2012
Làm Thế Nào để Nhận được Sự Mặc Khải và Soi Dẫn cho Cuộc Sống Cá Nhân của Mình
Tháng Năm năm 2012


Làm Thế Nào để Nhận được Sự Mặc Khải và Soi Dẫn cho Cuộc Sống Cá Nhân của Mình

Anh Cả Richard G. Scott

Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu nguyện lên Ngài và cầu vấn? Vì đó là cách nhận được sự mặc khải.

Bất cứ người nào đứng tại bục giảng này để đưa ra một sứ điệp thì đều cảm thấy sức mạnh và sự hỗ trợ của các tín hữu trên khắp thế giới. Tôi biết ơn về sự hỗ trợ giống như vậy có thể đến từ người bạn đời yêu dấu ở bên kia bức màn che. Cám ơn, Jeanene.

Đức Thánh Linh truyền đạt thông tin quan trọng chúng ta cần để hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống trần thế. Nếu rõ ràng, ngắn gọn và thiết yếu, thì thông tin đó đáng để được xem là sự mặc khải. Khi thông tin đó là một loạt những sự thúc giục chúng ta thường có để hướng dẫn mình từng bước một đến một mục tiêu xứng đáng, thì trong mục đích của bài nói chuyện của tôi đó là sự soi dẫn.

Một ví dụ về sự mặc khải là sự hướng dẫn mà Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nhận được sau lời khẩn cầu lâu dài và liên tục của ông lên Chúa về việc ban chức tư tế cho tất cả những người nam xứng đáng trong Giáo Hội khi mà vào lúc đó chức tư tế chỉ dành cho một số người nam thôi.

Một ví dụ khác về sự mặc khải là sự hướng dẫn này được ban cho Chủ Tịch Joseph F. Smith: “Tôi tin rằng chúng ta di chuyển và được ở nơi hiện diện của các sứ giả thiên thượng và các nhân vật thiên thượng. Chúng ta không bị chia cách khỏi họ. … Chúng ta gần gũi với họ hàng thân quyến, với tổ tiên của mình, … là những người đi trước chúng ta vào thế giới linh hồn. Chúng ta không thể quên họ được; chúng ta không thể ngừng không yêu thương họ; chúng ta luôn luôn giữ tình cảm và ký ức về họ, và như vậy chúng ta liên kết và đoàn kết với họ nhờ mối quan hệ mà chúng ta không thể cắt đứt. … Nếu đây là trường hợp của chúng ta trong tình trạng hạn chế của mình, bị vây quanh bởi sự yếu kém trần tục của mình, … thì mức chắc chắn là bao nhiêu nữa … để tin rằng những người trung tín, những người đã qua đời … có thể thấy chúng ta rõ hơn chúng ta có thể thấy họ; rằng họ biết chúng ta rõ hơn chúng ta biết họ. … Chúng ta sống ở nơi hiện diện của họ, họ thấy chúng ta, họ quan tâm đến sự an lạc của chúng ta, họ yêu thương chúng ta bây giờ hơn bao giờ hết. Bây giờ họ thấy những điều nguy hiểm đang thử thách chúng ta; … tình yêu thương của họ dành cho chúng ta và ước muốn của họ cho hạnh phúc của chúng ta chắc hẳn lớn lao hơn cảm nghĩ của chúng ta về bản thân mình.”1

Các mối quan hệ có thể được củng cố với những người chúng ta biết và yêu thương nhưng đã qua đời. Điều đó được thực hiện qua nỗ lực quyết tâm của chúng ta để tiếp tục làm điều đúng. Chúng ta có thể củng cố mối quan hệ của mình với những người mình yêu thương đã qua đời bằng cách công nhận rằng cảnh xa nhau là tạm thời và rằng các giao ước được lập trong đền thờ là vĩnh cửu. Khi được chúng ta tuân theo một cách kiên định thì các giao ước này bảo đảm rằng các lời hứa vốn có trong giao ước đều được làm tròn một cách vĩnh cửu.

Một trường hợp rất rõ ràng về sự mặc khải trong cuộc sống của tôi đã xảy ra khi tôi được Thánh Linh thúc giục một cách mạnh mẽ để hỏi xin Jeanene Watkins được làm lễ gắn bó với tôi trong đền thờ.

Một trong các bài học quan trọng mà mỗi chúng ta cần phải học là cầu vấn. Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu nguyện lên Ngài và cầu vấn? Vì đó là cách nhận được sự mặc khải.

Khi tôi gặp phải một vấn đề rất khó khăn, thì đây là cách tôi cố gắng hiểu phải làm điều gì. Tôi nhịn ăn. Tôi cầu nguyện để tìm ra và hiểu các câu thánh thư nào sẽ giúp ích. Tiến trình đó là chu kỳ lặp đi lặp lại. Tôi bắt đầu đọc một đoạn thánh thư; tôi suy ngẫm ý nghĩa của câu đó và cầu nguyện để nhận được sự soi dẫn. Rồi tôi suy ngẫm và cầu nguyện để biết tôi đã đạt được tất cả những gì Chúa muốn tôi làm chưa. Thường thường, sự hiểu biết nhiều hơn về giáo lý mang đến nhiều ấn tượng hơn. Tôi đã thấy rằng mẫu mực này là một cách hay để học từ thánh thư.

Có một số nguyên tắc thực tiễn làm tăng thêm sự mặc khải. Trước hết, nhường chỗ cho những mối cảm xúc như tức giận, tổn thương hay có tính cách phòng thủ đều sẽ xua đuổi Đức Thánh Linh. Cần phải loại bỏ các mối cảm xúc đó, nếu không, cơ may để nhận được mặc khải sẽ rất ít.

Một nguyên tắc khác nữa là phải thận trọng với tính hài hước. Tiếng cười lớn, không thích hợp sẽ xúc phạm đến Thánh Linh. Việc biết sử dụng tính hài hước hợp lý có ích cho sự mặc khải; tiếng cười lớn thì không. Sự hài hước là một cách thoát khỏi những áp lực của đời sống.

Một kẻ thù khác của sự mặc khải đến từ sự cường điệu thái quá hay ầm ĩ đối với điều đang được đề cập đến. Lời nói nhỏ nhẹ thận trọng sẽ gia tăng khả năng để nhận được sự mặc khải.

Mặt khác, sự giao tiếp thuộc linh có thể được gia tăng nhờ vào sức khỏe. Thể dục, thời gian ngủ hợp lý, và thói quen ăn uống đúng cách làm gia tăng khả năng của chúng ta để nhận và hiểu được sự mặc khải. Chúng ta sẽ sống quãng đời đã được chỉ định của mình. Tuy nhiên, chúng ta có thể nâng cao phẩm chất của sự phục vụ lẫn sự an lạc của mình bằng cách lựa chọn kỹ lưỡng và thích hợp.

Là điều quan trọng để những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta không làm chúng ta xao lãng việc lắng nghe Thánh Linh.

Sự mặc khải cũng có thể được ban cho trong một giấc mơ, khi có một sự chuyển tiếp hầu như không thể nhận thấy từ giấc ngủ đến khi tỉnh ngủ. Nếu cố gắng ghi lại ngay chi tiết xảy ra trong giấc mơ thì các anh chị em có thể ghi lại chi tiết quan trọng, nếu không thì nó sẽ phai mờ rất nhanh. Sự giao tiếp được soi dẫn trong đêm thường đi kèm theo với một cảm nghĩ thiêng liêng về toàn bộ kinh nghiệm trong một giấc mơ. Chúa sử dụng những người chúng ta kính trọng để dạy về lẽ thật trong một giấc mơ vì chúng ta tin cậy họ và sẽ lắng nghe lời khuyên dạy của họ. Chính Chúa là Đấng giảng dạy qua Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, Ngài có thể làm điều đó trong một giấc mơ vừa dễ hiểu hơn vừa có thể làm cảm động lòng chúng ta bằng cách giảng dạy chúng ta qua một người nào đó mà mình yêu mến và kính trọng.

Nếu là vì các mục đích của Chúa, thì Ngài có thể mang bất cứ điều gì đến cho ký ức của chúng ta. Sự kiện này không nên làm suy yếu quyết tâm của chúng ta để ghi lại những ấn tượng của Thánh Linh. Việc ghi lại kỹ sự soi dẫn đó cho Thượng Đế thấy rằng những sự giao tiếp của Ngài đều thiêng liêng đối với chúng ta. Việc ghi lại những điều đó cũng sẽ làm gia tăng khả năng của chúng ta để nhớ lại điều mặc khải. Việc ghi lại điều hướng dẫn như vậy từ Thánh Linh cần phải được bảo vệ không để mất mát hay bị người khác xâm phạm.

Thánh thư đưa ra sự xác nhận hùng hồn về việc lẽ thật, nếu được kiên định sống theo, sẽ mở cánh cửa dẫn đến sự soi dẫn để biết điều gì phải làm và nơi nào cần đến, để khả năng của một người được tăng thêm bởi quyền năng thiêng liêng như thế nào. Thánh thư mô tả việc khả năng của một người khác để khắc phục khó khăn, nỗi ngờ vực và những thử thách dường như không vượt qua được đã được Chúa củng cố như thế nào trong lúc hoạn nạn. Khi các anh chị em suy ngẫm về các ví dụ đó, thì sẽ có một sự xác nhận âm thầm qua Đức Thánh Linh rằng những kinh nghiệm của họ là có thật. Các anh chị em sẽ dần dần biết rằng sự giúp đỡ tương tự có sẵn cho các anh chị em.

Tôi đã thấy các cá nhân đương đầu với những thử thách là những người đã biết phải làm gì khi thử thách vượt quá kinh nghiệm của họ vì họ tin cậy Chúa và biết rằng Ngài sẽ hướng dẫn họ đến những giải pháp được đòi hỏi cấp bách.

Chúa đã phán: “Và các ngươi phải được giảng dạy từ trên cao. Hãy tự thánh hóa mình, rồi các ngươi sẽ được ban cho quyền năng, để các ngươi có thể ban phát như ta đã nói.”2 Những từ tự thánh hóa mình có thể dường như khó hiểu. Chủ Tịch Harold B. Lee có lần đã giải thích rằng ta có thể thay thế những từ đó bằng cụm từ “tuân giữ các lệnh truyền của ta.” Nếu đọc theo cách đó thì lời khuyên dạy này có thể dường như rõ ràng hơn.3

Một người cần phải luôn luôn trong sạch về mặt tinh thần và thể xác cũng như có ý định thanh khiết để Chúa có thể soi dẫn người ấy. Một người tuân theo các lệnh truyền của Chúa thì được Ngài tin cậy. Người ấy có quyền tiếp cận với sự soi dẫn của Ngài để biết phải làm gì và nếu cần thì có quyền năng thiêng liêng để làm điều đó.

Để được phát triển vững mạnh hơn và sẵn sàng hơn khi cần đến, thì phần thuộc linh phải được gieo vào trong một môi trường ngay chính. Tính kiêu kỳ, thái độ ngạo mạn, và tự cao tự đại cũng giống như đất đá sỏi mà sẽ không bao giờ sinh ra trái thuộc linh.

Lòng khiêm nhường là đất mầu mỡ, là nơi phát triển phần thuộc linh và sinh ra trái của sự soi dẫn để biết phải làm điều gì. Lòng khiêm nhường cho phép tiếp cận với quyền năng thiêng liêng để hoàn thành điều cần phải được làm. Một người bị thúc đẩy bởi ước muốn được khen ngợi hay thừa nhận thì sẽ không hội đủ điều kiện để được Thánh Linh giảng dạy. Một người ngạo mạn hoặc để cho cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định của mình thì sẽ không được Thánh Linh hướng dẫn một cách mạnh mẽ.

Khi hành động với tư cách là công cụ thay cho những người khác, chúng ta dễ được soi dẫn hơn khi chỉ nghĩ về bản thân mình. Trong tiến trình giúp đỡ những người khác, Chúa có thể thêm vào những chỉ dẫn vì lợi ích riêng của chúng ta.

Cha Thiên Thượng không đặt chúng ta trên thế gian để thất bại mà là để thành công một cách vinh quang. Điều đó dường như mâu thuẫn, nhưng đó chính là lý do tại sao việc nhận ra những sự đáp ứng cho lời cầu nguyện đôi khi có thể rất khó khăn. Đôi khi chúng ta dại dột cố gắng đối phó với cuộc sống bằng cách dựa vào kinh nghiệm và khả năng của mình. Là điều khôn ngoan hơn cho chúng ta nếu tìm kiếm qua lời cầu nguyện và sự soi dẫn thiêng liêng để biết phải làm gì. Sự vâng lời của chúng ta bảo đảm rằng khi cần, chúng ta có thể hội đủ điều kiện nhận được quyền năng thiêng liêng để hoàn thành một mục tiêu đã được soi dẫn.

Giống như nhiều người chúng ta, Oliver Cowdery đã không nhận ra những câu trả lời hiển nhiên cho những lời cầu nguyện đã được Chúa ban ra. Để mở rộng tầm nhìn của ông cũng như của chúng ta, điều mặc khải này đã được ban cho qua Joseph Smith:

“Phước thay cho ngươi về những gì ngươi đã làm; vì ngươi đã cầu vấn ta, và này, đã bao lần ngươi cầu vấn, ngươi đều nhận được sự chỉ dẫn từ Thánh Linh của ta. Nếu không phải như vậy, thì ngươi đã chẳng đến nơi mà hiện thời ngươi đang hiện diện.

“Này, ngươi biết rằng ngươi đã cầu vấn ta và ta đã soi sáng tâm trí ngươi; và giờ đây ta nói ra những điều này để ngươi có thể biết được rằng ngươi đã được Thánh Linh của lẽ thật soi sáng.”4

Nếu các anh chị em cảm thấy rằng Thượng Đế đã không đáp ứng những lời cầu nguyện của mình, thì hãy suy ngẫm những câu thánh thư này—rồi tìm kiếm kỹ bằng chứng trong cuộc sống của các anh chị em về điều Ngài đã trả lời cho các anh chị em rồi.

Hai điều cho thấy rằng một cảm nghĩ hay sự thúc giục đến từ Thượng Đế là những điều đó đem lại bình an trong lòng chúng ta và một cảm nghĩ ấm áp lặng lẽ. Khi các anh chị em tuân theo các nguyên tắc mà tôi đã thảo luận, thì các anh chị em sẽ được chuẩn bị để nhận ra điều mặc khải vào lúc nguy nan trong cuộc sống của mình.

Các anh chị em càng tuân theo chặt chẽ sự hướng dẫn thiêng liêng thì hạnh phúc của các anh chị em sẽ càng lớn lao hơn ở nơi đây và trong thời vĩnh cửu—ngoài ra, sự tiến triển và khả năng phục vụ của các anh chị em cũng dồi dào hơn nữa. Tôi hoàn toàn không hiểu điều đó được thực hiện như thế nào, nhưng sự hướng dẫn đó trong cuộc sống của các anh chị em không lấy đi quyền tự quyết của các anh chị em. Các anh chị em có thể đưa ra những quyết định mình chọn để đưa ra. Nhưng hãy nhớ, khuynh hướng để làm điều đúng mang đến bình an cho tâm trí và hạnh phúc.

Nếu các anh chị em chọn điều sai, thì điều đó có thể được sửa lại qua sự hối cải. Khi những điều kiện của con đường này đã được đáp ứng hoàn toàn thì Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi chúng ta, mang đến việc giải thoát khỏi sự đòi hòi của công lý về những lỗi lầm đã làm. Điều đó thật là giản dị một cách kỳ diệu và tuyệt vời có một không hai. Khi tiếp tục sống ngay chính, các anh chị em sẽ luôn luôn được thúc giục để biết phải làm gì. Đôi khi sự khám khá về hành động nào phải làm có thể đòi hỏi nỗ lực và sự tin cậy đáng kể về phần các anh chị em. Tuy thế, các anh chị em sẽ được thúc giục để biết phải làm gì khi đáp ứng những điều kiện để có được sự hướng dẫn thiêng liêng như vậy trong cuộc sống của mình, đó là tuân theo các lệnh truyền của Chúa, tin cậy nơi kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng của Ngài, và tránh bất cứ điều gì trái ngược với kế hoạch đó.

Sự giao tiếp với Cha Thiên Thượng không phải là một vấn đề nhỏ nhặt. Đó là một đặc ân thiêng liêng. Sự giao tiếp được dựa vào các nguyên tắc vĩnh cửu bất biến. Chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng để đáp ứng đức tin, sự vâng lời và việc sử dụng thích hợp quyền tự quyết của mình.

Cầu xin Chúa soi dẫn cho các anh chị em hiểu và sử dụng các nguyên tắc đưa đến sự mặc khải và soi dẫn cá nhân trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.