2009
Hãy Sẵn Sàng
Tháng Mười Một năm 2009


Hãy Sẵn Sàng

Sự chuẩn bị quan trọng nhất sẽ là do các thiếu niên chọn quyết định để hoàn thành vận mệnh lớn lao của họ với tư cách là người tôi tớ nắm giữ chức tư tế đối với Thượng Đế.

Hình Ảnh
President Henry B. Eyring

Dù ở bất cứ nơi đâu, ngày hay đêm, tôi đều giữ một chai dầu ô liu nhỏ ở bên cạnh. Đây là cái chai tôi để trong ngăn kéo giữa của bàn làm việc. Có một chai tôi để trong túi quần áo khi làm việc bên ngoài hay đi xa. Cũng còn có một chai nữa trong tủ bếp nhà tôi.

Cái chai tôi hiện đang giữ có ghi ngày trên đó. Đó là ngày mà một người nào đó thi hành quyền năng chức tư tế để thánh hóa dầu ô liu tinh khiết cho phước lành và việc chữa lành người bệnh. Các em thiếu niên trong Chức Tư Tế A Rôn và thậm chí cả cha của các em có lẽ nghĩ rằng tôi chuẩn bị có phần nào quá kỹ.

Nhưng cú điện thoại gọi vào ban ngày hay tiếng gõ cửa vào ban đêm thường đến rất bất ngờ. Có người sẽ nói: “Xin anh đến nhanh được không?” Có lần, cách đây nhiều năm, một người cha gọi đến từ bệnh viện. Đứa con gái ba tuổi của anh bị một chiếc xe chạy quá tốc độ ném văng 15 mét khi đứa bé chạy qua đường để gặp mẹ. Khi tôi đến bệnh viện, người cha khăng khăng nói rằng quyền năng của chức tư tế sẽ bảo tồn được mạng sống đứa bé. Các bác sĩ và y tá chỉ miễn cưỡng cho chúng tôi thò tay qua miếng chắn nhựa để nhỏ một giọt dầu vào một khe hở giữa những miếng băng dầy đặc bao quanh đầu đứa bé. Một bác sĩ nói với tôi giọng cáu kỉnh: “Nhanh lên, làm cái gì các anh đang làm nhanh lên. Nó đang sắp chết đây này.”

Vị bác sĩ ấy nói sai. Đứa bé ấy đã sống và trái với điều vị bác sĩ ấy nói, nó không những sống mà còn tập đi lại được.

Khi điện thoại gọi đến thì tôi đã sẵn sàng. Sự chuẩn bị thì còn hơn cả việc có dầu thánh hóa ở cạnh bên. Điều này cần phải bắt đầu từ lâu trước khi xảy ra tai họa đòi hỏi quyền năng chức tư tế. Những ai đã chuẩn bị, sẽ sẵn sàng đáp ứng.

Sự chuẩn bị bắt đầu trong các gia đình, trong nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và chủ yếu là trong cuộc đời riêng tư của các thiếu niên. Các nhóm túc số và gia đình cần phải giúp đỡ, nhưng sự chuẩn bị quan trọng nhất là do các thiếu niên chọn quyết định để hoàn thành vận mệnh lớn lao của mình cho Thượng Đế với tư cách là tôi tớ đối với chức tư tế.

Vận mệnh của thế hệ đang vươn lên của các em nắm giữ chức tư tế còn lớn hơn cả việc sẵn sàng mang xuống quyền năng của Thượng Đế để chữa lành người bệnh. Sự chuẩn bị là để sẵn sàng đi và làm bất cứ điều gì Chúa muốn thực hiện trong khi thế gian đang chuẩn bị cho sự hiện đến của Ngài. Không ai trong chúng ta biết chính xác những công việc này là gì. Nhưng chúng ta biết điều gì cần phải làm để được sẵn sàng, để mỗi chúng ta có thể chuẩn bị.

Điều các em cần trong những giây phút quyết định sẽ đạt được nhờ vào việc kiên định phục vụ một cách ngoan ngoãn. Tôi sẽ nói cho các em biết hai trong số những điều các em cần và cách chuẩn bị để được sẵn sàng.

Thứ nhất là phải có đức tin. Chức tư tế là thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế. Đó là quyền để gọi xuống quyền năng thiên thượng. Vì thế, các em cần phải có đức tin rằng Thượng Đế hằng sống và các em đã được Ngài tin cậy cho phép sử dụng quyền năng cho các mục đích của Ngài.

Một ví dụ từ Sách Mặc Môn sẽ giúp các em thấy một người chuẩn bị cho điều đó như thế nào. Nê Phi là một người nắm giữ chức tư tế đã nhận được một nhiệm vụ nặng nề từ Chúa. Ông được Thượng Đế gửi đi kêu gọi những người tà ác phải hối cải trước khi quá trễ đối với họ. Với sự tà ác và lòng căm thù, họ chém giết lẫn nhau. Thậm chí cả nỗi buồn phiền của họ cũng không làm họ khiêm nhường đủ để hối cải và vâng lời Thượng Đế.

Nhờ sự chuẩn bị của Nê Phi, nên Thượng Đế đã ban phước cho ông với quyền năng để hoàn thành nhiệm vụ của ông. Trong những lời đầy yêu thương và quyền năng của Ngài ban cho Nê Phi, có lời chỉ dẫn cho chúng ta:

“Phước thay cho ngươi, hỡi Nê Phi, vì những việc ngươi đã làm; vì ta thấy ngươi không biết mệt mỏi khi truyền rao cho dân này nghe lời của ta ban cho ngươi. Và ngươi đã không sợ hãi chúng và không nghĩ tới mạng sống của mình, mà chỉ biết làm theo ý muốn của ta và tuân giữ các lệnh truyền của ta.

“Và giờ đây, vì ngươi đã làm những việc đó mà không biết mệt mỏi, này, ta sẽ ban phước lành cho ngươi mãi mãi; và ta sẽ làm cho ngươi có mãnh lực trong lời nói, trong hành động, trong đức tin, và trong việc làm; phải, ngay cả mọi việc cũng sẽ được thực hiện theo như lời nói của ngươi, vì ngươi sẽ không đòi hỏi những gì trái ý muốn của ta.

“Này, ngươi là Nê Phi, và ta là Thượng Đế. Này, ta tuyên bố điều này trước sự hiện diện của các thiên sứ của ta rằng, ngươi sẽ có quyền năng đối với dân này, và sẽ đánh đất này bằng nạn đói, bằng bệnh dịch, và sự tàn phá, tùy theo sự tà ác của dân này.

“Này, ta ban cho ngươi quyền năng, để bất cứ những gì ngươi niêm phong trên thế gian cũng sẽ được niêm phong trên trời, và những gì ngươi muốn cởi mở trên trời, và ngươi sẽ có quyền năng đối với dân này như vậy.”1

Như câu chuyện trong Sách Mặc Môn cho chúng ta biết, dân chúng đã không hối cải. Vì thế, Nê Phi cầu xin Thượng Đế thay đổi mùa màng. Ông cầu xin một phép lạ để giúp dân chúng chọn hối cải vì nạn đói. Nạn đói đến. Dân chúng hối cải và rồi họ nài xin Nê Phi khẩn cầu Thượng Đế gửi mưa xuống. Ông cầu xin Thượng Đế và Ngài chấp nhận đức tin không hề lay chuyển của ông.

Đức tin đó không xuất hiện vào lúc Nê Phi cần đến nó hoặc sự tin cậy của Thượng Đế nơi ông. Ông đạt được đức tin lớn lao đó và lòng tin cậy của Thượng Đế nhờ lao nhọc một cách dũng cảm và liên tục trong khi phục vụ Chúa. Hiện giờ, các em thiếu niên đang xây đắp đức tin đó để sau này các em có thể cần đến nó.

Việc giữ cẩn thận biên bản của các buổi họp nhóm túc số thầy trợ tế hay thầy giảng có thể là điều nhỏ nhặt. Cách đây nhiều năm, có những thiếu niên giữ kỹ biên bản của tất cả những gì được quyết định và thực hiện bởi các thiếu niên chỉ lớn hơn các em ấy một vài tháng tuổi. Điều này đòi hỏi đức tin rằng Thượng Đế kêu gọi ngay cả các thiếu niên 12 tuổi vào việc phục vụ Ngài là những người được hướng dẫn bởi sự mặc khải. Một số thư ký của các nhóm túc số này năm xưa nay ngồi trong hội đồng chủ tọa của Giáo Hội. Bây giờ họ đọc biên bản do những người khác viết. Và giờ đây sự mặc khải tuôn tràn xuống họ như đã xảy đến với các vị lãnh đạo họ phục vụ khi còn nhỏ tuổi như các em. Họ đã được chuẩn bị để tin tưởng rằng Thượng Đế mặc khải ý muốn của Ngài, ngay cả những vấn đề nhỏ nhặt, trong vương quốc của Ngài.

Giờ đây, Chúa phán rằng Nê Phi có thể tin cậy được bởi vì ông không đòi hỏi điều gì trái với ý muốn của Thượng Đế. Để có được lòng tin cậy đó nơi Nê Phi, Chúa phải chắc chắn rằng Nê Phi tin cũng như tìm kiếm và tuân theo sự mặc khải. Kinh nghiệm dày dặn về việc tuân theo sự soi dẫn từ Thượng Đế là một phần của việc Nê Phi chuẩn bị cho chức tư tế. Điều này cần phải là một phần của các em.

Tôi thấy điều đó đang xảy ra ngày hôm nay. Trong vài tháng gần đây, tôi đã nghe các thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế đưa ra những bài nói chuyện đầy soi dẫn và quyền năng rõ ràng giống như ta nghe trong đại hội trung ương này. Khi cảm thấy quyền năng được ban cho các em trẻ tuổi đang nắm giữ chức tư tế, tôi đã nghĩ rằng thế hệ đang vươn lên này đang lớn lên xung quanh chúng ta, như nước thủy triều dâng. Lời cầu nguyện của tôi là những người trong chúng ta thuộc thế hệ đi trước sẽ dâng theo nước thủy triều cùng với họ. Việc chuẩn bị của Chức Tư Tế A Rôn là phước lành cho tất cả chúng ta cũng như những người trong số họ sẽ phục vụ trong thế hệ của mình và các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, tất cả mọi điều đều không hoàn hảo trong Si Ôn. Không phải tất cả các thiếu niên đều chọn để chuẩn bị. Sự lựa chọn đó phải là của riêng họ. Họ có trách nhiệm đối với bản thân mình. Đó là đường lối của Chúa trong kế hoạch nhân từ của Ngài. Nhưng nhiều thiếu niên có ít hoặc không hề được giúp đỡ gì cả từ những người có khả năng giúp đỡ trong khi họ chuẩn bị. Những người trong chúng ta có khả năng giúp đỡ sẽ chịu trách nhiệm trước Chúa. Một người cha sao lãng hoặc làm cản trở việc phát triển đức tin hay khả năng tuân theo sự soi dẫn của con trai mình, thì một ngày kia sẽ chịu đau khổ. Điều đó đúng với bất cứ ai được đặt vào chức vụ giúp đỡ những thiếu niên này chọn lựa sáng suốt và đúng đắn trong những tháng ngày của các em ở trong chức tư tế dự bị.

Bây giờ, điều thứ hai các em sẽ cần là tin tưởng rằng mình có thể sống theo những phước lành và sự tin cậy do Thượng Đế ban cho. Hầu hết những ảnh hưởng xung quanh khiến các em nghi ngờ tính hiện hữu của Thượng Đế, tình yêu thương của Ngài dành cho các em và sự thật về sứ điệp dịu dàng thỉnh thoảng nhận được qua Đức Thánh Linh và Thánh Linh của Đấng Ky Tô. Bạn bè có thể xúi giục các em chọn phạm tội. Nếu các em thiếu niên chọn phạm tội, thì những sứ điệp đó từ Thượng Đế sẽ càng trở nên phai mờ.

Chúng ta có thể giúp các em chọn chuẩn bị bằng cách yêu thương, cảnh cáo và tin tưởng các em. Nhưng thậm chí chúng ta còn có thể giúp đỡ nhiều hơn bằng cách trở thành tấm gương của một tôi tớ trung tín và đầy soi dẫn. Trong gia đình, trong các nhóm túc số và các lớp học của chúng ta, cũng như khi làm việc cùng với các em trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể hành động với tư cách là những người trung thành nắm giữ chức tư tế sử dụng quyền năng của chức đó như Thượng Đế đã dạy.

Đối với tôi, lời chỉ dẫn đó rõ ràng nhất trong tiết 121 của Sách Giáo Lý và Giao Ước. Trong tiết đó, Chúa cảnh cáo chúng ta hãy để cho động cơ thúc đẩy của mình được trong sạch: “Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật.”2 Khi chúng ta hướng dẫn và có ảnh hưởng đến các thiếu niên, chúng ta không bao giờ được làm điều đó nhằm thỏa mãn tính kiêu ngạo hoặc lòng ham muốn của mình. Chúng ta không bao giờ được sử dụng sự ép buộc trong bất cứ mức độ bất chính nào. Đó là tiêu chuẩn cao về tấm gương chúng ta cần nêu ra cho giới trẻ của mình.

Tôi thấy điều đó được thực hiện khi tôi còn là thầy giảng và thầy trợ tế. Vị giám trợ của tôi và những người phục vụ dưới ông quyết tâm không để mất dù chỉ một người trong chúng tôi. Như tôi thấy, quyết tâm của họ được thúc đẩy nhờ tình thương yêu dành cho Chúa và cho chúng tôi, chứ không phải cho bất cứ mục đích ích kỷ nào.

Vị giám trợ có một phương pháp. Mỗi cố vấn của từng nhóm túc số phải liên lạc với mỗi thiếu niên mà họ chưa trò chuyện vào ngày Chúa Nhật đó. Họ sẽ không đi ngủ cho đến khi họ nói chuyện với người thiếu niên vắng mặt, với cha mẹ hoặc bạn thân của người ấy. Vị giám trợ hứa với họ rằng ông sẽ không tắt đèn đi ngủ cho đến khi ông nghe báo cáo tường tận về mỗi thiếu niên. Tôi không nghĩ rằng ông ra lệnh cho họ. Ông chỉ nói rằng ông không muốn họ tắt đèn đi ngủ cho đến khi họ đã báo cáo xong.

Ông và những người phục vụ dưới ông đã làm nhiều hơn là chỉ trông nom chúng tôi. Họ cho chúng tôi thấy bằng cách nêu gương ý nghĩa về việc chăm sóc cho đàn chiên của Chúa. Không có nỗ lực nào là quá nhiều đối với ông hoặc đối với những người phục vụ trong nhóm túc số của chúng tôi. Qua tấm gương của mình, họ dạy cho chúng tôi biết về ý nghĩa của việc phục vụ Chúa không hề mệt mỏi. Chúa đã chuẩn bị chúng tôi qua tấm gương.

Tôi không biết họ có nghĩ rằng có ai trong số chúng tôi sẽ trở thành một người đặc biệt hay không. Nhưng họ đối xử với chúng tôi thể như đã biết điều đó bằng cách giữ cho chúng tôi không bị mất đức tin bằng bất cứ giá nào.

Tôi không biết làm thế nào vị giám trợ tìm được nhiều người có kỳ vọng cao như thế. Như tôi nhận thấy, điều đó được thực hiện “nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật.” Phương pháp “chưa tắt đèn đi ngủ” mà vị giám trợ sử dụng có thể không hữu hiệu ở một số nơi. Nhưng tấm gương về việc lo lắng không hề lay chuyển đối với mỗi thiếu niên và việc dang tay giúp đỡ ngay tức khắc mang quyền năng của thiên thượng vào cuộc sống của chúng tôi. Điều đó luôn luôn là như vậy. Điều đó giúp các thiếu niên chuẩn bị cho cái ngày Thượng Đế cần đến họ trong các gia đình và vương quốc của Ngài.

Cha tôi đã nêu gương về những điều Chúa dạy trong tiết 121 về việc được thiên thượng giúp đỡ trong khi chuẩn bị cho các thiếu niên. Trong những năm niên thiếu của tôi, đôi khi ông thất vọng trước hành vi của tôi. Ông cho tôi biết điều đó. Qua giọng nói của ông, tôi có thể nhận thấy ông nghĩ rằng tôi tốt hơn thế. Ông làm điều đó theo đường lối của Chúa “Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù.”3

Tôi biết rằng, ngay cả sau khi bị sửa phạt một cách thẳng thắn nhất, lời khiển trách của Cha tôi xuất phát từ tình yêu thương. Thật ra, tình yêu thương của ông dường như gia tăng ngay cả khi ông sửa phạt tôi nặng nề nhất, đó là cái nhìn không tán thành và thất vọng. Ông là người lãnh đạo và huấn luyện của tôi, không bao giờ sử dụng hình thức ép buộc, và tôi chắc rằng lời hứa được đưa ra trong Sách Giáo Lý và Giao Ước sẽ làm ông thỏa mãn. Ảnh hưởng của ông đối với tôi sẽ chan hòa nơi ông “mãi mãi và đời đời”4

Nhiều người cha và vị lãnh đạo khi nghe những lời trong tiết 121 của Sách Giáo Lý và Giao Ước, sẽ cảm thấy rằng họ phải cố gắng nhiều hơn nhằm đạt được tiêu chuẩn đó. Tôi cũng thế. Các anh em có thể nhớ khi nào mình khiển trách nghiêm khắc một đứa trẻ hay thanh thiếu niên khi bị thôi thúc bởi một điều gì đó khác hơn là sự soi dẫn không? Các anh em có thể nhớ khi nào mình bảo một đứa con trai làm hoặc hy sinh điều gì đó mà mình lại không sẵn sàng tự làm điều đó không? Cảm giác ân hận đó có thể thôi thúc chúng ta hối cải để trở thành giống như những tấm gương mà chúng ta đã giao ước trở thành.

Khi làm tròn bổn phận làm cha và lãnh đạo của mình, chúng ta sẽ giúp cho thế hệ kế tiếp vươn tới tương lai sáng lạn của chúng. Chúng sẽ tốt hơn chúng ta cũng giống như các anh em đã cố gắng trở thành các bậc cha mẹ tốt hơn cha mẹ mình và người lãnh đạo tốt hơn các vị lãnh đạo lỗi lạc đã giúp đỡ mình.

Đây là lời cầu nguyện của tôi rằng chúng ta sẽ quyết tâm làm tốt hơn mỗi ngày nhằm chuẩn bị cho thế hệ đang vươn lên. Mỗi khi nhìn thấy một chai dầu thánh hóa, tôi sẽ nhớ đến buổi tối hôm nay và cảm nghĩ tôi hiện có về việc mong muốn làm nhiều hơn để giúp đỡ các thiếu niên chuẩn bị cho thời kỳ phục vụ và cơ hội của các em. Tôi cầu xin một phước lành cho các em trong sự chuẩn bị của mình. Tôi tin chắc rằng, với sự giúp đỡ của Chúa và chúng ta, các em sẽ sẵn sàng.

Tôi chia sẻ lời chứng của mình rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống cùng hướng dẫn Giáo Hội này. Ngài là Đấng gương mẫu hoàn hảo của chức tư tế. Chủ tịch Thomas S. Monson nắm giữ và sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế trên thế gian. Điều đó là đúng thật. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Hê La Man 10:4–7.

  2. GLGƯ 121:41.

  3. GLGƯ 121:43.

  4. GLGƯ 121:46.

In