Kỷ Luật Đạo Đức
Kỷ luật đạo đức là kiên định sử dụng quyền tự quyết để chọn điều đúng vì đó là điều đúng, mặc dù rất khó.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Chủ Tịch James E. Faust, lúc bấy giờ là một thanh niên gia nhập Quân Đội Hoa Kỳ, làm đơn xin theo học trường huấn luyện sĩ quan. Ông đến trình diện trước hội đồng thẩm định gồm có như ông mô tả là “[những] người lính lăn lóc trong nghiệp lính.” Sau một lúc, những câu hỏi của họ hướng đến vấn đề tôn giáo. Những câu hỏi cuối cùng là như sau:
“Trong thời chiến, đạo lý có cần phải nới lỏng không? Tình trạng căng thẳng của chiến tranh không biện minh cho những người đang làm điều họ sẽ không làm ở nhà trong hoàn cảnh bình thường sao?”
Chủ Tịch Faust thuật lại:
“Tôi nhận thấy đây có lẽ là cơ hội để gây ấn tượng cho họ và được coi là có đầu óc khoáng đạt. Tôi hoàn toàn biết rõ rằng những người đang đặt ra câu hỏi này không sống theo các tiêu chuẩn tôi đã được dạy. Ý nghĩ thoáng đến với tôi, mà có lẽ tôi có thể nói rằng tôi có niềm tin của riêng mình nhưng không muốn áp đặt niềm tin đó lên người khác. Nhưng dường như khuôn mặt của nhiều người tôi đã giảng dạy về luật trinh khiết khi còn là một người truyền giáo thoáng đến với tôi. Cuối cùng, tôi chỉ nói: ‘Tôi không tin là có hai tiêu chuẩn đạo đức.’
“Tôi rời khỏi buổi họp và chấp nhận sự thật là [họ đã không] thích những câu trả lời tôi đưa ra … và chắc chắn là sẽ cho tôi điểm rất thấp. Một vài ngày sau đó khi có kết quả thi, tôi ngạc nhiên vô cùng là tôi đã thi đậu. Tôi thuộc vào nhóm đầu tiên được nhận vào trường huấn luyện sĩ quan! …
“Đây là một trong những bước ngoặc then chốt của cuộc đời tôi.”1
Chủ Tịch Faust nhận ra rằng chúng ta đều có ân tứ quyền tự quyết về mặt đạo đức do Thượng Đế ban cho—quyền chọn lựa và bổn phận để chịu trách nhiệm về những chọn lựa đó (xin xem GLGƯ 101:78). Ông cũng hiểu và cho thấy rằng để đạt được các kết quả tích cực, thì quyền tự quyết về mặt đạo đức cần phải đi kèm với kỷ luật đạo đức.
Tôi có ý nói rằng từ “kỷ luật đạo đức” là kỷ luật tự giác dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức. Kỷ luật đạo đức là kiên định sử dụng quyền tự quyết để chọn điều đúng vì đó là điều đúng, mặc dù rất khó. Điều đó khước từ cuộc sống chỉ nghĩ đến mình nhằm ủng hộ việc phát triển cá tính xứng đáng với lòng tôn trọng và sự cao cả đích thực qua việc phục vụ giống như Đấng Ky Tô (xin xem Mác 10:42–45). Gốc của từ kỷ luật cũng giống như từ môn đồ gợi ý rằng việc noi theo tấm gương và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô là kỷ luật lý tưởng được kết hợp với ân điển của Ngài, tạo thành một con người đức hạnh và xuất sắc về mặt đạo đức.
Kỷ luật đạo đức của Chúa Giê Su bắt nguồn từ tư cách môn đồ của Ngài đối với Đức Chúa Cha. Ngài giải thích: “Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34). Qua cùng mẫu mực này, kỷ luật đạo đức của chúng ta bắt nguồn từ lòng trung kiên cùng tận tụy đối với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Chính phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng cơ sở đạo đức vững chắc tức là nền tảng của kỷ luật đạo đức.
Xã hội nơi nhiều người chúng ta sống đã hơn một thế hệ không ủng hộ kỷ luật đạo đức. Người ta đã giảng dạy rằng lẽ thật chỉ là tương đối và mọi người tự mình quyết định điều gì là đúng. Khái niệm về tội lỗi và điều sai lầm đã bị lên án là sự “phê phán giá trị.” Như Chúa mô tả điều đó: “mọi người lại đi theo con đường riêng của mình, và theo hình ảnh một Thượng Đế riêng của mình” (GLGƯ 1:16).
Do đó, kỷ luật tự giác đã bị xói mòn và xã hội bị bỏ mặc để cố gắng duy trì trật tự cũng như phép lịch sự bằng cách ép buộc. Việc thiếu khả năng kiềm chế bên trong cá nhân gây ra sự kiềm chế bên ngoài của chính quyền. Một nhà báo nhận xét rằng “hành vi lịch sự [ví dụ, chỉ một lần] bảo vệ phụ nữ khỏi hành vi thô lỗ. Ngày nay, chúng ta mong rằng các luật lệ về sự quấy nhiễu tình dục phải ngăn chặn hành vi thô lỗ… .
“Cảnh sát và luật pháp không thể nào thay thế phong tục, truyền thống và các giá trị đạo đức làm phương tiện để chỉnh đốn hành vi của con người. May thay, cảnh sát và hệ thống công lý tư pháp là phòng thủ tuyệt vọng cuối cùng cho một xã hội văn minh. Việc chúng ta càng ngày càng tùy thuộc vào luật lệ để chỉnh đốn hành vi là thước đo mức độ không văn minh của chúng ta.”2
Hầu hết ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta đang trải qua một thời kỳ kinh tế suy thoái lâu dài và có sức tàn phá. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là cách cư xử bất lương và trái đạo lý đang lan tràn, nhất là trong thị trường nhà cửa cũng như tài chính của Hoa Kỳ. Nhiều phản ứng tập trung vào việc ban hành thêm nhiều đạo luật càng ngày càng nghiêm khắc. Có lẽ điều đó có thể ngăn chặn một hành vi vô luân nào đó, nhưng những người khác sẽ chỉ cần tìm ra sáng kiến trong mưu kế của họ.3 Không thể nào có đủ luật lệ được tinh vi lập ra để lường trước và khống chế mọi tình huống, ngay cả nếu có đi nữa, thì việc thi hành luật lệ cũng sẽ tốn tiền, phiền toái và khó thực hiện được. Phương pháp này đưa đến quyền tự do bị thu nhỏ đối với mọi người. Trong cụm từ đáng ghi nhớ của Giám Mục Fulton J. Sheen: “Vì chúng ta không chịu chấp nhận ách của Đấng Ky Tô; nên bây giờ chúng ta phải run sợ trước cái ách của Xê Xa.”4
Cuối cùng, chỉ có một cái la bàn của lương tâm mỗi người mới có thể đối phó hữu hiệu với nguồn gốc căn nguyên cũng như dấu hiệu về tình trạng suy đồi của xã hội. Xã hội đấu tranh vô ích để thiết lập điều tốt lành chung cho đến khi tội lỗi được nhìn nhận là tội lỗi và kỷ luật đạo đức thay thế cho nó trong bản liệt kê đức hạnh của công dân.5
Kỷ luật đạo đức học được ở nhà. Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được điều những người khác có thể hoặc không thể làm, nhưng Các Thánh Hữu Ngày Sau chắc chắn có thể đứng cùng với những người ủng hộ đức hạnh trong cuộc sống của họ và khắc sâu đức hạnh vào thế hệ đang vươn lên. Hãy nhớ rằng trong lịch sử của Sách Mặc Môn các thiếu niên là then chốt cho chiến thắng của dân Nê Phi trong trận chiến dài từ năm 66 đến năm 60 trước Thiên Chúa—các con trai của dân Am Môn. Cá tính và kỷ luật của họ được mô tả bằng những lời này:
“Họ là những người luôn luôn trung thành trong mọi công việc được giao phó.
“Phải, họ là những người thành thật và nghiêm trang, vì họ đã được dạy dỗ tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và bước đi ngay thẳng trước mặt Ngài (An Ma 53:20–21).
“Lúc bấy giờ các thanh niên này chưa từng chiến đấu bao giờ, nhưng họ không hề sợ chết; và họ nghĩ đến sự tự do của cha họ nhiều hơn là mạng sống của họ; phải, họ đã được mẹ của họ dạy rằng, nếu họ không nghi ngờ, Thượng Đế sẽ giải thoát cho họ” (An Ma 56:47).
“Bấy giờ đó là đức tin của những người tôi vừa nói; họ là những người trẻ tuổi, trí óc cương quyết, và luôn đặt sự tin cậy của mình vào nơi Thượng Đế” (An Ma 57:27).
Chúng ta thấy ở đây một tiêu chuẩn cần phải có trong nhà của chúng ta và trong Giáo Hội. Sự giảng dạy của chúng ta cần phải được rút ra từ đức tin của chúng ta rồi chú trọng đầu tiên và trước hết đến việc truyền giao đức tin nơi Thượng Đế vào thế hệ đang vươn lên. Chúng ta cần phải nói về nhu cầu thiết yếu của việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và bước đi ngay thẳng trước mặt Ngài một cách điềm tĩnh, hoặc nói cách khác, một cách nghiêm trang. Mỗi người cần phải tin rằng việc phục vụ và hy sinh cho sự an lạc và hạnh phúc của những người khác thì cao hơn hẳn việc đặt ưu tiên tiện nghi và của cải của mình.
Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ thỉnh thoảng tham khảo bất cứ nguyên tắc phúc âm đặc biệt nào. Cần phải có một sự giảng dạy liên tục, hầu hết bằng tấm gương. Chủ Tịch Henry B. Eyring nói rõ về tầm nhìn rộng mà chúng ta cố gắng đạt được:
“Phúc âm thuần khiết của Chúa Giê Su Ky Tô cần phải đi vào tâm hồn của [con cái chúng ta] bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Việc có một bằng chứng thuộc linh về lẽ thật và mong muốn có được những điều tốt lành về sau thì không đủ. Việc hy vọng về một sự thanh tẩy và củng cố tương lai nào đó thì không đủ. Mục tiêu chúng ta cần phải cho con cái mình là trở nên cải đạo theo phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô trong khi chúng đang ở với chúng ta… .
“Rồi chúng sẽ đạt được một sức mạnh từ chính bản thân mình, chứ không phải chỉ từ điều chúng biết. Chúng sẽ trở thành môn đồ của Đấng Ky Tô.”6
Tôi có nghe một vài bậc cha mẹ nói rằng họ không muốn áp đặt phúc âm cho con cái mình, nhưng muốn chúng phải quyết định điều nào sẽ tin và tuân theo. Họ nghĩ rằng theo cách này họ đã cho phép con cái mình sử dụng quyền tự quyết. Điều họ quên là việc sử dụng sáng suốt quyền tự quyết đòi hỏi phải hiểu biết lẽ thật, về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có (xin xem GLGƯ 93:24). Nếu không có điều đó, những người trẻ tuổi khó có thể được trông mong sẽ hiểu và đánh giá những lựa chọn trước mắt mình. Các bậc cha mẹ nên lưu ý cách kẻ nghịch thù ảnh hưởng đến con cái của họ. Nó và những kẻ theo nó không đẩy mạnh tính khách quan mà đang tích cực bênh vực tội lỗi và tính ích kỷ bằng cách sử dụng nhiều phương pháp để phổ biến sứ điệp của chúng.
Thái độ trung lập đối với phúc âm thật sự là chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế và thẩm quyền của Ngài. Thay vì thế, chúng ta cần phải nhìn nhận Ngài và sự toàn trí toàn thức của Ngài nếu chúng ta muốn con cái của mình thấy rõ những điều lựa chọn của cuộc sống và có thể tự mình suy nghĩ. Chúng không cần phải học kinh nghiệm đau buồn rằng “sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10).
Tôi có thể chia sẻ với các anh chị em một ví dụ giản dị từ cuộc sống của tôi về điều cha mẹ có thể làm. Khi tôi khoảng năm hoặc sáu tuổi, tôi sống đối diện một tiệm bán tạp hóa nhỏ. Một ngày nọ, có hai đứa bạn rủ tôi cùng đi đến cửa tiệm đó. Trong khi chúng tôi đứng thèm thuồng nhìn kẹo bày bán trong đó thì đứa con trai lớn hơn chộp lấy một thỏi kẹo và nhét vội vào túi nó. Nó xúi giục đứa nhỏ kia và tôi cũng làm vậy, rồi sau một hồi do dự chúng tôi làm theo. Rồi chúng tôi nhanh chóng rời cửa tiệm và chạy mỗi đứa một ngả. Tôi tìm ra được một chỗ trốn ở nhà và xé giấy gói kẹo ra. Mẹ tôi phát hiện ra tôi vì thấy chất sô cô la dính trên mặt tôi và bà dẫn tôi trở lại cửa tiệm tạp hóa. Trong khi chúng tôi đi qua đường, tôi đoán chắn là tôi có thể bị bỏ tù suốt đời. Với tiếng khóc nức nở, tôi xin lỗi người chủ tiệm và trả ông tiền cho thỏi kẹo là mười xu mẹ tôi đã cho tôi mượn (mà tôi phải kiếm được số tiền đó sau này). Tình yêu thương và kỷ luật của mẹ tôi đã bất ngờ cắt đứt sớm cuộc sống phạm tội của tôi.
Tất cả chúng ta đều trải qua những cám dỗ. Đấng Cứu Rỗi cũng vậy nhưng Ngài “không nhượng bộ những cám dỗ đó” (GLGƯ 20:22). Tương tự như thế, chúng ta không cần phải nhượng bộ chỉ vì cám dỗ ở trước mắt chúng ta. Chúng ta có thể muốn nhưng chúng ta không cần phải nhượng bộ. Một người bạn lòng đầy hoài nghi hỏi một thiếu nữ, cam kết tuân giữ luật trinh khiết: làm sao mà người thiếu nữ vẫn chưa từng “ngủ với ai.” Người bạn đó hỏi: “Bạn không muốn à?” Người thiếu nữ suy nghĩ: “Câu hỏi đó làm cho tôi ngạc nhiên vì nó hoàn toàn lạc đề … Chỉ muốn không thôi thì không phải là một chỉ dẫn thích hợp đối với hạnh kiểm đạo đức.”7
Trong một số trường hợp, sự cám dỗ có thể góp phần vào sức mạnh của thói nghiện thật sự hoặc trong tương lai. Tôi biết ơn rằng đối với số tín hữu gia tăng, Giáo Hội có thể cung ứng nhiều cách điều trị khác nhau để giúp họ tránh xa hoặc đối phó với thói nghiện. Tuy vậy, mặc dù sự điều trị có thể ủng hộ ý muốn của một người, nhưng không thể thay thế cho ý muốn đó được. Bao giờ cũng phải có việc thi hành kỷ luật—kỷ luật đạo đức được đặt trên đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cũng như việc hai Ngài có thể cùng với chúng ta thực hiện được qua ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Theo lời của Phi E Rơ, “Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ” (2 Phi E Rơ 2:9).
Chúng ta không thể cho là tương lai sẽ giống như quá khứ—rằng những sự việc và mẫu mực chúng ta tin cậy về mặt kinh tế, chính trị, xã hội vẫn nguyên như vậy. Có lẽ kỷ luật đạo đức của chúng ta, nếu chúng ta chịu trau dồi, sẽ có ảnh hưởng tốt lành và soi dẫn những người khác theo đuổi cùng một hướng đi như vậy. Do đó, chúng ta có thể có ảnh hưởng đối với những chiều hướng và sự kiện tương lai. Ít nhất, kỷ luật đạo đức sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta khi phải đối phó với bất cứ sự căng thẳng và thử thách nào có thể đến với một xã hội suy đồi.
Chúng ta đã nghe những sứ điệp sâu sắc và đầy soi dẫn trong đại hội này, và một lát nữa đây, Chủ Tịch Thomas S. Monson sẽ đưa ra những lời khuyên dạy kết thúc. Khi chúng ta thành tâm xem xét điều mình đã học được và học đi học lại, thì tôi tin rằng Thánh Linh sẽ ban thêm ánh sáng cho những điều mà có thể áp dụng đặc biệt đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ được củng cố theo kỷ luật đạo đức cần thiết để bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa cùng hợp nhất với Ngài và Đức Chúa Cha.
Thưa các anh chị em, tôi đứng đây với các anh em thẩm quyền trung ương và với các anh chị em để làm chứng rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha, , rằng Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Luật pháp của hai Ngài là bất biến. Lẽ thật của hai Ngài là trường cửu và tình yêu thương của hai Ngài là vô hạn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.