2012
Những Người Làm Công trong Vườn Nho
Tháng Năm năm 2012


Những Người Làm Công trong Vườn Nho

Anh Cả Jeffrey R. Holland

Xin hãy lắng nghe sự thúc giục của Đức Thánh Linh phán bảo với các anh chị em ngay bây giờ, chính trong giây phút này đây, rằng các anh chị em cần phải chấp nhận ân tứ chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi nói về những sự kêu gọi và giải nhiệm Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới vừa loan báo, tôi xin được ngỏ lời thay cho tất cả mọi người chúng ta để nói rằng chúng ta sẽ nhớ và yêu mến những người đã phục vụ thật trung tín, cũng như chúng ta yêu mến và chào mừng những người giờ đây đã nhận được sự kêu gọi phục vụ. Xin gửi lời biết ơn chân thành của chúng tôi đến mỗi anh chị em đó.

Tôi xin được nói đến chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi, trong đó một người chủ đất “tảng sáng đi ra, để mướn người làm công cho vườn nho mình.” Sau khi mướn được nhóm người đầu tiên vào lúc 6 giờ sáng, người ấy trở lại vào lúc 9 giờ sáng, vào lúc 12 giờ trưa và 3 giờ chiều để mướn thêm những người làm công vì công việc gặt đã trở nên cấp bách. Thánh thư nói rằng người ấy trở lại vào giờ cuối, “ước chừng giờ thứ mười một” (khoảng 5 giờ chiều), và mướn một nhóm người cuối cùng. Rồi chỉ một giờ sau, tất cả những người làm công quy tụ lại để nhận tiền công trong ngày của họ. Ngạc nhiên thay, tất cả những người làm công đều nhận được tiền công giống nhau mặc dù khác số giờ làm việc. Ngay lập tức, những người được mướn đầu tiên nổi giận và nói rằng: “Những người rốt ấy chỉ làm một giờ, mà chủ đãi cũng như chúng tôi, là kẻ đã chịu mệt nhọc cả ngày và giang nắng.”1 Khi đọc chuyện ngụ ngôn này, có lẽ các anh chị em cũng như những người làm công này đã cảm thấy có sự bất công ở đây. Tôi xin được nói vắn tắt về mối quan tâm đó.

Trước hết, là điều quan trọng để thấy rằng không một ai đã bị đối xử bất công ở đây cả. Những người làm công đầu tiên đã ưng thuận tiền công của cả ngày và họ đã nhận được như vậy. Hơn nữa, tôi chỉ có thể tưởng tượng được rằng họ rất biết ơn đã có được công việc làm. Trong thời của Đấng Cứu Rỗi, một người trung bình và gia đình của mình chỉ có thể sống nhờ những gì họ kiếm được trong ngày đó. Nếu không làm việc hoặc làm ruộng hay câu cá hoặc bán buôn, thì có lẽ ta không ăn gì cả. Với nhiều công nhân hơn việc làm, những người làm công đầu tiên này được chọn là những người may mắn nhất trong tất cả các nhóm công nhân vào buổi sáng hôm đó.

Quả thật, nếu có sự thương cảm nào thì ít nhất chúng ta nên dành cho những người không được chọn đầu tiên cũng là những người cần phải lo liệu cho nhu cầu của gia đình họ. Một số họ dường như chưa bao giờ được may mắn để có được công việc làm. Với mỗi lần người chủ đất trở lại trong suốt ngày đó, họ đều luôn luôn thấy là một người nào khác được chọn.

Nhưng vào cuối ngày, người chủ đất bất ngờ trở lại lần thứ năm với lời đề nghị trả tiền công cho giờ thứ mười một! Những người làm công cuối cùng và hầu như chán nản này, khi nghe rằng họ sẽ được đối xử công bằng, thì chấp nhận làm việc mà còn không biết tiền công là bao nhiêu, vì biết rằng bất cứ việc làm nào cũng sẽ tốt hơn là không có việc làm, vì đó là điều họ có được cho đến lúc ấy. Rồi khi quy tụ lại để nhận tiền công, thì họ đã rất ngạc nhiên khi nhận được số tiền công giống như tất cả những người làm công khác! Chắc hẳn họ đã ngạc nhiên biết bao cũng như thật lòng biết ơn biết bao! Có lẽ họ chưa bao giờ thấy được lòng trắc ẩn như vậy trong suốt thời gian làm công.

Với sự hiểu biết đó về câu chuyện tôi mới cảm thấy được tiếng càu nhàu của những người làm công đầu tiên. Như người chủ đất trong chuyện ngụ ngôn nói với họ (và tôi chỉ diễn giải sơ qua thôi): “Các bạn à, tôi không có bất công đối với các bạn đâu. Các bạn đã ưng thuận số tiền công cho ngày làm việc rồi, một số tiền công, một số tiền công hậu hĩnh. Các bạn đã vui sướng có được việc làm, và tôi cũng rất vui vẻ với cách các bạn đã phục vụ. Các bạn đã được trả công đầy đủ rồi. Hãy nhận lấy tiền và vui hưởng phước lành. Còn đối với những người khác, chắc chắn là tôi được tự do làm điều tôi thích làm với tiền của mình.” Rồi đến câu hỏi sâu sắc này đặt ra cho bất cứ ai lúc bấy giờ hoặc bây giờ là người cần phải nghe câu hỏi này: “Tại sao các bạn ganh tị vì tôi chọn làm điều tử tế?

Thưa các anh chị em, trong cuộc sống của mình sẽ có những lúc một người nào đó nhận được một phước lành bất ngờ hay được công nhận một cách đặc biệt. Tôi khẩn nài với chúng ta là đừng phật lòng—và chắc chắn là không cảm thấy ganh tị—khi điều may mắn đến với một người khác. Chúng ta không bị kém đi khi một người nào khác được cho thêm. Chúng ta không tranh đua với nhau để thấy ai là người giàu nhất hoặc có tài năng nhiều nhất hoặc xinh đẹp nhất hoặc thậm chí còn được phước nhiều nhất nữa. Chúng ta thật sự đang tham dự cuộc đua chống lại tội lỗi, và chắc chắn lòng ganh tị là một trong những tội lỗi phổ biến nhất.

Vả lại, lòng ganh tị là một lỗi lầm vẫn luôn tiếp diễn. Hiển nhiên, chúng ta đau khổ một chút khi một số điều không may xảy ra cho chúng ta, nhưng lòng ganh tị bắt chúng ta phải đau khổ khi tất cả điều may mắn tốt lành xảy đến cho mọi người mà mình biết! Điều này cũng không mang đến cho chúng ta hy vọng vào tương lai—trở nên đau khổ mỗi lần một người nào đó bên cạnh chúng ta hạnh phúc! Cuối cùng, sẽ càng đáng ngượng hơn khi chúng ta thấy rằng Thượng Đế thật sự là Đấng công bằng lẫn thương xót, ban cho tất cả những ai noi theo Ngài “cả gia tài mình,”2 như thánh thư đã dạy. Vậy thì bài học đầu tiên từ vườn nho của Chúa là: việc thèm muốn, hờn dỗi, hay làm cho người khác phải đau khổ đều không nâng cao vị thế của các anh chị em, cũng như việc hạ thấp một người khác cũng không cải thiện khả năng tự nhận thức về bản thân các anh chị em đâu. Vậy hãy tử tế và biết ơn rằng Thượng Đế là Đấng nhân từ. Đó là lối sống hạnh phúc.

Điểm thứ hai tôi muốn lấy từ chuyện ngụ ngôn này là lỗi lầm đáng buồn mà một số người có thể làm nếu họ từ chối không nhận tiền công của mình vào cuối ngày vì họ đang lo lắng với những điều mà họ tưởng là những vấn đề trước đó trong ngày. Thánh thư không nói rằng có người ném đồng tiền vào mặt người chủ đất và giận dữ bỏ ra về không lấy tiền, nhưng tôi nghĩ là có thể có người đã làm như vậy.

Các anh chị em thân mến, điều đã xảy ra trong câu chuyện này vào lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa hoặc 3 giờ chiều đều không quan trọng so với số tiền được trả một cách rộng rãi cho những người làm công vào cuối ngày. Mẫu mực của đức tin là tiếp tục, làm việc, chắc chắn là công việc hoàn tất, và để cho những lo lắng của những lúc trước đó—cho dù đó là những lo lắng thật sự hay tưởng tượng—làm giảm bớt ý nghĩa khi được so sánh với phần thưởng dồi dào cuối cùng. Đừng mải suy nghĩ về những vấn đề cũ hay lời phàn nàn kêu ca—không phải về các anh chị em hay người láng giềng của các anh chị em hoặc, tôi có thể thêm vào, là về Giáo Hội chân chính và hằng hữu. Vẻ tuyệt vời của cuộc sống các anh chị em, của người láng giềng của các anh chị em, và của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được thể hiện vào ngày sau cùng cho dù vẻ tuyệt vời như vậy không luôn luôn được mọi người thừa nhận lúc ban đầu. Vậy thì, đừng lo lắng thái quá về một điều xảy ra vào lúc 9 giờ sáng khi ân điển của Thượng Đế đang cố gắng tưởng thưởng cho các anh chị em vào lúc 6 giờ chiều—cho dù việc làm của các anh chị em đã được sắp đặt như thế nào đi nữa suốt ngày đó.

Chúng ta dùng hết sức mạnh tình cảm và thuộc linh quý báu đó bằng cách bám chặt vào ký ức về một nốt nhạc nghịch tai mà chúng ta chơi trong một cuộc biểu diễn độc tấu dương cầm, hoặc một điều gì đó mà người phối ngẫu đã nói hay làm cách đây 20 năm mà chúng ta vẫn quyết tâm bắt người ấy nhớ và cảm thấy tội lỗi trong thêm 20 năm nữa, hay một việc xảy ra trong lịch sử Giáo Hội mà chỉ chứng tỏ rằng người trần thế sẽ luôn luôn vất vả để được tốt lành như những điều kỳ vọng bất diệt trước mắt họ. Cho dù một trong số các lời than phiền đó không bắt đầu với các anh chị em đi nữa nhưng nó có thể kết thúc với các anh chị em. Rồi đóng góp đó sẽ có một phần thưởng lớn lao khi Chúa của vườn nho nhìn vào mắt các anh chị em và tất cả những điều sai đều sẽ được sửa lại thành đúng vào ngày cuối của cuộc sống trần thế của chúng ta.

Điều này đưa tôi đến điểm thứ ba và cuối cùng của tôi. Câu chuyện ngụ ngôn này—giống như tất cả các chuyện ngụ ngôn khác—không thật sự nói về những người làm công hay tiền công như các chuyện ngụ ngôn khác về chiên và dê. Đây là câu chuyện về lòng nhân từ, kiên nhẫn và tha thứ của Thượng Đế, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là câu chuyện về lòng rộng lượng và thương xót. Đó là câu chuyện về ân điển, nhấn mạnh đến ý nghĩ tôi đã nghe cách đây nhiều năm rằng chắc chắn là điều Thượng Đế vui thích nhất về việc làm Thượng Đế là niềm vui có được lòng thương xót, nhất là đối với những người không trông mong nhận được và thường cảm thấy rằng họ không đáng nhận được lòng thương xót đó.

Tôi không biết người nào trong số cử tọa đông đảo ngày hôm nay có thể cần nghe sứ điệp về sự tha thứ vốn có trong chuyện ngụ ngôn này, nhưng cho dù các anh chị em nghĩ là đã trễ rồi, cho dù các anh chị em nghĩ mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội rồi, cho dù các anh chị em nghĩ mình đã phạm phải nhiều lỗi lầm rồi, hay các anh chị em nghĩ mình không có tài năng, hay cho dù các anh chị em cảm thấy mình phải hành trình một quãng đường bao xa từ mái gia đình mình đến Thượng Đế, thì tôi cũng làm chứng rằng các anh chị em không hành trình một mình vượt quá tầm với của tình yêu thiêng liêng. Các anh chị em không thể nào chìm sâu hơn ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà ánh sáng đó không tới được.

Cho dù các anh chị em chưa thuộc vào tôn giáo của chúng tôi hoặc đã từng thuộc vào nhưng đã không ở lại thì không có điều gì trong bất cứ trường hợp nào của các anh chị em lại không thể sửa đổi được. Không có vấn đề nào các anh chị em lại không thể khắc phục được. Không có một giấc mơ nào không thể đạt được trong khi thời tại thế và thời vĩnh cửu đang trôi qua. Cho dù các anh chị em cảm thấy mình đang lạc đường và là người làm việc cuối cùng của giờ thứ mười một, thì Chúa của vườn nho vẫn đứng gật đầu ra hiệu. “Hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước,”3 và rạp mình xuống chân của Đấng Chí Thánh Y Sơ Ra Ên. Hãy đến và dự phần yến tiệc mà “không cần tiền, không đòi giá”4 tại bàn tiệc của Chúa.

Tôi đặc biệt đưa ra lời kêu gọi những người chồng và những người cha, những người mang chức tư tế hoặc những người mang chức tư tế tương lai hãy làm như Lê Hi đã nói: “Hãy thức tỉnh! Hãy trỗi dậy từ nơi bụi đất, … hãy tỏ ra là những người trượng phu.”5 Không phải luôn luôn mà thường thường chính là những người nam chọn không đáp ứng sự kêu gọi để “đến gia nhập hàng ngũ.”6 Thường các phụ nữ và trẻ em dường như sẵn lòng hơn. Thưa các anh em, hãy tiến lên. Hãy làm điều đó vì lợi ích của mình. Hãy làm điều đó vì lợi ích của những người yêu thương các anh em và đang cầu nguyện rằng các anh em sẽ đáp ứng. Hãy làm điều đó vì Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã trả một cái giá không thể nào hiểu được cho tương lai mà Ngài muốn các anh chị em có được.

Các anh chị em thân mến, tôi làm chứng về quyền năng được đổi mới của tình yêu thương của Thượng Đế và phép lạ của ân điển của Ngài với các anh chị em, không trừ một ai, là những người đã được phúc âm ban phước trong nhiều năm vì có đủ may mắn để tìm ra phúc âm từ sớm, với các anh chị em đã đến với phúc âm từng bước một về sau, và với các anh chị em—là tín hữu hay chưa phải là tín hữu—là những người vẫn còn ngần ngại để gia nhập Giáo Hội. Ngài quan tâm đến đức tin mà các anh chị em sẽ đạt được, chứ không phải về các anh chị em đạt được đức tin ấy vào giờ nào trong ngày.

Vậy nên, nếu các anh chị em đã lập giao ước rồi thì hãy tuân giữ các giao ước đó. Nếu các anh chị em chưa lập giao ước, thì hãy lập các giao ước đó. Nếu các anh chị em đã lập giao ước và đã vi phạm thì hãy hối cải và sửa đổi. Không bao giờ quá trễ miễn là tới lúc Chủ của vườn nho nói rằng đã đến lúc. Xin hãy lắng nghe sự thúc giục của Đức Thánh Linh phán bảo với các anh chị em ngay bây giờ, chính trong giây phút này đây, rằng các anh chị em cần phải chấp nhận ân tứ chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và vui hưởng công việc của Ngài. Đừng trì hoãn. Sắp trễ rồi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.