2005
Con Người Tìm Kiếm Lẽ Thật Thiêng Liêng
Tháng Mười Một năm 2005


Con Người Tìm Kiếm Lẽ Thật Thiêng Liêng

Việc noi theo mẫu mực của Chúa để nghe và lưu tâm đến lẽ thật vĩnh cửu sẽ giúp các anh em xây đắp một nền tảng thuộc linh cá nhân và xác định con người mà các anh em sẽ trở thành.

Trong số cử tọa đông đảo đêm nay có ba người khách đặc biệt—ba người bạn cũ thân thiết từ thời đi học. Họ đã làm một cuộc hành trình xa từ nước Bỉ, quê hương của tôi, để hiện diện nơi đây nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ra trường trung học của chúng tôi và tham dự đại hội này. Tôi xin dành sứ điệp này cho họ, cho các anh em nắm giữ chức tư tế, và nhất là cho các em thiếu niên chuẩn bị để trở thành những người truyền giáo. Sứ điệp này là về việc con người tìm kiếm lẽ thật thiêng liêng. Một khi tìm ra được rồi, thì phải được áp dụng trên thế gian này nơi có đầy dẫy sự hỗn loạn tôn giáo và sự suy đồi về mặt đạo đức. Nó phải trở thành nền tảng thuộc linh cá nhân để hướng dẫn chúng ta sống theo các nguyên tắc ngay chính. Như Chúa đã phán: “Ngươi sẽ được đứng vững trong sự ngay chính” (3 Nê Phi 22:14).

Lẽ thật thiêng liêng được tìm ra ở đâu? Đó là “nghe tiếng nói của Chúa, … tiếng nói của các tôi tớ của Ngài, … lưu ý đến những lời nói của các tiên tri và sứ đồ” (GLGƯ 1:14). Nghe và lưu tâm. Nghe thì khá giản dị. Lưu tâm và áp dụng điều đã nghe được mới là thử thách liên tục của cuộc sống.

Trước hết, nghe tiếng nói của Chúa. Sự giao tiếp từ Chúa về lẽ thật thiêng liêng hoặc sự hiểu biết thuộc linh được tìm thấy trong thánh thư. Nó được gọi là sự mặc khải—mà thật sự có nghĩa là “cho biết hoặc tiết lộ” (Bible Dictionary, “Revelation,” 762). Sự mặc khải được ban cho “để biết cách thờ phượng, và biết là phải thờ phượng ai” (GLGƯ 93:19). Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói: “Chỉ với sự mặc khải chúng ta mới có thể làm công việc của Chúa theo như ý muốn của Ngài trong cách thức của Ngài và theo kỳ định của Ngài” (“Revelation,” First Worldwide Leadership Training Meeting, tháng Giêng năm 2003, 5). “Nếu không có sự mặc khải, mọi việc sẽ chỉ là sự phỏng đoán, bóng tối và rối rắm” (Bible Dictionary, 762).

Thứ nhì, nghe tiếng nói của các tôi tớ của Ngài. Sự mặc khải hay lẽ thật thiêng liêng được ban theo ý muốn của Chúa cho các tôi tớ của Ngài trong những cách thức và thời kỳ khác nhau và cũng được tìm thấy trong thánh thư. “Chúa Giê Hô Va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri” (A Mốt 3:7).

Thứ ba, lưu ý đến những lời nói của các vị tiên tri và sứ đồ. Lưu ý là đặc biệt để tâm đến. Đó là lắng nghe những người đã được Thượng Đế kêu gọi để làm nhân chứng sống đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời kỳ của chúng ta. Ý nói rằng họ được nhìn nhận trong vai trò này mà sự đáp ứng được ban cho lời mời gọi của họ để nhận được sự xác nhận thuộc linh cá nhân rằng những lời giảng dạy của họ là đúng thật và rằng một sự cam kết noi theo họ sẽ được thiết lập.

Nói tóm lại, Chúa có một mẫu mực chia sẻ lẽ thật thiêng liêng với các vị tiên tri để hướng dẫn và ban phước cho chúng ta qua những thử thách và những điều xấu xa của cuộc sống: nghe và lưu tâm. Nền tảng thuộc linh của chúng ta cần phải được xây đắp theo mẫu mực này nếu chúng ta muốn vui hưởng các phước lành của Chúa. Do đó, việc tra cứu thánh thư để biết ý muốn của Chúa thì không đủ, mà phải được tiếp theo bởi một hành động với đức tin, chấp nhận làm theo ý muốn của Chúa bằng cách tuân theo các lệnh truyền của Ngài trước khi chúng ta có thể vui hưởng các phước lành của Chúa. Một sự xác nhận thuộc linh cá nhân của tiến trình này bằng cách cầu vấn và tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhận được thì sẽ trở thành sự cầu nguyện liên tục suốt đời chúng ta.

Quả thật, sự truyền đạt hay lắng nghe lẽ thật thiêng liêng có thể được tóm tắt trong ba từ: mặc khải, lệnh truyền, phước lành. Tuy nhiên, đó sẽ là một thử thách suốt đời để trước nhất nghe và rồi lưu tâm đến tiếng nói của Chúa và các tôi tớ của Ngài. Tại sao? “Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế … và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh” (Mô Si A 3:19). Sự chuẩn bị phần thuộc linh là điều kiện tiên quyết để nhận được một ấn tượng thuộc linh cá nhân. Phần còn lại của câu thánh thư đó đọc rằng chúng ta phải trở nên “một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa” và cũng trở thành “như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận …” ý muốn của Chúa, có nghĩa là các lệnh truyền của Ngài. Rồi Chúa phán: “Khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào … , thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó” (GLGƯ 130:21).

Giờ đây chúng ta hãy hiểu mẫu mực này với một tấm gương mới đây về việc nghe và rồi lưu ý đến những lời nói của các vị tiên tri và các sứ đồ trong thời kỳ chúng ta. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới đây đưa ra lời mời gọi cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội để đọc xong Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô trước cuối năm. Lời yêu cầu này kết thúc với một lời hứa: “[Các anh chị em] sẽ có thêm Thánh Linh của Chúa, một quyết tâm lớn lao hơn để tuân theo các giáo lệnh của Ngài, và một chứng ngôn vững mạnh hơn về sự thực tiễn hằng sống của Vị Nam Tử của Thượng Đế.”(Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 25 tháng Bảy năm 2005).

Tại sao chúng ta cần phải đạt được một chứng ngôn vững mạnh hơn về sự thực tiễn hằng sống của Vị Nam Tử của Thượng Đế như được tìm thấy trong Sách Mặc Môn? Ngày nay có rất nhiều rối rắm trong thế giới Ky Tô hữu về giáo lý của Đấng Ky Tô—không những về thiên tính của Ngài mà còn về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, phúc âm của Ngài và nhất là các giáo lệnh có liên quan đến phúc âm. Kết quả là sự tin tưởng nơi một người tự tạo thành Đấng Ky Tô, một Đấng Ky Tô được nhiều người ngưỡng mộ, và một Đấng Ky Tô lặng lẽ bị đóng đinh. Những tín ngưỡng sai lầm đưa đến những hành vi sai lầm về tôn giáo.

Một nền tảng thuộc linh cá nhân có thể và phải dựa vào sự xác nhận thuộc linh cá nhân qua Đức Thánh Linh của sự thực tiễn hằng sống của Chúa Giê Su Ky Tô, các vị tiên tri, và các thánh thư chứa đựng những sự mặc khải của Chúa. Một cách cụ thể hơn, sự thực tiễn hằng sống của Đấng Ky Tô được liên kết với sự phục hồi của phúc âm Ngài và sứ điệp của phúc âm “rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, rằng Joseph Smith là vị mặc khải và tiên tri của Ngài trong những ngày sau cùng này và rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Chúa một lần nữa đã được thiết lập lại trên thế gian” (Lời giới thiệu, Sách Mặc Môn).

Sự xác nhận thuộc linh này qua quyền năng của Đức Thánh Linh được ban theo những điều kiện của Chúa cho bất cứ ai sẵn lòng cầu vấn trong đức tin, tin rằng một sự đáp ứng có thể đến bằng quyền năng ấy. Điều đó bắt đầu bằng việc lắng nghe tiếng nói của Chúa, các tôi tớ của Ngài, các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài và tiếp tục với sự lưu ý đến những lời của họ. Sự hiểu biết thuộc linh về Sự Phục Hồi là một vấn đề của đức tin.

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm thuộc linh cá nhân của mình với tư cách là một người cải đạo làm ví dụ cho tiến trình thuộc linh này. Khi những người truyền giáo đến nhà của chúng tôi , tôi đã có ước muốn để lắng nghe sứ điệp về Sự Phục Hồi của phúc âm. Động cơ thúc đẩy tôi chủ yếu là sự tò mò. Khi tham dự nhà thờ, tôi đã nghe được thêm sự hiểu biết mới về phần thuộc linh. Thật là điều thú vị và tôi rất thích, nhưng tôi đã thiếu điểm thiết yếu: lưu tâm. Tôi phải xây đắp một nền tảng thuộc linh cá nhân trên sự thực tiễn hằng sống của Đấng Ky Tô và xác nhận rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Sự Phục Hồi. Sự xác nhận đó chỉ đến khi tôi lưu tâm và trắc nghiệm đức tin mới bắt đầu của mình nơi Sách Mặc Môn, bằng chứng hiển nhiên về sự mặc khải hiện đại.

Tuy nhiên, việc đạt đuợc sự hiểu biết đó không thôi thì không đủ; nó phải được tiếp theo bởi một sự cam kết để biến đổi đức tin của tôi thành sự tin chắc rằng Sách Mặc Môn là chân chính và Joseph Smith là vị tiên tri. Không hề ngờ vực về đức tin của tôi nơi Đấng Ky Tô. Tôi tin cậy Chúa và các lời hứa của Ngài. Sự bình an trong tâm trí, sự an tâm của tôi là câu trả lời—không còn thắc mắc nào nữa. Nền tảng thuộc linh đã được đề ra và tiếp theo bởi một sự cam kết trong lòng tôi để chấp nhận giao ước báp têm. Rồi tiếp đến là ân tứ Đức Thánh Linh hướng dẫn tôi và giúp tôi chọn những quyết định ngay chính để kiên trì đến cùng. Tôi đã biết ngay sau đó điều phải làm với tương lai của mình trong cuộc sống hữu diệt này.

Các anh em hãy trắc nghiệm sự mặc khải thiêng liêng. Hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa. Tiếng nói này có thật, riêng tư, và chân chính. Lý luận không bao giờ và không thể thay thế sự mặc khải được. Trích dẫn từ lời của Chủ Tịch James E. Faust, “Đừng để cho những nghi ngờ cá nhân tách các anh [chị] em ra khỏi nguồn gốc thiêng liêng của sự hiểu biết” (“Tôi Tin; Xin Chúa Giúp Đỡ Trong Sự Không Tin của Tôi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 22).

Hãy trắc nghiệm và cảm nhận sự tác động đầy quyền năng của lời Thượng Đế đến tâm trí của các anh em bởi các tôi tớ của Chúa (xin xem An Ma 31:5).

Hãy trắc nghiệm, cầu xin và nhận được trong đức tin, sau đó lưu tâm đến những lời nói của các vị tiên tri và sứ đồ, rồi các anh em sẽ “nhận được mão triều thiên của cuộc sống vĩnh cửu” (GLGƯ 20:14).

Giờ đây, để kết luận, xin nhớ rằng việc noi theo mẫu mực của Chúa để nghe và lưu tâm đến lẽ thật vĩnh cửu sẽ giúp các anh em xây đắp một nền tảng thuộc linh cá nhân và xác định con người mà các anh em sẽ trở thành trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.