2005
Tiên Tri Joseph Smith: Người Thầy Dạy Bằng Tấm Gương
Tháng Mười Một năm 2005


Tiên Tri Joseph Smith: Người Thầy Dạy Bằng Tấm Gương

Cầu xin cho chúng ta áp dụng vào cuộc sống cá nhân của mình các nguyên tắc thiêng liêng mà ông đã giảng dạy thật hay—bằng tấm gương—để chính chúng ta cũng có thể sống theo một cách trọn vẹn hơn phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thưa các anh chị em, vào dịp sinh nhật lần thứ 200 của Tiên Tri Joseph Smith yêu quí của chúng ta, tôi muốn nói về ông .

Vào ngày 23 tháng Mười Hai năm 1805, Joseph Smith Jr., được sinh ra ở Sharon, Vermont, là con của ông Joseph Smith, Sr. và bà Lucy Mack Smith. Vào ngày ông sinh ra, hai bậc sinh thành hãnh diện nhìn vào đứa bé nhỏ xíu này nhưng họ không thể nào biết được ông sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến thế gian biết bao. Một linh hồn chọn lọc đã đến trú ngụ trong thể xác; ông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và đã dạy chúng ta—qua tấm gương của chính ông—các bài học thiết yếu. Hôm nay tôi muốn chia sẻ một vài bài học đó với các anh chị em.

Khi Joseph được khoảng sáu hay bảy tuổi, ông và các anh chị em của ông bị mắc bệnh thương hàn. Mặc dù các anh chị em của ông bình phục một cách dễ dàng, Joseph còn bị đau đớn rất nhiều ở chân. Các bác sĩ, sử dụng thuốc men tốt nhất mà họ có, để chữa cho ông, vậy mà chỗ đau vẫn còn. Để cứu mạng Joseph, họ nói rằng ông sẽ phải bị mất cái chân. Tuy nhiên, may thay, ngay sau sự chẩn đoán đó, các bác sĩ quay trở lại nhà của gia đình Smith và cho biết rằng có một phẫu thuật mới mà có thể cứu cái chân của Joseph. Họ muốn giải phẫu ngay lập tức và đã mang theo dây để trói cậu bé Joseph vào giường để cậu không vùng vẫy, vì họ không có gì dùng để giảm đau. Tuy thế, cậu bé Joseph đã nói với họ: “Bác sĩ không cần phải trói cháu đâu.”

Các bác sĩ đề nghị ông nên uống rượu mạnh hoặc rượu vang để khỏi bị đau đớn dữ dội. Cậu bé Joseph đáp: “Thưa không. Nếu cha của cháu chịu ngồi trên giường và ôm cháu vào lòng, thì cháu sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết.” Joseph Smith Sr., đã ôm đứa con nhỏ của mình vào lòng, và các bác sĩ đã lấy ra mảnh xương bị nhiễm bệnh. Mặc dù cậu bé Joseph đi khập khiễng một thời gian sau đó, nhưng cậu đã được chữa lành.1 Ở vào một lứa tuổi nhỏ như thế và vô số lần khác trong suốt cuộc đời ông, Joseph Smith đã dạy cho chúng ta sự can đảm—bằng tấm gương.

Trước khi Joseph được mười lăm tuổi, gia đình ông dọn đi Manchester, New York. Về sau ông mô tả sự sinh hoạt rộn rịp về tôn giáo mà dường như hiện diện ở khắp mọi nơi vào thời kỳ này và về mối quan tâm hàng đầu của hầu hết mọi người. Chính Joseph đã mong mỏi muốn biết giáo hội nào ông nên gia nhập. Ông đã viết trong lịch sử của mình:

“Tôi thường tự hỏi… . Trong số các giáo phái này, giáo phái nào đúng, hay là tất cả họ đều sai lầm? Nếu có một giáo phái nào đúng, thì đó là giáo phái nào, và làm sao tôi biết được?

“Trong khi tôi đang vất vả vì những nỗi khó khăn cực điểm gây ra bởi những sự tranh chấp của những nhóm người cuồng tín này, thì nhân một hôm tôi đọc Bức Thư của Gia Cơ, chương nhất câu năm, … : Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Thượng Đế, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.2

Joseph kể lại rằng ông biết ông cần phải hoặc là trắc nghiệm lẽ trung thực của những lời của Chúa và cầu vấn Ngài hoặc có thể chọn ở mãi trong tình trạng tối tăm. Một buổi sáng sớm nọ ông đã đi vào một khu rừng, nay được gọi là thiêng liêng, và quỳ xuống cầu nguyện, với đức tin là Thượng Đế sẽ ban cho ông sự soi sáng mà ông đã tha thiết tìm kiếm. Hai nhân vật hiện đến với Joseph—Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử—và ông được cho biết, trong sự đáp ứng cho câu hỏi của ông, rằng ông không được gia nhập giáo hội nào, vì tất cả đều sai lầm. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy chúng ta nguyên tắc của đức tin—bằng tấm gương. Lời cầu nguyện giản dị với đức tin của ông vào buổi sáng mùa xuân đó của năm 1820 đã mang đến công việc kỳ diệu này mà tiếp tục cho đến ngày nay trên khắp thế giới.

Một vài ngày sau khi lời cầu nguyện của ông tại Khu Rừng Thiêng Liêng, Joseph Smith đã kể lại khải tượng của mình cho một người giảng đạo mà ông quen biết. Ông rất ngạc nhiên, khi thấy sự giao tiếp của ông đã bị “miệt thị,” và “là nguyên nhân cho sự ngược đãi lớn lao càng ngày càng lan rộng.” Tuy nhiên, Joseph đã không nản chí. Về sau ông đã viết: “Quả thật tôi đã trông thấy một ánh sáng, và giữa ánh sáng ấy, tôi đã trông thấy hai Nhân Vật, và hai vị đó đã thật sự ngỏ lời cùng tôi; và mặc dù tôi bị thù ghét và ngược đãi vì tôi đã nói là tôi đã trông thấy khải tượng, nhưng đó vẫn là sự thật; … Vì tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy; và tôi không thể phủ nhận được.”3 Bất chấp sự ngược đãi về thể xác và tinh thần từ bàn tay của những đối thủ của ông mà Tiên Tri Joseph Smith đã chịu đựng trong suốt cuộc đời còn lại của ông, ông đã không nản chí. Ông đã dạy chúng ta tính lương thiện—bằng tấm gương.

Sau Khải Tượng Đầu Tiên trọng đại đó, Tiên Tri Joseph đã không nhận được thêm sự giao tiếp nào trong ba năm. Tuy nhiên, ông đã không ngạc nhiên; ông đã không thắc mắc; ông đã không nghi ngờ Chúa. Ông đã kiên nhẫn chờ đợi. Ông đã dạy chúng ta đức tính thiêng liêng của sự kiên nhẫn—bằng tấm gương.

Sau những lần viếng thăm của Thiên Sứ Mô Rô Ni với thiếu niên Joseph, và việc nhận được các bảng khắc, Joseph đã bắt đầu công việc quan trọng của việc phiên dịch. Một người không thể tưởng tượng được sự cống hiến, tận tụy và công sức cần thiết để phiên dịch trong vòng chưa tới 90 ngày biên sử có hơn 500 trang này bao gồm một giai đoạn 2.600 năm. Tôi yêu thích những lời Oliver Cowdery đã dùng để mô tả thời gian ông đã dành ra để phụ giúp Joseph trong công việc phiên dịch Sách Mặc Môn: “Đây là những ngày mà tôi không bao giờ có thể quên được—ngồi lắng nghe giọng đọc bởi sự cảm ứng của thiên thượng, đánh thức niềm biết ơn sâu xa nhất của tấm lòng này!”4 Tiên Tri Joseph Smith đã dạy chúng ta sự cần cù—bằng tấm gương.

Như chúng ta biết, Tiên Tri Joseph đã gửi những người truyền giáo đi rao giảng phúc âm phục hồi. Đích thân ông đã phục vụ truyền giáo ở Upper New York và ở Gia Nã Đại với Sidney Rigdon. Ông không những soi dẫn cho những người khác tình nguyện đi truyền giáo, mà ông còn giảng dạy tầm quan trọng của công việc truyền giáo—bằng tấm gương.

Tôi nghĩ một trong những bài học tuyệt diệu nhất do Tiên Tri Joseph giảng dạy, và còn là một bài học buồn nhất, xảy ra gần lúc ông qua đời. Ông đã thấy trong khải tượng Các Thánh Hữu rời khỏi Nauvoo và đi đến Vùng Núi Rocky. Ông thiết tha mong cho dân ông được thoát khỏi những kẻ hành hạ họ và đến vùng đất hứa mà Chúa đã cho ông thấy. Chắc chắn là ông mong mỏi được cùng đi với họ. Tuy nhiên, lệnh bắt giữ ông đã được đưa ra vì sự vu cáo ông. Mặc dù có nhiều sự kháng cáo lên Thống Đốc Ford, nhưng lời buộc tội đã không được bãi bỏ. Joseph đã rời nhà cửa, vợ, gia đình, và dân của ông và nộp mạng cho các nhà cầm quyền dân sự, và biết rằng ông có lẽ sẽ không bao giờ trở lại.

Đây là những lời ông đã nói khi ông đi đến Carthage: “Tôi ra đi như một chiên con đến lò sát sinh; nhưng tôi bình tĩnh như một buổi sáng mùa hè; lương tâm tôi cảm thấy không có điều gì xúc phạm đến Thượng Đế, và loài người”5

Trong Ngục Thất Carthage ông bị tống giam với người anh trai Hyrum và những người khác. Vào ngày 27 tháng Sáu năm 1844, Joseph, Hyrum, John Taylor và Willard Richards đang cùng nhau ở đó thì một đám đông khủng bố giận dữ xông vào ngục, chạy lên cầu thang và bắt đầu bắn qua cửa phòng nơi họ đang ở. Hyrum bị giết chết và John Taylor bị thương. Cử chỉ hào hiệp cuối cùng của Joseph Smith nơi đây trên thế gian là một cử chỉ đầy vị tha. Ông chạy ngang qua phòng, có lẽ “nghĩ rằng điều này sẽ cứu mạng của những người anh em của ông trong phòng nếu ông có thể chạy trốn, … và ông lao qua cửa sổ, khi hai viên đạn bắn vào ông xuyên qua cánh cửa và một viên đạn xuyên thẳng vào ngực phải của ông.”6 Ông đã phó mạng sống của mình; Willard Richards và John Taylor thoát chết. “Chẳng có sự hy sinh nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.”7 Tiên Tri Joseph Smith đã dạy chúng ta tình yêu thương—bằng tấm gương.

Nhìn lại hơn 160 năm sau đó, mặc dù những biến cố của ngày 27 tháng Sáu năm 1844 thật bi thảm, nhưng chúng ta được ban cho sự an ủi khi chúng ta nhận thấy rằng Sự Tuẫn Đạo của Joseph Smith không phải là chương cuối cùng trong câu chuyện này. Mặc dù có những người tìm cách giết ông nghĩ rằng Giáo Hội sẽ sụp đổ nếu không có ông, nhưng chứng ngôn hùng hồn của ông về lẽ thật, những lời giảng dạy mà ông đã phiên dịch, và lời tuyên bố của ông về sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi vẫn tiếp tục ngày hôm nay trong lòng của hơn 12 triệu tín hữu trên khắp thế giới là những người tuyên bố rằng ông là một vị tiên tri của Thượng Đế.

Chứng ngôn của Tiên Tri Joseph tiếp tục thay đổi các cuộc sống. Cách đây nhiều năm tôi đã phục vụ với tư cách là chủ tịch của Phái Bộ Truyền Giáo Gia Nã Đại. Ở Ontario, Gia Nã Đại, hai trong số những người truyền giáo của chúng tôi đang đi tìm người để giảng đạo từ nhà này sang nhà khác vào một buổi chiều tuyết rơi lạnh lẽo. Họ chưa đạt được một chút thành công nào. Một anh cả thì có kinh nghiệm còn người kia là anh cả mới.

Hai anh cả này đến nhà của Ông Elmer Pollard, và vì cảm thấy tội nghiệp cho những người truyền giáo đang bị lạnh cóng, nên ông đã mời họ vào. Họ trình bày sứ điệp của mình và hỏi xem ông có muốn cùng cầu nguyện với họ không. Ông đồng ý , với điều kiện là ông có thể dâng lời cầu nguyện.

Lời cầu nguyện mà ông dâng lên làm những người truyền giáo ngạc nhiên. Ông nói: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin ban phước cho hai người truyền giáo kém may mắn, lạc lối này để họ có thể trở về nhà của mình và không bỏ phí thời giờ để nói với những người dân Gia Nã Đại về một sứ điệp không tưởng và về những điều mà họ biết rất ít.”

Khi họ đứng dậy, Ông Pollard yêu cầu những người truyền giáo đừng bao giờ trở lại nhà của ông nữa. Khi họ ra về, ông chế giễu họ: “Dù sao chăng nữa, các anh không thể nói với tôi là các anh thật sự tin rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế!” rồi ông đóng sầm cửa lại.

Hai người truyền giáo vừa mới đi được một đoạn ngắn thì người bạn đồng hành nhỏ hơn mới rụt rè nói: “Thưa Anh Cả, chúng ta đã không trả lời Ông Pollard.”

Người bạn đồng hành lâu năm hơn đáp: “Chúng ta đã bị khước từ rồi. Hãy đi nơi khác vậy.”

Tuy nhiên, người truyền giáo nhỏ hơn vẫn khăng khăng không chịu và cả hai đã quay trở lại nhà Ông Pollard. Ông Pollard mở cửa và giận dữ nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã nói với mấy anh trẻ tuổi là đừng bao giờ trở lại nữa mà!”

Rồi người bạn đồng hành nhỏ hơn đã thu hết can đảm nói: “Thưa Ông Pollard, khi chúng cháu ra khỏi nhà ông, ông nói rằng chúng cháu không thật sự tin rằng Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế. Thưa Ông Pollard, cháu muốn làm chứng với ông, rằng cháu biết Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế; rằng bởi sự soi dẫn ông đã phiên dịch biên sử thiêng liêng được biết là Sách Mặc Môn, rằng ông đã trông thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Đức Chúa Con.” Rồi những người truyền giáo rời khỏi nhà ông.

Tôi đã nghe cũng từ Ông Pollard này trong một buổi họp chứng ngôn nói về những kinh nghiệm của cái ngày đáng nhớ đó. Ông nói: “Buổi tối hôm đó, tôi không thể ngủ được. Tôi trở mình trằn trọc trên giường. Tôi nghe đi nghe lại trong đầu tôi những lời như sau: ‘Joseph Smith là một vị tiên tri của Thượng Đế. Tôi biết điều đó … tôi biết điều đó … tôi biết điều đó.’ Tôi gần như đã không thể đợi nổi đến sáng. Tôi gọi điện thoại cho những người truyền giáo, dùng số điện thoại của họ được ghi trên tấm thẻ nhỏ có chứa đựng Những Tín Điều. Họ trở lại; và lần này vợ tôi, gia đình tôi và tôi đều tham gia vào bài thảo luận với tư cách là những người tha thiết tìm kiếm lẽ thật. Kết quả là tất cả chúng tôi đều chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng tôi luôn luôn biết ơn chứng ngôn về lẽ thật đã được mang đến cho chúng tôi bởi hai người truyền giáo can đảm và khiêm nhường đó.”

Trong tiết 135 của Sách Giáo Lý và Giao Ước chúng ta đọc được những lời của John Taylor về Tiên Tri Joseph: “Joseph Smith, Vị Tiên Tri và Tiên Kiến của Chúa, đã làm nhiều cho sự cứu rỗi loài người trên thế gian hơn bất cứ một người nào khác đã từng sống trên thế gian ngoại trừ Chúa Giê Su.”8

Tôi yêu thích những lời của Chủ Tịch Brigham Young, là người đã nói: “Tôi cảm thấy như lúc nào cũng muốn reo hò Ha Lê Lu Gia, khi tôi nghĩ rằng tôi đã từng biết Joseph Smith, Vị Tiên Tri mà Chúa đã dựng lên và sắc phong, và qua ông Ngài đã ban cho các chìa khóa và quyền năng để xây đắp Vương Quốc của Thượng Đế trên thế gian.”9

Cùng những lời ngợi khen thích hợp đã được nói về ông Joseph yêu quý của chúng ta, tôi xin thêm vào chứng ngôn của tôi rằng tôi biết ông là vị tiên tri của Thượng Đế, được chọn để phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau này. Tôi cầu nguyện rằng khi chúng ta kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của ông, chúng ta có thể học hỏi được từ cuộc đời của ông. Cầu xin cho chúng ta áp dụng vào cuộc sống cá nhân của mình các nguyên tắc thiêng liêng mà ông đã giảng dạy thật hay—bằng tấm gương—để chính chúng ta cũng có thể sống theo một cách trọn vẹn hơn phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Cầu xin cho cuộc sống của chúng ta phản ảnh sự hiểu biết mà chúng ta có rằng Thượng Đế hằng sống, rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài, rằng Joseph Smith là một vị tiên tri và rằng chúng ta đang được dẫn dắt ngày nay bởi một vị tiên tri khác của Thượng Đế—chính là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Đại hội này đánh dấu 42 năm kể từ khi tôi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Trong buổi họp đầu tiên của tôi với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai trong đền thờ, bài thánh ca mà chúng tôi đã hát để vinh danh Joseph Smith, Vị Tiên Tri, là bài thánh ca tôi ưa thích. Tôi xin kết thúc bằng một câu trong bài thánh ca đó:

Lòng hằng ngợi khen người giao tiếp với Giê Hô Va!

Vị tiên tri thần nhãn đã nhận được phước ân.

Được quyền mở gian kỳ sau chót dưới trái đất này,

Mọi vua trên đời kính khen Người không hết lời.10

Tôi làm chứng về lẽ thật trọng đại này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Xin xem Lucy Mack Smith, History of Joseph Smith by His Mother, do Scot Facer Proctor và Maurine Jensen Proctor (1996) xuất bản, 69–76.

  2. Joseph Smith—Lịch Sử 1:10–11.

  3. Joseph Smith—Lịch Sử 1:21–22, 25.

  4. Joseph Smith—Lịch Sử 1:71, cước chú.

  5. GLGƯ 135:4.

  6. History of the Church, 6:618.

  7. Giăng 15:13.

  8. GLGƯ 135:3.

  9. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 343.

  10. William W. Phelps, “Ca Khen Người,” trong Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50.