Hãy Chuẩn Bị Sẵn … Từ Nay Các Ngươi Hãy Mạnh Mẽ
Những thảm cảnh sẽ không bao giờ thành công khi mà sự ngay chính cá nhân chiếu ưu thế.
Có bao giờ các anh chị em thấy mình trong một cuộc nói chuyện mà các anh chị em bất ngờ bị đòi hỏi phải im lặng mặc dù quan điểm của các anh chị em bị hiểu sai và bị xem thường không? Một điều như vậy đã xảy ra với tôi cách đây gần 25 năm, và nỗi ấm ức về cuộc nói chuyện dở dang đó vẫn còn cho đến ngày nay.
Là chủ tịch phái bộ truyền giáo, tôi đã được mời đến gặp ông thị trưởng của một trong các thành phố trong phái bộ truyền giáo của chúng tôi cùng với những người khác từ Giáo Hội. Ông ấy rất thân mật khi ông chào đón chúng tôi vào văn phòng của ông. Cuộc nói chuyện của chúng tôi là về những vấn đề hiện tại. Cuối cùng, ông hỏi tại sao Giáo Hội đang làm công việc truyền giáo trong thành phố của ông.
Đây không phải là điều bất ngờ. Một ấn tượng đã đến với tôi trước đó mấy tuần rằng ông sẽ đặt ra câu hỏi này và câu trả lời của tôi phải như thế nào. Tôi nói: “Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng những giải đáp và những giải pháp cho tất cả các vấn đề trên thế giới, kể cả những vấn đề xảy ra cho những người tốt của thành phố của ông. Chính vì vậy chúng tôi đã hiện diện nơi đây.”
Tôi hoàn toàn trông mong rằng ông thị trưởng sẽ muốn biết thêm. Thay vì thế, thái độ của ông thay đổi. Thái độ hoài nghi rồi khinh khỉnh hiện lên trên nét mặt của ông. Ông quát tháo về giải pháp ngây thơ của tôi đối với những thử thách trên thế giới và làm cho cuộc chuyện trò của chúng tôi đi đến một kết thúc bất ngờ. Không một lời giải thích nào khác được chấp nhận.
Buổi sáng hôm nay, tôi xin được hoàn tất cuộc trò chuyện đó. Tôi hy vọng rằng vị thị trưởng tốt bụng đó đang lắng nghe vì những điều này rất thiết yếu cho một thế giới hỗn loạn.
Chúng ta được cảnh tỉnh bởi những thiên tai khủng khiếp của những năm gần đây. Chúng xảy đến thường xuyên với cường độ ngày càng gia tăng. Các sức mạnh thiên nhiên thì hung hăng trong phạm vi của chúng, con người tàn sát lẫn nhau một cách tàn nhẫn, và lòng ham muốn không kiềm chế đuợc đang dẫn đến sự dâm loạn, tội ác và sự đổ vỡ gia đình đã trở nên lan rộng. Cơn sóng thần ở Nam Á Châu và các trận bão ở Hoa Kỳ, với con số thiệt hại khủng khiếp của chúng, là những thiên tai gần đây nhất đã làm cho chúng ta chú ý . Các tấm lòng và các bàn tay trên khắp thế giới mở rộng tìm đến cứu giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi các thiên tai này. Trong một thời gian ngắn, những cảm nghĩ thù địch đã thay đổi thành lòng trắc ẩn và tình thương.
Chúng ta mang ơn những người mà khi vật lộn với thiên tai đã nhắc nhở chúng ta về sự lệ thuộc của con người đối với Thượng Đế. Một góa phụ trong trại tị nạn, đau khổ trước việc các đứa con trai của mình bị giết chết một cách hung bạo, khóc than với những lời như sau: “Tôi không được đánh mất đức tin của mình.” Những người sống sót, sợ hãi trước cơn cuồng phong Katrina, đã đưa ra lời nài xin: “Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi!”1
Những nguyên nhân của thiên tai như thế là đề tài tranh luận dường như bất tận. Các nhà bình luận, chính trị, khoa học và nhiều người khác đã có ý kiến về các nguyên nhân. Chúa Giê Su Ky Tô phán về Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài:
“Vậy nên, ta là Chúa, vì biết trước tai họa sẽ đến với dân cư trên thế gian, nên ta gọi tôi tớ Joseph Smith, Jun. của ta, và từ trên trời phán bảo hắn, và ban cho hắn các giáo lệnh… .
“Hãy tìm hiểu những giáo lệnh này, vì đây là những điều chân chính và trung thực, và những điều tiên tri cùng những lời hứa trong đó sẽ đuợc ứng nghiệm.”2
Chúng ta hãy hướng sự chú ý của mình đến những lý do hoặc mục đích về những thiên tai như thế. May thay, cuộc tranh luận không cần thiết ở đây, vì chúng ta có được phúc âm trọn vẹn của Đấng Ky Tô mà chúng ta có thể trông cậy vào. Hãy tìm kiếm những lời của các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn và Kinh Thánh; hãy đọc những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô trong chương 24 sách Ma Thi Ơ;3 hãy học những điều mặc khải ngày sau của Chúa trong Sách Giáo Lý và Giao Ước.4 Trong các thánh thư này chúng ta học biết mục đích của Thượng Đế trong những vấn đề như vậy.
Thiên tai là một hình thức của nghịch cảnh và nghịch cảnh là một phần cần thiết cho kinh nghiệm trần thế của chúng ta. Đó là một phần kế hoạch của Cha Thiên Thượng vì hạnh phúc của con cái Ngài.
Nếu lòng chúng ta ngay chính trước mặt Thượng Đế thì nghịch cảnh sẽ cải tiến chúng ta, giúp chúng ta khắc phục bản chất xác thịt của mình, và nuôi dưỡng sự thiêng liêng bên trong chúng ta. Nếu không có nghịch cảnh, thì chúng ta sẽ không biết được cách chọn “phần tốt hơn.”5 Nghịch cảnh giúp chúng ta thấy chúng ta cần phải hối cải điều gì, làm cho bản chất xác thịt của chúng ta phải tuân phục ý muốn của chúng ta, để chấp nhận sự ngay chính và vui hưởng “sự yên ổn trong lương tâm.”6
Chúng ta càng trung thành với sự ngay chính thì chúng ta càng vui hưởng sự chăm sóc bảo vệ của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngài là Đấng Sáng Tạo và Chúa của vũ trụ. Ngài sẽ làm lặng sóng gió.7 Những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Ngài sẽ chữa lành tâm hồn hối cải. Ngài là Đấng Mê Si hoặc Đấng Giải Cứu, và nhờ vào Ngài mà mỗi người chúng ta có thể đương đầu với thế giới của mình, cho dù những thảm kịch bao vây chúng ta. Hãy nghe các lẽ thật này:
“Đấng Mê Si sẽ đến trong thời kỳ trọn vẹn để Ngài có thể cứu chuộc con cái loài người khỏi sự sa ngã. Và nhờ được cứu chuộc khỏi sự sa ngã họ đã được tự do mãi mãi, phân biệt được thiện ác, và tự hành động lấy một mình, chứ không bị tác động, trừ phi đó là sự trừng phạt theo luật pháp vào ngày vĩ đại cuối cùng, dựa trên các lệnh truyền mà Thượng Đế đã ban.
“Vậy nên, loài người được tự do theo thể cách xác thịt, và tất cả những điều gì cần thiết cho loài người đều được ban phát cho họ. Và họ được tự ý lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu, qua Đấng Trung Gian vĩ đại của tất cả loài người; hay là họ muốn lựa chọn cảnh tù đày và sự chết dưới xiềng xích và quyền hành của quỷ dữ; vì [quỷ dữ] rất muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy.”8
Chúng ta cần phải nhớ rõ rằng Quỷ Dữ là Kẻ Hủy Diệt.
Quả thật trong cuộc sống này chúng ta chỉ được tự do theo như hoàn cảnh hữu diệt của mình cho phép. Chúng ta không thể ngưng chiến tranh trong những vùng đất xa xôi hoặc với bàn tay yếu ớt của mình ngăn giữ cơn bão lớn đang hoành hành, hoặc tự do chạy khi thể xác của chúng ta bị giam hãm bởi sức khỏe suy yếu. Nhưng quả thật những điều như vậy cuối cùng cũng không kiềm chế thế giới riêng của chúng ta. Chúng ta mới là người làm điều đó!
Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Hạnh phúc là mục tiêu và kế hoạch của cuộc sống chúng ta; và sẽ là sự kết thúc từ đó, nếu chúng ta theo đuổi con đường dẫn đến hạnh phúc, và con đường này là đức hạnh, tính ngay thẳng, sự trung thành, sự thánh thiện, và sự tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế.”9
Và như thế, thưa ngài thị trưởng, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thật sự cung ứng những giải đáp cho tất cả các vấn đề của thế giới, một cách chính xác bởi vì phúc âm này cung ứng những giải pháp cho những điều bất hạnh của mỗi con người.
Mỗi khi thiên tai giáng xuống, thì có một nhiệm vụ thiêng liêng tương ứng ban cho chúng ta để trở nên tốt hơn. Chúng ta phải tự hỏi: “Phần nào trong cuộc sống của tôi cần phải thay đổi để tôi không phải bị quở phạt?”
Trong thánh thư, Chúa đã phán rõ ràng về điều mà Ngài kỳ vọng nơi chúng ta khi những điều bất hạnh như vậy giáng xuống. Ngài phán: “Hãy thắt lưng thật chặt và hãy chuẩn bị sẵn. Này, vương quốc là của các ngươi,và kẻ thù sẽ không thắng được.”10
Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội được truyền lệnh phải tự túc và tự lập.11 Sự chuẩn bị bắt đầu với đức tin, mà làm cho chúng ta có thể khắc phục được những thăng trầm khi chúng đến. Chúng ta hiểu được rằng cuộc sống trên thế gian là một cuộc hành trình để chuẩn bị. Đức tin nơi Chúa và phúc âm của Ngài chế ngự được nỗi sợ hãi và sinh ra nếp sống thuộc linh.
Phần thuộc linh tăng trưởng khi chúng ta “cầu nguyện, và bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa.”12 Đó là “ý thức về việc chúng ta chế ngự bản thân mình và về sự giao tiếp với Thượng Đế.”13
Đức tin, nếp sống thuộc linh, và sự vâng lời sinh ra một dân tộc sẵn sàng và tự lực. Khi chúng ta tuân theo giao ước thập phân, chúng ta được bảo vệ khỏi sự thiếu thốn và quyền lực của kẻ hủy diệt. Khi chúng ta vâng theo luật nhịn ăn và ban phát một cách rộng rãi để chăm sóc những người khác, thì những lời cầu nguyện của chúng ta được nghe thấy và lòng trung thành của gia đình gia tăng. Các phước lành tương tự đến khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri và sống trong vòng khả năng của mình, tránh nợ nần không cần thiết, và để dành đủ cho những thứ cần thiết trong cuộc sống để nuôi sống chúng ta và gia đình mình ít nhất trong một năm. Điều này có thể không phải là luôn luôn dễ dàng nhưng chúng ta hãy làm “hết khả năng”14 của mình và kho dự trữ của chúng ta sẽ không thất bại—sẽ “đầy đủ và còn dư nữa.”15
Chúa đã phán lần nữa: “Vậy nên, từ nay các ngươi hãy mạnh mẽ, chớ sợ hãi, vì vương quốc là của các ngươi.”16
Sức mạnh và tính kiên cường đến bằng lối sống ngay chính. Một người không ngay chính nếu người ấy là một thánh hữu vào ngày Chúa Nhật và là một người biếng nhác trong những ngày khác trong tuần. Những ham muốn không kiềm hãm được thì có tính cách hủy hoại và khiến cho con người “coi thường những gì thiêng liêng.”17 Chủ Tịch Brigham Young đã dạy: “Tội lỗi mà bám víu vào tất cả con cháu của A Đam và Ê Va là họ không làm đúng theo như cách họ đã biết.”18
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là con đường đưa đến sự ngay chính và căn cứ vào hai giáo lệnh lớn để yêu mến Thượng Đế và yêu thương người lân cận của chúng ta. Những thảm cảnh sẽ không bao giờ thành công khi mà sự ngay chính cá nhân chiếm ưu thế. Do đó, chúng ta hãy lưu tâm đến lời khuyên dạy của Sứ Đồ Phao Lô:
“Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng.
“Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ; rầy rà và ghen ghét.
“Nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Giê Su Ky Tô, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.”19
Bổn phận của chúng ta với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau là chuẩn bị bản thân mình, thế gian này và các cư dân trên đó cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc chuẩn bị và được vững mạnh như phúc âm dạy bảo đảm hạnh phúc nơi đây và trong cuộc sống mai sau cùng làm cho “sứ mệnh trọng đại trong thời kỳ ngàn năm” có thể có được.
Vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Hinckley đã khuyên nhủ rằng: “Giờ đây, thưa các anh chị em của tôi, đã đến lúc cho chúng ta phải có thêm trách nhiệm một chút, nhìn xa hơn vào tương lai và mở rộng kiến thức của mình hơn và sự hiểu biết về sứ mệnh trọng đại trong Thời Kỳ Ngàn Nam của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô này. Đây là lúc phải được vững mạnh. Đây là lúc phải tiến tới mà không do dự, biết rõ ý nghĩa, phạm vi và tầm quan trọng của sứ mệnh của chúng ta. Đây là lúc để làm điều đúng bất luận những kết quả mà có thể theo sau. Đây là lúc để thấy rằng mình đang tuân giữ các giáo lệnh. Đây là thời kỳ để tìm đến với lòng tử tế và tình yêu thương cho những người đang gặp cảnh khốn cùng và những người đang lang thang trong cảnh tối tăm và đau đớn. Đây là lúc để trở nên ân cần và tốt lành, lịch sự và nhã nhặn đối với nhau trong tất cả mọi quan hệ của chúng ta. Nói cách khác, để trở thành giống như Đấng Ky Tô.”20
Lời khuyên nhủ này được vị tiên tri của Chúa đưa ra chỉ đường cho chúng ta qua những thời kỳ rối ren hỗn loạn. Đối với tất cả những người đang đau khổ, lòng của chúng tôi đang nghĩ tới các anh chị em. Cầu xin Cha Thiên Thượng, trong sự thương xót vô hạn của Ngài, làm nhẹ gánh của các anh chị em và làm cuộc sống của các anh chị em đầy dẫy sự bình an mà “vượt quá mọi sự hiểu biết.”21 Các anh chị em không đơn độc một mình. Tình yêu thương và đức tin cùng những lời cầu nguyện của chúng tôi thêm vào cùng với những lời cầu nguyện của các anh chị em. Hãy tiến bước trong sự ngay chính và tất cả mọi sự đều sẽ tốt lành.
Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.