2012
Tỉnh Ngộ: Lễ Tiệc Thánh, Đền Thờ và Hy Sinh qua Sự Phục Vụ
Tháng Năm năm 2012


Tỉnh Ngộ: Lễ Tiệc Thánh, Đền Thờ và Hy Sinh qua Sự Phục Vụ

Anh Cả Robert D. Hales

Chúng ta trở nên cải đạo và tự lực về mặt thuộc linh khi thành tâm sống theo các giao ước của mình

Đấng Cứu Rỗi kể cho các môn đồ của Ngài nghe về chuyện một người con trai đã rời bỏ người cha giàu có của mình và đi xa, rồi tiêu sạch gia tài của mình. Khi nạn đói xảy ra, người thanh niên đó nhận làm một công việc hèn mọn là cho heo ăn. Anh ta đói đến nỗi muốn ăn vỏ đậu dành cho thú vật.

Khi xa nhà, xa khỏi nơi mà anh ta muốn sống, và trong cảnh nghèo túng, một điều gì đó có ý nghĩa vĩnh cửu cho tương lai của người thanh niên này đã xảy ra. Bằng lời của Đấng Cứu Rỗi: “nó mới tỉnh ngộ.”1 Anh ta nhớ mình là ai, nhận biết điều mình đã mất mát, và bắt đầu muốn các phước lành đã có sẵn trong nhà của cha mình.

Trong suốt cuộc sống của mình, cho dù trong thời gian đen tối, thử thách, buồn phiền hay tội lỗi, chúng ta có thể cảm thấy Đức Thánh Linh nhắc nhở rằng chúng ta thật sự là các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng đầy quan tâm, là Đấng yêu thương chúng ta, và chúng ta có thể khát khao các phước lành thiêng liêng mà chỉ có Ngài mới có thể ban cho mà thôi. Vào những lúc này, chúng ta nên cố gắng tỉnh ngộ và trở lại trong ánh sáng của tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.

Các phước lành này chính thức thuộc vào tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng. Việc mong muốn những phước lành này, kể cả một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho mỗi người chúng ta. Tiên tri An Ma đã dạy: “Ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người.”2

Khi các ước muốn thuộc linh của chúng ta gia tăng, chúng ta trở nên tự lực về phần thuộc linh. Vậy thì, chúng ta tự giúp mình, giúp những người khác và gia đình mình gia tăng ước muốn để noi theo Đấng Cứu Rỗi và sống theo phúc âm của Ngài bằng cách nào? Chúng ta củng cố các ước muốn của mình để hối cải, trở nên xứng đáng, và kiên trì đến cùng bằng cách nào? Chúng ta giúp giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi của mình để cho các ước muốn này tác động trong họ cho đến khi họ cải đạo và trở thành [các] thánh hữu chân chính nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô bằng cách nào”?3

Chúng ta trở nên cải đạo và tự lực về mặt thuộc linh khi thành tâm sống theo các giao ước của mình—qua việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, xứng đáng với giấy giới thiệu vào đền thờ, và hy sinh để phục vụ những người khác.

Để dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, chúng ta nhớ rằng chúng ta đang tái lập giao ước mình đã lập tại phép báp têm. Để Tiệc Thánh sẽ là một kinh nghiệm thanh tẩy phần thuộc linh mỗi tuần, chúng ta cần phải tự chuẩn bị trước khi đến dự lễ Tiệc Thánh. Chúng ta làm điều này bằng cách thận trọng để lại sau lưng công việc hằng ngày và thú giải trí của mình cùng loại bỏ những ý nghĩ và mối quan tâm của thế gian. Khi làm như vậy, chúng ta để dành chỗ cho Đức Thánh Linh ngự trong tâm trí của mình.

Sau đó, chúng ta sẵn sàng để suy ngẫm về Sự Chuộc Tội. Sự suy ngẫm của chúng ta, còn nhiều hơn là chỉ suy nghĩ về nỗi đau khổ và cái chết của Đấng Cứu Rỗi, sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng qua sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có được hy vọng, cơ hội và sức mạnh để thực hiện những thay đổi thật sự, chân thành trong cuộc sống của mình.

Trong khi hát bài thánh ca, tham dự vào những lời cầu nguyện Tiệc Thánh, và dự phần vào các biểu tượng của thịt và máu của Ngài, chúng ta thành tâm tìm kiếm sự tha thứ cho tội lỗi và khuyết điểm của mình. Chúng ta nghĩ về những lời hứa mình đã lập và tuân giữ trong tuần trước và lập những cam kết cá nhân cụ thể để noi theo Đấng Cứu Rỗi trong tuần lễ kế tiếp.

Thưa các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo, các anh chị em có thể giúp giới trẻ cảm nhận các phước lành không thể so sánh được của Tiệc Thánh bằng cách cung ứng những cơ hội đặc biệt cho họ để học hỏi, thảo luận và khám phá ra tính xác đáng của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của họ. Hãy để cho họ tự tra cứu thánh thư và giảng dạy lẫn nhau từ những kinh nghiệm của họ.

Những người cha, các vị lãnh đạo chức tư tế, và các chủ tịch đoàn nhóm túc số đều có một trách nhiệm đặc biệt để giúp những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn nghiêm túc chuẩn bị thực hiện các bổn phận thiêng liêng của họ cho Tiệc Thánh. Việc chuẩn bị này được thực hiện trong suốt tuần bằng cách sống theo các tiêu chuẩn phúc âm. Khi các thiếu niên chuẩn bị, ban phước, và chuyền Tiệc Thánh một cách xứng đáng và nghiêm trang, họ thật sự noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi vào Bữa Ăn Tối Cuối Cùng4 và trở nên giống như Ngài.

Tôi làm chứng rằng Tiệc Thánh ban cho chúng ta một cơ hội để tỉnh ngộ và trải qua “một sự thay đổi lớn lao” trong lòng5—để ghi nhớ rằng chúng ta là ai và điều chúng ta mong muốn nhất. Khi tái lập giao ước để tuân giữ các lệnh truyền, chúng ta có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh để dẫn chúng ta trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta được truyền lệnh phải “nhóm họp để chia sẻ bánh và [nước]”6 và dự phần Tiệc Thánh cho linh hồn của mình.7

Ngoài việc dự phần Tiệc Thánh ra, ước muốn của chúng ta để trở lại cùng Cha Thiên Thượng gia tăng khi chúng ta trở nên xứng đáng để nhận được một giấy giới thiệu vào đền thờ. Chúng ta trở nên xứng đáng bằng cách tuân theo các lệnh truyền một cách kiên định và vững vàng. Sự vâng lời này bắt đầu trong thời thơ ấu và được củng cố qua những kinh nghiệm trong Chức Tư Tế A Rôn và Hội Thiếu Nữ trong những năm chuẩn bị. Sau đó, hy vọng rằng các thầy tư tế và các em thiếu nữ lớp Laurel sẽ đặt mục tiêu và tự chuẩn bị cho mình một cách cụ thể để được làm lễ thiên ân và gắn bó trong đền thờ.

Các tiêu chuẩn cho những người nắm giữ giấy giới thiệu vào đền thờ là gì? Tác giả sách Thi Thiên nhắc nhở chúng ta rằng:

“Ai sẽ được lên núi Đức Giê Hô Va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?

“Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết.”8

Sự xứng đáng để nắm giữ một giấy giới thiệu vào đền thờ mang đến cho chúng ta sức mạnh để tuân giữ các giao ước đền thờ của mình. Làm thế nào cá nhân chúng ta đạt được sức mạnh đó? Chúng ta cố gắng đạt được một chứng ngôn về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, Đức Thánh Linh, và tính xác thật của Sự Chuộc Tội, và lẽ trung thực về Tiên Tri Joseph Smith và Sự Phục Hồi. Chúng ta tán trợ các vị lãnh đạo của mình, cư xử với gia đình mình với lòng nhân từ, đứng làm nhân chứng của Giáo Hội chân chính của Chúa, tham dự các buổi họp nhà thờ, tôn trọng các giao ước của mình, làm tròn các bổn phận của cha mẹ, và sống một cuộc sống đức hạnh. Các anh chị em có thể nói rằng điều đó nghe giống như là một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín vậy! Các anh chị em nói đúng đó. Tiêu chuẩn cho những người nắm giữ giấy giới thiệu vào đền thờ không phải quá cao để đạt được đối với chúng ta. Điều đó chỉ là sống trung tín theo phúc âm và tuân theo các vị tiên tri.

Sau đó, với tư cách là những người nắm giữ giấy giới thiệu vào đền thờ, chúng ta thiết lập mẫu mực sống giống như Đấng Ky Tô. Những mẫu mực này gồm có sự vâng lời, hy sinh để tuân giữ các lệnh truyền, yêu mến lẫn nhau, thanh khiết trong ý nghĩ và hành động, và tự dâng hiến để xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và bằng cách tuân theo những mẫu mực cơ bản này của sự trung tín, chúng ta nhận được “quyền năng từ trên cao”9 để đối phó với những thử thách của cuộc sống. Chúng ta cần quyền năng thiêng liêng này ngày hôm nay hơn bao giờ hết. Đó là quyền năng chúng ta chỉ nhận được qua các giáo lễ đền thờ. Tôi làm chứng rằng những hy sinh chúng ta thực hiện để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ rất đáng bõ công cho mọi nỗ lực chúng ta có thể làm.

Khi các ước muốn của chúng ta để học hỏi và sống theo phúc âm gia tăng, thì dĩ nhiên chúng ta tìm cách phục vụ lẫn nhau. Đấng Cứu Rỗi phán cùng Phi E Rơ: “Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.”10 Tôi cảm kích trước giới trẻ ngày nay đã có ước muốn sâu xa để phục vụ và ban phước cho những người khác—tạo ra sự khác biệt trong thế giới này. Họ cũng khao khát niềm vui có được từ sự phục vụ của họ.

Tuy nhiên, rất khó để giới trẻ hiểu về những hành động họ thực hiện bây giờ sẽ chuẩn bị cho họ hay làm cho họ không đủ tư cách để có những cơ hội phục vụ trong tương lai như thế nào. Tất cả chúng ta đều có một “bổn phận khẩn thiết”11 để phụ giúp giới trẻ trong việc chuẩn bị cho sự phục vụ suốt đời bằng cách giúp họ trở nên tự lực. Ngoài sự tự lực về phần thuộc linh chúng ta đã thảo luận, còn có sự tự lực về vật chất nữa, mà gồm có việc đạt được thêm học vấn hay huấn nghệ, học cách làm việc, và sống trong phạm vi mà mình kiếm được. Bằng cách tránh nợ nần và dành dụm tiền bạc, chúng ta sẵn sàng cho sự phục vụ toàn thời gian trong Giáo Hội trong tương lai. Mục đích của sự tự lực về vật chất lẫn tinh thần là để cho chúng ta được vững mạnh, để cho chúng ta có thể nâng đỡ những người khác đang gặp hoạn nạn.

Cho dù chúng ta trẻ tuổi hay lớn tuổi, điều chúng ta làm bây giờ sẽ quyết định sự phục vụ chúng ta sẽ có thể làm và vui hưởng trong tương lai. Như một thi sĩ đã nhắc nhở chúng ta: “Trong tất cả những câu nói ra hoặc viết xuống thì câu nói buồn nhất là: ‘Giá mà!’”12 Chúng ta đừng sống một cuộc sống hối tiếc về điều chúng ta đã làm hay đã không làm!

Các anh chị em thân mến, người thanh niên đã được Đấng Cứu Rỗi đề cập đến, người mà chúng ta gọi là đứa con trai hoang phí, quả thật đã trở về nhà. Cha của anh ta đã không quên anh ta; cha của anh ta đã chờ đợi. Và “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn.”13 Để ăn mừng sự trở về của con trai mình, người cha đã cho mang đến áo, nhẫn và ăn mừng với một con bê mập14—hãy nhớ rằng không có phước lành nào sẽ bị giữ lại nếu chúng ta trung tín kiên trì trên con đường trở lại với Cha Thiên Thượng.

Với tình yêu thương của Ngài và tình yêu thương của Vị Nam Tử của Ngài trong lòng mình, tôi yêu cầu mỗi người chúng ta tuân theo ước muốn thuộc linh của mình và tỉnh ngộ. Hãy nhìn vào gương và tự hỏi: “Tôi đang ở giai đoạn nào trong việc sống theo các giao ước của mình?” Chúng ta đang đi đúng đường khi chúng ta có thể nói: “Tôi dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng mỗi tuần, tôi xứng đáng để nắm giữ một giấy giới thiệu vào đền thờ và đi đền thờ, và tôi hy sinh để phục vụ cùng ban phước những người khác.”

Tôi chia sẻ lời chứng đặc biệt của mình rằng Thượng Đế yêu thương mỗi người chúng ta nhiều “đến nỗi đã ban Con một của Ngài”15 để chuộc tội lỗi của chúng ta. Ngài biết chúng ta và chờ đợi chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang ở xa Ngài. Khi hành động theo ước muốn của mình và tỉnh ngộ, chúng ta sẽ được “bảo bọc vĩnh viễn trong vòng tay thương yêu của Ngài”16 và được chào đón trở về nhà. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.