Joseph Smith, Mác 12:7) và phán rằng: “Chúng nó sẽ kính trọng con ta” (Ma Thi Ơ 21:37).

Tuy nhiên, Chúa Giê Su đã biết được số mệnh của mình nên phán rằng:

“Nhưng bọn trồng nho đó bàn với nhau rằng: Thằng này là con kế tự; hè, ta hãy giết nó, thì phần gia tài nó sẽ về chúng ta.

“Họ bắt con trai ấy giết đi, ném ra ngoài vườn nho” (Mác 12:7–8).

Tiếp theo cái chết của Đấng Cứu Rỗi và của Các Sứ Đồ của Ngài, các giáo lý và giáo lễ đã bị sửa đổi và sự bội giáo bắt đầu trở lại. Lần này, bóng tối thuộc linh kéo dài hằng trăm năm trước khi tia nắng một lần nữa xuyên qua trái đất. Sứ Đồ Phi E Rơ đã biết về Sự Bội Giáo này và đã tiên tri sau khi Đấng Cứu Rỗi thăng thiên rằng Chúa sẽ không trở lại cho đến “kỳ muôn vật đổi mới” (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21). Sứ Đồ Phao Lô cũng đã tiên tri về thời kỳ mà các tín hữu sẽ “không chịu nghe đạo lành” (2 Ti Mô Thê 4:3–4) và “sự bỏ đạo” (2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:2–3) sẽ đến trước Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô. Ông cũng nhắc đến “muôn vật đổi mới” khi nói rằng Đấng Cứu Rỗi “trong khi kỳ mãn … hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 1:10).

Chúa đã hướng dẫn Sự Phục Hồi phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith. Việc “muôn vật đổi mới” bắt đầu trong Khu Rừng Thiêng Liêng với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện đến cùng Joseph Smith. Trong khải tượng, Joseph học biết được chân tính riêng của Thượng Đế—rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử là hai nhân vật khác biệt, tôn cao với thể xác bằng xương bằng thịt.

Lúc ban đầu của đa số gian kỳ, một quyển sách được ban cho vị tiên tri mới được kêu gọi. Môi Se nhận được các tấm bảng bằng đá (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 31:18). Lê Hi được ban cho một quyển sách để đọc về sự hủy diệt của Giê Ru Sa Lem (xin xem 1 Nê Phi 1:11–14). Ê Xê Chi Ên được ban cho “một bản sách cuốn” (Ê Xê Chi Ên 2:9–10) chứa đựng sứ điệp của Chúa cho Gia Tộc Giu Đa trong thời ông. Giăng Vị Mặc Khải ở Đảo Bát Mô đã được cho thấy một quyển sách đóng bảy ấn (xin xem Khải Huyền 5; GLGƯ 77:6). Vậy thì, có thắc mắc nào về việc Chúa sẽ cung ứng cho một quyển sách chứa đựng phúc âm trọn vẹn làm phần của “muôn vật đổi mới” không? Sách Mặc Môn có quyền năng thu hút mọi người đến cùng Đấng Ky Tô. Các đoạn tham khảo của sách về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là những điều rõ ràng nhất liên quan đến mục đích và các quyền năng của sách.

Đức Thánh Linh đã mách bảo cùng tâm hồn tôi rằng Joseph đã thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong Khu Rừng Thiêng Liêng và rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Tôi biết ơn về sự hiểu biết thêm liên quan đến Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi được chứa đựng trong Sách Mặc Môn. Một trong các danh hiệu của Đấng Cứu Rỗi là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha. Ví dụ, Sứ Đồ Giăng trong sách Phúc Âm của mình nói rằng ông đã trông thấy vẻ uy nghi và vinh quang của Chúa trên Núi Biến Hình và vinh quang của Ngài là vinh quang của “Con một đến từ nơi Cha“ (Giăng 1:14; xin xem thêm câu 18). Sách Mặc Môn cũng nhiều lần dùng danh hiệu này.

Khác với những người trần thế mà thừa hưởng sự chết từ cha mẹ, Chúa Giê Su sinh ra từ một người mẹ trần thế nhưng từ một Đức Cha bất diệt. Sự chết nhận được từ Ma Ri có nghĩa là Ngài có thể chết, nhưng sự thừa hưởng từ Cha của Ngài đã cho Ngài cuộc sống vô tận mà có nghĩa rằng sự chết là một hành động tình nguyện. Do đó, Chúa Giê Su đã phán bảo cùng dân Do Thái: “Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy” (Giăng 5:26).

Vào một dịp khác Ngài đã phán:

“Này, tại sao Cha yêu ta; ấy vì ta phó sự sống mình, để được lấy lại.

“Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lệnh này nơi Cha ta” (Giăng 10:17–18).

Tính chất vô tận nhận được từ Cha Ngài đã ban cho Chúa Giê Su quyền năng để thực hiện Sự Chuộc Tội, để gánh chịu tội lỗi của tất cả nhân loại. Tiên Tri An Ma trong Sách Mặc Môn dạy rằng Chúa Giê Su không những mang lấy tội lỗi của chúng ta mà còn gánh chịu nỗi đau đớn, buồn khổ và cám dỗ của chúng ta. An Ma cũng giải thích rằng Chúa Giê Su mang lấy sự đau yếu, cái chết và bệnh tật của chúng ta. (Xin xem An Ma 7:11–13.) An Ma nói rằng Ngài đã làm như vậy để cho “lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể … biết được cách giúp đỡ dân Ngài” (An Ma 7:12).

Tiên Tri A Bi Na Đi còn nói thêm rằng “khi mà tâm hồn Ngài được hiến dâng làm của lễ chuộc tội, thì Ngài sẽ thấy dòng dõi của Ngài” (Mô Si A 15:10). Rồi A Bi Na Đi nhận ra dòng dõi của Đấng Cứu Rỗi là các vị tiên tri và những người đi theo họ. Trong nhiều năm, tôi đã suy nghĩ về kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự là những chỗ mà một khối lượng tội lỗi chồng chất lên Ngài. Tuy nhiên, qua những lời của An Ma, A Bi Na Đi, Ê Sai và các vị tiên tri khác, quan điểm của tôi đã thay đổi. Thay vì một khối lượng tội lỗi không thuộc cá nhân, mà thuộc vào rất nhiều người, Chúa Giê Su đã cảm nhận “sự yếu đuối của chúng ta” (Hê Bơ Rơ 4:15), “[đã mang] sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta, … [và] đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết” (Ê Sai 53:4–5).

Sự Chuộc Tội là một kinh nghiệm riêng tư, cá nhân mà Chúa Giê Su đã tiến đến việc hiểu biết cách thức giúp đỡ mỗi người chúng ta.

Sách Trân Châu Vô Giá dạy rằng Môi Se đã được cho thấy tất cả mọi cư dân trên thế gian “đông vô số như những hạt cát trên bờ biển” (Môi Se 1:28). Nếu Môi Se thấy mọi linh hồn thì dường như là điều hợp lý rằng Đấng Sáng Tạo vũ trụ có quyền năng để biết tường tận mỗi người chúng ta. Ngài biết những yếu kém của các anh chị em và của tôi. Ngài đã trải qua những nỗi đau đớn và khổ sở của các anh chị em. Ngài đã trải qua những nỗi đau đớn và khổ sở của tôi. Tôi làm chứng rằng Ngài biết chúng ta. Ngài hiểu cách thức mà chúng ta đối phó với những cám dỗ. Ngài biết những yếu kém của chúng ta. Nhưng còn hơn thế nữa, còn hơn việc Ngài chỉ biết chúng ta, Ngài biết cách thức giúp đỡ chúng ta nếu chúng ta đến cùng Ngài trong đức tin. Đó là lý do tại sao một thiếu nữ Tây Ban Nha đột nhiên nhận biết rằng em còn quan trọng hơn chỉ là một phần tử nhỏ trong vũ trụ khi Đức Thánh Linh ban cho em một sự làm chứng về Sự Phục Hồi. Em cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế, rằng em là con gái của Ngài, và nhận thấy rằng Ngài biết rõ em. Điều đó cũng giải thích lý do tại sao kế hoạch cứu rỗi dường như quen thuộc với một người bạn Nhật khi những người truyền giáo giảng dạy người bạn ấy và khi Đức Thánh Linh xác nhận các mục đích của người ấy trên thế gian và tiềm năng của người ấy trong tương lai.

Tôi làm chứng rằng phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là một mẫu mực cho tất cả. Địa điểm của những buổi sinh hoạt thì không quan trọng, mà chính tin lành mới là quan trọng—giáo lý và các quyền năng chuộc tội vô tận của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống, rằng Ngài là Đấng Ky Tô. Tôi làm chứng rằng phúc âm phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith là “đến kỳ muôn vật đổi mới” của Phi E Rơ. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri của Chúa ngày nay. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.