Sự Hy Sinh là một Niềm Vui và Phước Lành
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta đều sẽ trở thành Các Thánh Hữu sẵn lòng hy sinh và trở nên hội đủ điều kiện cho các phước lành đặc biệt của Chúa.
Xin chào các anh chị em. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng “một tôn giáo mà không đòi hỏi sự hy sinh mọi thứ thì không bao giờ có đủ quyền năng để tạo ra đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi” (Lectures on Faith [1985], 69). Nếu tóm lược lịch sử của thánh thư, chúng ta có thể nói rằng đó là lịch sử về sự hy sinh.
Chúng ta có thể thấy những tấm gương tuyệt vời trong thánh thư của những người đã hy sinh mạng sống của họ để giữ đức tin và chứng ngôn của mình. Có một tấm gương từ câu chuyện về An Ma và A Mu Léc khi họ phải đau đớn nhìn dân xứ Am Mô Ni Ha bị ném vào lửa và chết nhưng đã giữ đức tin của họ (xin xem An Ma 14:7–13).
Chúng ta cũng nghĩ đến Chúa Giê Su Ky Tô đã hạ cố giáng lâm từ nơi hiện diện của Cha Ngài đến thế gian này và thực hiện sự hy sinh để cứu rỗi thế gian qua nỗi đau đớn cùng cực hơn bất cứ người nào khác đã từng chịu.
Trong gian kỳ sau cùng này của phúc âm, nhiều người tiền phong đã mất mạng sống và đã thực hiện sự hy sinh tột bực để giữ đức tin của mình.
Ngày nay chúng ta có lẽ không bị đòi hỏi để thực hiện một sự hy sinh lớn lao như từ bỏ mạng sống của mình, nhưng chúng ta có thể thấy được nhiều tấm gương của Các Thánh Hữu đã thực hiện những sự hy sinh đau đớn để giữ cho đức tin và chứng ngôn của họ được sống mãi. Có lẽ việc thực hiện những hy sinh nhỏ trong đời sống hằng ngày của chúng ta thì khó hơn. Ví dụ, có thể được xem như là một hy sinh nhỏ để giữ cho ngày Sa Bát được thánh, để đọc thánh thư hằng ngày, hoặc đóng tiền thập phân của mình. Nhưng những hy sinh này không thể dễ thực hiện trừ phi chúng ta có được tâm trí và quyết tâm để thực hiện sự hy sinh cần thiết để có thể tuân giữ các giáo lệnh đó.
Khi thực hiện những hy sinh nhỏ này, chúng ta được đền bù bởi nhiều phước lành hơn từ Chúa. Vua Bên Gia Min đã nói: “Các người vẫn còn mắc nợ Ngài và hiện giờ, và sẽ mãi mãi và đời đời vẫn còn mắc nợ Ngài” (Mô Si A 2:24). Và, cũng như với dân của ông, ông đã khuyến khích chúng ta để chúng ta sẽ nhận được thêm phước lành khi chúng ta tiếp tục vâng theo lời của Chúa.
Tôi nghĩ rằng phước lành trước nhất đến từ sự hy sinh là niềm vui mà chúng ta có thể cảm nhận được khi chúng ta thực hiện sự hy sinh đó. Có lẽ chính ý nghĩ rằng sự hy sinh tự nó có thể là một phước lành thì nó trở thành một phước lành vậy. Khi chúng ta có ý nghĩ như thế và cảm nhận được niềm vui thì chúng ta có thể đã nhận được phước lành rồi.
Mới đây, tôi đã thấy loại phước lành đó từ Các Thánh Hữu ở Đại Hàn là những người đã tham dự lễ kỷ niệm 50 năm lễ cung hiến Giáo Hội ở Đại Hàn cho việc rao giảng phúc âm và kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của Joseph Smith. Tôi xin kể ngắn gọn cho các anh chị em nghe về những hy sinh của họ và niềm vui và phước lành mà họ đã nhận được.
Để kỷ niệm phúc âm mà đã mang đến niềm hy vọng và can đảm cho những người dân ở Đại Hàn là những người bị đau khổ rất nhiều bởi Chiến Tranh Đại Hàn, các tín hữu đã bắt đầu chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này cách đây hơn một năm. Nhiều tín hữu ở Đại Hàn—Hội Thiếu Nhi, các thiếu niên, các thiếu nữ, những người thành niên độc thân, các chị em trong Hội Phụ Nữ và những người khác—cùng quy tụ để tập dượt cho lễ kỷ niệm đó. Họ đã chuẩn bị nhiều màn vũ dân tộc kể cả điệu múa hoa đăng, múa vòng tròn, múa quạt, múa thôn dã. Họ chơi trống; biểu diễn thái cực đạo, đóng kịch, khiêu vũ theo các nhịp điệu quy định, và trình diễn ca nhạc; hoạt họa; và phần trình diễn của ca đoàn.
Vì tiếng trống của các thiếu niên quá lớn nên hàng xóm than phiền, và họ đã phải ngưng tập dượt. Rất khó để tập dượt trong thời gian dài, nhưng họ đã làm điều đó với niềm vui. Tôi đã không thể thấy bất cứ ai than phiền về nỗ lực và sự hy sinh của họ khi họ phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để đi xe buý t đến chỗ để cùng nhau tập dượt. Họ cảm thấy được niềm vui và lòng biết ơn lớn lao về các phước lành của Chúa và về cơ hội để cho thấy lòng biết ơn của mình.
Cũng có nhiều người truyền giáo đã giải nhiệm từ hải ngoại trở về Đại Hàn cùng với vợ con họ để tham dự lễ kỷ niệm này. Họ đã hy sinh khi họ đến Đại Hàn để phục vụ truyền giáo. Lần này họ đã thực hiện một sự hy sinh khác về thời giờ và tiền bạc để mang theo gia đình họ tham gia vào lễ kỷ niệm trong mùa hè nóng nực này. Nhưng họ hân hoan và biết ơn tất cả các lễ kỷ niệm mà họ đã tham gia.
Để khuyến khích Các Thánh Hữu Đại Hàn và những người khác, Chúa đã gửi vị tiên tri của Ngài, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đến Đại Hàn. Chính Chủ Tịch Gordon B. Hinckley cũng đã thực hiện một sự hy sinh lớn lao cho chuyến đi này hoạch định trong 13 ngày vòng quanh thế giới và đến Đại Hàn gặp gỡ các thánh hữu mà ông đã yêu mến trong nhiều năm và để đích thân truyền đạt tình yêu thương đặc biệt của Chúa. Không một ai cảm thấy rằng đây là một sự hy sinh. Thay vì thế, chúng tôi có những giọt nước mắt vui sướng và biết ơn. Đây là phước lành mà chúng ta đang nói đến, phải không?
Thưa các anh chị em, đừng ngại phải hy sinh. Xin hãy vui hưởng hạnh phúc và các phước lành từ sự hy sinh ấy.
Thỉnh thoảng có thời gian gián đoạn giữa sự hy sinh với phước lành. Sự hy sinh có thể đến đúng theo lịch trình của chúng ta, nhưng phước lành thì có thể không đến theo như hoạch định của chúng ta, mà theo lịch trình của Chúa. Vì thế, Chúa an ủi chúng ta bằng cách phán: “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao.” (GLGƯ 64:33)
Chắc chắn các phước lành sẽ đến với chúng ta. Xin hãy nhớ rằng sự hy sinh tự nó có thể là một hình thức của phước lành. Chúng ta hãy hy sinh những việc nhỏ.
Khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn trong khi nhiều lần giụi đôi mắt buồn ngủ của mình, thì hãy nhớ rằng chúng ta đang tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri của chúng ta và nhận được niềm vui đến từ sự hiểu biết đó. Chúng ta có nhiều hóa đơn để trả; nhưng khi chúng ta đóng tiền thập phân, hãy cảm nhận niềm vui có được cơ hội để dâng một điều gì đó lên Chúa.
Và rồi phước lành lớn lao hơn sẽ được trút xuống chúng ta. Nó cũng sẽ giống như sự ngạc nhiên và niềm vui của chúng ta khi chúng ta nhận được một món quà bất ngờ.
Như Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Khi ban phát, chúng ta thấy rằng ‘sự hy sinh mang đến các phước lành của thiên thượng!’ [”Ca Khen Người,“ Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 27.] Và cuối cùng, chúng ta biết được rằng đó không phải là sự hy sinh gì cả.” (“Becoming the Pure in Heart,” Ensign, tháng Ba năm 1985, 5). Tôi cầu nguyện rằng chúng ta đều sẽ trở thành Các Thánh Hữu sẵn lòng hy sinh và trở nên hội đủ điều kiện cho các phước lành đặc biệt của Chúa. Chúa sẽ trông nom chúng ta để sẽ không phải là điều quá khó khăn cho chúng ta để chịu đựng bất cứ sự hy sinh nào. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.