2012
Những Kẻ Có Lòng Thương Xót Sẽ Được Thương Xót
Tháng Năm năm 2012


Những Kẻ Có Lòng Thương Xót Sẽ Được Thương Xót

Khi tâm hồn của chúng ta chan hòa tình yêu thương của Thượng Đế, chúng ta bắt đầu “ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau.”

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

Các anh chị em thân mến, cách đây không lâu, tôi nhận được một lá thư từ một người mẹ đầy quan tâm đã khẩn nài có được một bài nói chuyện tại đại hội trung ương về một đề tài có thể sẽ mang lại lợi ích riêng cho hai đứa con của người ấy. Chúng bất hòa với nhau và đã ngừng không nói chuyện với nhau. Người mẹ rất đau lòng. Trong thư, người ấy cam đoan với tôi rằng một sứ điệp trong đại hội trung ương về đề tài này sẽ giải hòa hai đứa con đó và mọi việc sẽ được ổn thỏa.

Lời khẩn nài chân thành của chị phụ nữ hiền lành này chỉ là một trong vài sự thúc giục tôi đã nhận được trong những tháng gần đây khiến tôi cần phải nói một vài lời ngày hôm nay về một đề tài đã càng ngày càng trở thành một mối quan tâm—không những đối với một người mẹ lòng đầy lo lắng mà còn đối với nhiều người trong Giáo Hội, và quả thật, trên cả thế giới nữa.

Tôi cảm kích trước đức tin của người mẹ nhân hậu này rằng một bài nói chuyện trong đại hội trung ương có thể giúp chữa lành mối quan hệ giữa con cái của người ấy. Tôi chắc rằng người ấy không tin tưởng nhiều lắm vào khả năng của những người nói chuyện mà là vào “hiệu năng của lời Thượng Đế,” mà có “ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn … bất cứ điều gì khác.”1 Thưa chị, tôi cầu nguyện rằng Thánh Linh sẽ cảm động lòng của con cái chị.

Khi Mối Quan Hệ Trở Nên Tồi Tệ

Các mối quan hệ căng thẳng và đổ vỡ đã hiện hữu từ lâu lắm rồi. Ca In thời xưa là người đầu tiên đã để cho những cảm nghĩ cay đắng và hiểm ác hủy hoại tình cảm của mình. Ông đã giúp nuôi dưỡng những cảm nghĩ ghen tị và thù oán bên trong mình và cho phép những cảm nghĩ này chín muồi cho đến khi ông làm một điều không thể tưởng tượng được—sát hại em ruột của mình và trong tiến trình trở thành cha đẻ của những lời dối trá của Sa Tan.2

Kể từ thời kỳ ban đầu đó, tinh thần ghen tị và thù oán đó đã là lý do gây ra một số câu chuyện bi thảm nhất trong lịch sử. Chuyện Sau Lơ chống lại Đa Vít, các con trai của Gia Cốp chống lại em trai Giô Sép của họ, La Man và Lê Miêu chống lại Nê Phi, và A Ma Lịch Gia chống lại Mô Rô Ni.

Tôi thiết tưởng rằng mỗi người trên thế gian đều đã bị ảnh hưởng bằng một cách nào đó bởi những cảm nghĩ đầy hủy diệt của sự ganh đua, oán giận và trả thù. Chúng ta có lẽ còn có những lúc nhận ra những cảm nghĩ này bên trong mình. Khi cảm thấy bị tổn thương, tức giận hay ghen tị, thì chúng ta dễ có khuynh hướng phê phán những người khác, thường quyết định rằng những hành động của họ có những động lực tà ác để biện minh cho những cảm nghĩ oán giận của mình.

Giáo Lý

Dĩ nhiên, chúng ta biết điều này là sai. Giáo lý rất rõ ràng. Chúng ta đều phụ thuộc vào Đấng Cứu Rỗi; không một ai trong chúng ta có thể được cứu nếu không có Ngài. Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô là vô hạn và vĩnh cửu. Sự tha thứ các tội lỗi của chúng ta đều kèm theo điều kiện. Chúng ta cần phải hối cải, và cần phải sẵn lòng tha thứ cho những người khác. Chúa Giê Su đã dạy: “Phải biết tha thứ cho nhau; vì kẻ nào không biết tha lỗi cho anh em mình thì sẽ bị kết tội trước mặt Chúa; vì kẻ đó còn mắc phải trọng tội hơn”3 và “Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót.”4

Dĩ nhiên, những lời này dường như hoàn toàn hợp lý —khi được áp dụng cho một người nào khác. Chúng ta có thể thấy những hậu quả nguy hại một cách rõ ràng và dễ dàng khi những người khác phê phán và oán giận. Và chắc chắn là chúng ta không thích người khác phê phán mình.

Nhưng đến lúc có thành kiến và trách móc, thì chúng ta cũng thường biện minh cho cơn tức giận của mình là ngay chính và điều chúng ta phê phán là xác thực và hoàn toàn thích hợp. Mặc dù không thể nhìn thấu tấm lòng của người khác, nhưng chúng ta cho rằng mình biết được động cơ xấu hoặc thậm chí một người xấu khi chúng ta thấy một động cơ xấu hay một người xấu. Chúng ta đặt ra ngoại lệ khi đó là nỗi cay đắng của mình vì cảm thấy điều đó, và trong trường hợp của mình, chúng ta có tất cả thông tin cần thiết để nhìn một người khác đầy khinh bỉ.

Trong thư viết cho người Rô Ma, Sứ Đồ Phao Lô đã nói rằng những ai kết án những người khác đều “không thể nào tha thứ được.” Ông giải thích rằng ngay giây phút chúng ta phê phán một người nào khác thì chính là chúng ta đã tự kết án mình, vì không có ai là không có tội cả.5 Việc từ chối tha thứ là một tội nặng—một tội mà Đấng Cứu Rỗi đã cảnh cáo. Các môn đồ của Chúa Giê Su đã “tìm cơ hội chống lẫn nhau và trong lòng không biết tha thứ cho nhau và vì điều xấu này nên chúng bị đau khổ và bị trừng phạt nặng nề.”6

Đấng Cứu Rỗi đã phán rất rõ ràng về vấn đề này đến nỗi không thể nào hiểu lầm được điều Ngài phán. “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ,” nhưng rồi Ngài phán: “các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”7

Tôi xin phép được thêm vào một điều để làm sáng tỏ ở đây. Khi Chúa đòi hỏi rằng chúng ta phải tha thứ cho mọi người—điều đó gồm có việc tự tha thứ cho mình nữa. Đôi khi, trong số những người trên thế gian, một người mà mình khó tha thứ nhất—cũng như có lẽ một người cần chúng ta tha thứ nhất—chính là bản thân chúng ta đó.

Điểm Chính Yếu

Đề tài này về việc phê phán những người khác có thể thật sự được giảng dạy trong bài giảng gồm có ba chữ. Khi có lòng căm thù, ngồi lê đôi mách, làm ngơ, nhạo báng, oán giận, hay muốn hại người khác—thì xin hãy áp dụng điều sau đây:

Hãy ngừng lại!

Điều đó thật là giản dị. Chúng ta chỉ cần ngừng phê phán những người khác và thay thế những ý nghĩ và cảm nghĩ chỉ trích bằng tấm lòng tràn đầy tình yêu thương dành cho Thượng Đế và con cái của Ngài. Thượng Đế là Cha của chúng ta. Chúng ta là con cái của Ngài. Chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tôi không biết chính xác cách nói rõ việc không phê phán những người khác một cách hùng biện, say mê và đầy thuyết phục đủ để làm cho các anh chị em luôn luôn ghi nhớ. Tôi có thể trích dẫn thánh thư, tôi có thể cố gắng giải thích giáo lý, và thậm chí tôi sẽ trích dẫn từ một câu nói được ghi trên biển gắn sau xe ô tô mà tôi vừa thấy mới đây. Câu nói đó được ghi ở phía sau xe của một người lái trông có phần nào thô lỗ, nhưng những lời ghi trong đó lại dạy một bài học sâu sắc. Những lời nói đó có ghi rằng: “Đừng phê phán tôi vì tôi phạm tội khác hơn bạn.”

Chúng ta cần phải nhận ra rằng chúng ta đều không hoàn hảo—và đều cần đến Thượng Đế rất nhiều. Chúng ta đã chẳng có lần nhu mì khẩn cầu lòng thương xót của Ngài và khẩn nài để nhận được ân điển sao? Chúng ta đã chẳng mong ước với hết nghị lực của tâm hồn mình để nhận được lòng thương xót sao—để được tha thứ cho những lỗi lầm mình đã làm và những tội lỗi đã phạm sao?

Vì chúng ta đều tùy thuộc vào lòng thương xót của Thượng Đế, thì làm thế nào chúng ta có thể từ chối không cho những người khác bất cứ phần ân điển nào mà mình đã mong muốn rất nhiều cho bản thân? Các anh chị em thân mến, chúng ta có nên tha thứ cũng như mong muốn được tha thứ hay không?

Tình Yêu Thương của Thượng Đế

Điều này có khó để làm không?

Dĩ nhiên rồi.

Việc tha thứ cho mình và cho những người khác đều không dễ dàng. Thật ra, đối với hầu hết chúng ta, chúng ta cần thay đổi nhiều về thái độ và lối suy nghĩ của mình—chính là một sự thay đổi trong lòng. Nhưng còn có một tin vui nữa. Sự “thay đổi lớn lao”8 trong lòng chính là điều mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được hoạch định để đem vào cuộc sống của chúng ta.

Việc này được thực hiện như thế nào? Qua tình yêu thương của Thượng Đế.

Khi lòng của chúng ta chan hòa tình yêu thương của Thượng Đế, thì một điều gì đó tốt lành và thanh khiết sẽ xảy đến cho chúng ta. Chúng ta “vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề. Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian.”9

Chúng ta càng để cho tình yêu thương của Thượng Đế ảnh hưởng đến tâm trí và cảm xúc của mình— càng để cho tình yêu thương của mình dành cho Cha Thiên Thượng nảy nở bên trong lòng mình—thì càng dễ dàng hơn để yêu thương những người khác với tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Nếu chúng ta để cho Thượng Đế làm tràn đầy tâm hồn mình với tình yêu thương của Ngài, thì lòng hận thù và ganh tị của chúng ta cuối cùng sẽ phai nhòa.

Đấng Ky Tô vẫn luôn luôn là Đấng gương mẫu của chúng ta. Trong những lời giảng dạy của Ngài cũng như trong cuộc sống của Ngài, Ngài đã cho chúng ta thấy con đường. Ngài đã tha thứ kẻ tà ác, kẻ thô bỉ và những người tìm cách làm tổn thương và làm hại Ngài.

Chúa Giê Su đã phán rằng rất dễ để yêu thương những người yêu thương chúng ta; ngay cả người tà ác cũng có thể làm như thế. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy một luật pháp cao hơn. Những lời Ngài phán cách đây nhiều thế kỷ vẫn còn áp dụng cho chúng ta ngày nay. Những lời này dành cho tất cả những người mong muốn là các môn đồ của Ngài. Những lời này dành cho các anh chị em và tôi: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”10

Khi tâm hồn của chúng ta chan hòa tình yêu thương của Thượng Đế, chúng ta bắt đầu “ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Ky Tô vậy.”11

Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô có thể cất bỏ những cảm nghĩ oán giận và phẫn nộ là những điều ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn sự việc, cho phép chúng ta nhìn những người khác giống như cách Cha Thiên Thượng nhìn chúng ta: chúng ta là những con người trần tục có nhiều khiếm khuyết và không hoàn hảo, là những người có tiềm năng và giá trị vượt quá khả năng tưởng tượng của mình. Vì Thượng Đế yêu thương chúng ta rất nhiều nên chúng ta cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau.

Con Đường của Môn Đồ

Thưa các anh chị em, hãy xem những câu hỏi sau đây như một bài tự trắc nghiệm:

Các anh chị em có oán hận một người nào không?

Các anh chị em có ngồi lê đôi mách cho dù điều các anh chị em nói có thể là có thật không?

Các anh chị em đã không mời tham dự, giữ thái độ xa cách hay trừng phạt những người khác vì một điều gì đó họ đã làm không?

Các anh chị em có âm thầm ganh tị với người khác không?

Các anh chị em có muốn làm hại một người nào khác không?

Nếu trả lời có đối với bất cứ câu hỏi này thì các anh chị em có thể muốn áp dụng bài giảng gồm có 3 chữ được đưa ra hồi nãy: hãy ngừng lại!

Trong một thế giới đầy lời buộc tội và không thân thiện, thì rất dễ để tìm ra lý do để ghét nhau và đối xử với nhau một cách bất kính. Nhưng trước khi làm như vậy, chúng ta hãy nhớ tới những lời của Đấng Thầy và gương mẫu của chúng ta: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người.”12

Thưa các anh chị em, chúng ta hãy đặt viên đá của mình xuống.

Hãy có lòng nhân từ.

Chúng ta hãy tha thứ.

Chúng ta hãy nói chuyện thân thiện với nhau.

Hãy để tình yêu thương của Thượng Đế chan hòa trong tâm hồn mình.

“Hãy làm điều thiện cho mọi người.”13

Đấng Cứu Rỗi hứa: “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, … vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy.”14

Lời hứa này sẽ là động lực đủ để luôn luôn tập trung các nỗ lực của chúng ta vào các hành động nhân từ, tha thứ và bác ái thay vì vào bất cứ hành vi tiêu cực khác không?

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta hãy lấy điều thiện thắng điều ác.15 Chúng ta đừng tìm cách trả thù hoặc để cho cơn phẫn nộ của mình khắc phục chúng ta.

“Vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.

“Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống. …

“Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.”16

Hãy nhớ: cuối cùng, chính những kẻ hay thương xót sẽ được thương xót.17

Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, dù đang ở đâu đi nữa thì chúng ta hãy để cho người ta biết rằng mình là một dân tộc “yêu thương nhau.”18

Hãy Yêu Thương Nhau

Thưa các anh chị em, đã có đủ cảnh đau khổ và buồn phiền trong cuộc sống này rồi, chúng ta không cần phải thêm vào cảnh đó tính bướng bỉnh, cay đắng và nỗi oán giận của mình.

Chúng ta không hoàn hảo.

Những người xung quanh chúng ta không hoàn hảo.19 Người ta làm những điều khiến cho những người khác bực mình, thất vọng và tức giận. Trong cuộc sống trần thế này, thì điều đó vẫn luôn luôn như thế.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải từ bỏ những nỗi bất bình của mình. Một phần mục đích của cuộc sống trần thế là học cách từ bỏ những điều như vậy. Đó là con đường của Chúa.

Hãy nhớ rằng thiên thượng đầy dẫy những người có chung điều này: Họ được tha thứ. Và họ tha thứ.

Chúng ta hãy để gánh nặng của mình dưới chân của Đấng Cứu Rỗi. Hãy để cho Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô thay đổi và chữa lành tâm hồn của các anh chị em. Hãy yêu thương nhau. Hãy tha thứ cho nhau.

Kẻ hay thương xót sẽ được thương xót.

Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Đấng đã yêu thương rất nhiều và trọn vẹn đến nỗi Ngài đã phó mạng sống của Ngài cho chúng ta, cho bạn bè Ngài, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.