2012
Có Đáng Bõ Công Không?
Tháng Năm năm 2012


Có Đáng Bõ Công Không?

Anh Cả David F. Evans

Công việc chia sẻ phúc âm một cách tự nhiên và bình thường với những người chúng ta quan tâm và yêu mến sẽ là công việc và niềm vui của cuộc sống chúng ta.

Trong đại hội này và các buổi họp khác mới đây,1 nhiều người chúng ta đã tự hỏi, tôi có thể làm gì để giúp xây đắp Giáo Hội của Chúa và thấy được sự tăng trưởng thật sự nơi tôi đang sinh sống?

Trong nỗ lực quan trọng này của chúng ta cũng như trong mỗi một nỗ lực khác, công việc quan trọng nhất của chúng ta là luôn luôn ở bên trong mái gia đình của mình.2 Chính là bên trong gia đình mà Giáo Hội được thiết lập và sự tăng trưởng thật sự xảy ra.3 Chúng ta cần phải dạy cho con cái mình các nguyên tắc và giáo lý của phúc âm. Chúng ta cần phải giúp chúng có được đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chuẩn bị cho chúng chịu phép báp têm khi tám tuổi.4 Tự bản thân chúng ta cần phải trung tín để chúng có thể thấy được tấm gương đầy yêu thương của chúng ta dành cho Chúa và Giáo Hội của Ngài. Tấm gương này của chúng ta giúp cho con cái chúng ta cảm thấy được niềm vui trong việc tuân giữ các giáo lệnh, hạnh phúc trong gia đình và lòng biết trong sự phục vụ những người khác. Bên trong mái gia đình của mình, chúng ta nên tuân theo mẫu mực của Nê Phi khi ông nói:

Chúng tôi cố gắng cần mẫn … để thuyết phục con cháu chúng ta, … để … biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế. …

“… Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”5

Chúng ta cố gắng cần mẫn để mang những phước lành này đến cho con cái của mình bằng cách tham dự nhà thờ với chúng, tổ chức buổi họp tối gia đình, và cùng đọc thánh thư chung với nhau. Chúng ta cầu nguyện hằng ngày với gia đình mình, chấp nhận sự kêu gọi, đi thăm người bệnh hoạn và cô đơn, cũng như làm những điều để cho con cái mình biết rằng chúng ta yêu thương chúng và kính mến Cha Thiên Thượng, Vị Nam Tử của Ngài và Giáo Hội của hai Ngài.

Chúng ta nói và tiên tri về Đấng Ky Tô khi đưa ra một bài học trong buổi họp tối gia đình hoặc ngồi xuống với một đứa con rồi nói cho nó biết về tình yêu thương của mình dành cho nó và chứng ngôn của mình về phúc âm phục hồi.

Chúng ta có thể viết về Đấng Ky Tô bằng cách viết thư cho những người ở xa. Những người truyền giáo đang phục vụ, các con trai hay con gái của mình trong quân đội, và những người chúng ta yêu mến đều được phước nhờ vào những lá thư chúng ta viết. Những lá thư gửi đi từ nhà không phải chỉ là những email ngắn ngủi. Những lá thư chân thật mang đến một điều xác thực mà có thể được cầm trong tay, suy nghĩ tới và trân quý.

Chúng ta giúp con cái mình trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và biết được sự tha thứ của Cha Thiên Thượng nhân từ bằng cách cho thấy tình yêu thương và sự tha thứ trong vai trò làm cha mẹ của mình. Tình yêu thương và sự tha thứ của chúng ta không những mang con cái đến gần mình hơn mà còn xây đắp đức tin của chúng trong việc biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng cũng như Ngài sẽ tha thứ cho chúng khi chúng cố gắng hối cải cùng làm việc và sống tốt hơn. Chúng tin cậy vào lẽ thật này vì đã trải qua kinh nghiệm giống như vậy với cha mẹ trần thế của chúng.

Ngoài công việc chúng ta sẽ làm bên trong gia đình mình, Nê Phi còn dạy rằng “chúng [ta] cố gắng cần mẫn viết ra để thuyết phục … các anh em chúng ta nữa, để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế.”6 Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mỗi người chúng ta có phước lành và trách nhiệm để chia sẻ phúc âm. Một số người cần phúc âm trong cuộc sống của họ nhưng chưa phải là tín hữu của Giáo Hội. Một số người đã có lần thuộc vào trong số chúng ta nhưng cần phải cảm nhận lại một lần nữa niềm vui họ đã cảm nhận khi chấp nhận phúc âm trước đây trong cuộc sống của họ. Chúa yêu thương người chưa có phúc âm và người đang trở lại cùng Ngài.7 Đối với Ngài và đối với chúng ta, điều đó không quan trọng, đó chỉ là một công việc mà thôi. Chính là giá trị của con người mới quan trọng đối với Cha Thiên Thượng, Vị Nam Tử của Ngài, và đối với chúng ta, bất kể tình trạng của họ là gì đi nữa.8 Công việc của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu”9 cho tất cả con cái của Ngài, dù hoàn cảnh của họ ra sao. Chúng ta có phước lành để giúp đỡ trong công việc vĩ đại này.

Chủ Tịch Thomas S. Monson giải thích cách chúng ta có thể giúp đỡ khi ông nói: “Những kinh nghiệm truyền giáo của chúng ta cần phải thông dụng. Việc không tham gia mà chỉ ngồi suy ngẫm về những kinh nghiệm đã qua thì không đủ. Muốn cảm thấy được mãn nguyện, các anh chị em phải tiếp tục chia sẻ phúc âm một cách tự nhiên và bình thường.”10

Công việc chia sẻ phúc âm một cách tự nhiên và bình thường với những người chúng ta quan tâm và yêu mến sẽ là công việc cũng như niềm vui của cuộc sống chúng ta. Tôi xin được kể cho các anh chị em nghe về hai kinh nghiệm như vậy.

Dave Orchard lớn lên ở Salt Lake City, là nơi hầu hết các bạn bè của anh đều là tín hữu của Giáo Hội. Họ có một ảnh hưởng lớn lao đối với anh. Ngoài ra, các vị lãnh đạo Giáo Hội trong khu xóm của anh liên tục mời anh đến các buổi sinh hoạt. Các bạn của anh cũng làm như vậy. Mặc dù không gia nhập Giáo Hội vào lúc đó, nhưng những năm anh lớn lên đều được ban phước nhờ ảnh hưởng của những người bạn Thánh Hữu Ngày Sau tốt lành và các sinh hoạt do Giáo Hội bảo trợ. Sau khi vào đại học, anh dọn đi xa nhà và hầu hết bạn bè của anh đều đi truyền giáo. Anh cảm thấy thiếu ảnh hưởng của họ trong cuộc sống của mình.

Một người bạn thời trung học của Dave vẫn còn ở lại chưa đi truyền giáo. Người bạn này họp mỗi tuần với vị giám trợ của mình trong nỗ lực thu xếp cuộc sống được đàng hoàng để có thể đi phục vụ truyền giáo. Người bạn ấy và Dave bắt đầu trọ chung nhà, và theo như lẽ tự nhiên và bình thường, họ nói về lý do tại sao người bạn ấy không phục vụ truyền giáo lúc bấy giờ và tại sao lại họp thường xuyên với vị giám trợ. Người bạn ấy bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng vị giám trợ cũng như cơ hội để hối cải và phục vụ. Rồi người ấy hỏi Dave có muốn đến dự cuộc phỏng vấn kế tiếp không. Thật là một lời mời bất ngờ! Nhưng trong khung cảnh tình bạn và hoàn cảnh của họ thì đó là lời mời vừa tự nhiên lẫn bình thường.

Dave đồng ý và chẳng bao lâu thì họp một mình với vị giám trợ. Điều này dẫn đến quyết định của Dave để gặp những người truyền giáo. Anh nhận được chứng ngôn rằng phúc âm là chân chính, và ngày lễ báp têm của anh đã được định. Vị giám trợ của Dave làm phép báp têm cho anh và một năm sau đó Dave Orchard và Katherine Evans kết hôn trong đền thờ. Họ có năm đứa con xinh đẹp. Katherine là em gái của tôi. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn người bạn tốt này đã cùng với một vị giám trợ tốt bụng mang Dave vào Giáo Hội.

Khi Dave nói về sự cải đạo của mình và làm chứng về những sự kiện này, anh đã đặt ra câu hỏi: “Vậy thì, có đáng bõ công không? Tất cả nỗ lực của bạn bè và những người lãnh đạo giới trẻ cùng vị giám trợ của tôi, trong suốt những năm đó, có đáng bõ công để chỉ có một thiếu niên chịu phép báp têm không?” Khi chỉ vào Katherine và năm đứa con của mình, anh nói: “Vâng, ít nhất là đối với vợ và năm đứa con tôi, câu trả lời là có đấy.”

Bất cứ lúc nào phúc âm được chia sẻ thì không bao giờ là “chỉ có một thiếu niên” thôi. Bất cứ lúc nào sự cải đạo xảy ra hay một người nào đó trở lại cùng Chúa, thì chính là một gia đình đã được cứu rồi. Khi con cái của Dave và Katherine lớn lên, chúng đều chấp nhận phúc âm. Một đứa con gái và hai đứa con trai đã phục vụ truyền giáo và một đứa nữa mới nhận được sự kêu gọi đi phục vụ ở phái bộ truyền giáo Alpine-German nói tiếng Đức. Hai đứa lớn đã kết hôn trong đền thờ, và đứa nhỏ nhất hiện đang học trung học, trung tín về mọi phương diện. Có đáng bõ công không? Có chứ, rất đáng bõ công.

Chị Eileen Waite tham dự cùng một đại hội giáo khu là nơi Dave Orchard nói về kinh nghiệm cải đạo của mình. Trong suốt đại hội đó, chị chỉ có thể nghĩ về gia đình mình và nhất là người chị tên Michelle, đã rời bỏ Giáo Hội từ lâu. Michelle ly dị và đang cố gắng nuôi bốn đứa con. Eileen cảm thấy có ấn tượng phải gửi cho chị mình quyển sách Our Search for Happiness, của Anh Cả M. Russell Ballard, cùng với chứng ngôn của mình, và chị đã làm như vậy. Ngay tuần lễ kế tiếp, một người bạn khác nói cho Eileen biết rằng chị ta cũng cảm thấy cần phải liên lạc với Michelle. Người bạn này cũng viết cho Michelle một lá thư ngắn chia sẻ chứng ngôn và bày tỏ tình yêu thương của mình. Thật là thú vị khi thấy Thánh Linh tác động đến một vài người biết bao nhiêu lần để giúp đỡ một người đang hoạn nạn.

Thời gian trôi qua. Michelle gọi điện thoại cho Eileen và cám ơn em gái mình về quyển sách đó. Chị nói rằng chị đang bắt đầu nhận ra sự trống vắng thuộc linh trong cuộc sống. Eileen nói với chị mình rằng chị ấy biết được cảm giác bình an chị mình đang tìm kiếm có thể tìm thấy trong phúc âm. Eileen nói với chị mình rằng Eileen yêu thương và mong muốn chị mình được hạnh phúc. Michelle bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình. Chẳng bao lâu, chị ấy gặp một người đàn ông tuyệt diệu và tích cực trong Giáo Hội. Họ kết hôn với nhau và một năm sau, được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Ogden Utah. Mới đây, đứa con trai 24 tuổi của chị đã chịu phép báp têm.

Đối với những người khác trong gia đình của Michelle và tất cả những người khác chưa biết rằng Giáo Hội là chân chính, tôi mời các anh chị em hãy cầu nguyện và suy xét xem Giáo Hội có phải là chân chính không. Hãy để cho gia đình và bạn bè cùng những người truyền giáo giúp đỡ. Khi các anh chị em biết rằng Giáo Hội là chân chính, và đúng thật như vậy, thì xin hãy đến gia nhập với chúng tôi bằng cách làm theo điều giống như vậy trong cuộc sống của các anh chị em.

Đoạn cuối của câu chuyện này chưa được viết ra, nhưng các phước lành đã được ban cho người phụ nữ tuyệt vời này và gia đình của chị ấy khi những người yêu mến chị đã hành động theo sự thúc giục và trong một cách tự nhiên và bình thường đã chia sẻ chứng ngôn của họ và mời chị ấy trở lại.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hai kinh nghiệm này. Một thanh niên cố gắng thu xếp cuộc sống của mình cho được đàng hoàng đã giúp một thanh niên khác đang tìm kiếm lẽ thật. Một phụ nữ chia sẻ chứng ngôn và đức tin với người chị của mình đã rời bỏ Giáo Hội trong 20 năm. Nếu chịu cầu nguyện và cầu vấn Cha Thiên Thượng về người nào chúng ta có thể giúp đỡ và hứa hành động theo những thúc giục, thì Ngài sẽ cho biết cách chúng ta có thể giúp đỡ, Ngài sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta sẽ trở thành công cụ trong tay Ngài để làm công việc của Ngài. Việc hành động trong tình yêu thương theo những thúc giục của Thánh Linh trở thành chất xúc tác.11

Khi các anh chị em nghe những kinh nghiệm này về việc chia sẻ phúc âm một cách tự nhiên và bình thường với những người mình quan tâm, thì có nhiều anh chị em cũng đã có kinh nghiệm giống như Eileen Waite đã có. Các anh chị em đã suy nghĩ về một người nào đó mà mình nên tìm đến hoặc mời họ trở lại hay chia sẻ với họ những cảm nghĩ về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi xin mời các anh chị em hãy hành động theo sự thúc giục đó, không trì hoãn. Hãy nói chuyện với bạn bè hay người thân trong gia đình của mình. Hãy làm điều đó một cách tự nhiên và bình thường. Hãy để cho họ biết về tình yêu mến của các anh chị em dành cho họ và cho Chúa. Những người truyền giáo cũng có thể giúp đỡ. Lời khuyên bảo của tôi cũng giống như của Chủ Tịch Monson đã đưa ra rất nhiều lần từ ngay bục giảng này: “Đừng bao giờ trì hoãn đối với sự thúc giục của Thánh Linh.”12 Khi chúng ta hành động theo sự thúc giục của Thánh Linh và làm điều đó với tình yêu thương, thì hãy quan sát trong khi Cha Thiên Thượng sử dụng sự sẵn lòng của các anh chị em để hành động mang đến một phép lạ trong cuộc sống của các anh chị em và trong cuộc sống của người mình quan tâm.13

Các anh chị em thân mến, chúng ta có thể xây đắp Giáo Hội của Ngài và thấy được sự tăng trưởng thật sự khi cố gắng mang các phước lành của phúc âm đến cho gia đình mình và cho những người mình yêu mến. Đây là công việc của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài. Tôi biết rằng hai Ngài hằng sống và hai Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện. Khi chúng ta hành động theo những thúc giục của Thánh Linh, có đức tin vào khả năng của hai Ngài để mang đến một phép lạ, thì các phép lạ sẽ xảy ra và các cuộc sống sẽ thay đổi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Worldwide Leadership Training Meeting, ngày 11 tháng Hai năm 2012, LDS.org.

  2. Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee (2000), 134.

  3. Xin xem Boyd K. Packer, “Priesthood Power in the Home,” Worldwide Leadership Training Meeting, ngày 11 tháng Hai năm 2012, LDS.org.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:25–28.

  5. 2 Nê Phi 25:23, 26.

  6. 2 Nê Phi 25:23.

  7. Xin xem Lu Ca 15:4–7.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10.

  9. Môi Se 1:39.

  10. “Status Report on Missionary Work: A Conversation with Elder Thomas S. Monson, Chairman of the Missionary Committee of the Council of the Twelve,” Ensign, tháng Mười năm 1977, 14.

  11. Xin xem Thomas S. Monson, “Thiết Tha Nhiệt Thành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 56–59; “Đến Cứu Giúp,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 57–60; “The Doorway of Love,” Liahona, tháng Mười năm 1996, 2–7.

  12. Xin xem Ann M. Dibb, “My Father Is a Prophet” (Brigham Young University–Idaho buổi họp đặc biệt devotional, ngày 19 tháng Hai năm 2008), byui.edu/devotionalsandspeeches; Thomas S. Monson, “Đứng trên Địa Điểm mà Đã Được Chỉ Định,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 54–57; “Hãy Êm Đi, Lặng Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 53–56; “Quyền Năng Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Giêng năm 2000, 58–61; “The Spirit Giveth Life,” Ensign, tháng Năm năm 1985, 68–70.

  13. Ngoài Chủ Tịch Thomas S. Monson ra, các vị tiên tri khác cũng đã giảng dạy cùng một nguyên tắc đó. Ví dụ, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã giảng dạy về tầm quan trọng của việc hành động theo những ấn tượng được ban cho qua Thánh Linh khi ông nói: “Thượng Đế quả thật lưu tâm đến chúng ta, và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng Ngài thường đáp ứng các nhu cầu của chúng ta qua một người khác. Do đó, chúng ta cần phải phục vụ nhau trong vương quốc” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 82).