“Hãy Chăn Chiên Ta”
Những người khác hầu hết đều dễ tiếp thu ảnh hưởng của chúng ta khi họ cảm thấy rằng chúng ta thật sự yêu thương họ, chứ không phải bởi vì chúng ta phải làm tròn một sự kêu gọi.
Vào một dịp nọ, Đấng Cứu Rỗi đã ba lần đặt ra một câu hỏi cho Phi E Rơ :
“Hỡi Si Môn, con Giô Na, ngươi yêu ta chăng? Phi E Rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hãy chăn chiên ta.”1
Vì Ngài quan tâm rất nhiều đến sự an lạc của con cái của Cha Thiên Thượng, nên Chúa đã đưa ra chỉ thị đặc biệt cho Phi E Rơ về việc chăm sóc bầy chiên. Ngài xác nhận lần nữa mối quan tâm đó trong thời hiện đại qua điều mặc khải ban cho Joseph Smith:
“Giờ đây, ta nói cho ngươi hay, và những gì ta nói cho ngươi biết là ta cũng nói cho tất cả Mười Hai người nữa: Hãy đứng lên và thắt lưng thật chặt, hãy vác thập tự giá đi theo ta, và cho chiên của ta ăn.”2
Khi học thánh thư, chúng ta thấy rằng Đấng Cứu Rỗi phục sự dân chúng theo những nhu cầu riêng của họ. Một ví dụ hay về điều này xảy ra khi Ngài đến gần thành Ca Bê Na Um, và Giai Ru, một người cai nhà hội, đến sấp mình xuống nơi chân của Chúa Giê Su và khẩn nài Chúa vào nhà mình và ban phước cho con gái của mình sắp chết. Chúa Giê Su đi với Giai Ru mặc dù đám đông dân chúng làm cho Ngài khó đi nhanh.
Và rồi một người đưa tin nói cho Giai Ru biết rằng con gái của ông đã chết rồi. Mặc dù đau lòng nhưng Giai Ru vẫn kiên trì giữ vững đức tin của mình nơi Chúa, là Đấng an ủi tấm lòng của người cha khi Ngài phán:
“Đừng sợ, hãy tin mà thôi, thì con ngươi sẽ được cứu.
“Khi đến nhà, Ngài chỉ cho Phi E Rơ, Gia Cơ, Giăng và cha mẹ con ấy vào cùng Ngài.
“Ai nấy đều khóc lóc than vãn về con đó. Nhưng Ngài phán rằng: Đừng khóc, con nầy không phải chết, song nó ngủ… .
“… Cầm lấy tay con ấy, gọi lớn tiếng lên rằng: Con ơi, hãy chờ dậy!
“Thần linh bèn hoàn lại, con ấy chờ dậy liền; rồi Ngài truyền cho nó ăn.”3
Chúa Giê Su đã cho thấy lòng kiên nhẫn và tình yêu thương đối với tất cả mọi người đến cùng Ngài để tìm sự khuây khỏa cho những đau yếu về thể xác, cảm xúc hay thuộc linh của họ, và là những người cảm thấy chán nản và bị áp bức.
Để noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, mỗi người chúng ta phải nhìn chung quanh, và tìm đến các con chiên đang gặp hoàn cảnh như vậy để giúp đỡ và khuyến khích các con chiên đó tiến bước trên cuộc hành trình hướng đến cuộc sống vĩnh cửu.
Ngày nay, nhu cầu này cũng lớn hoặc có lẽ còn lớn hơn khi Đấng Cứu Rỗi còn sống trên thế gian này. Là những người chăn, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta phải chăm sóc mỗi con chiên của mình để mang chiên đến cùng Đấng Ky Tô mà đó là mục đích của tất cả mọi việc chúng ta làm trong Giáo Hội này.
Bất cứ sinh hoạt, buổi nhóm họp hoặc chương trình nào cũng phải chú trọng đến cùng mục tiêu này. Khi ý thức được các nhu cầu của những người khác, chúng ta có thể củng cố họ và giúp họ khắc phục những thử thách của họ, để họ sẽ luôn được vững vàng trong cách thức mà sẽ đưa họ trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng và giúp họ kiên trì đến cùng.
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là về các tín hữu chứ không phải về các chương trình. Đôi khi, trong lúc vội vã làm tròn các trách nhiệm trong Giáo Hội của mình, chúng ta bỏ ra quá nhiều thời giờ tập trung vào các chương trình, thay vì tập trung vào các tín hữu, và kết quả là chúng ta bỏ qua những nhu cầu thật sự của họ. Khi những điều như thế xảy ra, thì chúng ta quên đi tầm quan trọng của sự kêu gọi của mình, bỏ mặc các tín hữu, và ngăn cản họ không cho đạt được tiềm năng thiêng liêng của họ để nhận được cuộc sống vĩnh cửu.
Khi gần đến sinh nhật lần thứ 12 của tôi, vị giám trợ của tôi đã mời tôi đến phỏng vấn và dạy tôi cách chuẩn bị để nhận Chức Tư Tế A Rôn được sắc phong làm thầy trợ tế. Khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc, ông lấy ra một bộ mẫu đơn từ bàn của mình và yêu cầu tôi điền vào. Đó là giấy tờ kêu gọi đi truyền giáo. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Xét cho cùng tôi chỉ mới 11 tuổi. Nhưng Vị Giám Trợ đó có một tầm nhìn rộng về tương lai và về các phước lành mà sẽ thuộc vào tôi nếu tôi chuẩn bị thích đáng để đi phục vụ truyền giáo cho đến khi tôi đi.
Ông đã cho thấy ông thật sự quan tâm đến tôi. Ông cho tôi biết những bước tôi phải trải qua để chuẩn bị về mặt tài chính lẫn thuộc linh nhằm phục vụ Chúa. Sau ngày đó, ông và vị giám trợ được kêu gọi kế nhiệm ông, đã phỏng vấn tôi ít nhất hai lần một năm cho đến khi tôi 19 tuổi, và khuyến khích tôi luôn trung tín trong sự chuẩn bị của mình.
Họ giữ giấy tờ đi truyền giáo của tôi trong hồ sơ của họ và đề cập đến chúng bất cứ lúc nào chúng tôi có một cuộc phỏng vấn. Với sự giúp đỡ của cha mẹ tôi và với sự khuyến khích của các vị giám trợ nhân từ và đầy lòng kiên nhẫn, tôi đã phục vụ truyền giáo. Công việc truyền giáo đã giúp tôi đạt được một sự hiểu biết lớn lao hơn về các phước lành mà Thượng Đế đã chuẩn bị cho tất cả những người kiên trì đến cùng.
Bất luận đó là một đứa trẻ, một thiếu niên hay người lớn—mọi người đều cần cảm thấy được yêu thương. Chúng ta đã được khuyên bảo từ vài năm nay phải tập trung nỗ lực vào những người mới cải đạo và các tín hữu kém tích cực. Các tín hữu sẽ ở lại với Giáo Hội khi họ cảm thấy một người nào đó quan tâm đến họ.
Trong số các lời chỉ dẫn cuối cùng mà Đấng Cứu Rỗi ban cho Các Sứ Đồ của Ngài, Ngài đã phán:
“Ta ban cho ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.
Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”4
Những người khác hầu hết đều dễ tiếp thu ảnh hưởng của chúng ta khi họ cảm thấy rằng chúng ta thật sự yêu thương họ, chứ không phải bởi vì chúng ta phải làm tròn một sự kêu gọi. Khi chúng ta bày tỏ tình yêu thương chân thật đối với họ, họ sẽ có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh và có thể cảm thấy được thúc đẩy để noi theo những lời giảng dạy của chúng ta. Không phải luôn luôn là điều dễ dàng để yêu thương người khác với bản tính của họ. Tiên Tri Mặc Môn đã giải thích điều mà chúng ta nên làm nếu có những thử thách như vậy:
“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy.”5
Chính Đấng Ky Tô đã phục sự dân chúng, nâng đỡ gánh nặng, ban hy vọng cho những người chán nản và tìm kiếm những người bị lạc đường. Ngài cho dân chúng thấy Ngài yêu thương họ và thông cảm với họ biết bao, và họ thật quý báu đối với Ngài biết bao. Ngài thừa nhận thiên tính và giá trị vĩnh cửu của họ. Ngay cả khi kêu gọi dân chúng hối cải, Ngài đã kết án tội lỗi nhưng không kết án người phạm tội.
Trong lá thư đầu tiên của mình gửi cho những nguời Cô Rinh Tô, Sứ Đồ Phao Lô đã nhấn mạnh đến sự cần thiết bày tỏ tình yêu thương chân thật đối với mỗi con chiên trong bầy chiên của Chúa:
“Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.
“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình.
“Chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ;
“Chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.
“Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.
“Nên bây giờ còn có ba điều này: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.”6
Khi noi theo tấm gương và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể giúp những người khác làm tròn sứ mệnh của họ trên trần thế và trở về sống với Cha Thiên Thượng.
Tôi xin chia sẻ chứng ngôn của mình với các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.