2009
Hãy Bám Chặt
Tháng Mười Một năm 2009


Hãy Bám Chặt

Cha Thiên Thượng không bỏ mặc chúng ta trong những ngày thử thách trên trần thế. Ngài đã ban cho chúng ta tất cả “những đồ trang bị an toàn” cần thiết để trở lại với Ngài một cách thành công.

Hình Ảnh
Ann M. Dibb

Cách đây vài năm, có một bài viết ngắn đăng trên tờ nhật báo địa phương đã làm tôi chú ý , và tôi nhớ mãi bài báo đó kể từ lúc ấy: “Có bốn người chết và bảy công nhân được giải cứu sau khi họ bám vào gầm cầu cao 38 mét ở St. Catharines, Ontario, [Canada,] trong hơn một giờ đồng hồ vì giàn giáo nơi họ đứng trên đó làm việc bị đổ sập” (“News Capsules,” Deseret News, ngày 9 tháng Sáu năm 1993, A2).

Tôi đã và vẫn còn kinh ngạc trước bài báo ngắn đó. Ngay sau khi đọc xong bài báo đó, tôi gọi điện thoại cho một người bạn của gia đình đang sống ở St. Catharines. Người bạn ấy giải thích rằng các công nhân sơn cây cầu Garden City Skyway đã hơn một năm nay và chỉ còn hai tuần nữa là hoàn tất dự án đó thì tai nạn xảy ra. Sau tai nạn đó, các chức sắc chính quyền đã được chất vấn là tại sao những người này không có đồ trang bị an toàn nào cả. Câu trả lời rất giản dị: họ đều có đồ trang bị nhưng họ đã quyết định không sử dụng nó. Sau khi giàn giáo đổ sập, những người sống sót đã bám chặt vào rìa của cái gầm cầu bằng thép rộng 2 centimét và đứng trên một cái rìa bằng thép rộng 20 centimét trong hơn một giờ đồng hồ cho đến khi đội giải cứu có thể với tới họ bằng cái cần trục nặng 36 tấn. Một người sống sót kể lại rằng trong khi bám vào cây cầu, người ấy nghĩ rất nhiều đến gia đình mình. Người ấy nói: “Tôi chỉ muốn cảm tạ Chúa đã cho tôi ở đây ngày hôm nay… . Thật là rùng rợn, đúng thế” (trong Rick Bogacz, “Skyway Horror,” Standard, ngày 9 tháng Sáu năm 1993).

Có nhiều bài học đã được học và phép so sánh được đưa ra từ sự kiện này. Trong khi đa số chúng ta chưa bao giờ gặp phải một tình huống kinh hoàng, một mất một còn như vậy trong cuộc sống, nhưng nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy rằng mình đang trải qua một thời kỳ rùng rợn trong cuộc đời.

Chúng ta có thể cảm thấy thể như mình đang bám chặt vào một cái gì giống như cái gầm cầu bằng thép rộng 2 centimét. Những ngày thử thách trên trần thế của chúng ta không phải là dễ dàng và cũng không ngắn ngủi. Chúng ta được phước đến thế gian này và nhận được một thể xác hữu diệt. Cuộc sống này là cơ hội của chúng ta để tự chứng tỏ và sử dụng quyền tự quyết của mình (xin xem Áp Ra Ham 3:25). Chúng ta có thể chọn tuân theo kế hoạch cứu rỗi (xin xem Gia Rôm 1:2, An Ma 42:5, Môi Se 6:62) và cứu chuộc (xin xem Gia Cốp 6:8, An Ma 12:25, An Ma 42:11) vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng hoặc chúng ta có thể cố gắng tìm ra con đường riêng cho mình. Chúng ta có thể ngoan ngoãn và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài hoặc chúng ta có thể chối bỏ và đối phó với các hậu quả mà chắc chắn sẽ theo sau.

Chính vì thế chúng ta cũng có một sự mô tả chi tiết về công việc làm và bổn phận nguy hiểm. Chúng ta cần phải đối phó với những thử thách. Chúng ta có thể trải qua nỗi cô đơn, mối quan hệ căng thẳng, sự bội tín, những cám dỗ, thói nghiện ngập, giới hạn của cơ thể mình, hoặc việc mất công việc làm cần thiết. Chúng ta có thể được thử thách với những cảm nghĩ chán nản vì hy vọng và ước mơ ngay chính của mình không hoàn thành đúng theo kế hoạch đã định. Chúng ta có thể nghi ngờ khả năng của mình và sợ sẽ có thể thất bại, ngay cả trong những sự kêu gọi trong Giáo Hội và gia đình mình. Thử thách và nguy hiểm mà chúng ta sống với ngày nay, kể cả sự khoan dung của xã hội đối với tội lỗi, đã được các vị tiên tri thời xưa và tại thế tiên đoán. Đây chỉ là tạm thời và có thật giống như mối đe dọa bị rơi xuống từ độ cao 38 mét và chắc chắn sẽ chết từ một cây cầu cao.

Cuộc sống của tôi không hoàn hảo. Tôi đương đầu với nhiều thử thách giống như các anh chị em. Chúng ta đều như vậy. Tôi biết rằng cám dỗ của kẻ nghịch thù cũng như khó khăn của trần thế đều luôn luôn hiện hữu và vây quanh mỗi người chúng ta. Tôi đồng ý với lời người công nhân được giải cứu nói về kinh nghiệm nguy hiểm của người ấy khi bám vào cái gầm cầu bằng thép: “Thật là rùng rợn, đúng thế” .

Tuy nhiên, là điều quan trọng để thấy rằng trong thánh thư có rất ít câu chuyện về những người sống sung sướng trong hạnh phúc và không bị chống đối. Chúng ta học hỏi và tăng trưởng bằng cách khắc phục những thử thách với đức tin, sự kiên trì và ngay chính cá nhân. Tôi đã được củng cố nhờ sự tin tưởng vô tận của Chủ Tịch Thomas S. Monson nơi Cha Thiên Thượng và nơi chúng ta. Ông đã nói: “Hãy nhớ rằng các anh chị em đều được quyền có được các phước lành của Cha [Thiên Thượng] trong công việc này. Ngài không kêu gọi các anh chị em vào chức vụ vinh dự để làm việc một mình, mà không được hướng dẫn, chỉ trông cậy vào sự may rủi thôi. Trái lại, Ngài biết kỹ năng của các anh chị em, Ngài nhận biết lòng tận tụy của các anh chị em và Ngài sẽ biến những điều được xem là khiếm khuyết của các anh chị em thành sức mạnh được công nhận. Ngài đã hứa: ‘Ta sẽ đi trước mặt ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi’” (“Củ Cải Đường và Giá Trị của Con Người,” Ensign, tháng Bảy năm 2009, 5–6).

Cha Thiên Thượng không bỏ mặc chúng ta trong những ngày thử thách trên trần thế. Ngài ban cho chúng ta tất cả “những đồ trang bị an toàn” cần thiết để trở lại với Ngài một cách thành công. Ngài ban cho chúng ta sự cầu nguyện cá nhân, thánh thư, các vị tiên tri tại thế, cùng Đức Thánh Linh để hướng dẫn chúng ta. Đôi khi, việc sử dụng trang bị này có vẻ như vướng víu phiền toái, bất tiện và không hợp thời trang chút nào cả. Việc sử dụng đúng đồ trang bị này đòi hỏi phải chuyên tâm, vâng lời và kiên trì. Nhưng tôi chắc chắn luôn luôn chọn sử dụng trang bị đó. Chúng ta đều cần phải chọn để sử dụng nó.

Trong thánh thư, chúng ta học về một đồ trang bị an toàn chính yếu khác—đó là “thanh sắt.” Các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, được mời bám chặt vào thanh sắt này để được an toàn tìm ra con đường của họ dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Tôi đang nói đến khải tượng của Lê Hi về cái cây sự sống trong Sách Mặc Môn.

Qua điều mặc khải thiêng liêng cho cá nhân, vị tiên tri trong Sách Mặc Môn, Lê Hi và con trai của ông là Nê Phi, mỗi người đều được cho thấy một khải tượng về tình trạng thử thách trên trần thế cùng những nguy hiểm kèm theo. Lê Hi nói: “Và chuyện rằng, có một đám sương mù tối đen nổi lên; phải, một đám sương mù, tối đen vô cùng đến đỗi những người mới bắt đầu đi vào con đường ấy phải lạc lối khiến họ đi lang thang rồi lạc mất luôn” (1 Nê Phi 8:23). Tuy nhiên “ông [cũng] thấy các đám đông khác đang cố sức tiến tới trước; và họ đến nắm đầu thanh sắt rồi cố sức tiến tới trước, tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt cho tới khi họ đến được bên cây thì rạp mình xuống và ăn trái cây ấy” (1 Nê Phi 8:30), có nghĩa là cây sự sống.

Từ khải tượng của Lê Hi, chúng ta biết rằng mình phải bám chặt vào rào chắn an toàn này—tức là thanh sắt này, nằm dọc theo con đường chật và hẹp của riêng mình—bám chặt cho đến khi chúng ta tới mục tiêu tối thượng của cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. Nê Phi hứa với những người bám chặt vào thanh sắt rằng họ “sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch khiến họ phải đi vào con đường hủy diệt.” (1 Nê Phi 15:24).

Tôi mời các anh chị em hãy đọc lại hết những câu chuyện về khải tượng đầy soi dẫn này. Hãy nghiên cứu, suy ngẫm và áp dụng các câu chuyện này vào cuộc sống hằng ngày của các anh chị em. Theo từ ngữ hiện đại, chúng ta có thể nói mình được mời “nắm lấy” thanh sắt. Chúng ta cần phải nắm chặt thanh sắt và đừng bao giờ buông ra.

Chủ Tịch Harold B. Lee, là vị tiên tri khi tôi còn niên thiếu, dạy rằng: “Nếu có bất cứ điều gì cần thiết nhất trong lúc hỗn loạn và náo động này, khi cả nam lẫn nữ, giới trẻ và những người trưởng thành đều tìm kiếm một cách tuyệt vọng giải pháp cho những vấn đề làm khổ sở nhân loại thì ‘thanh sắt’ chính là sự hướng dẫn an toàn dọc theo con đường hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, trong số những con đường xa lạ ngằn ngoèo mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt và làm sụp đổ tất cả những gì ‘đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt’” (“The Iron Rod,” Ensign, tháng Sáu năm 1971, 7).

Lời trích dẫn ngày rất thích hợp khi tôi còn niên thiếu và có lẽ còn thích hợp hơn nữa ngày nay. Những lời của các vị tiên tri đều cảnh cáo, giảng dạy và khích lệ lẽ thật cho dù đã được nói ra vào 600 năm trước Công Nguyên, năm 1971 hay năm 2009. Tôi khuyến khích các anh chị em lắng nghe, tin tưởng và làm theo những lời đầy soi dẫn của những người chúng ta tán trợ với tư cách là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để bám chặt vào thanh sắt. Chúng ta có thể buông ra vì áp lực của bạn bè hay tính kiêu ngạo, vì nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình tìm ra con đường trở về—sau này. Khi làm như vậy, chúng ta đang bỏ lại đồ trang bị an toàn của mình. Trong khải tượng của Lê Hi, ông thấy nhiều người buông thanh sắt ra. Ông nói: “Và nhiều người khác thì bị xa lạc khỏi tầm mắt của ông, họ đi lang thang trong những con đường xa lạ.” (1 Nê Phi 8:32). Những lúc khó khăn trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy mình cũng “đi lang thang trong những con đường xa lạ.” Tôi bảo đảm với các anh chị em rằng việc chúng ta tìm ra con đường trở về đều luôn luôn có thể thực hiện được. Qua sự hối cải, nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể trở lại và tái cam kết sẽ bám chặt vào thanh sắt và cảm nhận được sự hướng dẫn nhân từ của Cha Thiên Thượng một lần nữa. Đấng Cứu Rỗi đưa ra lời mời gọi công khai cho chúng ta: Hãy hối cải, hãy bám chặt và chớ buông ra.

Cũng giống như Nê Phi, với tất cả nghị lực của tâm hồn tôi, tôi khuyến khích các anh chị em sẽ “chú tâm đến lời của Thượng Đế và nhớ luôn luôn tuân giữ những lệnh truyền của Ngài trong mọi sự việc” (1 Nê Phi 15:25). Hãy sử dụng đồ trang bị an toàn mà Ngài đã ban cho các anh chị em. Hãy bám chặt và tin rằng Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho các anh chị em vì sự chuyên tâm của các anh chị em.

Tôi biết phúc âm phục hồi là chân chính, và tôi biết rằng chúng ta đang được một vi tiên tri tại thế của Thượng Đế, Chủ Tịch Thomas S. Monson hướng dẫn. Thật là một đặc ân và phước lành được làm con gái của ông. Tôi yêu thương cha mẹ tôi rất nhiều.

Một buổi chiều nọ, tôi cảm thấy hơi chán nản và nói: “Cha ơi, các phước lành chúng ta nhận được với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội và các phước lành được hứa của đền thờ đều thật tuyệt diệu nhỉ, nếu chúng ta chịu tìm đến và chọn chấp nhận các phước lành này.” Ông đáp không chút do dự: “Ann con, các phước lành đó là quan trọng bậc nhất đấy.”

Cầu xin cho chúng ta bám chặt vào các lẽ thật vĩnh cửu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vì chúng thật sự là quan trọng bậc nhất, là lời cầu nguyện chân thành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In