2005
Các Phước Lành Đến Từ Việc Đọc Sách Mặc Môn
Tháng Mười Một năm 2005


Các Phước Lành Đến Từ Việc Đọc Sách Mặc Môn

Giờ đây trách nhiệm của chúng ta là nghiên cứu Sách Mặc Môn và biết về các nguyên tắc và áp dụng chúng trong cuộc sống của mình.

Mỗi tháng tôi đều trông chờ tờ tạp chí Ensign. Nó củng cố tôi với các sứ điệp từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mà được gồm vào trong mỗi số báo. Tờ EnsignLiahona số tháng Tám mang đến một lời yêu cầu từ Chủ Tịch Hinckley để đọc hoặc đọc lại Sách Mặc Môn trước khi cuối năm.

Tại sao Chủ Tịch Hinckley tin rằng việc đọc Sách Mặc Môn sẽ rất hữu ích cho mỗi chúng ta? Ông nói:

“Sự hấp dẫn của sách thì vô tận như lẽ thật, phổ quát như nhân loại. Đó là quyển sách độc nhất mà chứa đựng bên trong nó một lời hứa rằng qua quyền năng thiêng liêng người đọc có thể chắc chắn biết được lẽ thật của sách.

“Nguồn gốc của sách thì đầy kỳ diệu; lần đầu tiên khi câu chuyện về nguồn gốc đó được kể ra cho một người còn xa lạ với sách, thì thật là hầu như khó tin. Nhưng quyển sách có tại đây để các anh chị em sờ, cầm trong tay và đọc. Không một ai có thể bàn cãi về sự hiện diện của sách… .

“Không có một chứng từ nào khác được viết xuống mà minh họa sự kiện một cách rất rõ ràng rằng khi con người và các quốc gia sống trong sự kính sợ Thượng Đế và tuân theo các giáo lệnh của Ngài, thì họ được thịnh vượng và tăng trưởng, nhưng khi họ coi thường Ngài và lời của Ngài, thì sẽ có sự suy tàn mà nếu không nhờ vào sự ngay chính để ngừng lại thì sẽ dẫn đến sự suy yếu và cái chết” (“Một Chứng Ngôn Mạnh Mẽ và Chân Thật,” Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Tám năm 2005, 4–5).

Tại sao việc đọc Sách Mặc Môn lại quan trọng đối với chúng ta ngày nay? Đó là vì các tác giả chính của Sách Mặc Môn đã hiểu trọn vẹn rằng những bản văn của họ chủ yếu là cho những người thuộc thế hệ mai sau hơn là những người thuộc thế hệ của họ. Nê Phi đã viết về thế hệ của chúng ta: “Tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi” (Mặc Môn 8:35). Tiên Tri Nê Phi đã nói:

“Vậy nên, bởi nguyên do đó mà Đức Chúa Trời có hứa với tôi rằng, những điều tôi viết ra đây sẽ được gìn giữ và bảo tồn, và được lưu truyền lại cho dòng dõi tôi từ thế hệ này đến thế hệ khác, ngõ hầu lời hứa với Giô Sép có thể được làm tròn. Lời hứa ấy rằng chừng nào thế gian còn tồn tại thì dòng dõi ông sẽ không bao giờ bị diệt vong” (2 Nê Phi 25:21).

Sách Mặc Môn là tiếng nói cảnh cáo cho thế hệ này. Hãy xem sách mô tả những tình trạng trên thế gian ngày nay một cách sống động biết bao:

“Và không ai cần phải nói là những điều này sẽ không xảy đến, vì chắc chắn nó sẽ xảy đến, vì Chúa phán vậy; vì những điều này sẽ đuợc đem ra từ lòng đất do bàn tay của Chúa, và không một ai có thể ngăn cản được; và nó sẽ đến vào một ngày mà người ta cho rằng phép lạ không còn nữa, và nó sẽ đến chẳng khác chi một người nói lên từ cõi chết.

“Và nó sẽ đến vào ngày mà máu các thánh đồ sẽ kêu gào lên Chúa, vì những tập đoàn bí mật và những việc làm trong bóng tối.

“Phải, nó sẽ đến vào ngày mà quyền năng của Thượng Đế bị bác bỏ, và các giáo hội trở nên ô uế và dương dương tự đắc trong lòng mình; phải, vào ngày mà ngay cả những người lãnh đạo các giáo hội, và các thầy giảng cũng trở nên kiêu ngạo trong lòng, đến nỗi họ trở nên đố kỵ ngay cả với những người thuộc giáo hội mình.

“Phải, nó sẽ đến vào ngày mà người ta nghe nói tới khói lửa, bão tố và sương mù trong những xứ ngoài;

“Và người ta còn nghe nói tới những cuộc chiến tranh, những tiếng đồn về chiến tranh, cùng các trận động đất ở nhiều nơi.

“Phải, nó sẽ đến vào ngày mà sự ô nhiễm lớn lao lan tràn khắp mặt đất; lúc sẽ có những sự giết chóc, trộm cắp, dối trá, lường gạt, tà dâm, cùng mọi hành vi khả ố; lúc sẽ có nhiều người bảo rằng: Làm điều này hay làm điều kia đều không sao cả, vì Chúa sẽ nâng đỡ những kẻ như vậy vào ngày sau cùng. Nhưng khốn thay cho những kẻ đó, vì họ đang ở trong mật đắng, và ở trong sự trói buộc của điều bất chính” (Mặc Môn 8:26–31).

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã tái xác nhận sự kiện rằng Sách Mặc Môn có một giá trị đặc biệt trong thời kỳ của chúng ta khi ông nói:

“Sách Mặc Môn được viết cho chúng ta ngày nay. Thượng Đế là tác giả của sách đó. Đó là biên sử của một dân tộc sa ngã, được biên soạn bởi những người nhận được sự soi dẫn về phước lành của chúng ta ngày nay. Những người đó không bao giờ có được quyển sách này—Sách là nhằm dành cho chúng ta. Mặc Môn, vị tiên tri thời xưa mà sách đã được đặt theo tên của ông, tóm lược các biên sử ghi chép trong nhiều thế kỷ . Thượng Đế, là Đấng biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu, phán bảo ông phải gồm vào những gì trong phần tóm lược của ông mà chúng ta sẽ cần trong thời kỳ của chúng ta” (“The Book of Mormon Is the Word of God,” Ensign, tháng Năm năm 1975, 63).

Chúng ta thường đọc biên sử mà chủ yếu như là một lịch sử của một dân tộc sa ngã, mà không nhớ rằng sách được biên soạn bởi các tiên tri đầy soi dẫn vì mục đích nhằm giúp chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô. Những người viết chính của Sách Mặc Môn đã không hề có ý định làm sách ấy trở thành sách sử ký . Quả thật, Gia Cốp nói rằng anh Nê Phi của ông đã ra lệnh cho ông “chỉ nên đề cập một chút ít về lịch sử của dân này” (Gia Cốp 1:2).

Mỗi khi đọc sách này có lẽ chúng ta nên tự hỏi: “Tại sao những người viết đã chọn những câu chuyện hoặc sự kiện đặc biệt này để gồm vào biên sử? Những câu chuyện hoặc những sự kiện này có giá trị nào cho chúng ta ngày nay?”

Bao gồm trong các bài học chúng ta học từ Sách Mặc Môn là nguyên nhân và hậu quả của chiến tranh và dưới những điều kiện nào thì nó được chứng minh là đúng. Sách cho biết về những điều xấu xa và nguy hiểm của các tập đoàn bí mật, mà đã được dựng lên để chiếm quyền hành và giành được thiên hạ. Sách cho chúng ta biết về việc Sa Tan là có thật và đưa ra một chỉ dẫn về một số phương pháp nó đang sử dụng. Sách khuyên bảo chúng ta về sự sử dụng của cải một cách khôn ngoan và thích đáng. Sách cho chúng ta biết về các lẽ thật minh bạch và quý báu của phúc âm và sự thực tiễn và tính thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài cho tất cả nhân loại. Sách cho chúng ta biết về sự quy tụ của gia tộc Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng. Sách cho chúng ta biết về mục đích và các nguyên tắc của công việc truyền giáo. Sách cảnh cáo chúng ta về tính kiêu ngạo, sự thờ ơ, sự trì hoãn, những nguy cơ của các truyền thống sai lầm, đạo đức giả và sự không trinh khiết.

Giờ đây trách nhiệm của chúng ta là nghiên cứu Sách Mặc Môn và biết về các nguyên tắc và áp dụng chúng trong cuộc sống của mình.

Sách Mặc Môn bắt đầu với một câu chuyện tuyệt vời về tầm quan trọng của việc gia đình có và sử dụng thánh thư. Lê Hi, một người cha tiên tri, được báo cho biết trước rằng có những người đang tìm cách lấy đi mạng sống của ông vì những lời nói của ông về sự tà ác của họ. Ông được chỉ thị phải mang gia đình ông đi trốn.

“Và chuyện rằng, ông ra đi vào vùng hoang dã. Và ông bỏ lại nhà cửa và đất thừa hưởng, cùng vàng bạc và các vật quý báu, và ông chẳng đem theo thứ gì ngoài gia đình mình, và lương thực, cùng các lều vải, rồi ra đi vào vùng hoang dã” (1 Nê Phi 2:4).

Sau khi đi được một quãng đường, Lê Hi có được giấc mơ mà trong đó Chúa phán bảo rằng họ không được đi xa hơn nữa vào vùng hoang dã trừ phi họ trở về Giê Ru Sa Lem và lấy biên sử của tổ phụ họ mà đã được khắc trên các bảng đồng. Các bảng khắc này cũng chứa đựng những lời của các vị tiên tri và các lệnh truyền của Chúa. Sự chỉ định được đưa ra cho bốn người con trai của Lê Hi để trở về lấy biên sử.

Khi đến Giê Ru Sa Lem, họ bắt thăm để quyết định ai sẽ đi đến nhà La Ban để hỏi lấy các bảng khắc bằng đồng. Thăm trúng nhằm La Man. Ông tiếp xúc với La Ban, “và này, chuyện rằng La Ban liền nổi giận, hắn xua đuổi anh ấy khỏi chỗ ở của hắn; và hắn không muốn cho anh ấy lấy các biên sử ấy. Vậy nên, hắn bảo anh ấy rằng: Này, ngươi là kẻ cướp, ta sẽ giết ngươi” (1 Nê Phi 3:13). La Man chạy thoát chết nhưng không có các bảng khắc bằng đồng.

Một điều mà tôi thấy về lần cố gắng thứ nhất là dường như bốn anh em này đã không có một kế hoạch tốt. Điều này dạy chúng ta về một bài học quan trọng mà chúng ta có thể áp dụng vào việc chúng ta học thánh thư. Chúng ta hãy cho thấy sự cam kết của mình để đọc Sách Mặc Môn bằng cách bắt đầu việc học của chúng ta với một kế hoạch cụ thể.

Trong bài báo của mình trong tạp chí Ensign Liahona, Chủ Tịch Hinckley đã đưa ra “một lời yêu cầu cho các tín hữu của Giáo Hội trên khắp thế giới và những người bạn của Giáo Hội ở khắp nơi hãy đọc hoặc đọc lại Sách Mặc Môn.” Rồi ông đưa ra một chương trình để hoàn tất lời yêu cầu đó: “Nếu các anh chị em chỉ cần đọc hơn một chương rưỡi một chút mỗi ngày, thì các anh chị em sẽ có thể đọc xong quyển sách này trước cuối năm” (Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Tám năm 2005, 6). Tháng Tám và tháng Chín đã trôi qua. Theo chương trình của Chủ Tịch Hinckley thì hiện giờ chúng ta đang đọc Sách An Ma—khoảng giữa các chương 4 và 12. Các anh chị em đang đi trước hay đi sau lịch trình vậy?

Khi lần cố gắng đầu tiên để lấy các bảng khắc bằng đồng thất bại, mấy người anh của Nê Phi muốn bỏ cuộc và trở về với cha của họ trong vùng hoang dã. Nhưng Nê Phi đã khuyến khích họ tiếp tục cố gắng và đề nghị một phương thức khác để lấy biên sử: “Chúng ta hãy trung thành tuân giữ các lệnh truyền của Chúa; vậy chúng ta hãy trở về nơi mảnh đất thừa hưởng của cha chúng ta, vì này, ông đã để lại vàng bạc và đủ loại của cải. Cha chúng ta đã làm tất cả điều này vì Chúa đã truyền lệnh ông phải làm như vậy… .

“Và chuyện rằng, chúng tôi đến nhà La Ban và yêu cầu hắn hãy trao cho chúng tôi các biên sử khắc trên các bảng khắc bằng đồng, và đổi lại, chúng tôi trao cho hắn vàng bạc cùng tất cả các vật quý giá của chúng tôi” (1 Nê Phi 3:16, 24).

Tấm gương của Nê Phi dạy cho chúng ta biết rằng các phước lành của thánh thư thì có giá trị nhiều hơn tài sản và những vật chất thế gian khác. Đôi khi, việc theo đuổi những vật chất thế gian mang lại điều thú vị ngắn ngủi nhưng không phải niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Khi chúng ta tìm kiếm những sự việc của Thánh Linh, các phần thưởng thì vĩnh cửu và sẽ mang đến cho chúng ta sự hài lòng mà chúng ta đang tìm kiếm qua kinh nghiệm trần thế này.

Chủ Tịch Hinckley đang khuyến khích chúng ta đọc Sách Mặc Môn để nâng chúng ta lên trên những sự việc thế gian, để vui hưởng những sự việc của Chúa. Ông nói: “Tôi không ngần ngại mà hứa với các anh chị em rằng nếu mỗi anh chị em chịu tuân theo chương trình đơn giản này, bất luận các anh chị em có thể đã đọc Sách Mặc Môn biết bao nhiêu lần trước đây đi nữa, thì trong cuộc sống và trong nhà của các anh chị em sẽ có thêm Thánh Linh của Chúa, một quyết tâm được củng cố để tuân theo các giáo lệnh của Ngài, và một chứng ngôn vững mạnh hơn về sự thực tiễn hằng sống của Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Tám năm 2005, 6). Các phước lành này có giá trị nhiều hơn những của cải vật chất.

Khi Nê Phi và các anh em của ông đề nghị trao đổi của cải của họ để lấy các bảng khắc bằng đồng, La Ban đã chiếm lấy của cải của họ và cố gắng giết họ. Lòng hoàn toàn thất vọng sau một cuộc thất bại nữa, La Man và Lê Mu Ên một lần nữa muốn bỏ cuộc vì họ nghĩ rằng đó là một nhiệm vụ không thể làm được. Tuy nhiên, Nê Phi, đã không nao núng trong sự cam kết của ông để tuân theo lệnh truyền của Chúa. Ông đã lý luận với các anh của mình như sau: “Chúng ta hãy đi lên Giê Ru Sa Lem lần nữa. Chúng ta hãy trung thành tuân giữ các lệnh truyền của Chúa; vì này, Ngài là Đấng có quyền năng mạnh mẽ hơn tất cả thế gian, vậy lẽ nào Ngài lại không mạnh hơn La Ban với năm chục người của hắn, phải, cho dù hắn có hằng vạn tên đi nữa?” (Nê Phi 4:1).

Việc thi hành sự chỉ định với đức tin trong Chúa đã mang đến kết quả mong muốn. Khi Nê Phi đi lấy các biên sử, được Thánh Linh hướng dẫn, La Ban đã bị trao vào tay ông. Qua đức tin và sự vâng lời của ông, Nê Phi đã nhận được cho mình và cho gia đình mình các phước lành của thánh thư. Giờ đây, với các bảng khắc bằng đồng trong tay họ, Nê Phi và các anh em của mình có thể trở lại với cha của họ trong vùng hoang dã.

Nếu chúng ta chịu làm theo lời yêu cầu của Chủ Tịch Hinckley với đức tin, thì chúng ta sẽ có được lời hứa chắc chắn của vị tiên tri của chúng ta về các phước lành mà chúng ta sẽ nhận được từ việc nghiên cứu Sách Mặc Môn của mình. Chúng ta sẽ thấy, như Nê Phi và gia đình của ông đã thấy, rằng thánh thư là “điều mà chúng tôi mong ước có được; phải, nó có một giá trị lớn lao đối với chúng tôi” (1 Nê Phi 5:21). Chúng ta cũng có thể nhận được phước lành mà Mô Rô Ni đã hứa khi ông kết thúc các tác phẩm trong Sách Mặc Môn:

“Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô; và nếu nhờ ân điển của Thượng Đế mà các người được trở nên toàn thiện trong Đấng Ky Tô, thì không vì lý do gì các người lại chối bỏ quyền năng của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 10:32).

Đây là năm chúng ta kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của Tiên Tri Joseph Smith. Sách Mặc Môn cung ứng bằng chứng hiển nhiên về giáo vụ của Tiên Tri Joseph Smith và sự phục hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Hinckley, vào Đại Hội Trung Ương vừa qua của chúng ta vào tháng Tư, đã nói về Sách Mặc Môn: “ Đó là một vật hữu hình mà có thể sờ, có thể đọc, có thể thử nghiệm được… . Tôi thường nghĩ rằng toàn thể thế giới Ky Tô hữu phải tìm đến và chào đón và chấp nhận sách ấy như là một chứng ngôn mạnh mẽ. Sách tiêu biểu cho một sự đóng góp lớn lao và cơ bản khác mà đến như là một mặc khải cho Tiên Tri [Joseph].” (“The Great Things Which God Has Revealed,” Liahona, tháng Năm năm 2005, 82).

Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta sẽ đọc xong Sách Mặc Môn vào trước cuối năm để đáp ứng lời yêu cầu của vị tiên tri tại thế của chúng ta, Gordon B. Hinckley, để làm vinh hiển vị tiên tri của sự phục hồi, Joseph Smith. Cầu xin cho chúng ta có được một kế hoạch mà chúng ta noi theo trong đức tin để hưởng nhận điều mà có giá trị vô hạn và vĩnh cửu, chính là lời của Thượng Đế được tìm thấy trong Sách Mặc Môn. Đây là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.