Đi Giải Cứu để Thật Sự Phát Triển
Việc giải cứu những người khác là công việc mà Đấng Cứu Rỗi đã kêu gọi tất cả chúng ta phải làm.
Trong những tháng gần đây các vị lãnh đạo Giáo Hội đã càng ngày càng nhấn mạnh đến “sự phát triển thật sự về con số tín hữu” trong Giáo Hội, mang đến tất cả những người sẵn lòng tiếp nhận và tuân giữ các giao ước và giáo lễ cứu rỗi cùng sống với một sự thay đổi lớn lao trong lòng như đã được An Ma mô tả (xin xem An Ma 5:14). Một trong những cách có ý nghĩa và quan trọng nhất để thiết lập sự phát triển thật sự trong Giáo Hội là tìm đến giải cứu những người đã chịu phép báp têm nhưng vẫn còn đang đi lầm đường trong tình trạng kém tích cực, mà không nhận được các phước lành và các giáo lễ cứu rỗi. Dù sự kêu gọi của chúng ta là gì đi nữa—thầy giảng tại gia hay giảng viên thăm viếng, giảng viên Trường Chủ Nhật, vị giám trợ, người cha, người mẹ, hoặc Vị Thẩm Quyền Trung Ương—tất cả chúng ta cũng đều có thể tham gia vào nỗ lực giải cứu trong một cách đầy ý nghĩa. Xét cho cùng, việc mang tất cả những người khác—kể cả gia đình mình, những người ngoại đạo, kém tích cực, phạm tội—đến với Đấng Ky Tô để tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi là sự kêu gọi thiêng liêng mà chúng ta đều chia sẻ.
Một sáng Chủ Nhật nọ, cách đây khoảng 30 năm, trong khi đang phục vụ trong chủ tịch đoàn giáo khu, chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ một trong các vị giám trợ trung tín. Ông giải thích rằng tiểu giáo khu của ông đã phát triển nhanh đến nỗi ông không còn có thể đưa ra một sự kêu gọi đầy ý nghĩa cho tất cả các tín hữu xứng đáng. Ông khẩn nài chúng tôi phân chia tiểu giáo khu ra. Trong khi chờ đợi lời yêu cầu được chấp thuận, với tư cách là chủ tịch đoàn giáo khu, chúng tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ đi thăm tiểu giáo khu đó và kêu gọi tất cả các anh chị em tuyệt vời, xứng đáng để làm những người truyền giáo giáo khu.
Tôi xin nói về người thứ ba tôi trò chuyện, đó là một nữ sinh viên trẻ tuổi đang theo học đại học ở địa phương. Sau khi trò chuyện một giây lát, tôi đưa ra lời kêu gọi phục vụ với tư cách là người truyền giáo. Có một sự im lặng trong vài phút. Rồi chị ấy nói: “Thưa Chủ Tịch, chủ tịch không biết là tôi không tích cực trong Giáo Hội sao?”
Sau một vài phút im lặng , tôi nói: “Không, tôi không biết là chị không tích cực.”
Chị ấy đáp: “Tôi đã không tích cực trong Giáo Hội nhiều năm rồi.” Rồi chị nói: “Chủ tịch không biết rằng khi ta đã kém tích cực rồi thì không phải dễ dàng để trở lại sao?”
Tôi đáp: “Không. Tiểu giáo khu của chị bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng. Khi nào chị vào giáo đường, thì chị nhóm họp với chúng tôi.”
Chị ấy đáp: “Không, không dễ dàng đâu. Khi trở lại với Giáo Hội, ta lo lắng rất nhiều điều, lo lắng không biết có ai sẽ chào hỏi mình không hoặc mình sẽ ngồi một mình và không có ai để ý đến mình trong buổi họp không. Và ta lo lắng không biết mình sẽ có được chấp nhận không và ai sẽ là người bạn mới của mình.”
Nước mắt chảy dài trên mặt, chị ấy nói tiếp: “Tôi biết rằng cha mẹ tôi đã cầu nguyện cho tôi trong nhiều năm để mang tôi trở lại Giáo Hội.” Rồi sau một giây lát im lặng, chị nói: “Trong ba tháng vừa qua, tôi đã cầu nguyện để tìm ra can đảm, sức mạnh và cách để tích cực trở lại.” Rồi chị hỏi: “Thưa Chủ Tịch, chủ tịch có nghĩ rằng sự kêu gọi này có thể là sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện đó không?”
Mắt tôi bắt đầu nhòa lệ khi tôi đáp: “Tôi tin rằng Chúa đã đáp ứng những lời cầu nguyện của chị.”
Không những chị ấy đã chấp nhận sự kêu gọi đó mà chị ấy còn trở thành một người truyền giáo giỏi nữa. Và tôi chắc chắn rằng chị ấy đã mang nhiều niềm vui không những cho chị ấy mà còn cho cha mẹ và có lẽ những người khác trong gia đình mình nữa.
Tôi đã học được hoặc nhớ được một vài điều từ việc này và những cuộc phỏng vấn tương tự:
-
Tôi biết được rằng có rất nhiều tín hữu kém tích cực đã có những người thân quỳ xuống hằng ngày cầu khẩn Chúa giúp đỡ trong việc giải cứu những người thân kém tích cực của họ.
-
Tôi biết được rằng không phải là dễ dàng hay thoải mái đối với một người tín hữu kém tích cực để chỉ bước trở lại vào Giáo Hội. Họ cần được giúp đỡ. Họ cần được hỗ trợ. Họ cần được kết tình thân hữu.
-
Tôi đã biết rằng chúng ta có các tín hữu kém tích cực đang cố gắng và sẵn lòng tìm ra con đường để trở lại tích cực.
-
Tôi biết được rằng có nhiều tín hữu kém tích cực sẽ nắm giữ sự kêu gọi nếu được yêu cầu.
-
Tôi biết được rằng một người tín hữu kém tích cực đáng được đối xử bình đẳng và được xem là con trai hay con gái của Thượng Đế nhân từ.
Qua nhiều năm, tôi đã tự hỏi là cuộc phỏng vấn này có thể đã diễn ra như thế nào nếu tôi đến nói chuyện với chị ấy với ý nghĩ rằng chị ấy là một tín hữu kém tích cực. Tôi sẽ để cho các anh chị em quyết định điều gì có thể đã xảy ra vậy.
Việc giúp tích cực trở lại luôn luôn là một phần quan trọng trong công việc của Chúa. Tuy công việc giải cứu là trách nhiệm của mỗi tín hữu, nhưng những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc có trách nhiệm để dẫn đầu trong công việc này. Xét cho cùng, đó là ý nghĩa của sự phục vụ chức tư tế—mang mọi người đến với giao ước tôn cao; mang đến bình an, hạnh phúc và lòng tự trọng.
Từ Sách Mặc Môn, các anh chị em sẽ nhớ lại khi An Ma Con biết được là dân Giô Ram đã xa rời Giáo Hội, ông đã tổ chức một nhóm các vị lãnh đạo Giáo Hội đến giải cứu những người này. Trong khi xúc tiến chỉ định của mình, An Ma khẩn cầu với Chúa bằng những lời này:
“Hỡi Chúa, xin Ngài ban cho chúng con có được sự thành công trong việc đem họ trở về cùng Ngài trong Đấng Ky Tô.
“Này, hỡi Chúa, tâm hồn họ thật là qúy báu, và nhiều người trong bọn họ là đồng bào của chúng con; vậy nên, hỡi Chúa, xin Ngài ban cho chúng con quyền năng và sự thông sáng để chúng con có thể đem những người này, là đồng bào của chúng con, trở về cùng Ngài” (An Ma 31:34–35; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Cách đây vài tháng, sau khi họp với những người mới cải đạo và các tín hữu kém tích cực, thì một người đàn ông đã được giúp đỡ tích cực trở lại, khoảng bằng tuổi tôi đến nói với tôi: “Tôi là một người kém tích cực gần hết đời mình. Tôi xa rời Giáo Hội khi còn rất trẻ. Nhưng giờ đây tôi đã trở lại, và tôi đang làm việc trong đền thờ với vợ tôi.”
Để cho ông ấy biết là mọi việc điều ổn thỏa nên câu trả lời của tôi đại khái như sau: “Nếu sự việc kết thúc tốt đẹp thì toàn bộ tình thế được xem là tốt đẹp thôi.”
Ông ấy đáp: “Không đâu, không phải mọi việc đều tốt đẹp đâu. Tôi trở lại Giáo Hội, nhưng tôi đã mất hết con cháu của tôi. Và bây giờ, tôi đang chứng kiến việc mất các chắt của tôi đây—tất cả đều ở ngoài Giáo Hội. Mọi việc không tốt đẹp đâu.”
Trong gia đình chúng tôi, có một vị tổ tiên gia nhập Giáo Hội ở Châu Âu trong những năm đầu tiên của Giáo Hội. Một người con trai của vị ấy trở nên kém tích cực. Chị Edgley và tôi đã cố gắng tìm ra các con cháu kém tích cực của vị tổ tiên này.
Thật là dễ dàng để vợ chồng tôi kết luận rằng trong sáu thế hệ tiếp theo với những suy đoán và ước tính hợp lý, có thể chúng tôi đã mất đến 3.000 nguời trong gia đình. Bây giờ, hãy tiên đoán điều gì sẽ xảy ra cho hai thế hệ nữa. Về lý thuyết, có thể từ 20.000 đến 30.000 con cái của Cha Thiên Thượng đã bị mất.
Lệnh truyền phải đi giải cứu đã được căn cứ vào một trong các giáo lý cơ bản nhất của Giáo Hội.
“Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao;
“Vì này, Chúa, Đấng Cứu Chuộc của các ngươi, đã chịu chết trong xác thịt; do đó Ngài đã chịu sự đau đớn của tất cả mọi người, để cho tất cả mọi người có thể hối cải mà đến cùng Ngài …
“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!” (GLGƯ 18:10–11, 15; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Tôi đã có đặc ân để giải cứu một vài tín hữu kém tích cực trong suốt cuộc sống của mình. Giờ đây, khi tôi giúp mang một người trở lại tích cực trong Giáo Hội, tôi không hình dung ra chỉ một người—mà tôi thấy sáu, bảy hay nhiều thế hệ hơn nữa—hằng ngàn người. Và rồi tôi nghĩ tới câu thánh thư: “Chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao biết bao” (GLGƯ 18:15).
Chúa đã phán cùng Các Sứ Đồ của Ngài: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít” (Ma Thi Ơ 9:37). Không cần phải có ít thợ gặt. Chúng ta có hằng ngàn người nắm giữ chức tư tế đầy khả năng, xứng đáng và hằng triệu tín hữu đầy cam kết của Giáo Hội ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có các hội đồng tiểu giáo khu, nhóm túc số chức tư tế, Hội Phụ Nữ, và các tổ chức khác đang thực hiện chức năng theo lệnh truyền phải đi giải cứu. Việc giải cứu những người khác là công việc mà Đấng Cứu Rỗi đã kêu gọi tất cả chúng ta phải làm.
Trong lời nhận xét trước đây của tôi, tôi đã nhắc đến lời cầu nguyện mà An Ma và những người bạn đồng hành của ông đã dâng lên khi họ lên đường đi giải cứu dân Giô Ram. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, có khoảng 500 quân nhân Hoa Kỳ và những người dân địa phương ủng hộ họ bị bắt giam trong một trại tù. Vì lo lắng và quan tâm đến sự an toàn của họ, có một lực lượng tình nguyện khoảng 100 quân nhân Hoa Kỳ được chọn ra để giải cứu các tù nhân này. Sau khi những người tình nguyện được nhóm họp lại, vị sĩ quan chỉ huy chỉ dẫn họ đại khái như sau: “Buổi tối hôm nay, các bạn họp với các vị lãnh đạo tôn giáo của mình, các bạn quỳ xuống, và thề với Thượng Đế rằng cho tới khi nào các bạn còn sống thì các bạn sẽ không để cho một người nào trong số những người này phải chịu đau khổ thêm một giây phút nào nữa” (Xin xem Hampton Sides, Ghost Soldiers: The Forgotten Epic Story of World War II’s Most Dramatic Mission [2001], 28–29.) Cuộc giải cứu thành công này là một cuộc giải cứu khỏi nỗi đau khổ thể xác và vật chất. Chúng ta có nên dũng cảm ít hơn trong các nỗ lực của mình để giải cứu những người có thể đang chịu đau khổ với những hậu quả thuộc linh và vĩnh cửu không? Chúng ta có nên cam kết ít hơn với Chúa không?
Để kết thúc, với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô, lòng cam kết của chúng ta phát sinh từ sự kiện rằng Chúa đã chịu đau khổ cho mỗi người chúng ta—người ngoại đạo, tín hữu kém tích cực, ngay cả người phạm tội, và mỗi người trong gia đình của mình. Tôi tin rằng chúng ta có thể mang hằng ngàn người đến với niềm vui, sự bình an và vẻ tuyệt vời của phúc âm, và hằng trăm ngàn người, thậm chí hằng triệu người, trong những thế hệ sau họ. Tôi tin rằng chúng ta có thể thành công vì đây là Giáo Hội của Chúa, và chúng ta được kêu gọi để thành công nhờ vào chức tư tế cũng như vai trò tín hữu của mình. Tôi làm chứng như thế với các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.