2009
Ngoan Ngoãn và Sẵn Sàng Tin Theo
Tháng Mười Một năm 2009


Ngoan Ngoãn và Sẵn Sàng Tin Theo

Cuộc sống hằng ngày theo phúc âm mang đến sự mềm lòng cần thiết để ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Thượng Đế.

Hình Ảnh
Elder Michael T. Ringwood

Trong vài tháng trước, tôi nhiều lần bị thu hút bởi một đoạn thánh thư được ghi lại trong sách Hê La Man, chương 6: “Và như vậy chúng ta thấy rằng, Chúa bắt đầu trút Thánh Linh của Ngài lên dân La Man, cũng vì họ ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Ngài” (câu 36).

Khi đọc câu thánh thư này vào lúc học thánh thư riêng, tôi rất cảm động sâu xa và khiến tôi suy ngẫm vài tuần. Tôi bắt đầu hỏi mình có ngoan ngoãn tin theo lời Thượng Đế không. Và tại sao những người La Man cải đạo này lại ngoan ngoãn tin theo như vậy? Điều gì đã xảy ra khiến cho một dân tộc đầy lòng căm thù và không tin lại ngoan ngoãn cùng sẵn sàng tin theo lời của Thượng Đế (xin xem 4 Nê Phi 1:39)?

Chúng ta biết nguyên nhân của sự thay đổi này trong một năm đáng chú ý nhất. Năm thứ 62 trong thời gian trị vì của các phán quan, có 8.000 dân La Man ở Gia Ra Hem La được cải đạo khi Nê Phi và Lê Hi giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền, rồi điều họ cần giảng dạy được ban cho họ (xin xem Hê La Man 5:18–19). Ba trăm người khác được cải đạo nhờ vào kinh nghiệm nhiệm mầu mà trong đó họ đã nghe được một tiếng nói xuyên thấu tận tâm hồn của họ (xin xem Hê La Man 5:30). Ba trăm người này đi đến để giết chết Nê Phi và Lê Hi khi hai ông đang ngồi trong nhà giam, nhưng 300 người này thấy mình đang cầu khẩn Thượng Đế khi A Mi Na Đáp, trước đây là người Nê Phi và ly khai khỏi Giáo Hội, nhớ và biết phải cầu nguyện cho đến khi họ có đức tin nơi Đấng Ky Tô (xin xem Hê La Man 5:35–41). Thêm nhiều người dân La Man nữa đã được cải đạo nhờ vào chứng ngôn của 300 người này khi phục sự những người tuyên bố về điều họ đã nghe thấy (xin xem Hê La Man 5:49–50).

Năm thứ 62 kết thúc với lời này: “Tất cả những sự việc này đã xảy ra, và dân La Man, phần lớn dân họ, đã trở thành một dân tộc ngay chính” (Hê La Man 6:1).

Đặc điểm của sự cải đạo của họ khiến những người dân La Man này cất bỏ lòng căm thù đối với dân Nê Phi và dẹp bỏ vũ khí chiến tranh của mình (xin xem Hê La Man 5:51 and 5:19); họ vững chắc và bền lòng trong đức tin của mình (xin xem Hê La Man 6:1); họ tuân giữ các lệnh truyền cùng bước đi trong lẽ thật và sự ngay thẳng (xin xem Hê La Man 6:34); và họ tăng trưởng trong sự hiểu biết về Thượng Đế (xin xem Hê La Man 6:34).

Tuy nhiên điều gây ấn tượng nhất cho tôi là lòng ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời của Thượng Đế. Lòng ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo mang đến cho họ Thánh Linh dồi dào và giúp họ kiên trì trong đức tin cho đến cùng (xin xem Hê La Man 15:5–9).

Buồn thay, cũng trong thời kỳ này, phần đông dân Nê Phi trở nên chai đá, không hối cải và hết sức tà ác (xin xem Hê La Man 6:2; xin xem thêm các câu 31–34). Điều trái ngược với điều dân La Man đã trải qua, đang xảy ra cho dân Nê Phi. Sự chai đá trong lòng họ làm cho Thánh Linh rút lui (xin xem Hê La Man 6:35), trong khi sự mềm lòng của dân La Man làm cho Thánh Linh trút xuống.

Khi suy ngẫm điều gì khiến cho sự thay đổi mạnh mẽ đó trong lòng của những người dân La Man này, tôi nhận thấy rằng việc ngoan ngoãn và sẵn sàng để tin theo lời Thượng Đế xuất phát từ sự mềm lòng. Điều này xuất phát từ việc có một tấm lòng có thể yêu thương, mà sẽ lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, cũng như cảm nhận được quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.

Việc ngoan ngoãn tin theo xuất phát từ tấm gương của những người mềm lòng và nêu gương ngoan ngoãn tin theo như Nê Phi và Lê Hi. Cha của họ là Hê La Man đặt tên họ là Nê Phi và Lê Hi để nhắc họ nhớ đến đức tin của tổ phụ họ (xin xem Hê La Man 5:6). Tương tự như vậy, nhiều người chúng ta đã ghi khắc vào tên của mình một di sản đức tin từ tổ tiên là những người mềm lòng và thấy dễ tin theo lời Thượng Đế. Một số người này cũng giống như ông sơ của tôi là Ephraim K. Hanks, khám phá ra anh của ông “đã đi theo những người Mặc Môn” và quyết tâm sẽ mang anh mình trở về nhà. Chẳng ngạc nhiên gì khi Ephraim dọn đến Nauvoo và chịu phép báp têm ngay sau khi nghe anh của ông chia sẻ chứng ngôn về Joseph Smith và phúc âm phục hồi (xin xem Richard K. Hanks, “Eph Hanks, Pioneer Scout“ [luận án cao học, được trình bày với Sở Lịch Sử và Giáo Lý của Giáo Hội, trường Brigham Young University, 1973], 18–21).

Chúng ta được phước với những người khác trong thánh thư, là những người dạy cho chúng ta biết cách làm thế nào để được ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo. Nê Phi, con trai của Lê Hi, là một tấm gương như thế. Hành động đầu tiên của ông khi nghe cha mình giảng dạy về sự hủy diệt của Giê Ru Sa Lem là kêu cầu Chúa cho đến khi ông cảm thấy mềm lòng và tin theo tất cả những lời của cha mình (xin xem 1 Nê Phi 2:16). Chúa đã phán thẳng với Nê Phi rằng: “Phước thay cho con, hỡi Nê Phi, nhờ đức tin của con, vì con đã biết chuyên tâm tìm tới ta với sự khiêm tốn trong lòng.” (1 Nê Phi 2:19). Nê Phi giảng dạy tầm quan trọng của ước muốn và sự siêng năng trong việc tuân giữ các lệnh truyền và kêu cầu Thượng Đế để có được khả năng nói một cách dễ dàng: “Con sẽ đi và làm” (1 Nê Phi 2:16–20).

Chúng ta học được từ Ê Nót tầm quan trọng để cho những lời của Thượng Đế khắc sâu vào lòng mình cho đến khi chúng ta khát khao lẽ thật (xin xem Ê Nót 1:3–4). Việc ngoan ngoãn để tin theo sẽ đến khi lời của Thượng Đế được khắc vào lòng chúng ta (xin xem Giê Rê Mi 31:33; 2 Cô Rinh Tô 3:3).

Từ tấm gương của cha La Mô Ni, chúng ta học được tầm quan trọng của sự mềm lòng để sẵn sàng thay đổi. Cha của La Mô Ni sẵn sàng từ bỏ nửa vương quốc cho Am Môn để đổi lấy mạng sống mình (xin xem An Ma 20:21–23). Sau khi Am Môn chỉ yêu cầu nhà vua cho phép La Mô Ni thờ phượng như mong muốn trong vương quốc của ông thì sự hào hiệp và cao cả của những lời Am Môn nói khiến cho nhà vua bị rối trí (xin xem An Ma 20:24; 22:3). Khi A Rôn đến giảng dạy cho nhà vua thì lòng nhà vua đã thay đổi và ngoan ngoãn tin theo khi nhà vua nói với A Rôn: “Này, trẫm sẽ tin” (An Ma 22:7). Rồi ông bày tỏ sự sẵn lòng từ bỏ tất cả những gì ông sở hữu ngay cả vương quốc của ông, để có được niềm vui của Chúa (xin xem An Ma 22:15). Lần đầu tiên khi cầu nguyện, ông đã dâng lên điều Cha Thiên Thượng muốn khi ông nói: “Con sẽ từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài” (An Ma 22:18). Việc ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Thượng Đế sẽ xuất phát từ sự hối cải và vâng lời.

Việc xem xét cuộc sống cá nhân của mình sẽ cho thấy những lúc chúng ta thấy dễ dàng hơn để tin theo lời Thượng Đế. Những thời kỳ thay đổi quan trọng, như hôn nhân hay sự ra đời một đứa con, những thời kỳ phục vụ tích cực vì một sự kêu gọi mới hoặc công việc truyền giáo, những thời kỳ khi chúng ta còn trẻ với vị giám trợ, các vị lãnh đạo giới trẻ và các giảng viên lớp giáo lý tuyệt vời, những thời kỳ thử thách, và những thời kỳ tăng trưởng từ việc học hỏi lần đầu về phúc âm đều là tất cả những thời kỳ ngoan ngoãn để tin theo. Có lẽ thời kỳ quan trọng nhất là thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, tôi thấy rất dễ tin theo lời của Thượng Đế mà đã được cha mẹ và ông bà dũng cảm dạy cho tôi. Dĩ nhiên, chúng ta được dạy phải trở nên như trẻ nhỏ để thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 3 Nê Phi 11:38). Dĩ nhiên, chúng ta được dạy phải “nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật” (xin xem GLGƯ 93:40).

Nếu các anh chị em giống như tôi thì các anh chị em sẽ thấy rằng điều thật sự mang đến sự ngoan ngoãn và sẵn sàng để tin theo trong những thời kỳ của cuộc sống này không phải là hoàn cảnh mà chính là việc cam kết sống theo phúc âm. Các anh chị em thấy mình quỳ xuống thường xuyên hơn và đắm mình trong thánh thư vào những thời kỳ này. Các anh chị em thấy dễ dàng hơn để nhóm lại cho buổi họp tối gia đình và cầu nguyện chung gia đình. Các anh chị em đã thấy thật là dễ dàng để ở trong nhà thờ và thờ phượng trong đền thờ. Các anh chị em thấy dễ dàng để đóng tiền thập phân và các của lễ. Thật vậy, cuộc sống hằng ngày theo phúc âm mang đến sự mềm lòng cần thiết để ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Thượng Đế.

Chứng ngôn của tôi là những lời giảng dạy từ vị tiên tri và các sứ đồ của chúng ta trong đại hội này, nếu tuân theo, sẽ dẫn đến một sự ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Thượng Đế. Chúng ta được khuyên dạy phải thờ phượng trong đền thờ; củng cố gia đình qua việc thường xuyên cầu nguyện chung gia đình, học thánh thư và tổ chức buổi họp tối gia đình, siêng năng phục vụ trong chức tư tế và những sự kêu gọi trong Giáo Hội; đóng tiền thập phân và các của lễ; có đức tin và cầu nguyện để được hướng dẫn; cùng sống xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh.

Chúng ta thường giống như Na A Man, người Sy Ri mắc bệnh phung đã cho đi mời vị tiên tri ở Y Sơ Ra Ên để được chữa sạch. Khi Ê Li Sê chỉ gửi một sứ giả đến với chỉ dẫn phải đi tắm bảy lần dưới sông Giô Đanh, thì Nê A Man bỏ đi lòng đầy tức giận. May thay, ông có một đầy tớ nói rằng: “Nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng ‘Hãy tắm thì được sạch” (2 Các Vua 5:13).

Tôi làm chứng rằng việc ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo này sẽ xuất phát từ việc làm những điều dường như tầm thường mà đã được giảng dạy cho chúng ta nhiều lần từ khi còn nhỏ. Việc vâng lời sẽ mang đến sự mềm lòng và ngoan ngoãn để tin theo lời Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng sự ngoan ngoãn để tin theo sẽ dẫn đến việc Thánh Linh trút xuống.

Một cuộc trắc nghiệm để đo lường sự ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo có thể xảy ra mỗi tuần khi chúng ta tham dự lễ Tiệc Thánh. Trong buổi lễ này, chúng ta tái lập các giao ước bằng cách bày tỏ sự sẵn lòng mang lấy danh của Đấng Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài (xin xem GLGƯ 20:77). Khi chúng ta ngồi trong buổi lễ Tiệc Thánh, chúng ta cần phải thấy rất dễ dàng để lập các giao ước này và dễ dàng để lắng nghe cũng như học hỏi qua Đức Thánh Linh.

Tôi mong mỏi có được Thánh Linh của Chúa trút xuống tôi nhờ vào việc “ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Ngài.” Tôi thấy rằng câu thánh thư này đã thức tỉnh tôi để ý thức được “bổn phận của mình đối với Thượng Đế”—rằng tôi cần phải “phục tùng và hiền lành, dễ dạy, lòng đầy kiên nhẫn; chuyên tâm tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế bất cứ lúc nào; luôn luôn biết dâng lời tạ ơn Thượng Đế về bất cứ những gì [tôi] nhận được (An Ma 7:22–23).

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn thấy dễ dàng để tin theo lời Ngài. Cầu xin cho các anh chị em dễ dàng tuyên bố như tôi, rằng Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngài là Đấng Chăn của chúng ta, và những người ngoan ngoãn và sẵn sàng để tin theo sẽ biết được tiếng Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In