2005
Sự Tha Thứ
Tháng Mười Một năm 2005


Sự Tha Thứ

Tuy nhiên, sự tha thứ, với tình thương và lòng khoan dung, hoàn thành các phép lạ mà không thể xảy ra bằng cách nào khác.

Các anh chị em thân mến, tôi cám ơn Cha Thiên Thượng đã kéo dài cuộc sống của tôi để tôi được dự phần vào những thời kỳ đầy thử thách này. Tôi cám ơn Ngài về cơ hội được phục vụ. Tôi không có một ước muốn nào khác ngoài việc làm tất cả những gì tôi có thể làm trong việc thúc đẩy công việc của Chúa, trong việc phục vụ dân trung tín của Ngài, và trong việc sống hòa thuận với những người lân cận của mình.

Gần đây, tôi hành trình khắp thế giới, hơn 40.000 cây số, đến thăm Alaska, Nga, Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Kenya, và Nigeria nơi mà, tại địa điểm cuối cùng này, chúng tôi đã làm lễ cung hiến một ngôi đền thờ mới. Rồi chúng tôi làm lễ cung hiến Đền Thờ Newport Beach California. Tôi cũng mới vừa đến Samoa vì một lễ cung hiến đền thờ khác, thêm 16.000 cây số nữa. Tôi không thích hành trình nhưng tôi mong muốn được đến với các tín hữu của chúng ta để bày tỏ lòng biết ơn và sự khích lệ, và để chia sẻ chứng ngôn về sự thiêng liêng của công việc của Chúa.

Tôi thường nghĩ về một bài thơ tôi đọc cách đây đã lâu như sau:

Xin cho tôi được sống trong căn nhà bên cạnh đường

Nơi có người ta qua lại—

Những người tốt và những người xấu,

Cũng tốt và cũng xấu như tôi.

Tôi sẽ không ngồi làm kẻ nhạo báng

Cũng chẳng chỉ trích cay độc;—

Xin cho tôi được sống trong căn nhà bên cạnh đường

Và làm bạn với con người.

(Sam Walter Foss, “The House by the Side of the Road,” trong James Dalton Morrison, xuất bản, Masterpieces of Religious Verse [1948], 422)

Đó cũng là cảm nghĩ của tôi.

Tuổi già cũng ảnh hưởng đến con người. Dường như nó làm cho người già ý thức hơn về sự cần thiết để có lòng tử tế, nhân hậu và nhịn nhục. Người già mong muốn và cầu nguyện rằng con người có thể chung sống hòa bình mà không có chiến tranh, bất hòa, tranh cãi và xung đột. Người già ngày càng nhận thấy ý nghĩa của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Chuộc, về sự sâu xa của sự hy sinh của Ngài, và về lòng biết ơn đối với Vị Nam Tử của Thượng Đế là Đấng đã phó mạng sống của Ngài để chúng ta có thể sống.

Hôm nay tôi muốn nói về sự tha thứ. Tôi nghĩ rằng có thể đó là đức tính cao quý nhất trên thế gian, và chắc chắn là đức tính cần thiết nhất. Có rất nhiều điều đê tiện và lạm dụng, cố chấp và căm thù. Cần có rất nhiều sự hối cải và tha thứ. Đó là nguyên tắc tuyệt vời mà đã được nhấn mạnh trong tất cả mọi thánh thư, cả thời xưa lẫn thời nay.

Trong tất cả các thánh thư thiêng liêng của chúng ta, không có câu chuyện nào tuyệt vời về sự tha thứ bằng câu chuyện về đứa con hoang phí mà đã được tìm thấy trong chương mười lăm sách Lu Ca. Mọi người thỉnh thoảng cần phải đọc và suy ngẫm nó.

“Khi [đứa con trai phá của] đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo thiếu.

“Bèn đi làm mướn cho một người bổn xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo.

“Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho.

“Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói!

“Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha,

“Không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy.

“Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.

“Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa” (Lu Ca 15:14–21).

Và người cha đã ra lệnh làm một bữa yến tiệc lớn và khi người con trai khác của ông than phiền, thì ông nói cùng nó rằng: “Thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được” (câu 32).

Khi có hành vi sai trái và rồi có sự hối cải, tiếp theo bởi sự tha thứ, thì thật sự người phạm tội đã mất mà tìm lại được và đã chết mà được sống lại.

Các phước lành của lòng thương xót và sự tha thứ thật là kỳ diệu biết bao.

Kế Hoạch Marshall tiếp theo Đệ Nhị Thế Chiến, với việc biếu tặng hằng triệu Mỹ kim, đã giúp Âu Châu đứng dậy.

Tại Nhật, sau trận chiến đó, tôi đã thấy những nhà máy thép lớn, tiền bạc mà tôi được cho biết là đến từ Hoa Kỳ, kẻ cựu thù của Nhật. Thế giới này sẽ tốt lành hơn biết bao nhờ vào sự tha thứ của một dân tộc quảng đại thay đối với kẻ cựu thù của mình.

Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa đã dạy:

“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng:

“Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn;

“Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa.

“Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ.

“Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.

“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình.

“Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma Thi Ơ 5:38–44).

Đó là những lời rất mạnh mẽ.

Các anh chị em có thật sự nghĩ rằng các anh chị em có thể tuân theo lệnh truyền đó không? Đó chính là những lời của Chúa, và tôi nghĩ rằng những lời này áp dụng cho mỗi người chúng ta.

Các thầy thông giáo và Những Người Pha Ri Si giải đến Chúa Giê Su một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm để họ có thể thử Ngài.

“Nhưng Đức Chúa Giê Su cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất, [thể như Ngài không nghe họ nói].

“Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người.

“Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất.

“Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước; Đức Chúa Giê Su ở lại một mình với người đàn bà, người vẫn đương đứng chính giữa đó.

“Đức Chúa Giê Su bấy giờ lại ngước lên, không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?

“Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Giê Su phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:6-11).

Đấng Cứu Rỗi dạy về việc bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị thất lạc, rằng có thể có sự tha thứ và sự đền bồi.

Ê Sai đã nói:

“Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch! Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa.

“Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, bênh vực lẽ của người góa bụa.

“Đức Giê Hô Va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê Sai 1:16–18).

Tình yêu thương bao la của Đấng Cứu Rỗi được biểu lộ khi trong lúc đau đớn cực độ Ngài đã kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu Ca 23:34).

Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa đã phán trong điều mặc khải:

“Vậy nên, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải biết tha thứ cho nhau; vì kẻ nào không biết tha lỗi cho anh em mình thì sẽ bị kết tội trước mặt Chúa; vì kẻ đó còn mắc phải trọng tội hơn.

“Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người” (GLGƯ 64:9–10).

Chúa đã đưa ra một lời hứa tuyệt vời. Ngài phán: “Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa (GLGƯ 58:42).

Có rất nhiều người trong thời kỳ chúng ta là những người không sẵn lòng để tha thứ và quên đi. Vợ con khóc bởi vì người cha và người chồng tiếp tục lưu ý đến những khuyết điểm nhỏ mà thật sự không quan trọng gì cả. Và có rất nhiều người phụ nữ làm cho việc bé xé ra to bằng lời nói hay hành động.

Cách đây không lâu, tôi đã cắt ra một bài báo từ tờ Deseret Morning News, do Jay Evensen viết. Với sự cho phép của ông ấy, tôi trích dẫn một phần bài báo đó. Ông ấy viết:

“Quý vị sẽ nghĩ như thế nào về một thiếu niên quyết định ném một con gà tây đông lạnh nặng 10 ký lô từ một chiếc xe đang chạy quá tốc độ vào kính chắn gió của chiếc xe hơi mà quý vị đang lái? Quý vị sẽ nghĩ như thế nào sau khi chịu đựng sáu giờ giải phẫu bằng cách dùng các tấm kim loại và các dụng cụ khác để khâu gương mặt của quý vị lại, và sau khi biết rằng quý vị còn phải trải qua những năm tháng điều trị trước khi trở lại bình thường—và rằng quý vị phải cảm thấy may mắn là quý vị không chết hoặc bị tổn thương não vĩnh viễn?

“Và quý vị sẽ cảm thấy như thế nào sau khi biết được rằng kẻ tấn công quý vị và bạn bè của kẻ ấy có được con gà tây trước hết bởi vì chúng đã ăn cắp một thẻ tín dụng và đi mua sắm lu bù thả cửa chỉ để cho vui?…

“Đây là loại tội ác ghê gớm mà thúc đẩy các nhà chính trị vào chức vụ với lời hứa rằng họ sẽ có biện pháp mạnh đối với tội ác. Đây là loại việc mà thúc giục các nhà lập pháp tranh nhau trong cuộc tranh đấu để là người đầu tiên nộp dự luật mà sẽ thêm vào hình phạt gia tăng cho việc sử dụng gà đông lạnh để phạm tội.

“Báo New York Times trích dẫn lời của vị luật sư tiểu bang nói rằng đây là loại tội ác mà các nạn nhân cảm thấy rằng hình phạt không đủ khắt khe. Ông nói: ‘Ngay cả tử hình cũng còn chưa làm cho họ mãn nguyện nữa là.’

“Điều gì đã làm cho điều thật sự xảy ra thành kỳ lạ như vậy. Nạn nhân, Victoria Ruvolo, một cựu quản lý 44 tuổi của một cơ quan thu tiền nợ, quan tâm nhiều đến việc cứu mạng của Ryan Cushing, 19 tuổi, là kẻ tấn công bà hơn là đòi hỏi bất cứ hành động trả thù nào. Bà đã quấy rầy công tố viện để được cho biết thông tin về người thanh niên ấy , cuộc sống của người ấy, cách thức người ấy được nuôi dạy, v.v… . Rồi bà cố nài cho người ấy được điều đình để nhẹ tội. Cushing có thể ở tù sáu tháng trong nhà giam địa phương và bị án tù treo trong 5 năm nếu người thanh niên ấy tự thú là thủ phạm của vụ hành hung ngộ sát.

“Nếu người thanh niên ấy bị kết án hành hung mưu sát—sự buộc tội đúng nhất cho tội ác đó—thì người ấy có lẽ đã phải ở tù 25 năm, cuối cùng khi được thả về với xã hội thì đã là một người đàn ông trung niên không nghề nghiệp hoặc không tương lai.

“Nhưng đây chỉ là một nửa câu chuyện mà thôi. Phần còn lại của câu chuyện, điều gì đã xảy ra vào ngày đó thì tất cả những điều này đã được phơi bày tại tòa, thì là một phần thật sự đáng kể.

“Theo bài tường thuật của tờ New York Post, Cushing đã cẩn thận ngập ngừng đi đến nơi mà Ruvolo ngồi tại phòng xử và đã thì thầm trong nước mắt lời xin lỗi. ‘Tôi xin lỗi về điều tôi đã làm cho bà.’

“Rồi Ruvolo đứng dậy và nạn nhân và người hành hung ôm nhau khóc. Bà vuốt đầu của người thanh niên và vỗ nhẹ vào lưng của người thanh niên ấy trong khi người ấy nức nở khóc, và các nhân chứng, kể cả người phóng viên của báo Times, nghe bà nói: ‘Thôi được. Tôi chỉ muốn em làm cho cuộc sống của em được tốt nhất.’ Theo bài tường thuật, thì các người công tố viên cứng lòng và ngay cả các phóng viên đều nghẹn ngào rơi lệ” (“Forgiveness Has Power to Change Future,” Deseret Morning News, ngày 21 tháng Tám năm 2005, trang AA3).

Thật là một câu chuyện tuyệt vời, tuyệt vời hơn nữa vì nó đã thật sự xảy ra, và nó đã xảy ra ở New York mà lòng người chai đá. Ai có thể cảm thấy hoàn toàn thán phục người phụ nữ này là người đã tha thứ cho người thanh niên mà có thể đã lấy đi mạng sống của bà?

Tôi biết đây là một điều tế nhị và nhạy cảm mà tôi đang nói. Có những kẻ phạm tội cứng lòng có thể phải bị giam lại. Có những tội ác không thể tả được như cố ý sát nhân và hãm hiếp, thì cần phải có những hình phạt cứng rắn. Nhưng có một số người có thể được cứu khỏi những năm tháng dài vô nghĩa trong tù bởi vì một hành động không có suy nghĩ, rồ dại. Tuy nhiên, sự tha thứ, với tình thương và lòng khoan dung, hoàn thành các phép lạ mà không thể xảy ra bằng cách nào khác.

Sự Chuộc Tội vĩ đại là hành động tối cao của sự tha thứ. Tính chất trọng đại của Sự Chuộc Tội đó vượt qua khả năng của chúng ta để hiểu trọn vẹn. Tôi chỉ biết rằng điều đó đã xảy ra, và điều đó là cho tôi và cho các anh chị em. Nỗi đau đớn cực độ, nỗi thống khổ vô tận đến nỗi không một ai trong chúng ta có thể thấu hiểu đuợc khi Đấng Cứu Rỗi phó chính mình, Ngài làm giá chuộc tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Chính là nhờ Ngài mà chúng ta nhận được sự tha thứ. Chính là qua Ngài mà có được lời hứa chắc chắn rằng tất cả nhân loại sẽ được ban cho các phước lành cứu rỗi, với sự phục sinh từ cõi chết. Chính là qua Ngài và sự hy sinh vĩ đại thật hoàn thiện của Ngài mà chúng ta được ban cho cơ hội, qua sự vậng lời, được tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu.

Cầu xin Thượng Đế giúp chúng ta trở nên tử tế một chút hơn, cho thấy nhịn nhục hơn, có lòng tha thứ hơn, sẵn lòng hơn để bước thêm dặm thứ nhì, để tìm đến và nâng đỡ những người có thể đã phạm tội nhưng đã có được kết quả xứng đáng với sự ăn năn, từ bỏ mối ác cảm và không nuôi dưỡng hận thù nữa. Tôi khiêm nhường cầu nguyện những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.