Ôn Hòa trong Mọi Sự Việc
Học cách ôn hòa trong mọi sự việc là một ân tứ thuộc linh có sẵn qua Đức Thánh Linh.
Để đáp ứng lời cầu vấn của Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã chỉ thị: “Và chẳng ai có thể giúp đỡ trong công việc này nếu kẻ đó không có lòng khiêm nhường và đầy tình thương, có đức tin, hy vọng, và lòng bác ái, ôn hòa trong mọi sự việc mà mình đã được giao phó cho.”1
Chỉ thị phải ôn hòa trong mọi sự việc áp dụng cho mỗi người chúng ta. Ôn hòa có nghĩa là gì và tại sao Chúa muốn chúng ta phải ôn hòa? Một định nghĩa chính xác có thể là “cố gắng kiềm chế khi ăn uống.” Thật vậy, định nghĩa của từ ôn hòa này có thể là một mệnh lệnh tốt cho việc tuân giữ Lời Thông Sáng. Đôi khi từ ôn hòa còn có thể có nghĩa là “tự kiềm chế không giận dữ hoặc không để mất bình tĩnh.” Tuy nhiên, những định nghĩa này chỉ là một vài trong số những cách từ này được sử dụng trong thánh thư.
Theo ý nghĩa thuộc linh, ôn hòa là thuộc tính thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài mong muốn mỗi người chúng ta phát huy thuộc tính này. Học cách ôn hòa trong mọi sự việc là một ân tứ thuộc linh có sẵn qua Đức Thánh Linh.
Khi Sứ Đồ Phao Lô mô tả một số trái của Thánh Linh trong thư ông gửi cho người Ga La Ti, ông nói về “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, [và] tiết độ.”2
Khi Phao Lô viết cho Tít, bằng cách mô tả các thuộc tính cần thiết để một vị giám trợ phụ giúp trong công việc này, ông nói rằng vị giám trợ ấy cần phải “chẳng nên kiêu ngạo, giận dữ, … nhưng tiết độ.”3 Trở nên tiết độ là phải điều độ trong mọi sự việc hoặc tập tự kiềm chế.
Khi An Ma Con giảng dạy ở xứ Ghê Đê Ôn, ông nói:
“Tôi tin rằng, đồng bào không dương dương tự đắc trong lòng mình; phải, tôi tin rằng đồng bào không để hết lòng mình vào của cải và những điều vô bổ của thế gian …
“Tôi mong rằng đồng bào hãy khiêm nhường, biết phục tùng và hiền lành; dễ dạy; lòng đầy kiên nhẫn và nhịn nhục; ôn hòa trong mọi việc.”4
Trong một sứ điệp về sau, An Ma đã chỉ dạy cho con trai của mình là Síp Lân và cũng chỉ dẫn cho tất cả chúng ta là phải “lưu ý đừng dương dương tự đắc,”5 thay vì thế chúng ta cần phải “chuyên tâm và ôn hòa trong mọi sự việc.”6 Ôn hòa có nghĩa là xem xét kỹ kỳ vọng và ước muốn của mình; chuyên tâm và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm các mục tiêu ngay chính.
Cách đây vài năm, khi tôi đang lái xe đi làm về thì có một chiếc xe tải lớn, chạy ngược chiều, bị mất bánh xe đôi. Một bánh xe bay ra giữa phần ngăn hai làn xe chạy. Bánh xe nẩy lên rồi lăn về phía tôi trên xa lộ. Mấy chiếc xe hơi quẹo ra cả hai hướng, những người lái xe không biết cái bánh xe sẽ nẩy lên nẩy xuống lăn tiếp đến đâu. Tôi lái xe né về phía trái khi đáng lẽ tôi phải né về phía phải, và cuối cùng bánh xe ấy nẩy lên đến góc của cái kính chắn gió của xe tôi.
Một người bạn gọi điện cho vợ tôi để báo về tai nạn đó. Về sau, vợ tôi nói với tôi là ý nghĩ đầu tiên của bà là mình mẩy tôi bị xước rách vì miếng kính vỡ. Quả thật, người tôi đầy các mảnh kính vỡ nhưng tôi không bị vết xước nào cả. Nhất định điều đó không phải là nhờ vào tài lái xe của tôi mà đúng hơn là do miếng kính chắn gió của xe tôi được làm bằng loại thủy tinh có độ cứng và đàn hồi cao.
Độ cứng và đàn hồi của thủy tinh, giống như thép được tôi luyện qua quá trình nung nóng nhằm gia tăng độ cứng. Do đó, khi thủy tinh đã được tôi luyện thì sẽ không dễ vỡ thành nhiều mảnh để có thể gây thương tích.
Tương tự như vậy, một tâm hồn ôn hòa—một người khiêm nhường và đầy yêu thương—cũng là người có nhiều sức mạnh thuộc linh hơn. Với nhiều sức mạnh thuộc linh hơn, chúng ta có thể phát triển tính tự chủ và sống điều độ. Chúng ta học cách kiềm chế hoặc làm ôn hòa cơn giận dữ, lòng tự phụ và tính kiêu căng. Với nhiều sức mạnh thuộc linh hơn, chúng ta có thể tự bảo vệ khỏi những điều quá độ đầy nguy hiểm và những thói nghiện ngập tai hại của thế giới ngày nay.
Chúng ta đều tìm kiếm sự thanh thản tâm hồn và đều mong muốn gia đình mình được an toàn và hạnh phúc. Nếu chúng ta tìm kiếm phước lành bất ngờ trong tình trạng kinh tế suy sụp của năm ngoái, thì có lẽ thử thách mà một số người đang gặp phải dạy cho chúng ta biết rằng sự thanh thản tâm hồn, an toàn và hạnh phúc không đến từ việc mua một căn nhà hoặc tích lũy của cải có số tiền nợ nhiều hơn số tiền kiếm được hoặc số tiền dành dụm.
Chúng ta sống trong một thế giới thiếu kiên nhẫn và quá độ, đầy bấp bênh và tranh chấp. Điều đó cũng giống như cộng đồng những người cải đạo theo nhiều tôn giáo khác nhau nơi Joseph Smith sống khi còn là thiếu niên 14 tuổi đang tìm kiếm giải đáp cho những câu hỏi của ông. Thiếu niên Joseph nói: “Tất cả những cảm tình tốt đẹp của họ dành cho nhau, nếu có chút nào chăng nữa, đều hoàn toàn bị mất đi vì sự tranh chấp về ngôn từ và tranh cãi về quan điểm.”7
Sự an toàn cho gia đình của chúng ta đến từ việc học cách tự kiềm chế, tránh những điều quá độ của thế gian này và trở nên ôn hòa trong mọi sự việc. Sự thanh thản tâm hồn xuất phát từ đức tin đã được củng cố nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hạnh phúc có được từ việc chuyên tâm tuân giữ các giao ước đã lập tại phép báp têm và trong các đền thờ thánh của Chúa.
Chúng ta có tấm gương nào về sự ôn hòa tốt hơn Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô không?
Khi tâm hồn của chúng ta bị khích động bởi việc cãi vã và tranh chấp, thì Đấng Cứu Rỗi dạy rằng chúng ta cần phải “hối cải, và trở thành như trẻ nhỏ”8 Chúng ta cần phải hòa thuận với người anh của mình và đến cùng Đấng Cứu Rỗi với mục đích trọn vẹn của tâm hồn.9
Khi những người khác không tử tế, thì Chúa Giê Su dạy rằng “lòng nhân từ của ta sẽ chẳng bao giờ rời khỏi ngươi.”10
Khi chúng ta đương đầu với nỗi khổ sở thì Ngài phán: “Hãy kiên nhẫn trong những nỗi đau khổ, chớ thóa mạ những kẻ thóa mạ mình. Hãy điều khiển gia đình mình bằng sự nhu mì và cương quyết.”11
Khi bị áp bức, chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng “người bị áp bức, và bị khốn khổ, nhưng người chẳng hề mở miệng.”12 “Quả thật người đã mang sự đau khổ của chúng ta, và gánh lấy sự sầu muộn của chúng ta.”13
Khi Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng vĩ đại hơn hết, chịu đau khổ vì chúng ta đến nỗi Ngài phải rớm máu từng lỗ chân lông, Ngài không hề biểu lộ cơn giận dữ hoặc thóa mạ trong khi đau đớn. Với việc tự kiềm chế hoặc ôn hòa vô song, ý nghĩ của Ngài không vì Ngài nữa mà vì các anh chị em và tôi. Và rồi, với tấm lòng đầy khiêm nhường và tình thương yêu, Ngài phán: “Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người.”14
Trong năm vừa qua, tôi có đặc ân để làm chứng về tính xác thật của Đấng Cứu Rỗi và sự phục hồi phúc âm cho Các Thánh Hữu và bạn bè ở khắp Châu Á. Đa số đều là thế hệ đầu tiên Thánh Hữu Ngày Sau, là những người đang sống ở nơi Giáo Hội còn mới. Cuộc hành trình ngày sau này trong khu vực của họ làm chúng ta nhớ đến kinh nghiệm đó của Các Thánh Hữu Ngày Sau đầu tiên thời xưa.
Trong thế giới đa dạng kỳ diệu ở Châu Á, nơi các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chỉ là một phần trăm nhỏ của dân số đông đúc, tôi cảm kích nhiều hơn đối với thuộc tính ôn hòa giống như Đấng Ky Tô. Tôi yêu mến và kính trọng Các Thánh Hữu này là những người đã dạy cho tôi qua tấm gương về ý nghĩa của lòng khiêm nhường, tràn đầy tình thương, “ôn hòa trong mọi sự việc mình được giao phó.”15 Nhờ họ, tôi dần dần hiểu rõ hơn tình yêu thương của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài.
Tôi để lại lời chứng rằng Đấng Cứu Chuộc hằng sống và ân tứ thiêng liêng về thái độ ôn hòa đều có sẵn cho mỗi con cái của Thượng Đế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.