Những Chuẩn Bị cho Sự Phục Hồi và Ngày Tái Lâm: “Tay Ta Sẽ Ở Trên Ngươi”
Bàn tay của [Chúa] ở trên công việc Phục Hồi từ trước khi thế gian được tạo dựng và sẽ tiếp tục cho đến Ngày Tái Lâm của Ngài.
Năm nay chúng ta kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của Tiên Tri Joseph Smith. Chúng ta làm chứng cùng thế giới rằng ông là vị tiên tri của Thượng Đế đã được tiền sắc phong để mang đến sự phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông đã làm điều này dưới sự hướng dẫn của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Đấng đã phán cùng một vị tiên tri thời trước: “Danh ta là Giê Hô Va, và ta biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu; vậy nên tay ta sẽ ở trên ngươi.”1
Tôi thừa nhận có bàn tay của Chúa trong Sự Phục Hồi phúc âm. Qua những hy sinh đầy soi dẫn của các con cái của Thượng Đế trải qua nhiều thời đại, nền tảng của Sự Phục Hồi đó đã được thiết lập và thế gian đang chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta.
Phúc âm của Ngài được thiết lập đầu tiên trên thế gian bắt đầu với A Đam và đã được giảng dạy trong mọi gian kỳ qua các vị tiên tri như Hê Nóc, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se và những vị khác. Mỗi vị tiên tri này đã báo trước ngày giáng lâm của Chúa Giê Su Ky Tô để chuộc tội lỗi của thế gian. Những lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm. Đấng Cứu Rỗi đã thật sự thiết lập Giáo Hội của Ngài. Ngài kêu gọi Các Sứ Đồ của Ngài và thiết lập chức tư tế của Ngài. Quan trọng hơn hết, Ngài đã phó mạng sống mình và sống lại để tất cả mọi người đều sẽ được sống lại lần nữa, như vậy Ngài đã thực hiện Sự Hy Sinh Chuộc Tội. Nhưng đó không phải là hết.
Sau khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh, Ngài đã ủy thác cho Các Sứ Đồ của Ngài việc hướng dẫn Giáo Hội và thực hiện các giáo lễ phúc âm. Trung thành với lệnh truyền này, họ đã bị ngược đãi, và một số cuối cùng đã tuẫn đạo. Do đó, thẩm quyền chức tư tế của Chúa đã không còn hiện diện trên thế gian, và thế gian đã rơi vào bóng tối thuộc linh. Trong những thế kỷ tiếp theo đó, các con cái của Thượng Đế đã có ánh sáng của Đấng Ky Tô, đã có thể cầu nguyện và cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Nhưng phúc âm trọn vẹn đã bị mất. Không còn có ai trên thế gian có được quyền năng và thẩm quyền để hướng dẫn Giáo Hội và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng như phép báp têm, phép truyền ban Ân Tứ Đức Thánh Linh và các giáo lễ cứu rỗi của đền thờ. Hầu hết mọi người bị từ chối không cho đọc thánh thư và đa số dân chúng thì mù chữ.
Làm cho thánh thư có sẵn và giúp cho các con cái của Thượng Đế học cách đọc thánh thư là bước đầu tiên cho Sự Phục Hồi phúc âm. Trước tiên Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hê Bơ Rơ và Hy Lạp, hai ngôn ngữ xa lạ đối với những thường dân trên khắp Âu Châu. Rồi, khoảng 400 năm sau khi Đấng Cứu Rỗi chết, Kinh Thánh được Jerome phiên dịch ra tiếng La Tinh. Nhưng thánh thư vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Các quyển sách được chép bằng tay, thường bởi những nhà tu, mỗi quyển sách phải mất nhiều năm để hoàn tất.
Rồi, qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, một mối quan tâm về sự học hỏi bắt đầu tăng trưởng trong lòng của con người. Sự Phục Hưng hoặc “sinh lại” này lan khắp Âu Châu. Vào cuối thập niên 1300, một linh mục tên John Wycliffe khởi xướng việc phiên dịch Kinh Thánh từ tiếng La Tinh ra tiếng Anh. Vì lúc bấy giờ tiếng Anh là một ngôn ngữ mới phát triển và bình dân nên những vị lãnh đạo giáo hội xem nó không thích hợp để truyền đạt lời của Thượng Đế. Một số vị lãnh đạo tin chắc rằng nếu người ta có thể tự đọc và giải thích Kinh Thánh, thì giáo lý của họ sẽ bị làm cho sai lạc; những người khác sợ rằng người ta, với sự tự do tìm đến thánh thư, sẽ không cần giáo hội nữa và ngừng ủng hộ tài chính cho giáo hội. Do đó, Wycliffe bị buộc tội là tà giáo và bị đối xử theo lời buộc tội đó: Sau khi ông chết và được chôn cất, xương của ông bị đào lên và đốt cháy. Nhưng công việc của Thượng Đế không thể bị ngăn chặn.
Trong khi một số người được soi dẫn để phiên dịch Kinh Thánh, thì một số người khác được soi dẫn để chuẩn bị phương tiện để xuất bản. Đến năm 1455, Johannes Gutenberg đã phát minh ra một máy in với máy đánh chữ có thể di chuyển được, và Kinh Thánh là một trong số các quyển sách đầu tiên ông đã in. Lần đầu tiên ông đã có thể in ra nhiều bản thánh thư và với giá tiền mà nhiều người có thể đủ khả năng để mua.
Trong khi đó, sự soi dẫn của Thượng Đế cũng đến với những người đi thám hiểm. Vào năm 1492 Christopher Columbus rời Tây Ban Nha để tìm một con đường mới đi Viễn Đông. Columbus được bàn tay của Thượng Đế dẫn dắt trong cuộc hành trình của ông. Ông nói: “Thượng Đế ban cho tôi đức tin, và sau đó là sự can đảm.”2
Các phát minh và sáng chế này chuẩn bị cho những đóng góp xa hơn nữa. Vào đầu thập niên 1500, William Tyndale ghi danh học tại trường Oxford University. Nơi đó ông học về tác phẩm của nhà nghiên cứu Kinh Thánh Erasmus, là người đã tin rằng thánh thư là “thức ăn cho linh hồn [của con người]; và … phải thấm sâu vào tận đáy tâm trí của [con] người.”3 Qua sự học tập của ông, Tyndale đã phát triển một tình yêu thương lời của Thượng Đế và một ước muốn rằng tất cả con cái của Thượng Đế sẽ có thể thụ hưởng lời đó cho bản thân họ.
Vào khoảng thời gian này, một thầy tu người Đức tên Martin Luther nhận ra 95 điểm sai lầm trong giáo hội của thời kỳ ông mà ông đã táo bạo dán tờ yết thị trong thị trấn Wittenberg. Ở Thụy Sĩ, Huldrych Zwingli in ra 67 điều cải cách. John Calvin ở Thụy Sĩ, John Knox ở Tô Cách Lan, và nhiều người khác đã phụ giúp trong nỗ lực này. Một sự cải cách đã bắt đầu.
Trong khi đó, William Tyndale đã trở thành một linh mục tập sự và thông thạo tám thứ tiếng. Ông đã tin rằng một bản dịch trực tiếp từ tiếng Hy Lạp và Hê Bơ Rơ ra tiếng Anh sẽ chính xác và dễ đọc hơn bản dịch của Wycliffe từ tiếng La Tinh. Vậy nên Tyndale, được Thánh Linh của Thượng Đế soi sáng, đã phiên dịch Kinh Tân Ước và một phần Kinh Cựu Ước. Các bạn bè của ông cảnh cáo ông rằng ông sẽ bị giết chết vì làm như vậy, nhưng ông không hề sợ hãi. Có một lần, trong khi tranh luận với một học giả, ông đã nói: “Nếu Thượng Đế giữ gìn mạng sống của tôi thêm nhiều năm nữa, thì tôi sẽ làm cho một thiếu niên nông dân biết về thánh thư nhiều hơn ông.”4
Cuối cùng Tyndale, cũng như những người khác, bị giết chết vì các nỗ lực của mình—bị siết cổ và thiêu sống trên cọc gần Brussels. Nhưng niềm tin mà ông đã hy sinh mạng sống cho nó đã không bị mất. Hằng triệu người đã tiến đến việc có được kinh nghiệm cho bản thân họ điều mà Tyndale đã dạy trong suốt đời ông: “Tính chất của lời Thượng Đế là bất cứ ai đọc lời này, … thì sẽ bắt đầu tức khắc làm cho người ấy càng ngày càng khá hơn cho đến khi người ấy được trở nên trọn vẹn.”5
Thời kỳ chính trị hỗn loạn đã mang đến sự thay đổi. Bởi vì sự bất đồng ý kiến với giáo hội ở La Mã, Vua Henry Đệ Bát đã tuyên bố mình đứng đầu giáo hội ở nước Anh và yêu cầu các quyển Kinh Thánh tiếng Anh phải có cho mỗi giáo xứ. Vì khát khao phúc âm, người ta lũ lượt kéo đến các nhà thờ này để đọc thánh thư cho nhau nghe cho đến khi tắt tiếng. Kinh Thánh cũng được sử dụng làm sách vỡ lòng để dạy đọc. Mặc dù những sự tuẫn đạo tiếp tục ở khắp Âu Châu, bóng tối của sự không biết đã gần kết thúc. Một người thuyết giảng đã nói trước khi bị thiêu sống: “Ngày hôm nay chúng ta thắp lên ngọn nến nhờ vào ân điển của Thượng Đế ở nước Anh và tôi tin rằng nó sẽ không bao giờ bị thổi tắt.”6
Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn tất cả những người đã sống ở nước Anh và ở khắp Âu Châu mà đã giúp khơi dậy ánh sáng đó. Nhờ vào ân điển của Thượng Đế, ánh sáng đó đã trở nên rực rỡ hơn. Ý thức được những sự chia rẽ trong quốc gia mình, Vua James Đệ Nhất của nước Anh ưng thuận cho xuất bản một bản Kinh Thánh chính thức mới. Người ta ước lượng hơn 80 phần trăm các bản dịch về Kinh Tân Uớc của William Tyndale và một phần lớn Kinh Cựu Ước (Năm Quyển Đầu của Kinh Cựu Ước, hoặc từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký , và từ Giô Suê đến Sử Ký ) đã được giữ lại trong Bản Dịch của Vua James.7 Cuối cùng, bản dịch đó đã tìm đến một vùng đất mới và được một thiếu niên nông dân mười bốn tuổi tên là Joseph Smith đọc. Cũng không ngạc nhiên gì nếu thấy Bản Dịch King James là quyển Kinh Thánh được chấp thuận ngày nay trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
Sự ngược đãi về tín ngưỡng ở nước Anh tiếp tục dưới thời của con trai của James là Charles, và nhiều người đã được thúc giục để tìm kiếm nền tự do ở các vùng đất mới. Trong số họ là những Người Hành Hương đã cập bến Mỹ Châu vào năm 1620, chính là phần đất của thế giới mà Columbus đã khám phá ra hơn 100 năm trước. Chẳng bao lâu, những người đi khai hoang khác đã theo sau, kể cả những người như Roger Williams, người sáng lập và về sau là vị thống đốc đầu tiên của Rhode Island, cũng là người tiếp tục tìm kiếm Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô. Williams nói rằng không có một giáo hội nào của Đấng Ky Tô được thành lập một cách hợp thức trên thế gian, cũng không có một người nào được phép để thực hiện bất cứ giáo lễ nào của giáo hội, không thể nào có điều đó cho đến khi Các Vị Sứ Đồ mới được gửi đến bởi Đấng Đứng Đầu giáo hội là Đấng mà ông đang tìm kiếm sự tái lâm của Ngài.8
Hơn một thế kỷ sau, cảm nghĩ về tôn giáo như vậy đã hướng dẫn những người sáng lập một quốc gia mới trên lục địa Mỹ Châu. Dưới bàn tay của Thượng Đế, họ đã bảo đảm sự tự do tôn giáo cho mỗi công dân với một Bản Tuyên Ngôn Dân Quyền. Mười bốn năm sau, vào ngày 23 tháng Mười Hai năm 1805, Tiên Tri Joseph Smith ra đời. Sự chuẩn bị đã gần hoàn tất cho Sự Phục Hồi.
Khi còn là thiếu niên, Joseph có “những cảm nghĩ sâu xa”9 về vấn đề tôn giáo. Vì ông được sinh ra trong một vùng đất có tự do tôn giáo, nên ông đã có thể thắc mắc về giáo hội nào là đúng trong số các giáo hội. Và nhờ vào Kinh Thánh đã được phiên dịch ra tiếng Anh, ông đã có thể tìm ra câu trả lời từ lời của Thượng Đế. Ông đọc trong Sách Gia Cơ: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời,”10 và ông đã làm theo như được chỉ dẫn. Để đáp lại lời cầu nguyện của Joseph, Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng ông.11 Người thiếu niên nông dân khiêm nhường này là vị tiên tri đã được Thượng Đế chọn để phục hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô thời xưa và chức tư tế của Ngài trong những ngày sau này. Sự phục hồi này phải là trong gian kỳ sau cùng của thời kỳ trọn vẹn, phục hồi tất cả các phước lành của chức tư tế mà con người có thể có được trên thế gian. Với lệnh truyền thiêng liêng này, công việc của ông không phải để sửa đổi hoặc phản đối điều đã có trên thế gian mà để phục hồi điều đã mất.
Sự Phục Hồi, bắt đầu với Khải Tượng Thứ Nhất vào năm 1820, tiếp tục với sự ra đời của Sách Mặc Môn, Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Vào ngày 21 tháng Chín năm 1823, Joseph Smith được thiên sứ Mô Rô Ni đến viếng là người đã dạy cho ông biết về một biên sử cổ xưa chứa đựng “phúc âm trọn vẹn vĩnh viễn … để chuẩn bị cho ngày tái lâm của Đấng Mê Si.”12 Sách Mặc Môn được ghi chép trên các bảng khắc bằng vàng và thuật lại giáo vụ của Đấng Ky Tô ở Tây Bán Cầu, cũng giống như Kinh Thánh ghi chép cuộc sống và giáo vụ của Ngài ở Đất Thánh. Joseph nhận được các bảng khắc bằng vàng bốn năm sau và, vào tháng Mười Hai năm 1827, bắt đầu phiên dịch Sách Mặc Môn.13
Trong khi phiên dịch, Joseph Smith và người ghi chép của ông, Oliver Cowdery, đọc về phép báp têm. Ước muốn của họ để nhận được phước lành này cho chính họ đã thúc đẩy sự phục hồi Chức Tư Tế A Rôn vào ngày 15 tháng Năm năm 1829, dưới bàn tay của Giăng Báp Tít.14
Tiếp theo đó là sự phục hồi Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, mà đã được ban cho Joseph và Oliver bởi Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, là những người nắm giữ các chìa khóa. Sau nhiều thế kỷ con người sống trong bóng tối thuộc linh, quyền năng và thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế, để thực hiện các giáo lễ thiêng liêng, và để hướng dẫn Giáo Hội của Ngài đã hiện diện một lần nữa trên thế gian.
Các quyển Sách Mặc Môn đầu tiên được xuất bản vào ngày 26 tháng Ba năm 1830. Một vài tuần sau, vào ngày 6 tháng Tư, Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô trong những ngày sau này đã được thiết lập một lần nữa tại nhà của Peter Whitmer, Sr., ở Fayette, New York. Khi mô tả những tác động của các sự kiện này đối với thế gian, Sứ Đồ Parley P. Pratt đã viết:
Mặt trời bình minh rạng chiếu, bóng tối xua tan,
Hãy nhìn cờ hiệu của Si Ôn phất phới bay
Bình minh của một ngày rực rỡ hơn
Hiện ra thật uy nghi trước thế gian.15
Cuối cùng đã hết đêm dài, và sự mặc khải tràn đến, dẫn tới việc có thêm thánh thư. Giáo Lý và Giao Ước đã được Giáo Hội chấp thuận vào ngày 17 tháng Tám năm 1835. Bản dịch Sách Áp Ra Ham của Trân Châu Vô Giá cũng bắt đầu vào năm đó.
Tiếp theo ngay sau đó là việc có thêm thẩm quyền để hành động trong danh của Chúa. Đền Thờ Kirtland được làm lễ cung hiến vào ngày 27 tháng Ba năm 1836.16 Trong ngôi đền thờ đó, Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery, tiếp theo đó là sự hiện đến của Môi Se, Ê Li A và Ê Li là những vị đã ban thêm các chìa khóa chức tư tế cho Vị Tiên Tri.17
Ánh sáng phúc âm này sẽ không bao giờ bị cất khỏi thế gian nữa. Vào năm 1844, Joseph Smith đã truyền giao tất cả các chìa khóa của chức tư tế cho Brigham Young, John Taylor, Wilford Woodruff, và những người khác cũng là Sứ Đồ như họ. Vị Tiên Tri nói: “Tôi đã sống cho đến khi tôi thấy được gánh nặng này đang đè trên vai tôi được chuyển sang vai của những người khác; … các chìa khóa của vương quốc được thiết lập trên thế gian không bao giờ bị cất đi nữa… . Bất luận điều gì có thể xảy ra cho tôi.”18 Thật đáng tiếc, ba tháng sau, vào ngày 27 tháng Sáu, Tiên Tri Joseph Smith và người anh của ông, Hyrum, đã tuẫn đạo tại Carthage, Illinois.
Anh Cả John Taylor, là người ở cùng với Vị Tiên Tri khi ông tuẫn đạo đã làm chứng về Vị Tiên Tri: “Joseph Smith, Vị Tiên Tri và Tiên Kiến của Chúa, đã làm nhiều cho sự cứu rỗi loài người trên thế gian hơn bất cứ một người nào khác đã từng sống trên thế gian ngoại trừ Chúa Giê Su.”19
Tôi làm chứng rằng công việc của Tiên Tri Joseph Smith là công việc của Đấng Cứu Rỗi. Trong sự phục vụ Chúa, con đường không phải luôn luôn dễ dàng. Nó thường đòi hỏi những hy sinh, và chúng ta có thể sẽ trải qua một số nghịch cảnh. Nhưng khi phục vụ Ngài, chúng ta khám phá ra rằng bàn tay của Ngài thật sự che chở chúng ta . Và điều đó cũng đúng với Wycliffe, Tyndale, và hằng ngàn người khác đã chuẩn bị mở đường cho Sự Phục Hồi. Điều đó cũng đúng với Tiên Tri Joseph Smith và tất cả những người đã giúp khai mở phúc âm phục hồi. Điều đó đang và sẽ đúng với chúng ta.
Chúa kỳ vọng chúng ta phải trung tín, tận tụy, can đảm như những bậc tiền bối của chúng ta. Họ được kêu gọi để dâng cuộc sống của họ cho phúc âm. Chúng ta được kêu gọi để sống cuộc sống của mình theo cùng một mục đích đó. Trong những ngày sau cùng này, chúng ta có lý do đặc biệt để làm như vậy.
Trước cái đêm thiêng liêng đó ở Bết Lê Hem, những sự kiện lịch sử và những lời nói của các vị tiên tri đều đã chuẩn bị mở đường cho sự giáng lâm lần đầu của Chúa và Sự Chuộc Tội của Ngài. Tương tự như thế, lịch sử và những lời tiên tri đã thiết lập nền tảng cho Sự Phục Hồi của phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith. Chúng ta có thể thấy rằng các sự kiện và những lời tiên tri về thời kỳ của chúng ta đang chuẩn bị chúng ta cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi không?
Tôi đưa ra lời chứng đặc biệt rằng Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô hằng sống. Tôi làm chứng rằng bàn tay của Ngài ở trên công việc Phục Hồi từ trước khi thế gian được tạo dựng và sẽ tiếp tục cho đến Ngày Tái Lâm của Ngài.
Cầu xin cho mỗi người chúng ta sẽ tự chuẩn bị để chào mừng Ngài là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi. Trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.