2012
Đấng Ky Tô Nghĩ Như Thế Nào về Tôi?
Tháng Năm năm 2012


Đấng Ky Tô Nghĩ Như Thế Nào về Tôi?

Nếu yêu mến, tin cậy, tin tưởng và tuân theo Ngài, thì các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự chấp thuận của Ngài.

Anh Cả Neil L. Andersen

Một phóng viên của một tạp chí hàng đầu ở Brazil đã nghiên cứu về Giáo Hội để chuẩn bị cho một bản tin quan trọng.1 Người ấy xem xét giáo lý của chúng ta và đi tham quan các trung tâm viện trợ nhân đạo và huấn luyện truyền giáo. Người ấy nói chuyện với những người bạn của Giáo Hội và với những người khác không được thân thiện lắm. Trong cuộc phỏng vấn với tôi, người phóng viên ấy dường như thật sự hoang mang khi hỏi: “Làm thế nào một người nào đó không thể nghĩ rằng quý vị là Ky Tô hữu được?” Tôi biết rằng người ấy ám chỉ Giáo Hội, nhưng bằng cách nào đó, tôi nghĩ rằng câu hỏi đó là nhằm vào cá nhân tôi, và tôi thấy mình tự trả lời thầm: “Cuộc sống của tôi có phản ảnh tình yêu thương và lòng tận tụy tôi cảm thấy đối với Đấng Cứu Rỗi không?”

Chúa Giê Su hỏi những người Pha Ri Si, “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào?”2 Trong sự phán xét cuối cùng, vai trò các môn đồ của chúng ta sẽ không phải được bạn bè hay kẻ thù phán xét. Thay vì thế, như Phao Lô nói: “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời.”3 Vào ngày đó câu hỏi quan trọng cho mỗi chúng ta sẽ là: “Đấng Ky Tô nghĩ như thế nào về tôi?”

Mặc dù Ngài yêu thương tất cả nhân loại, nhưng Chúa Giê Su khiển trách một số người ở xung quanh Ngài là giả hình,4 dại,5 và làm gian ác.6 Ngài hài lòng gọi những kẻ khác là con cái nước thiên đàng7 và sự sáng của thế gian.8 Ngài không hài lòng gọi một số người là mù9 và không kết quả.10 Ngài khen những người khác là có lòng trong sạch11 và đói khát sự công bình.12 Ngài than rằng có một số người không tin13 và thuộc về thế gian,14 nhưng Ngài quý trọng những người khác là những người được chọn,15 các môn đồ,16 bạn hữu.17 Vậy nên, mỗi người chúng ta hỏi: “Đấng Ky Tô nghĩ như thế nào về tôi?”

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã mô tả xã hội chúng ta ngày nay là đang rời xa “khỏi điều thuộc linh … [với] thế giới thay đổi xung quanh chúng ta, và các nguyên tắc đạo đức của xã hội tiếp tục suy yếu ngay trước mắt chúng ta.”18 Đây là lúc càng ngày càng có nhiều thái độ không tin và coi thường Đấng Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài.

Trong cảnh hỗn loạn này, chúng ta hân hoan được làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta thấy ảnh hưởng của Chúa ở xung quanh chúng ta. Điểm đến của chúng ta đã được trải ra trước mắt một cách tuyệt diệu. Chúa Giê Su cầu nguyện: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”19 Việc làm môn đồ trong những ngày của vận mệnh này sẽ là một cách bày tỏ lòng kính trọng trong suốt vĩnh cửu.

Các sứ điệp chúng ta đã nghe trong đại hội này là dấu hiệu từ Chúa để hướng dẫn chúng ta trên cuộc hành trình làm môn đồ của mình. Trong khi lắng nghe trong hai ngày nay, chúng ta đã cầu nguyện để có được sự hướng dẫn thuộc linh, và khi chúng ta nghiên cứu và cầu nguyện về những sứ điệp này trong những ngày sắp tới, Chúa sẽ ban phước bằng cách chỉ dẫn riêng cho cá nhân chúng ta qua ân tứ Đức Thánh Linh. Những cảm nghĩ này thậm chí còn hướng chúng ta nhiều hơn về phía Thượng Đế, sự hối cải, vâng lời, tin tưởng và trông cậy. Đấng Cứu Rỗi đáp ứng những hành động với đức tin của chúng ta: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.”20

Lời mời gọi của Chúa Giê Su “hãy đến mà theo ta”21 không phải chỉ dành cho những người vững mạnh về phần thuộc linh. Thật sự, vai trò môn đồ không phải là một cuộc thi đua, mà là một lời mời gọi tất cả mọi người. Cuộc hành trình làm môn đồ của chúng ta không phải là một cuộc đua ngắn quanh vòng đua hoặc được so sánh hoàn toàn với một cuộc chạy đua maratông đường dài. Thật ra, đó là một cuộc hành trình suốt đời hướng đến một thế giới thượng thiên.

Lời mời gọi này là một sự kêu gọi của bổn phận hằng ngày. Chúa Giê Su phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.”22 “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.”23 Chúng ta có thể không làm điều tốt nhất mỗi ngày, nhưng nếu cố gắng, thì lời mời gọi của Chúa Giê Su lại đầy khích lệ và hy vọng: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”24

Bất cứ đang ở đâu trên con đường làm môn đồ, thì các anh chị em đều ở đúng đường, con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta có thể cùng nhau nâng đỡ và củng cố lẫn nhau trong những ngày trọng đại và quan trọng trước mắt. Dù đang đương đầu với những khó khăn nào, những yếu đuối nào đang giam hãm chúng ta, hoặc đang bị vây quanh bởi những điều không thể nào xảy ra được thì chúng ta hãy có đức tin nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế, là Đấng đã phán: “Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.”25

Tôi xin chia sẻ hai tấm gương về vai trò môn đồ tích cực. Ví dụ thứ nhất là từ cuộc sống của Chủ Tịch Thomas S. Monson, cho thấy quyền năng của lòng nhân từ giản dị và lời giảng dạy của Chúa Giê Su: “Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.”26

Cách đây gần 20 năm, Chủ Tịch Monson đã nói chuyện trong đại hội trung ương về một thiếu nữ 12 tuổi đang mắc bệnh ung thư. Ông nói về lòng can đảm và nhân từ của những người bạn của em để khiêng em đi lên Núi Timpanogos nằm ở giữa tiểu bang Utah.

Cách đây một vài năm, tôi gặp Jami Palmer Brinton và nghe câu chuyện đó từ một góc nhìn khác—góc nhìn về điều Chủ Tịch Monson đã làm cho em ấy.

Jami gặp Chủ Tịch Monson vào tháng Ba năm 1993, một ngày sau khi được cho biết rằng một khối u ở bên đầu gối phải của em là bệnh ung thư xương đang phát triển nhanh. Với sự phụ giúp của cha em, Chủ Tịch Monson ban một phước lành chức tư tế và hứa rằng: “Chúa Giê Su sẽ ở bên mặt em và ở bên trái em để nâng đỡ em.”

Jami nói: “Khi rời văn phòng của ông vào ngày đó, tôi đã tháo sợi dây buộc một quả bóng vào xe lăn của mình và đưa tặng cho ông. Trên quả bóng đó có ghi hàng chữ rực rỡ ‘Bạn Là Người Tốt Nhất.’”

Sau nhiều lần điều trị bằng hóa học trị liệu và giải phẫu để cứu cái chân của em, Chủ Tịch Monson đã không quên em. Jami nói: “Chủ Tịch Monson nêu gương về ý nghĩa của việc làm một môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô. [Ông] đã nâng tôi ra khỏi nỗi buồn phiền để đến hy vọng lớn lao và lâu dài.” Ba năm sau lần gặp đầu tiên, một lần nữa Jami ngồi trong văn phòng của Chủ Tịch Monson. Khi buổi họp kết thúc, ông đã làm một điều mà Jami sẽ không bao giờ quên. Với cử chỉ ân cần đặc biệt vốn có của Chủ Tịch Monson, ông đã làm cho em ngạc nhiên cũng với quả bóng mà em đã tặng ông ba năm trước đó. Trên quả bóng có ghi: “Bạn Là Người Tốt Nhất!” Ông đã giữ quả bóng đó, vì biết rằng em ấy sẽ trở lại văn phòng của ông khi em được lành bệnh ung thư. Mười bốn năm sau khi gặp Jami lần đầu tiên, Chủ Tịch Monson đã thực hiện lễ hôn phối của Jami và Jason Brinton trong Đền Thờ Salt Lake.27

Chúng ta có thể học được rất nhiều từ vai trò môn đồ của Chủ Tịch Monson. Ông thường nhắc nhở Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương hãy ghi nhớ câu hỏi giản dị này: “Nếu là Chúa Giê Su, thì Ngài sẽ làm gì?”

Chúa Giê Su phán bảo người cai nhà hội: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi.”28 Vai trò môn đồ là tin nơi Ngài trong lúc bình an và tin nơi Ngài trong lúc khó khăn, khi nỗi đau đớn và sợ hãi của chúng ta chỉ được xoa dịu bởi lòng tin chắc rằng Ngài yêu thương chúng ta và giữ các lời hứa của Ngài.

Tôi mới vừa gặp một gia đình nọ, họ là một tấm gương sáng về cách chúng ta tin nơi Ngài. Olgan và Soline Saintelus ở Port-au-Prince, Haiti, đã kể cho tôi nghe về câu chuyện của họ.

Vào ngày 12 tháng Giêng năm 2010, Olgan đang làm việc và Soline đang ở tại nhà thờ thì một trận động đất đầy sức tàn phá giáng xuống Haiti. Ba đứa con của họ, Gancci, năm tuổi, Angie, ba tuổi, và Gansly, một tuổi, đang ở nhà với một người bạn trong căn hộ của họ.

Cảnh tàn phá tan hoang ở khắp mọi nơi. Như các anh chị em nhớ lại, hằng chục ngàn người thiệt mạng vào tháng Giêng năm đó ở Haiti. Olgan và Soline cố gắng hết sức chạy nhanh về căn hộ của họ để tìm con. Tòa nhà ba tầng nơi gia đình Saintelus sinh sống đã sụp đổ.

Con cái của họ đã không thoát được. Không có nỗ lực giải cứu nào được dành cho một tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn như vậy.

Olgan lẫn Soline Saintelus đều phục vụ truyền giáo toàn thời gian và đã kết hôn trong đền thờ. Họ tin nơi Đấng Cứu Rỗi và nơi những lời hứa của Ngài dành cho họ. Tuy nhiên, họ buồn vô cùng. Họ không ngừng khóc.

Olgan nói cho tôi biết rằng anh đã bắt đầu cầu nguyện trong giờ phút tối tăm nhất của anh: “Thưa Cha Thiên Thượng, nếu là ý Cha, xin Ngài chỉ cần ban cho một đứa con của con được sống sót. Xin Cha giúp chúng con.” Anh đã nhiều lần bước đi quanh tòa nhà và cầu nguyện để được soi dẫn. Những người hàng xóm cố gắng an ủi và giúp anh chấp nhận rằng anh đã mất mấy đứa con của mình. Olgan tiếp tục đi quanh đống gạch vụn của tòa nhà sụp đổ với hy vọng và cầu nguyện. Rồi một điều thật nhiệm mầu đã xảy ra. Olgan nghe tiếng khóc của một đứa bé gần như không thể nghe được. Đó là tiếng khóc của con anh.

Trong nhiều giờ, những người hàng xóm đã cố gắng đào bới đống gạch vụn một cách tuyệt vọng và liều mạng họ. Trong đêm tối, qua âm thanh chát chúa của tiếng búa và đục, các nhân viên giải cứu đã nghe một tiếng khác nữa. Họ ngừng tay và lắng nghe. Họ không thể tưởng tượng nổi điều họ đang nghe được. Đó là tiếng của một đứa nhỏ—và nó đang hát. Về sau, Gancci năm tuổi nói rằng nó biết là cha nó sẽ nghe được nó nếu nó hát. Dưới sức nặng của khối bê tông đè lên nó, mà về sau đưa đến việc cưa cánh tay của nó, Gancci đã hát bài ca ưa thích của nó: “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.”29

Trong khi nhiều giờ trôi qua, ở giữa bóng tối, cái chết và nỗi tuyệt vọng của rất nhiều con trai và con gái quý báu của Thượng Đế ở Haiti, gia đình Saintelus đã có được một phép lạ. Gancci, Angie, và Gansly đã được tìm thấy sống sót dưới tòa nhà đổ nát.30

Các phép lạ không phải lúc nào cũng xảy ra ngay lập tức. Đôi khi chúng ta tự hỏi tại sao phép lạ chúng ta đã cầu nguyện không xảy ra ở đây và bây giờ. Nhưng nếu chúng ta tin cậy nơi Đấng Cứu Rỗi, thì các phép lạ đã được hứa sẽ xảy ra. Cho dù trong cuộc sống này hay cuộc sống mai sau, tất cả đều sẽ được làm cho đúng. Đấng Cứu Rỗi phán: “Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”31 “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!”32

Tôi làm chứng rằng nếu yêu mến, tin cậy, tin tưởng và tuân theo Ngài, thì các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự chấp thuận của Ngài. Khi hỏi: “Đấng Ky Tô nghĩ như thế nào về tôi?”, các anh chị em sẽ biết rằng mình là môn đồ, là bạn của Ngài. Qua ân điển của Ngài, Ngài sẽ làm cho các anh chị em điều các anh chị em không thể tự mình làm được.

Chúng ta thiết tha chờ đợi bài nói chuyện bế mạc của vị tiên tri yêu dấu của mình. Chủ Tịch Thomas S. Monson được sắc phong Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô khi tôi 12 tuổi. Trong hơn 48 năm, chúng ta đã được phước để nghe ông làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng ông hiện đang là Sứ Đồ trưởng của Đấng Cứu Rỗi trên thế gian.

Với tình yêu thương và lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với nhiều môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô là những người không phải tín hữu của Giáo Hội này, chúng tôi khiêm nhường tuyên bố rằng các thiên sứ đã trở lại thế gian trong thời kỳ chúng ta. Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được Ngài thiết lập vào thời xưa, giờ đã được phục hồi, với quyền năng, các giáo lễ, và phước lành của thiên thượng. Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Ngài đã chịu đau đớn và chết vì tội lỗi của chúng ta và sống lại vào ngày thứ ba. Ngài đã phục sinh. Trong một ngày tương lai, mọi đầu gối sẽ quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Ngài là Đấng Ky Tô.33 Vào ngày đó, mối quan tâm của chúng sẽ không phải là: “Những người khác có coi tôi là Ky Tô hữu không?” Vào lúc đó, mắt của chúng ta sẽ dán chặt vào Ngài, và tâm hồn chúng ta sẽ tập trung vào câu hỏi: “Đấng Ky Tô nghĩ như thế nào về tôi?” Ngài hằng sống. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.