2012
Giáo Lý của Đấng Ky Tô
Tháng Năm năm 2012


Giáo Lý của Đấng Ky Tô

Anh Cả D. Todd Christofferson

Trong Giáo Hội ngày nay, cũng giống như Giáo Hội thời xưa, việc thiết lập giáo lý của Đấng Ky Tô hoặc sửa đổi giáo lý đi chệch hướng là một vấn đề mặc khải thiêng liêng.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và tình yêu mến đối với Chị Beck, Chị Allred, và Chị Thompson, cũng như ủy ban Hội Phụ Nữ.

Mới gần đây, chúng ta đã thấy công chúng càng quan tâm hơn đến niềm tin của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đây là một điều chúng ta hoan nghênh vì xét cho cùng, mục đích cơ bản của chúng ta là giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, giáo lý của Ngài trên khắp thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20; GLGƯ 112:28). Nhưng chúng ta cần phải thừa nhận rằng đã từng có và hiện vẫn còn có một số người nhầm lẫn về giáo lý của chúng ta và cách thức giáo lý này được thiết lập. Đó là đề tài mà tôi muốn được đề cập đến ngày hôm nay.

Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy giáo lý của Ngài trong thời trung thế, và Các Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi đã vô cùng vất vả để bảo tồn giáo lý của Ngài chống lại một cuộc tấn công của truyền thống và triết lý sai lạc. Các Bức Thư trong Kinh Tân Ước trích dẫn một vài sự việc xảy ra đã cho thấy sự bội giáo nghiêm trọng và lan rộng đã bắt đầu trong thời gian giáo vụ của Các Sứ Đồ.1

Những thế kỷ tiếp theo được tia sáng phúc âm thỉnh thoảng soi sáng cho đến thế kỷ 19, thì Sự Phục Hồi rực rỡ bắt đầu trên thế gian cũng như phúc âm trọn vẹn và đầy đủ của Đấng Ky Tô một lần nữa đến với thế gian. Cái ngày vinh quang này bắt đầu trong “một luồng ánh sáng … sáng hơn cả ánh sáng mặt trời” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:16), khi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith và bắt đầu điều mà sẽ trở thành nhiều điều mặc khải đi kèm theo quyền năng và thẩm quyền thiêng liêng.

Trong những điều mặc khải này, chúng ta thấy điều có thể được gọi là giáo lý cơ bản của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được thiết lập lại trên thế gian. Chính Chúa Giê Su định nghĩa giáo lý đó trong những lời này đã được ghi trong Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô:

“Đây là giáo lý của ta, và nó là giáo lý mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta; và ta làm chứng cho Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha làm chứng cho ta, và Đức Thánh Linh làm chứng cho Đức Chúa Cha và ta; và ta làm chứng rằng Đức Chúa Cha truyền lệnh cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi phải hối cải và tin nơi ta.

“Và kẻ nào tin nơi ta và chịu phép báp têm thì sẽ được cứu; và chính họ là những người sẽ thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.

“Và kẻ nào không tin nơi ta và không chịu phép báp têm thì sẽ bị đoán phạt.

“… Và bất cứ ai tin nơi ta cũng sẽ tin nơi Đức Chúa Cha; và Đức Chúa Cha làm chứng về ta với kẻ đó, vì Ngài sẽ viếng thăm kẻ đó bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh …

“Quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay rằng, đây là giáo lý của ta, và bất cứ kẻ nào xây dựng trên giáo lý này tức là xây dựng trên tảng đá của ta, thì các cổng ngục giới sẽ không thắng được kẻ đó” (3 Nê Phi 11:32–35, 39).

Đây là sứ điệp của chúng ta, chính là tảng đá mà chúng ta xây đắp trên đó, là nền tảng của mọi điều khác trong Giáo Hội. Giống như tất cả những gì đến từ Thượng Đế, giáo lý này là thanh khiết, rõ ràng, dễ hiểu—ngay cả đối với một đứa trẻ. Chúng ta hân hạnh mời tất cả mọi người tiếp nhận sứ điệp này.

Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, “chúng tôi tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Những Tín Điều 1:9). Điều này có nghĩa là trong khi có nhiều điều chúng ta chưa biết, nhưng các lẽ thật và giáo lý chúng ta đã nhận được đều đã đến và sẽ tiếp tục đến qua sự mặc khải thiêng liêng. Trong một số tôn giáo, các nhà thần học cho là thẩm quyền giảng dạy ngang bằng với giới lãnh đạo tôn giáo, và các vấn đề giáo lý có thể trở thành một cuộc tranh cãi về ý kiến giữa họ. Một số người dựa vào các hội đồng đang vận động sự hợp tác giữa Ky Tô hữu toàn cầu của Thời Trung Cổ với những tín điều của họ. Những người khác chủ yếu nhấn mạnh đến những lời diễn giải của các nhà thần học thông thái đã qua đời hoặc đến lĩnh vực nghiên cứu chú giải văn bản cổ của Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh. Chúng ta quý trọng giới thông thái đã gia tăng sự hiểu biết, nhưng trong Giáo Hội ngày nay, cũng giống như Giáo Hội thời xưa, việc thiết lập giáo lý của Đấng Ky Tô hoặc sửa đổi giáo lý đi chệch hướng là một vấn đề mặc khải thiêng liêng đối với những người được Chúa ban cho thẩm quyền của sứ đồ.2

Vào năm 1954, Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr., lúc bấy giờ là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã giải thích cách giáo lý được truyền bá trong Giáo Hội như thế nào và vai trò ưu việt của Chủ Tịch Giáo Hội. Khi đề cập đến các thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, ông nói: “[Chúng ta] nên [nhớ] rằng một số Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã chỉ định cho họ một sự kêu gọi đặc biệt; họ có được một ân tứ đặc biệt; họ được tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải, mà điều này ban cho họ một phước lành thuộc linh đặc biệt liên quan đến lời giảng dạy của họ cho các tín hữu. Họ có quyền hạn, quyền năng, và thẩm quyền để tuyên bố về ý định và ý muốn của Thượng Đế cho dân của Ngài, tuân phục vào quyền năng và thẩm quyền vượt bực của Chủ Tịch Giáo Hội. Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác không được ban cho phước lành thuộc linh và thẩm quyền đặc biệt này để giảng dạy; họ có một giới hạn về kết quả, cũng như giới hạn về kết quả đối với quyền năng và thẩm quyền của họ trong việc giảng dạy áp dụng cho mọi chức sắc khác và tín hữu của Giáo Hội, vì không một ai trong số họ được ban cho phần thuộc linh như là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Ngoài ra, như đã được chỉ rõ, vị chủ tịch của Giáo Hội còn được ban cho phần thuộc linh đặc biệt về phương diện này, vì ông là Vị Tiên Tri, Tiên Kiến và Mặc Khải cho toàn thể Giáo Hội.”3

Đấng Cứu Rỗi mặc khải ý muốn và giáo lý của Ngài cho các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải bằng cách nào? Ngài có thể hành động qua sứ giả hoặc đích thân hành động. Ngài có thể phán bằng tiếng nói của Ngài hoặc bằng tiếng nói của Đức Thánh Linh, một cách truyền đạt của Thánh Linh cho tâm hồn mà có thể được bày tỏ bằng lời hoặc bằng cảm nghĩ rất khó thể hiện bằng lời (xin xem 1 Nê Phi 17:45; GLGƯ 9:8). Ngài có thể đích thân phán cùng các tôi tớ của Ngài hoặc cùng một hội đồng các tôi tớ của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 27:1–8).

Tôi xin kể hai câu chuyện từ Kinh Tân Ước. Câu chuyện thứ nhất là một điều mặc khải nhắm vào người đứng đầu Giáo Hội. Lúc ban đầu trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta thấy Các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô chỉ rao giảng sứ điệp phúc âm cho dân Do Thái theo khuôn mẫu của giáo vụ của Chúa Giê Su (xin xem Ma Thi Ơ 15:24), nhưng giờ đây theo kỳ định của Chúa, đã đến lúc để thay đổi. Ở thành Gióp Bê, Phi E Rơ đã có một giấc mơ mà trong đó ông thấy nhiều loại thú từ trời sa xuống đất trong “một bức khăn lớn níu bốn chéo lên” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11) và được truyền lệnh phải “làm thịt và ăn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:13). Phi E Rơ đã miễn cưỡng vì ít nhất một số thú đó “chẳng sạch” theo như luật Môi Se, và Phi E Rơ đã không bao giờ vi phạm lệnh truyền về việc ăn như vậy. Tuy nhiên, tiếng nói đã phán cùng Phi E Rơ trong giấc mơ của ông: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15).

Ý nghĩa của giấc mơ này trở nên rõ ràng không lâu sau đó khi có vài người được đội trưởng của đội binh La Mã tên là Cọt Nây gửi đến chỗ trọ của Phi E Rơ với lời yêu cầu ông đến dạy cho chủ của họ. Cọt Nây đã quy tụ lại một nhóm thân bằng quyến thuộc khá đông, và khi thấy họ đang nóng lòng chờ đợi nhận được sứ điệp của mình, Phi E Rơ nói:

“Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng sạch …

“… Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai,

“Nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:28, 34–35; xin xem thêm các câu 17–24).

“Khi Phi E Rơ đang nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo.

“Các tín đồ [đi cùng với Phi E Rơ] … đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban cho Đức Thánh Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa.

“… Bấy giờ Phi E Rơ lại cất tiếng nói rằng:

“Người ta có thể từ chối nước về phép báp têm cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44–47).

Qua kinh nghiệm và điều mặc khải này ban cho Phi E Rơ, Chúa đã thay đổi lối thực hành của Giáo Hội và mặc khải một sự hiểu biết càng trọn vẹn hơn về giáo lý cho các môn đồ của Ngài. Và như vậy, việc thuyết giảng phúc âm được mở rộng cho tất cả nhân loại.

Về sau, trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta tìm thấy một câu chuyện khác có phần nào liên quan tới vấn đề đó, lần này cho thấy cách sự mặc khải về các vấn đề giáo lý đều có thể đến trong một bối cảnh hội đồng như thế nào. Một cuộc tranh luận xảy ra về phép cắt bì cần thiết theo luật Môi Se có nên tiếp tục hay không với tính cách là một lệnh truyền của phúc âm và Giáo Hội của Đấng Ky Tô (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1, 5). “Các sứ đồ và các trưởng lão bèn họp lại để xem xét về việc đó” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:6). Biên sử của chúng ta về hội đồng này chắc chắn là không đầy đủ, nhưng chúng ta được cho biết rằng “sau một cuộc bàn luận dài rồi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:7), Phi E Rơ, vị Sứ Đồ trưởng, đứng dậy và tuyên bố rằng Đức Thánh Linh đã xác nhận cùng ông. Ông nhắc hội đồng nhớ rằng khi phúc âm bắt đầu được thuyết giảng cho dân Ngoại không được cắt bì trong nhà của Cọt Nây, thì họ đã nhận được Đức Thánh Linh cũng giống như dân Do Thái cải đạo đã được cắt bì. Ông nói rằng Thượng Đế “chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho lòng họ tinh sạch.

“Vậy bây giờ, cớ sao anh em thử Đức Chúa Trời, gán cho môn đồ một cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng chưa từng mang nổi?

“Trái lại, chúng ta tin rằng nhờ ơn Đức Chúa Giê Su, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:9–11; xin xem thêm câu 8).

Sau khi Phao Lô, Ba Na Ba, và có lẽ những người khác nữa đã lên tiếng tán thành lời tuyên bố của Phi E Rơ, Gia Cơ đề nghị rằng quyết định đó được thi hành bằng cách gửi thư cho Giáo Hội, và hội đồng đã “đồng lòng quyết ý” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:25; xin xem thêm các câu 12–23). Trong thư loan báo về quyết định của họ, Các Sứ Đồ nói: “Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28), hay nói cách khác, quyết định này đến nhờ sự mặc khải thiêng liêng qua Đức Thánh Linh.

Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô ngày nay cũng tuân theo cùng những mẫu mực này. Chủ Tịch của Giáo Hội có thể loan báo hay giải thích các giáo lý dựa vào điều mặc khải ban cho ông (để có ví dụ, xin xem GLGƯ 138). Lời giải thích giáo lý cũng có thể đến qua hội đồng kết hợp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (để có ví dụ, xin xem Bản Tuyên Ngôn Chính Thức 2). Những buổi thảo luận của hội đồng sẽ thường gồm có việc tham khảo các tác phẩm tiêu chuẩn của thánh thư, những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội và điều đã được làm trước đây. Nhưng cuối cùng, cũng giống như trong Giáo Hội thời Tân Ước, mục tiêu không phải chỉ nhằm vào sự đồng lòng của các thành viên trong hội đồng mà còn nhằm vào điều mặc khải từ Thượng Đế. Đó là một tiến trình gồm có việc suy luận lẫn đức tin để nhận được ý định và ý muốn của Chúa.4

Đồng thời chúng ta cũng nên nhớ rằng mỗi lời phát biểu do một vị lãnh đạo Giáo Hội, thời xưa hay thời nay, đưa ra đều cần thiết để thiết lập giáo lý. Trong Giáo Hội, chúng ta thường hiểu rằng một lời phát biểu do một vị lãnh đạo đưa ra chỉ trong một dịp nào đó thường là một quan điểm của riêng cá nhân đó đã được suy nghĩ chín chắn, chứ không có nghĩa là chính thức hay ràng buộc toàn thể Giáo Hội. Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng “một vị tiên tri đích thật là một vị tiên tri chỉ khi nào vị ấy hành động theo đúng tư cách của một vị tiên tri.”5 Chủ Tịch Clark, như đã được trích dẫn trước đây, nói rằng:

“Khi tôi còn bé, cha tôi đã kể cho tôi nghe một câu chuyện giản dị cho thấy rõ điểm này. Tôi không biết là câu chuyện này căn cứ vào đâu nhưng nó minh họa điểm này. Câu chuyện của ông là vì tình trạng kích động trước sự trở lại của Quân Đội [Johnston], tại một buổi họp sáng, Anh Brigham đã thuyết giảng cho các tín hữu nghe một bài giảng sống động đầy thách thức đối với quân đội đang tiến đến gần và tuyên bố ý định sẽ chống lại và đẩy lui họ. Vào buổi họp trưa, ông đứng dậy và nói rằng chính Brigham Young đã nói chuyện vào buổi sáng, nhưng bây giờ Chúa sẽ nói chuyện đây. Rồi ông đưa ra một bài nói chuyện, sứ điệp này trái ngược với bài nói chuyện buổi sáng …

“… Giáo Hội sẽ biết qua chứng ngôn của Đức Thánh Linh được đưa ra cho các tín hữu là Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khi nói lên quan điểm của họ có được Đức Thánh Linh tác động hay không, và cuối cùng sự hiểu biết đó sẽ được cho thấy.”6

Tiên Tri Joseph Smith đã xác nhận vai trò chính yếu của Đấng Cứu Rỗi trong giáo lý của chúng ta trong câu nói quan trọng này: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo chúng ta đều chỉ là phụ thuộc cho chứng ngôn đó mà thôi.”7 Chứng ngôn của Joseph Smith về Chúa Giê Su là Ngài hằng sống, vì ông đã trông thấy Ngài, “ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế; và [ông] đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (GLGƯ 76:23; xin xem thêm câu 22). Tôi đề nghị tất cả mọi người nghe hay đọc sứ điệp này hãy tìm kiếm sự làm chứng đó về thiên tính, Sự Chuộc Tội, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cầu nguyện và nghiên cứu thánh thư. Hãy chấp nhận lẽ thật của giáo lý Ngài bằng cách hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và rồi tuân theo các luật pháp và giao ước phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong suốt cuộc sống của mình.

Vì ngày kỷ niệm lễ Phục Sinh của chúng ta gần kề, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su ở Na Xa Rét đã và đang là Vị Nam Tử của Thượng Đế, chính là Đấng Mê Si mà từ thời xưa đã được tiên tri là sẽ đến. Ngài là Đấng Ky Tô, đã phải chịu đựng trên đồi Ghết Sê Ma Nê, chết trên cây thập tự và được chôn cất, và quả thật đã sống lại vào ngày thứ ba. Ngài là Chúa phục sinh, mà qua Ngài chúng ta sẽ đều được phục sinh và qua Ngài tất cả những người sẵn lòng có thể được cứu chuộc và tôn cao trong vương quốc thiên thượng của Ngài. Đây là giáo lý của chúng ta, đã xác nhận tất cả những chứng thư trước đây về Chúa Giê Su Ky Tô và xác nhận lần nữa trong thời kỳ chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Neal A. Maxwell, “From the Beginning,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 18–19:

    “Gia Cơ lên án ‘những điều chiến đấu tranh cạnh trong’ Giáo Hội (Gia Cơ 4:1). Phao Lô than thở về ‘sự phân rẽ’ trong Giáo Hội và việc ‘có muông sói dữ tợn’ … ‘chẳng tiếc bầy đâu’ như thế nào (1 Cô Rinh Tô 11:18; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:29–31). Ông biết một sự bội giáo sắp xảy ra và viết thư cho những người Tê Sa Lô Ni Ca biết rằng ngày tái lâm của Chúa Giê Su sẽ không đến trừ khi ‘có sự bỏ đạo đến trước’; còn nói thêm rằng ‘đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi’ (2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:3, 7).

    “Đến gần cuối, Phao Lô thừa nhận sẽ có sự bỏ đạo lan khắp nơi như thế nào: ‘Mọi người ở xứ A Si đã lìa bỏ ta’ (2 Ti Mô Thê 1:15). …

    “Các thành lân cận cũng buông theo sự dâm dục và sắc lạ … làm gương để trước mặt chúng ta” (xin xem 1 Cô Rinh Tô 5:9; Ê Phê Sô 5:3; Giu Đe 1:7). Giăng lẫn Phao Lô than khóc về sự xuất hiện của Các Sứ Đồ giả (xin xem 2 Cor. 11:13; Rev. 2:2). Giáo Hội rõ ràng đã gặp khó khăn. Một số người không những bỏ đi mà còn công khai chống đối. Trong một tình huống, Phao Lô đứng một mình và than rằng ‘hết thảy đều lìa bỏ ta’ (2 Ti Mô Thê 4:16). Ông cũng đã lên án những người đã ‘phá đổ cả nhà người ta’ (Tít 1:11).

    “Một số người lãnh đạo địa phương chống đối, như khi một người thích lãnh đạo người khác, đã từ chối không tiếp các anh em trong Giáo Hội (xin xem 3 Giăng 1:9–10).

    “Bởi vậy Chủ Tịch Brigham Young đã nhận xét: ‘Người ta nói là Chức Tư Tế đã bị cất khỏi Giáo Hội, nhưng không phải vậy đâu, mà Giáo Hội rời bỏ Chức Tư Tế’ (trong Journal of Discourses, 12:69).”

    Có lần, như Anh Cả Maxwell đã nói về điều đó: “lý lẽ, truyền thống triết học Hy Lạp, đã thống trị rồi sau đó thay thế việc dựa vào mặc khải, một kết quả có lẽ được đẩy mạnh bởi những người Ky Tô hữu có ý định tốt muốn mang tín ngưỡng của họ vào dòng chính của nền văn hóa đương thời. …

    “… Chúng ta [cũng] nên thận trọng về việc thích ứng thần học đã được mặc khải với sự khôn ngoan thông thường” (Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 19–20).

  2. Các sứ đồ và các vị tiên tri như Joseph Smith nói lời của Thượng Đế, nhưng ngoài ra, chúng ta thường tin rằng những người nam và người nữ, ngay cả các trẻ em có thể học hỏi và được sự soi dẫn thiêng liêng hướng dẫn để đáp ứng lời cầu nguyện và học hỏi thánh thư. Cũng giống như trong thời kỳ của Các Sứ Đồ thời xưa, các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được ban cho ân tứ Đức Thánh Linh, mà tạo điều kiện cho sự giao tiếp liên tục với Cha Thiên Thượng, hoặc nói cách khác, sự mặc khải cá nhân (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37–38). Bằng cách này, Giáo Hội trở thành một nhóm người đầy cam kết, chín chắn về phần thuộc linh mà đức tin của họ không bị mù quáng mà là nhìn thấy—được Đức Thánh Linh truyền đạt và xác nhận. Đây không phải là để nói rằng mỗi tín hữu nói thay cho Giáo Hội hoặc có thể định nghĩa giáo lý của Giáo Hội mà là mỗi tín hữu có thể nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng trong việc đương đầu với những thử thách và cơ hội trong cuộc sống của mình.

  3. J. Reuben Clark Jr., “When Are Church Leaders’ Words Entitled to Claim of Scripture?” Church News, ngày 31 tháng Bảy năm 1954, 9–10; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 28:1–2, 6–7, 11–13.

  4. Việc chuẩn bị và những điều kiện cần thiết cho những người tham gia vào hội đồng là “sự ngay chính, thánh thiện, khiêm tốn trong lòng, nhu mì và sự nhịn nhục, đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, sự ôn hòa, sự kiên nhẫn, sự tin kính, lòng nhân từ với anh em và lòng bác ái;

    “Vì có lời hứa rằng, nếu những điều này đầy dẫy trong lòng họ thì ắt chẳng để cho họ không kết quả trong sự nhận biết Chúa đâu.” (Giáo Lý và Giao Ước 107:30–31).

  5. Joseph Smith, trong History of the Church, 5:265.

  6. J. Reuben Clark Jr., “Church Leaders’ Words,” 10. Về câu chuyện của cha ông kể cho ông nghe về Brigham Young, Chủ Tịch Clark viết thêm:

    “Tôi không biết điều này có xảy ra hay không, nhưng tôi nói rằng nó minh họa một nguyên tắc—chính Vị Chủ Tịch của Giáo Hội cũng có thể không phải luôn luôn được ‘Đức Thánh Linh tác động,’ khi ông ngỏ lời cùng các tín hữu. Điều này đã xảy ra về các vấn đề giáo lý (thường thường về một cá tính tự biện rất cao) nơi mà Các Vị Chủ Tịch kế nhiệm của Giáo Hội và chính các tín hữu đã cảm thấy rằng trong khi tuyên bố về giáo lý, người tuyên bố đó không được ‘Đức Thánh Linh tác động.’

    “Làm thế nào Giáo Hội sẽ biết được khi nào nhóm các anh em phiêu lưu vào các nguyên tắc và giáo lý đầy tự biện đáp ứng những điều kiện của các luật lệ mà những người tuyên bố đã được ‘Đức Thánh Linh tác động’? Giáo Hội sẽ biết qua chứng ngôn của Đức Thánh Linh trong nhóm các tín hữu xem các anh em khi bày tỏ quan điểm của mình ‘có được Đức Thánh Linh tác động’; và theo kỳ định sự hiểu biết đó sẽ được cho biết” (“Church Leaders’ Words,” 10).

  7. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 49.