Gánh Nặng của Các Người Sẽ Được Nhẹ Đi
Những gánh nặng mang đến cho chúng ta cơ hội để luyện tập đức hạnh mà cống hiến cho sự toàn hảo tột bậc
Cách đây nhiều năm, tôi đi bộ vào lúc rạng đông ngang qua những con đường hẹp đầy đá sỏi ở Cusco, Peru, cao trên dải núi Andes. Tôi thấy một người từ nhóm dân bản xứ địa phương đang đi bộ trên một con đường đầy sỏi đá đó. Vóc dáng không cao to, nhưng người ấy vác trên lưng một gánh củi lớn bọc trong cái bao tải to. Cái bao dường như trông to bằng người ấy. Gánh củi đó chắc hẳn nặng bằng người ấy. Người ấy cột chặt gánh củi bằng dây cáp thắt xuống dưới đáy bao tải và vòng quanh trán người ấy. Người ấy kẹp chặt sợi dây vào hai bên đầu. Người ấy đặt một cái khăn trên trán ở dưới sợi dây để dây không cắt vào da mình. Người ấy bước đi chậm rãi khó nhọc, người nghiêng về phía trước do gánh nặng của cơ thể mình.
Người đàn ông ấy mang củi ra chợ bán. Trung bình một ngày, người ấy chỉ có thể đi hai hoặc ba chuyến cả đi và về ngang qua thị trấn để đem giao các gánh củi nặng nề bất tiện giống như vậy.
Với thời gian, ký ức về người ấy còng lưng dưới trọng lượng của gánh nặng cơ thể mình vất vả đi trên đường càng ngày càng trở thành có ý nghĩa đối với tôi hơn. Người ấy có thể tiếp tục vác gánh nặng như thế được bao lâu nữa?
Cuộc sống áp đặt đủ loại gánh nặng lên mỗi chúng ta, một số gánh thì nhẹ nhàng nhưng một số khác thì gay go và nặng nề. Người ta vất vả tranh đấu mỗi ngày dưới những gánh đè nặng lên tâm hồn họ. Nhiều người trong chúng ta vất vả với những gánh nặng như vậy. Những gánh nặng này có thể là về phương diện cảm xúc hoặc vật chất. Chúng có thể gây ra phiền toái, lòng nặng trĩu và làm mệt lử. Và chúng có thể tiếp tục trong nhiều năm.
Nói chung, những gánh nặng của chúng ta đến từ ba nguồn gốc. Một số gánh nặng là kết quả tự nhiên của hoàn cảnh thế gian chúng ta đang sống. Bệnh tật, khuyết tật của thể xác, các cơn cuồng phong và động đất thỉnh thoảng xảy đến đều không do lỗi lầm của chúng ta mà ra. Chúng ta có thể chuẩn bị đối phó với những nguy cơ này và đôi khi chúng ta có thể dự đoán trước, nhưng trong mẫu mực tự nhiên của cuộc sống thì tất cả chúng ta sẽ phải đối phó với những thử thách này.
Các gánh nặng khác, được áp đặt lên chúng ta vì hành vi sai trái của những người khác. Sự lạm dụng và những thói nghiện có thể làm cho nhà của chúng ta không được như thiên thượng trên thế gian và gây buồn phiền thay vì niềm vui cho những người vô tội trong gia đình. Tội lỗi, những truyền thống sai lầm, sự trấn áp và tội ác gây ra nhiều nạn nhân trong cuộc sống. Ngay cả hành vi ít tai hại hơn như việc ngồi lê đôi mách và sự thiếu tử tế có thể làm cho những người khác thật sự đau khổ.
Lỗi lầm và những thiếu sót của chúng ta gây ra nhiều vấn đề và đặt nhiều gánh nặng lên trên vai chúng ta. Gánh nặng khó khăn nhất chúng ta tự đặt lên vai mình là gánh nặng tội lỗi. Tất cả chúng ta đều biết niềm hối tiếc và đau đớn mà chắc chắn sẽ theo sau việc chúng ta không tuân giữ các giáo lệnh.
Dù chúng ta phải đối phó gánh nặng nào trong đời do hậu quả của những tình trạng thiên nhiên, sự sai lầm của người khác hay chính do lỗi lầm và sự yếu kém của mình đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng đã gửi chúng ta đến thế gian là một phần kế hoạch vĩnh cửu của Ngài vì sự tăng trưởng và tiến triển của chúng ta. Những kinh nghiệm cá nhân độc đáo có thể giúp chúng ta chuẩn bị trở về cùng Ngài. Nghịch cảnh và nỗi thống khổ mà chúng ta trải qua dù khó khăn để chịu đựng đến mấy, cũng chỉ tồn tại theo viễn cảnh của thiên thượng trong “một thời gian ngắn mà thôi; và nếu [chúng ta] biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng [chúng ta] lên cao.”1 Chúng ta cần phải làm mọi điều có thể làm để “chịu đựng” nhằm vác gánh nặng của mình cho đến khi hết “thời gian ngắn ngủi” mà chúng ta có thể chịu đựng được những gánh nặng đó.
Những gánh nặng mang đến cho chúng ta cơ hội để luyện tập đức hạnh mà cống hiến cho sự toàn hảo tột bậc. Chúng mời mời gọi chúng ta phải “chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, cùng trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”2 Vậy nên những gánh nặng này trở thành các phước lành, mặc dù những phước lành như vậy thường được ngụy trang rất kỹ cũng như có thể đòi hỏi thời gian, nỗ lực và đức tin để hiểu. Bốn ví dụ sau đây giúp giải thích điều này:
-
Thứ nhất, A Đam được cho biết là “đất sẽ bị rủa sả vì ngươi,” có nghĩa là vì lợi ích của ông, và “trọn cả đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sinh ra mà ăn.”3 Sự làm việc là một gánh nặng liên tục nhưng cũng là một phước lành liên tục “vì lợi ích của [chúng ta],” vì nó giảng dạy bài học mà chúng ta chỉ có thể học được “bằng cách đổ mồ hôi trán.”
-
Thứ nhì, An Ma nhận xét rằng cảnh nghèo nàn và “những nỗi đau khổ [của những người nghèo trong dân Giô Ram] đã thật sự làm cho họ biết hạ mình và họ sẵn sàng để nghe [phúc âm].”4 Ông nói thêm: “Vì các ngươi đã bị bó buộc phải khiêm nhường”5 Những thử thách kinh tế hiện nay của chúng ta cũng có thể giúp chuẩn bị chúng ta để nghe lời của Thượng Đế.
-
Thứ ba, vì “thời gian quá lâu dài của trận chiến [của họ]” nên nhiều người Nê Phi và La Man “trở nên hiền dịu vì những nổi thống khổ của họ, nên họ đã biết hạ mình trước mặt Thượng Đế, xuống tận đáy sâu của sự khiêm nhường.”6 Tình trạng chính trị bất ổn và sự xáo trộn xã hội, và trong một số vùng trên thế giới, bọn cướp Ga Đi An Tôn tân thời, có thể làm chúng ta khiêm nhường và là động cơ cho chúng ta để tìm kiếm các nơi trú ẩn thiêng liêng khỏi những cơn bão tố của xã hội.
-
Thứ tư, Joseph Smith được cho biết rằng những điều kinh khiếp mà ông chịu đựng trong nhiều năm dưới bàn tay của những kẻ thù của ông “sẽ đem lại cho [ông] một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho [ông].”7 Nỗi đau khổ mà chúng ta trải qua vì những việc làm tai hại của những người khác là bài học quý báu, tuy đầy đau đớn, nhằm cải tiến hành vi của mình.
Ngoài ra, việc chịu đựng các gánh nặng có thể giúp chúng ta phát triển một niềm thấu cảm đối với các vấn đề những người khác đối phó. Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng chúng ta cần phải “mang lấy gánh nặng cho nhau [và] như vậy … làm trọn luật pháp của Đấng Ky Tô.”8 Tương tự như vậy, các giao ước báp têm của chúng ta đòi hỏi chúng ta cần phải “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau, để gánh nặng ấy được nhẹ nhàng; Phải và sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; phải và an ủi những ai cần được an ủi.”9
Việc tuân giữ các giao ước báp têm của mình sẽ làm vơi nhẹ các gánh nặng của chính chúng ta cũng như của những người có tâm hồn đau khổ mà chúng ta đang phục vụ.10 Những người ban phát sự phụ giúp như vậy đều đang đứng trên đất thánh. Để giải thích điều này, Đấng Cứu Rỗi đã dạy:
“Khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?
“Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước;
“Hoặc trần truồng mà mặc cho?
“Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?
“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”11
Qua tất cả những điều đó, Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta sức mạnh và hỗ trợ, Ngài ban cho sự giải thoát theo kỳ định và cách thức của Ngài. Khi An Ma và những người đi theo ông chạy thoát khỏi các đạo quân của Vua Nô Ê, họ đã thiết lập một cộng đồng tên là Hê Lam. Họ bắt đầu cày cấy đất đai, xây dựng nhà cửa, và thịnh vượng.12 Không hề báo trước, một đạo quân La Man bắt họ vào cảnh tù đày và “chẳng ai có thể giải cứu họ được ngoại trừ Chúa, Thượng Đế của họ”13 Tuy nhiên, sự giải cứu đó đã không xảy đến ngay.
Kẻ thù của họ bắt đầu “dùng quyền uy đối xử với họ, và bắt họ làm những việc nặng nhọc.”14 Mặc dù tính mạng họ bị đe dọa nếu họ cầu nguyện,15 nhưng An Ma và dân của ông “chỉ biết dâng hết lòng mình lên [Thượng Đế]; và Ngài đã hiểu thấu những ý nghĩ trong lòng họ.”16 Vì họ tốt lành và tuân theo các giao ước báp têm của mình,17 nên họ được giải thoát theo nhiều giai đoạn. Chúa đã phán cùng họ:
“Ta sẽ … làm nhẹ gánh nặng trên vai các ngươi, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình, mặc dù trong lúc các ngươi vẫn còn ở trong vòng nô lệ; và ta sẽ làm vậy để các ngươi đứng lên làm chứng cho ta sau này, để các ngươi biết chắc rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ.
“Và giờ đây chuyện rằng, những gánh nặng trên vai An Ma cùng những người anh em của ông đều được làm cho nhẹ đi; phải, Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn.
“Và chuyện rằng, đức tin và lòng kiên nhẫn của họ quá lớn lao đến nỗi tiếng nói của Chúa lại đến với họ mà rằng: hãy vui vẻ lên, vì ngày mai ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi vòng nô lệ.”18
Trong sự nhân từ, Con của Thượng Đế ban cho chúng ta sự giải cứu khỏi vòng tội lỗi của chúng ta, là gánh nặng nhất trong các gánh nặng mà chúng ta mang. Trong Sự Chuộc Tội của Ngài, Ngài chịu đau khổ “theo thể cách xác thịt ngõ hầu Ngài có thể mang lấy những tội lỗi của dân Ngài, để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của họ qua quyền năng giải thoát của Ngài.”19 Đấng Ky Tô “đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải.”20 Khi chúng ta hối cải và tuân giữ các giáo lệnh, sự tha thứ và giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi, sẽ đến với sự giúp đỡ mà chỉ có Đấng Cứu Rỗi mới ban cho được, vì “quả thật, người nào hối cải sẽ tìm thấy sự thương xót.”21
Tôi còn nhớ người đàn ông đó ở Peru, gập cong người lại để vác cái bao củi to lớn trên lưng. Đối với tôi, người ấy là hình ảnh của tất cả chúng ta khi vất vả với gánh nặng của cuộc đời. Tôi biết rằng nếu chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và các giao ước của mình, thì Ngài sẽ giúp gánh nặng của chúng ta. Ngài sẽ củng cố chúng ta. Khi chúng ta hối cải, Ngài tha thứ tội lỗi và ban phước chúng ta với sự bình an và niềm vui.22 Vậy thì cầu xin cho chúng ta tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.