2009
Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình
Tháng Mười Một năm 2009


Được Siêng Năng Hơn và Biết Lo Lắng Hơn trong Gia Đình

Chúng ta có thể trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình khi chúng ta trung thành hơn trong việc học hỏi, sống theo và yêu mến phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Elder David A. Bednar

Vào năm 1833, Tiên Tri Joseph Smith nhận được một điều mặc khải chứa đựng lời khiển trách nghiêm khắc đối với một vài anh em lãnh đạo của Giáo Hội là phải sắp xếp gia đình mình cho có trật tự (xin xem GLGƯ 93:40–50). Một cụm từ cụ thể từ điều mặc khải này cung ứng đề tài cho sứ điệp của tôi—“được siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình” (câu 50). Tôi muốn đề nghị ba cách mỗi người chúng ta có thể trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình. Tôi mời các anh chị em hãy lắng nghe bằng tai lẫn bằng tấm lòng và tôi cầu xin Thánh Linh của Chúa sẽ ở cùng với tất cả chúng ta

Đề nghị Số Một: Bày Tỏ Tình Yêu Thương—và Cho Thấy Tình Yêu Thương.

Chúng ta có thể bắt đầu trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình bằng cách nói cho những người thân yêu biết rằng chúng ta yêu thương họ. Những lời này không cần phải hoa mỹ hay dài dòng. Chúng ta chỉ cần phải thành thật và thường xuyên bày tỏ tình yêu thương.

Thưa các anh chị em, lần cuối cùng các anh chị em ôm người bạn đời vĩnh cửu của mình vào lòng và nói lời yêu thương họ là lúc nào? Các bậc cha mẹ, lần cuối cùng các anh chị em chân thành bày tỏ tình yêu thương đối với con cái của mình là lúc nào? Các con cái, lần cuối cùng các em nói với cha mẹ mình là các em yêu mến họ là lúc nào?

Mỗi chúng ta đều biết rằng chúng ta cần phải nói với những người mình yêu thương biết là chúng ta yêu thương họ. Nhưng điều mà chúng ta biết thì không phải lúc nào cũng phản ảnh trong điều chúng ta làm. Chúng ta có thể cảm thấy thiếu tự tin, lúng túng hoặc có lẽ một chút ngượng ngịu.

Là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta không những cố gắng để biết nhiều hơn; mà đúng hơn, phải kiên định làm nhiều hơn điều chúng ta biết là đúng và trở nên tốt lành hơn.

Chúng ta cần phải nhớ rằng câu nói chúng ta yêu thương một người thân của mình chỉ là khởi đầu mà thôi. Chúng ta cần phải nói câu nói đó, chúng ta cần phải thật sự muốn nói câu đó, và quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải thường xuyên cho thấy điều đó. Chúng ta cần phải bày tỏ lẫn cho thấy tình yêu thương.

Mới gần đây, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khuyên dạy: “Chúng ta thường tưởng rằng [những người chung quanh mình] cần phải biết là chúng ta yêu thương họ biết bao. Nhưng chúng ta đừng bao giờ tưởng như vậy; chúng ta cần phải nói cho họ biết… . Chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc đã thốt ra những lời tử tế hoặc cho thấy sự trìu mến. Thay vì thế, chúng ta sẽ hối tiếc nếu thiếu sót những điều như vậy trong mối quan hệ của mình với những người có ý nghĩa nhiều nhất đối với chúng ta” (Thomas S. Monson, “Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống,” Ensign, tháng Mười Một năm 2008, 86).

Đôi khi trong một bài nói chuyện hoặc chia sẻ chứng ngôn tại buổi lễ Tiệc Thánh, chúng ta nghe ai đó phát biểu như sau: “Tôi biết tôi thường không nói đủ với người vợ của tôi là tôi yêu vợ tôi biết bao. Hôm nay, tôi muốn vợ tôi, các con của tôi và tất cả các anh chị em biết rằng tôi yêu vợ tôi.”

Một lối bày tỏ tình yêu thương như vậy có thể là thích hợp. Nhưng khi nghe một lời nói như vậy, thì tôi cảm thấy lúng túng và thầm nói rằng người vợ và con cái không nên nghe lời nói đó mà hiển nhiên là hiếm có và riêng tư ở giữa công chúng tại nhà thờ! Hy vọng là mấy đứa con nghe thấy tình yêu thương được bày tỏ và cho thấy giữa cha mẹ chúng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nếu câu nói yêu thương giữa công chúng tại nhà thờ có phần nào làm cho người vợ hoặc con cái ngạc nhiên một chút thì quả thật, cần phải được siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình.

Mối quan hệ giữa tình yêu thương và hành động thích đáng được cho thấy nhiều lần trong thánh thư và được nhấn mạnh trong lời chỉ dẫn của Đấng Cứu Rỗi dành cho Các Sứ Đồ của Ngài: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15). Cũng giống như tình yêu mến của chúng ta đối với Chúa được chứng tỏ bằng cách luôn luôn bước đi trong lối Ngài (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:9), thì tình yêu thương của chúng ta đối với người phối ngẫu, cha mẹ và con cái được phản ảnh mạnh mẽ nhất trong ý nghĩ, lời nói và hành động của mình (xin xem Mô Si A 4:30).

Việc cảm thấy được an toàn và tình yêu thương chung thủy từ một người phối ngẫu, một người cha hay mẹ hoặc một đứa con là một phước lành dồi dào. Tình yêu thương như vậy nuôi dưỡng và hỗ trợ đức tin nơi Thượng Đế. Tình yêu thương như vậy là một nguồn sức mạnh và xua tan nỗi sợ hãi (xin xem 1 Giăng 4:18). Tình yêu thương như vậy là ước muốn của mỗi người.

Chúng ta trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình khi chúng ta bày tỏ tình yêu thương— và thường xuyên cho thấy tình yêu thương đó.

Đề Nghị Số Hai: Chia Sẻ Chứng Ngôn—và Sống theo Chứng Ngôn Đó

Chúng ta cũng có thể trở nên được siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình bằng cách chia sẻ chứng ngôn với những người thân yêu về những điều chúng ta biết là có thật bởi sự làm chứng của Đức Thánh Linh. Việc chia sẻ chứng ngôn không cần phải dài dòng hay văn hoa. Và chúng ta không cần phải chờ cho đến ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng để làm chứng về những điều chân chính. Bên trong nhà của mình, chúng ta có thể và cần phải chia sẻ chứng ngôn thuần khiết về thiên tính cũng như sự xác thật của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, về kế hoạch hạnh phúc vĩ đại và Sự Phục Hồi.

Thưa các anh chị em, lần cuối cùng các anh chị em chia sẻ chứng ngôn với người bạn đời vĩnh cửu của mình là lúc nào? Các bậc cha mẹ, lần cuối cùng các anh chị em chia sẻ chứng ngôn với con cái mình về những điều các anh chị em biết là chân chính là lúc nào? Và các con cái, lần cuối cùng các em chia sẻ chứng ngôn với cha mẹ và gia đình mình là lúc nào?

Mỗi chúng ta đều biết rằng chúng ta cần phải chia sẻ chứng ngôn với những người mình yêu thương nhất. Nhưng điều chúng ta biết thì không phải lúc nào cũng phản ảnh nơi điều chúng ta làm. Chúng ta có thể cảm thấy thiếu tự tin, lúng túng hoặc có lẽ đôi chút ngượng ngịu.

Là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta không những cố gắng để biết nhiều hơn; mà đúng hơn, còn thường xuyên phải làm nhiều hơn điều chúng ta biết là đúng và trở nên tốt lành hơn.

Chúng ta cần phải nhớ rằng việc chia sẻ một chứng ngôn chân thành chỉ là khởi đầu mà thôi. Chúng ta cần phải chia sẻ chứng ngôn, chúng ta cần phải thật sự muốn chia sẻ chứng ngôn đó, và quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải thường xuyên sống theo chứng ngôn đó. Chúng ta cần phải bày tỏ lẫn sống theo chứng ngôn của mình.

Mối quan hệ giữa chứng ngôn và hành động thích đáng được nhấn mạnh trong lời chỉ dẫn của Đấng Cứu Rỗi dành cho Các Thánh Hữu ở Kirtland: “Ta muốn các ngươi phải làm theo những gì Thánh Linh làm chứng với các ngươi” (GLGƯ 46:7). Chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật phúc âm cần phải phản ảnh trong lời nói lẫn hành động của mình. Chứng ngôn của chúng ta được chia sẻ và sống theo một cách tích cực nhất trong nhà của mình. Những người phối ngẫu, cha mẹ và con cái cần phải cố gắng khắc phục bất cứ cảm giác do dự, miễn cưỡng hoặc ngượng ngịu nào về việc chia sẻ chứng ngôn. Chúng ta nên tạo ra và tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ chứng ngôn về các lẽ thật phúc âm—cũng như sống theo các lẽ thật này.

Một chứng ngôn là điều mà chúng ta biết là chân chính trong tâm trí mình bởi sự làm chứng của Đức Thánh Linh (xin xem GLGƯ 8:2). Khi nói lên lẽ thật thay vì khiển trách, khuyên nhủ hoặc chỉ chia sẻ những kinh nghiệm thú vị, thì chúng ta mời gọi Đức Thánh Linh xác nhận lẽ thật về lời nói của chúng ta. Quyền năng của chứng ngôn thuần nhất (xin xem An Ma 4:19) không đến từ lời lẽ ngụy biện hoặc phần trình bày gây ấn tượng sâu sắc; thay vì thế, đó là kết quả của sự mặc khải được truyền đạt bởi Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, chính là Đức Thánh Linh.

Việc cảm nhận được quyền năng, sự gây dựng và trung thành của chứng ngôn từ người phối ngẫu, người cha hay người mẹ hoặc đứa con, là một phước lành dồi dào. Chứng ngôn như vậy củng cố đức tin và mang đến sự hướng dẫn. Chứng ngôn như vậy phát ra ánh sáng trong một thế giới đang trở nên càng ngày càng tối tăm. Chứng ngôn như vậy là nguồn viễn cảnh vĩnh cửu và sự bình an lâu dài.

Chúng ta có thể trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình khi chia sẻ chứng ngôn—và kiên định sống theo chứng ngôn đó.

Đề Nghị Số Ba: Hãy kiên định

Khi các con trai của chúng tôi lớn lên, gia đình chúng tôi làm tất cả những gì các anh chị em đã làm và hiện làm. Chúng tôi thường cùng với gia đình cầu nguyện, học thánh thư và có buổi họp tối gia đình. Vâng, tôi chắc chắn là điều mà tôi sắp mô tả thì chưa bao giờ xảy ra trong nhà của các anh chị em nhưng đã xảy ra trong nhà của chúng tôi.

Đôi khi Chị Bednar và tôi tự hỏi các nỗ lực của chúng tôi để làm những điều thiết yếu cho phần thuộc linh này có đáng bõ công không. Thỉnh thoảng các câu thánh thư được đọc lên giữa những tiếng la hét, như là: “Nó chạm vào người con nè!” “Cha mẹ bắt nó ngừng nhìn con đi!” “Nó đang thở không khí của con đó!” Những lời cầu nguyện chân thành thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi tiếng cười khúc khích và đẩy nhau. Và với mấy đứa con trai hiếu động, bướng bỉnh, thì các bài học trong buổi họp tối gia đình không phải lúc nào cũng đưa đến mức độ gây dựng cao. Đôi khi, Chị Bednar và tôi cảm thấy bực tức vì thói quen ngay chính mà chúng tôi cố gắng rất nhiều để khuyến khích thì dường như không mang lại kết quả thuộc linh mà chúng tôi mong muốn và kỳ vọng.

Ngày nay, nếu các anh chị em có thể hỏi mấy đứa con trai đã trưởng thành của chúng tôi còn nhớ điều gì về lời cầu nguyện, việc học thánh thư chung gia đình và buổi họp tối gia đình thì tôi biết chúng sẽ trả lời như thế nào. Có lẽ chúng sẽ không nêu ra một lời cầu nguyện đặc biệt nào, một ví dụ cụ thể về việc học hỏi thánh thư hoặc một bài học trong buổi họp tối gia đình đầy ý nghĩa nào làm giây phút quyết định trong sự phát triển phần thuộc linh của chúng đâu. Nhưng chúng sẽ nói điều chúng nhớ là chúng tôi đã kiên định cùng với gia đình.

Chị Bednar và tôi nghĩ rằng việc giúp đỡ mấy đứa con trai của chúng tôi hiểu nội dung bài học đặc biệt hoặc một câu thánh thư cụ thể là kết quả tột bực. Nhưng kết quả như vậy không xảy ra mỗi lần chúng tôi cùng nhau nghiên cứu, cầu nguyện hoặc học hỏi. Sự kiên định trong ý định và việc làm có lẽ là bài học quan trọng nhất—một bài học chúng tôi không hoàn toàn hiểu rõ giá trị vào lúc ấy.

Trong văn phòng của tôi, có treo một bức tranh vẽ cánh đồng lúa mì rất đẹp. Bức tranh ấy kết hợp nhiều nét vẽ bằng bút lông—không một nét vẽ riêng rẽ nào trông thú vị hoặc gây ấn tượng sâu sắc cả. Thật ra, nếu đứng gần bức tranh đó thì các anh chị em chỉ có thể thấy một số nét vẽ màu vàng nhạt, màu vàng sậm kể cả màu nâu dường như rời rạc và thiếu sức thu hút. Tuy nhiên, khi các anh chị em đi dần dần ra xa khỏi bức tranh đó, thì tất cả những nét vẽ bằng bút lông rời rạc kết hợp lại và trình bày một phong cảnh tuyệt diệu về cánh đồng lúa mì. Nhiều nét vẽ bằng bút lông tầm thường, riêng rẽ cùng kết hợp lại để tạo ra một bức tranh đẹp tuyệt vời.

Mỗi lời cầu nguyện chung gia đình, mỗi đoạn thánh thư mà gia đình cùng đọc và mỗi buổi họp tối gia đình là một nét vẽ bằng bút lông trên bức tranh của tâm hồn chúng ta. Có lẽ không có một sự kiện nào dường như lại gây ấn tượng sâu xa hoặc đáng ghi nhớ. Nhưng cũng như các nét vẽ bằng bút lông màu vàng nhạt, màu vàng đậm và màu nâu bổ sung cho nhau rồi tạo nên một kiệt tác đầy ấn tượng thì sự kiên định của chúng ta trong khi làm những điều dường như nhỏ nhặt đã có thể đưa đến những kết quả thuộc linh đầy ý nghĩa. “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (GLGƯ 64:33). Sự kiên định là nguyên tắc chính yếu khi chúng ta đặt nền tảng của một công việc trọng đại vào cuộc sống cá nhân cũng như khi chúng ta trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình của mình.

Việc kiên định trong nhà của chúng ta cũng rất quan trọng vì một lý do khác nữa. Nhiều lời khiển trách nghiêm khắc nhất của Đấng Cứu Rỗi được nhắm vào những người đạo đức giả. Chúa Giê Su đã cảnh cáo các môn đồ của Ngài về những thầy thông giáo và những người Pha Ri Si: “Đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm” (Ma Thi Ơ 23:3). Lời khiển trách nghiêm khắc này là lời khuyên chín chắn dựa trên lời dạy phải “bày tỏ tình yêu thương—và cho thấy tình yêu thương,” phải “chia sẻ chứng ngôn—rồi sống theo chứng ngôn đó,” và phải “kiên định.”

Hành động đạo đức giả trong cuộc sống của chúng ta được nhận ra dễ dàng nhất và gây ra tàn phá nguy hại nhất là bên trong nhà chúng ta. Con cái thường cảnh giác và bén nhạy nhất khi chúng nhận ra hành động đạo đức giả.

Những lời yêu thương được nói lên giữa công chúng khi không có những hành động yêu thương riêng tư ở nhà là đạo đức giả—và làm suy yếu nền móng của một công việc lớn lao. Việc tuyên bố công khai chứng ngôn khi không có lòng trung thành và sự vâng lời bên trong nhà của mình là đạo đức giả—và làm suy yếu nền móng của một công việc lớn lao. Giáo lệnh: “Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:16) áp dụng thẳng vào vấn đề đạo đức giả bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải luôn luôn trở nên kiên định hơn. “Nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (1 Ti Mô Thê 4:12).

Trong khi tìm kiếm giúp đỡ của Chúa nơi sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể dần dần giảm bớt khác biệt giữa điều chúng ta nói và điều chúng ta làm, giữa việc bày tỏ tình yêu thương và việc cho thấy tình yêu thương một cách kiên định, giữa việc chia sẻ chứng ngôn và sống theo chứng ngôn trước sau như một. Chúng ta có thể trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình khi chúng ta trung thành hơn trong việc học hỏi, sống theo cũng như yêu mến phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chứng ngôn

“Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49). Vì những lý do này và những lý do quan trọng vĩnh viễn khác, chúng ta cần trở nên siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình mình.

Cầu xin cho mỗi người phối ngẫu, mỗi đứa con, mỗi người cha, người mẹ được ban phước để truyền đạt cùng tiếp nhận tình yêu thương, chia sẻ và được gây dựng bởi chứng ngôn vững mạnh, rồi trở nên kiên định hơn trong những điều dường như nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng.

Trong những mưu cầu quan trọng này, chúng ta sẽ không bao giờ bị bỏ mặc một mình. Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài hằng sống. Hai Ngài yêu thương chúng ta và biết được hoàn cảnh của chúng ta, hai Ngài sẽ giúp chúng ta siêng năng hơn và biết lo lắng hơn trong gia đình. Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In