2009
Tấm Gương Hoàn Hảo của Chúng Ta
Tháng Mười Một năm 2009


Tấm Gương Hoàn Hảo của Chúng Ta

Sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là chúng ta có thể và cần phải hy vọng trở thành người tốt hơn chừng nào chúng ta còn sống.

Hình Ảnh
President Henry B. Eyring

Tôi cảm thấy có phước được cơ hội ngỏ lời cùng các anh chị em vào ngày Sa Bát này. Chúng ta tuy khác biệt về hoàn cảnh và kinh nghiệm nhưng lại cùng chia sẻ một ước muốn để trở thành một con người tốt hơn. Một số người nhầm lẫn khi cho rằng họ là người tốt rồi và một số người khác thì bỏ cuộc không cố gắng muốn làm người tốt hơn. Nhưng, đối với mọi người, sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là chúng ta có thể và cần phải hy vọng trở thành người tốt hơn chừng nào chúng ta còn sống.

Một phần của hy vọng đó được đề ra cho chúng ta trong một điều mặc khải do Thượng Đế ban cho Tiên Tri Joseph Smith. Điều mặc khải này mô tả thời kỳ chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Rỗi, mà sẽ xảy ra cho tất cả mọi người. Điều mặc khải này cho chúng ta biết phải làm điều gì để chuẩn bị và phải trông mong điều gì.

Điều mặc khải này nằm trong sách Mô Rô Ni: “Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy. A Men.”1

Điều đó chắc phải giúp anh chị em hiểu lý do tại sao bất cứ Thánh Hữu Ngày Sau nào có niềm tin đều lạc quan về điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, cho dù hiện tại có thể khó khăn đến đâu đi chăng nữa. Chúng ta tin rằng, qua việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hoàn hảo. Việc xem xét các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ loại bỏ tính kiêu căng của người tự mãn luôn cho rằng mình không cần phải hoàn thiện. Và ngay cả người khiêm nhường nhất cũng có thể nhận lấy lời mời gọi để trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi.

Biến đổi kỳ diệu sẽ xảy ra được nói đến trong một bài hát thiếu nhi làm cho tôi thích thú. Tôi nhớ đã nhìn vào gương mặt các em đang hát bài ca đó trong một căn phòng vào một ngày Chúa Nhật. Mỗi em ngồi ngả người về phía trước, hầu như ở mép ghế. Khi nhìn các em hát với bầu nhiệt huyết, tôi có thể nhận thấy được ánh mắt của các em ngời sáng và quyết tâm hiện rõ trên gương mặt của các em. Các anh chị em có lẽ cũng đã nghe bài này rồi. Tôi hy vọng rằng nó sẽ vang mãi trong ký ức chúng ta. Tôi hoàn toàn hy vọng rằng tôi có thể mang đến cho bài hát này cảm nghĩ mà các em ấy đã có.

Tôi đang cố gắng giống như Chúa Giê Su; Tôi đi theo lối Ngài.

Tôi đang cố gắng yêu thương như Ngài trong mọi điều tôi làm và nói.

Đôi khi tôi bị cám dỗ để chọn điều sai,

Nhưng tôi cố gắng nghe theo tiếng mách bảo êm ái nhỏ nhẹ,

‘Hãy yêu mến nhau như Chúa Giê Su đã yêu thương ta.

Hãy cố gắng cho thấy lòng nhân từ trong mọi việc làm.

Hãy hòa nhã và đằm thắm trong hành động và ý nghĩ,

Vì đây là điều Chúa Giê Su giảng dạy.2

Dường như đối với tôi các em này không chỉ hát thôi mà còn nói lên quyết tâm của mình. Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương của các em. Việc trở nên giống như Ngài là mục tiêu cố định của các em. Vẻ mặt hăm hở và đôi mắt sáng ngời của các em đã thuyết phục tôi rằng các em không hề nghi ngờ gì cả. Các em trông mong được thành công. Các em tin rằng lời chỉ dẫn của Đấng Cứu Rỗi để được hoàn thiện không phải là niềm hy vọng mà là một lệnh truyền. Và các em tin chắc rằng Ngài đã chuẩn bị đường lối.

Quyết tâm và sự tin tưởng đó có thể và cần phải ở trong lòng của mỗi Thánh Hữu Ngày Sau. Đấng Cứu Rỗi đã chuẩn bị đường lối qua Sự Chuộc Tội và tấm gương của Ngài. Và ngay cả các em đang hát bài ca đó cũng biết cách để làm.

Tình yêu thương là động cơ thúc đẩy mà qua đó Chúa dẫn chúng ta dọc theo con đường hướng đến việc trở nên giống như Ngài, tấm gương hoàn hảo của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta, từng giờ một, cần phải được tràn đầy tình yêu mến Thượng Đế và những người khác. Điều đó không có gì ngạc nhiên, vì Chúa đã rao giảng điều đó là giáo lệnh thứ nhất và lớn lao nhất. Chính tình yêu mến Thượng Đế mới dẫn chúng ta đến việc tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Tình yêu thương đối với những người khác là trọng tâm của khả năng vâng lời Ngài của chúng ta.

Cũng giống như Chúa Giê Su đã dùng một đứa trẻ trong giáo vụ trên trần thế của Ngài làm ví dụ cho người ta thấy về tình yêu thương thanh khiết mà họ phải và có thể có để được giống như Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta gia đình, một nơi lý tưởng, mà trong đó chúng ta có thể học cách yêu thương như Ngài yêu thương.

Đó là nhờ vào những niềm vui lớn nhất và nỗi đau khổ cùng cực mà chúng ta trải qua trong mối quan hệ gia đình. Niềm vui phát sinh từ việc đặt sự an lạc của những người khác lên trên sự an lạc của chính mình. Tình yêu thương là như thế đó. Và nỗi đau khổ chủ yếu xuất phát từ tính ích kỷ , tức là thiếu tình yêu thương. Lý tưởng mà Thượng Đế mong muốn cho chúng ta là tạo ra gia đình làm cơ sở dẫn đến hạnh phúc và xa lánh nỗi đau khổ. Một người nam và người nữ phải lập giao ước thiêng liêng để đặt sự an lạc và hạnh phúc của người kia làm trọng tâm của cuộc sống họ. Con cái phải được sinh ra trong một gia đình, nơi có cha mẹ quý trọng nhu cầu của con cái như chính mình. Và con cái cũng phải yêu thương cha mẹ và yêu thương lẫn nhau.

Đó là lý tưởng của một gia đình biết yêu thương nhau. Trong nhiều nhà của chúng ta có câu: “Gia Đình Chúng Ta Có Thể Được Sống Với Nhau Vĩnh Viễn.” Gần nhà tôi có một tấm bia trên một ngôi mộ của một người mẹ và cũng là một người bà. Người phụ nữ này và chồng mình được làm lễ gắn bó với nhau trong đền thờ của Thượng Đế và với con cháu của họ cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. Trên tấm bia mộ đó có khắc dòng chữ: “Xin đừng để trống cái ghế nào cả.” Người phụ nữ ấy đã yêu cầu khắc câu đó trên tấm bia mộ, vì biết rằng việc gia đình có được sống chung với nhau hay không tùy thuộc vào sự chọn lựa của mỗi người trong gia đình. Từ “xin” trong câu khắc đó vì Thượng Đế cũng như người ấy không thể nào ép buộc người khác chọn lựa hạnh phúc. Và còn có Sa Tan là kẻ muốn nỗi khổ sở chứ không muốn hạnh phúc tồn tại trong gia đình, trong cuộc sống hiện tại và mai sau.

Hôm nay, hy vọng của tôi là đề nghị một số điều chọn lựa mà có thể là khó khăn nhưng bảo đảm rằng các anh chị em hội đủ điều kiện để không có cái ghế trống nào của gia đình mình trong thế giới mai sau.

Thứ nhất, tôi đưa ra lời khuyên bảo các cặp vợ chồng. Hãy cầu nguyện để có được tình yêu thương mà cho phép các anh chị em thấy được điều tốt lành nơi người bạn đời của mình. Hãy cầu nguyện để có được tình yêu thương làm cho những điều yếu kém và lỗi lầm trở thành nhỏ nhặt. Hãy cầu nguyện để có được tình yêu thương làm cho niềm vui của người bạn đời thành niềm vui của chính mình. Hãy cầu nguyện để có được tình yêu thương làm giảm nhẹ gánh nặng và xoa dịu nỗi đau khổ của người bạn đời của mình.

Tôi đã thấy điều này trong cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi. Khi mẹ tôi ở giai đoạn cuối cùng của căn bệnh, bà càng trở nên khó chịu bao nhiêu thì cha tôi càng có quyết tâm để mang niềm an ủi đến cho bà bấy nhiêu. Ông đã yêu cầu bệnh viện kê một cái giường trong phòng bà. Ông quyết tâm ở đó để chắc chắn rằng bà không cần một điều gì cả. Mỗi sáng, ông đi một đoạn đường xa để đến chỗ làm và trở về ở bên bà ban đêm trong suốt thời kỳ khó khăn đó. Tôi tin rằng đó là ân tứ mà Thượng Đế ban cho ông để ông có thêm tình yêu thương, khi điều đó rất quan trọng đối với mẹ tôi. Tôi nghĩ rằng ông đã làm điều mà Chúa Giê Su sẽ làm vì tình yêu thương.

Giờ đây tôi xin đưa ra lời khuyên bảo cho các bậc cha mẹ có con đi lạc đường: Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương hoàn hảo về sự kiên trì trong tình yêu thương. Các anh chị em còn nhớ lời an ủi của Ngài ban cho những người trong số dân Nê Phi đã từ chối lời mời gọi trước đó của Ngài để đến cùng Ngài. Ngài đã phán cùng những người sống sót của cảnh tàn phá xảy đến sau khi Ngài bị đóng đinh: “Hỡi các ngươi, gia tộc Y Sơ Ra Ên đã được ta dung tha, biết bao lần ta muốn quy tụ các ngươi lại như gà mái túc con mình ấp trong cánh, nếu các ngươi chịu hối cải và trở về cùng ta một cách hết lòng.”3

Câu chuyện về đứa con hoang phí mang đến cho chúng ta tất cả hy vọng. Đứa con hoang phí đã nhớ đến mái ấm gia đình cũng như con cái của các anh chị em cũng sẽ nhớ như vậy. Chúng sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà kéo chúng trở lại với các anh chị em. Trong đại hội trung ương năm 1929, Anh Cả Orson F. Whitney đã đưa ra một lời hứa đặc biệt mà tôi biết là rất đúng với người cha hoặc người mẹ trung tín luôn tôn trọng lễ gắn bó với con cái của mình trong đền thờ: “Mặc dù một số chiên có thể đi lạc đường, nhưng Đấng Chăn luôn trông theo chúng, và sớm muộn gì thì chúng cũng sẽ cảm nhận được tấm lòng thiết tha của Thượng Đế đang vươn tới chúng và mang chúng trở về bầy.”

Rồi ông nói tiếp: “Hãy cầu nguyện cho con cái khinh suất và bất phục tùng của các anh chị em; hãy kiên trì chịu đựng chúng với đức tin của các anh chị em. Hãy tiếp tục hy vọng, tin tưởng cho đến khi các anh chị em thấy được sự cứu rỗi của Thượng Đế.”4 Anh chị em có thể cầu nguyện cho con cái mình, yêu thương và tìm đến giúp đỡ chúng với sự tin tưởng rằng Chúa Giê Su sẽ cùng với anh chị em. Khi tiếp tục cố gắng, anh chị em đang làm điều mà Chúa Giê Su làm.

Bây giờ, là lời khuyên bảo của tôi với các trẻ em. Chúa ban cho các em một giáo lệnh với lời hứa: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trong xứ mà Chúa, Thượng Đế của ngươi, ban cho ngươi.”5 Đó chỉ là một giáo lệnh trong số Mười Giáo Lệnh có kèm theo lời hứa. Các em có thể không còn cha mẹ. Trong một số trường hợp, các em có thể không cảm thấy rằng cha mẹ mình xứng đáng với sự kính trọng và tôn trọng của con cái. Các em còn có thể không biết họ là ai nữa. Nhưng các em chịu ơn họ vì họ đã sinh ra mình. Và trong mọi trường hợp, cho dù tuổi thọ của các em có được kéo dài hay không thì phẩm chất của cuộc sống cũng sẽ được cải tiến chỉ nhờ vào việc kính trọng cha mẹ mình.

Giờ đây, tôi xin nói với những người xem gia đình của người khác như ruột thịt của họ. Tôi có những người bạn còn nhớ ngày sinh nhật của con cái tôi rõ hơn tôi nữa. Vợ chồng tôi có những người bạn thường xuyên đến thăm chúng tôi hoặc nhớ đến ngày lễ. Tôi thường cảm động khi một người nào đó bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi: “Gia đình của anh như thế nào?” và rồi chờ nghe câu trả lời với tình yêu thương hiện rõ trên gương mặt họ. Họ tỏ ra rất chăm chú nghe tôi mô tả cuộc sống của mỗi đứa con. Tình yêu thương của họ giúp tôi cảm thấy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho con cái tôi một cách sâu đậm hơn. Trong câu hỏi của họ, tôi có thể cảm nhận được rằng họ đã cảm thấy được điều Chúa Giê Su cảm thấy và hỏi điều mà Ngài có lẽ sẽ hỏi.

Đối với tất cả chúng ta, có thể là rất khó để thấy trong cuộc sống của mình một khả năng yêu thương gia tăng và trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, là tấm gương toàn hảo của chúng ta. Tôi muốn được khuyên nhủ các anh chị em. Các anh chị em có được bằng chứng hiển nhiên là mình quả thật đang trở thành giống như Chúa Giê Su. Điều này sẽ giúp nhớ lại cảm tưởng của anh chị em đôi khi giống như một trẻ nhỏ, ngay cả đang ở giữa nỗi lo âu và thử thách. Hãy nghĩ về những đứa trẻ đang hát bài ca đó. Hãy nghĩ đến những lúc có lẽ mới gần đây, anh chị em đã hát cũng giống như các trẻ nhỏ đó: “Tôi đang cố gắng để được giống như Chúa Giê Su; Tôi đi theo lối Ngài.” Các anh chị em hãy nhớ rằng Chúa Giê Su đã phán bảo các môn đồ của Ngài mang các trẻ em đến cùng Ngài và phán: “Hãy để con trẻ đến cùng ta … vì Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.”6 Các anh chị em đã cảm nhận được sự bình an của một đứa trẻ trong sạch khi các anh chị em cố gắng giống như Chúa Giê Su.

Điều đó có thể đã đến khi các anh chị em chịu phép báp têm. Ngài không cần phải được báp têm vì Ngài trong sạch. Nhưng khi chịu phép báp têm, các anh chị em đã có cảm tưởng được thanh tẩy giống như một trẻ nhỏ. Khi Ngài chịu phép báp têm, các tầng trời đã mở ra và Ngài đã nghe tiếng nói của Cha Thiên Thượng của Ngài: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”7 Các anh chị em đã không nghe tiếng nói nào cả nhưng anh chị em đã cảm nhận được sự tán thành của Cha Thiên Thượng vì đã làm theo điều Chúa Giê Su đã làm.

Các anh chị em đã cảm nhận được điều đó trong gia đình mình khi xin người bạn đời tha thứ hoặc tha thứ cho một đứa con vì một lỗi lầm hay điều bất tuân nào đó. Những giây phút đó sẽ đến thường xuyên hơn khi cố gắng làm những điều anh chị em biết Chúa Giê Su cũng đã làm. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài dành cho anh chị em, nên việc anh chị em vâng lời giống như trẻ nhỏ sẽ mang đến một cảm giác yêu thương của Đấng Cứu Rỗi và tình yêu mến của mình dành cho Ngài. Đó là một trong các ân tứ đã được hứa cho những môn đồ trung tín của Ngài. Và ân tứ này không những có thể đến với anh chị em mà còn đến với những người trong gia đình biết yêu thương của anh chị em nữa. Một lời hứa đã được ban cho trong 3 Nê Phi: “Và tất cả con cái của ngươi sẽ được Chúa dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn lao thay.”8

Tôi hy vọng rằng ngày hôm nay các anh chị em sẽ tìm kiếm cơ hội để làm như Ngài đã làm và yêu thương như Ngài đã yêu thương. Tôi có thể hứa rằng, sự bình an để các anh chị em cảm thấy như một đứa trẻ sẽ đến thường xuyên và sẽ ở lại với các anh chị em. Lời hứa mà Ngài đã ban cho các môn đồ của Ngài là chân chính: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”9

Không một ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Nhưng chúng ta có thể thường xuyên được đảm bảo rằng chúng ta đang đi trên con đường của Ngài. Ngài hướng dẫn chúng ta và Ngài ra hiệu cho chúng ta đi theo Ngài.

Tôi làm chứng rằng con đường chính là ở trong đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, trong phép báp têm, trong việc tiếp nhận Đức Thánh Linh và trong sự kiên trì chịu đựng trong tình yêu thương để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Tôi làm chứng rằng Đức Chúa Cha hằng sống và yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là tấm gương hoàn hảo của chúng ta. Joseph Smith là vị tiên tri của Sự Phục Hồi. Ông đã thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tôi biết rằng đó là sự thật. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng của chức tư tế để ban cho các giáo lễ mà cho phép chúng ta trở thành người càng ngày càng tốt hơn nữa cùng giống như Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng của chúng ta hơn. Tôi để lại phước lành của tôi để các anh chị em có thể cảm thấy được bảo đảm và chấp thuận mà các anh chị em cảm thấy, giống như một trẻ nhỏ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Mô Rô Ni 7:48.

  2. “I’m Trying to Be like Jesus,” Children’s Songbook, 78–79.

  3. 3 Nê Phi 10:6.

  4. Orson F. Whitney, trong Conference Report, tháng Tư năm 1929, 110.

  5. Mô Si A 13:20.

  6. Mác 10:14.

  7. Ma Thi Ơ 3:17.

  8. 3 Nê Phi 22:13.

  9. Giăng 14:27.

In