Tuân Theo Những Lời Giảng Dạy của Chúa
Chúng ta đương đầu với một sự chọn lựa. Chúng ta có thể tin cậy nơi sức mạnh của mình, hoặc chúng ta có thể tuân theo những lời giảng dạy của Chúa và đến cùng Đấng Ky Tô.
Vào ngày 26 tháng Mười Hai năm 2004, một trận động đất dữ dội ở bờ biển Indonesia đã gây ra một cơn sóng thần khủng khiếp giết chết hơn 200.000 người. Đó là một thảm họa khủng khiếp. Trong một ngày, hằng triệu cuộc đời đã thay đổi vĩnh viễn.
Nhưng có một nhóm người, mặc dù ngôi làng của họ bị phá hủy, đã không bị thiệt hại gì về nhân mạng.
Tại sao vậy?
Vì họ biết trước sóng thần sắp đến.
Người dân Moken sống trong những ngôi làng ven bờ biển Thái Lan và Miến Điện. Một cộng đồng gồm có những người đánh cá, cuộc sống của họ nhờ vào biển. Trong hằng trăm năm và có lẽ hằng ngàn năm, tổ tiên của họ đã nghiên cứu về đại dương và họ đã truyền kiến thức của họ từ đời cha đến đời con.
Một điều đặc biệt mà họ đã dạy kỹ là phải làm gì khi nước biển rút xuống. Theo truyền thống của họ, khi điều đó xảy ra, thì “Laboon”—cơn sóng ăn thịt người—sẽ đến ngay sau đó.
Khi các bô lão trong làng trông thấy các dấu hiệu kinh khiếp đó thì họ la lên báo động cho tất cả mọi người chạy lên vùng đất cao.
Không phải ai cũng nghe lời.
Một ông lão đánh cá nói: “Bọn trẻ không có đứa nào tin tôi cả.” Quả thật, đứa con gái của ông đã cho rằng ông nói láo. Nhưng ông lão đánh cá đã không ngừng thúc giục họ cho đến khi tất cả mọi người đã rời ngôi làng và trèo lên vùng đất cao hơn.1
Người dân Moken thật may mắn bởi vì họ có một người nào đó với sự tin chắc đã khuyên họ về điều sẽ xảy đến. Những người dân làng này thật may mắn vì họ đã lắng nghe. Nếu không lắng nghe, thì có lẽ họ đã bị thiệt mạng.
Tiên Tri Nê Phi viết về đại họa trong thời của ông, sự hủy diệt Giê Ru Sa Lem. Ông đã nói: “Và như vì sự bất chính mà một thế hệ đã bị hủy diệt giữa dân Do Thái, thì cũng vậy, vì những điều bất chính của mình mà họ đã bị hủy diệt từ thế hệ này đến thế hệ khác, và không một thế hệ nào của họ bị hủy diệt mà lại không được các vị tiên tri của Chúa báo trước.”2
Từ thời của A Đam, Chúa đã phán cùng các vị tiên tri của Ngài và mặc dù sứ điệp của Ngài khác biệt tùy theo những nhu cầu cụ thể của từng thời kỳ, nhưng có một chủ đề kiên định, bất di bất dịch là: Từ bỏ tội lỗi và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa.
Khi con người chú tâm đến những lời của các vị tiên tri, thì Chúa ban phước cho họ. Tuy nhiên, khi họ coi thường lời của Ngài thì tai họa và nỗi thống khổ thường đi theo. Sách Mặc Môn đã nhiều lần dạy bài học quan trọng này. Trong những trang sách ấy, chúng ta đọc về các dân cư thời xưa ở lục địa Mỹ Châu là những người, nhờ vào sự ngay chính của họ, đã được Chúa ban phước và trở nên thịnh vượng. Vậy mà, thường thường, sự thịnh vượng này trở thành một sự nguyền rủa bởi vì nó làm cho họ “chai đá trong lòng, và quên Chúa Thượng Đế của họ.”3
Có một điều gì đó về sự thịnh vượng mà làm lộ rõ cá tính xấu nhất của một số người. Trong sách Hê La Man, chúng ta học về một nhóm người Nê Phi mà đã trải qua sự mất mát và tàn sát khủng khiếp. Chúng ta đọc về họ: “Và đó là vì sự kiêu ngạo trong lòng họ, vì sự quá ư giàu có của họ, phải, vì sự áp bức của họ đối với kẻ nghèo, bằng cách thu cất thực phẩm không cho kẻ đói, cất giấu áo quần không cho kẻ trần trụi, và tát vào má những người đồng bào khiêm nhường của mình, nhạo báng những gì thiêng liêng, bác bỏ tinh thần tiên tri và mặc khải.”4
Nỗi buồn này sẽ không làm họ khổ sở “nếu không phải vì sự tàn ác của họ.”5 Nếu họ chỉ chú tâm đến những lời của các vị tiên tri trong thời kỳ họ và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa, thì cuộc đời của họ sẽ hoàn toàn khác hẳn.
Hậu quả tự nhiên mà đến với những người xa rời đường lối của Chúa là họ bị phó mặc vào sức mạnh của họ.6 Trong những giây phút say sưa với sự thành công, chúng ta có thể cho rằng sức mạnh của riêng mình là đủ, những ai trông cậy vào cánh tay xác thịt thì sẽ sớm khám phá rằng nếu không có Ngài thì chúng ta chẳng làm chi được.7
Chẳng hạn, Sa Lô Môn, thoạt đầu đã vâng lời Chúa và tôn trọng luật pháp của Ngài. Bởi vì điều này, ông đã được thịnh vượng và được ban phước không chỉ với sự khôn ngoan mà còn với sự giàu có và danh vọng. Nếu ông tiếp tục ngay chính thì Chúa hứa sẽ “làm cho ngôi nước ngươi kiên cố đến đời đời trên Y Sơ Ra Ên.”8
Nhưng ngay cả sau những lần viếng thăm của Chúa, ngay cả sau khi nhận được các phước lành lớn lao hơn bất cứ ai khác, Sa Lô Môn đã rời bỏ Chúa. Bởi vì điều này, Chúa đã ra lệnh rằng vương quốc sẽ bị thu hồi và được ban cho tôi tớ của ông.9
Tên của người tôi tớ đó là Giê Rô Bô Am. Giê Rô Bô Am là một người siêng năng thuộc chi phái Ép Ra Im mà Sa Lô Môn đã thăng chức để cai quản một số nhân công của ông.10
Một ngày nọ, trong khi Giê Rô Bô Am đang đi trên đường, một vị tiên tri đã đến gần và nói tiên tri rằng Chúa sẽ đoạt lấy vương quốc khỏi tay Sa Lô Môn và trao cho Giê Rô Bô Am mười trong số mười hai chi phái của Y Sơ Ra Ên.
Qua vị tiên tri của Ngài, Chúa đã hứa với Giê Rô Bô Am nếu ông chịu làm điều đúng thì “ta sẽ ở cùng ngươi, lập cho ngươi một nhà vững chắc y như ta đã lập cho Đa Vít, và ta sẽ ban Y Sơ Ra Ên cho ngươi.”11
Chúa đã chọn Giê Rô Bô Am và hứa với ông các phước lành đặc biệt chỉ khi nào ông vâng theo các lệnh truyền và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa. Sau khi Sa Lô Môn chết, những lời của vị tiên tri được ứng nghiệm và mười trong số mười hai chi phái của Y Sơ Ra Ên đã đi theo Giê Rô Bô Am.
Sau khi nhận được ân huệ như thế, vị vua mới này có vâng lời Chúa không?
Thật đáng tiếc, ông đã không vâng lời. Ông truyền làm hai con bò bằng vàng và khuyến khích dân ông thờ phượng hai con bò đó. Ông lập ra “chức thầy tế lễ” của riêng mình bằng cách chọn người nào mà ông muốn, phong cho họ làm các thầy tế lễ tại các nơi cao.12 Tóm lại, mặc dù ông đã nhận được các phước lành lớn lao từ Chúa, nhưng vị vua này đã tà ác hơn tất cả các vị vua thời trước.13 Trong những thế hệ sau này, Giê Rô Bô Am được dùng làm tiêu chuẩn để so sánh với tất cả các vị vua tà ác ở Y Sơ Ra Ên.
Bởi vì sự tà ác như vậy, Chúa đã bỏ mặc Giê Rô Bô Am. Vì sự tà ác của nhà vua, Chúa đã ra sắc lệnh rằng vua và toàn thể gia đình của vua sẽ bị hủy diệt cho đến khi không còn một ai. Lời tiên tri này về sau đã được hoàn toàn ứng nghiệm. Dòng dõi của Giê Rô Bô Am đã bị hủy diệt khỏi mặt đất.14
Sa Lô Môn và Giê Rô Bô Am là các ví dụ về một chu kỳ bi thảm to lớn mà thường được minh họa trong Sách Mặc Môn. Khi con người ngay chính, Chúa cho họ được thịnh vượng. Sự thịnh vượng thường dẫn đến tính kiêu ngạo mà đưa đến tội lỗi. Tội lỗi dẫn đến sự tà ác và tấm lòng trở nên chai đá đối với những sự việc của Thánh Linh. Cuối cùng, đoạn cuối của con đường này đưa đến nỗi đau buồn và khổ sở.
Mẫu mực này được lặp lại không chỉ trong cuộc sống của mỗi người mà còn với các thành phố, quốc gia và ngay cả thế giới. Kết quả của việc thờ ơ đối với Chúa và các vị tiên tri của Ngài thì chắc chắn và thường kèm theo nỗi đau khổ và ân hận lớn. Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa đã cảnh cáo rằng sự tà ác cuối cùng sẽ dẫn đến “nạn đói, và bệnh dịch, và động đất, và sấm trên trời,” cho đến “dân cư trên trái đất sẽ bị làm cho cảm thấy được cơn phẫn nộ, và cơn phẫn nộ và bàn tay trừng phạt của một Đấng Thượng Đế Toàn Năng.”15
Tuy nhiên, là điều quan trọng để hiểu rằng nhiều người tốt và tử tế đã bị ảnh hưởng bởi những tai ương do con người và thiên nhiên tạo ra. Các Thánh Hữu trong thời kỳ đầu của gian kỳ này đã bị ngược đãi và bị đuổi khỏi nhà họ. Một số đã chết. Nhưng, có lẽ bởi vì họ đã chịu đựng quá nhiều, nên họ đã phát triển một sức mạnh nội tâm mà là một sự chuẩn bị cần thiết cho công việc họ chưa làm đuợc.
Những điều tương tự cũng xảy ra trong thời của chúng ta.
Bởi vì chúng ta không được miễn khỏi các tai họa, nên chúng ta cần học hỏi từ chúng.
Trong khi thánh thư cho thấy những hậu quả của việc không vâng lời, thánh thư cũng cho thấy điều gì có thể xảy ra khi con người lắng nghe Chúa và chú tâm đến lời khuyên bảo của Ngài.
Khi thành phố tà ác Ni Ni Ve nghe tiếng nói cảnh cáo của tiên tri Giô Na, họ đã ra sức kêu cầu Chúa, hối cải, và được cứu khỏi bị hủy diệt.16
Bởi vì dân chúng trong thời kỳ Hê Nóc quá tà ác nên Chúa đã truyền lệnh cho Hê Nóc phải mở miệng ông ra và cảnh cáo dân chúng phải chấm dứt sự tà ác của họ và phục vụ Chúa Thượng Đế của họ.
Hê Nóc gạt nỗi sợ hãi của mình sang một bên và đã làm theo những điều mà ông đã được truyền lệnh để làm. Ông đi ra giữa dân chúng, rao giảng bằng một tiếng nói lớn, làm chứng chống lại những việc làm của họ. Thánh thư cho chúng ta biết rằng “tất cả mọi người đều bị ông xúc phạm.” Họ nói với nhau về “một việc lạ xảy ra trong xứ” và một “người hoang dã” đã đến giữa họ.17
Mặc dù nhiều người ghét Hê Nóc, nhưng những người khiêm nhường đã tin vào lời của ông. Họ từ bỏ những tội lỗi của mình và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa, và “họ được ban phước lành trên các núi, và trên các nơi cao, và trở nên phát đạt.”18 Trong trường hợp của họ, thay vì sự thịnh vượng dẫn đến sự kiêu ngạo và tội lỗi, thì nó dẫn đến lòng trắc ẩn và sự ngay chính. “Và Chúa gọi dân Ngài là Si Ôn, vì họ đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có người nào nghèo khó trong số họ.”19
Sau khi Ngài phục sinh, Đấng Cứu Rỗi đã đến Mỹ Châu. Nhờ vào giáo vụ kỳ diệu của Ngài, dân chúng đã mềm lòng. Họ từ bỏ tội lỗi của mình, và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa. Họ trân quý những lời của Ngài và cố gắng noi theo gương Ngài.
Họ đã sống rất ngay chính đến nỗi đã không có sự tranh chấp nào xảy ra giữa họ, và họ đã đối xử công bằng với nhau. Họ chia sẻ rộng rãi những gì họ có với nhau, và họ vô cùng thịnh vượng. Thánh thư nói về dân này rằng “chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.”20
Trong thời đại của chúng ta, chúng ta cũng gặp phải sự chọn lựa tương tự. Chúng ta có thể dại dột thờ ơ đối với các vị tiên tri của Thượng Đế, ỷ vào sức mạnh của chính mình, và cuối cùng thì gánh lấy những hậu quả. Hoặc chúng ta có thể sáng suốt tiến gần đến Chúa và dự phần vào các phước lành của Ngài.
Vua Bên Gia Min đã miêu tả cả hai con đường và cả hai hậu quả. Ông nói rằng những người bỏ Chúa sẽ “bị đưa vào một viễn ảnh đáng sợ của tội lỗi và của những điều khả ố của họ, khiến họ phải thối lui khỏi sự hiện diện của Chúa để đi vào một trạng thái khổ sở và cực hình bất tận.”21
Nhưng những người tuân giữ những lời giảng dạy của Chúa và giữ vững các giáo lệnh của Thượng Đế, thì “được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”22
Làm thế nào chúng ta biết được rằng chúng ta đang đi về hướng nào? Khi Đấng Cứu Rỗi sống trên trần thế Ngài đã được yêu cầu cho biết điều răn lớn nhất. Ngài đã phán một cách không do dự: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
“Đấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.
“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy, Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.
“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”23
Trong những câu này, Chúa đưa ra một cách thức rõ ràng về việc biết được là chúng ta có đang đi đúng đường không. Những người tuân theo những lời giảng dạy của Chúa thì hết lòng yêu mến Chúa. Chúng ta thấy được trong cuộc sống của họ sự biểu hiện của tình yêu thương đó. Họ tìm đến Thượng Đế của mình trong lời cầu nguyện và cầu xin Thánh Linh của Ngài. Họ hạ mình và mở rộng tấm lòng mình cho những lời giảng dạy của các vị tiên tri. Họ làm vinh hiển sự kêu gọi của mình và tìm cách phục vụ hơn là được phục vụ. Họ đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế. Họ tuân theo các giáo lệnh của Ngài và tăng trưởng mạnh mẽ trong chứng ngôn của họ về lẽ thật.
Họ cũng yêu thương các con cái của Cha Thiên Thượng và cuộc sống của họ biểu hiện tình yêu thương đó. Họ chăm sóc các anh chị em của mình. Họ nuôi dưỡng, phục vụ, và hỗ trợ những người phối ngẫu và con cái của mình. Trong tinh thần yêu thương và tử tế, họ củng cố những người xung quanh họ. Họ ban phát rộng rãi của cải của họ cho những người khác. Họ than khóc với những ai than khóc và an ủi những ai cần được an ủi.24
Việc tuân theo những lời giảng dạy của Chúa là con đường của vai trò môn đồ dẫn đến Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là một cuộc hành trình mà cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến sự tôn cao cùng với gia đình mình nơi hiện diện của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Do đó, việc chúng ta tuân theo những lời giảng dạy của Chúa cần phải gồm có việc đi đến nhà của Ngài. Khi chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và tuân theo những lời giảng dạy của Ngài, chúng ta sẽ mong muốn dành nhiều thời gian hơn trong các đền thờ của Ngài, bởi vì các đền thờ tượng trưng cho nơi chốn cao hơn, nơi chốn thiêng liêng.
Trong mỗi lứa tuổi, chúng ta đương đầu với một sự chọn lựa. Chúng ta có thể tin cậy nơi sức mạnh của mình, hoặc chúng ta có thể tuân theo những lời giảng dạy của Chúa và đến cùng Đấng Ky Tô.
Mỗi sự chọn lựa có một hậu quả.
Mỗi hậu quả có một nơi đến.
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống. Các tầng trời rộng mở và Cha Thiên Thượng nhân từ mặc khải lời của Ngài cho nhân loại. Qua Tiên Tri Joseph Smith, phúc âm đã được phục hồi trên thế gian. Trong thời của chúng ta, một vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, hiện hữu và mặc khải lời của Thượng Đế cho nhân loại. Những điều ông nói phù hợp với những lời tiên tri của tất cả những thời kỳ trước.
Ông đã nói: “Tôi xin mời mỗi anh chị em, dù các anh chị em đang ở đâu, với tư cách là các tín hữu của giáo hội này, hãy đứng lên và với niềm hân hoan để tiến bước, sống theo phúc âm, yêu thương Chúa, và xây đắp vương quốc. Cùng nhau, chúng ta có thể kiên trì đến cùng và giữ vững đức tin, Đấng Toàn Năng là sức mạnh của chúng ta.”25
Thưa các anh chị em, chúng ta được kêu gọi để tuân theo những lời giảng dạy của Chúa.
Chúng ta có thể tránh khỏi nỗi buồn phiền và đau khổ do hậu quả của sự không vâng lời mà ra.
Chúng ta có thể hưởng sự bình an, niềm vui, và cuộc sống vĩnh cửu nếu chúng ta chú tâm đến những lời của các vị tiên tri, nhạy cảm với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, và làm cho lòng mình tràn đầy tình thương yêu đối với Cha Thiên Thượng và đồng loại của chúng ta.
Tôi để lại lời chứng của tôi rằng Chúa sẽ ban phước cho tất cả những ai dấn mình vào con đường của vai trò môn đồ và tuân theo những lời giảng dạy của Chúa, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.