2009
Hãy Coi Chừng Khoảng Trống
Tháng Mười Một năm 2009


Hãy Coi Chừng Khoảng Trống

Những khoảng trống này có thể là điều nhắc nhở về cách chúng ta có thể cải tiến hoặc, nếu chúng ta làm ngơ, thì có thể trở thành chướng ngại vật trong cuộc sống của chúng ta.

Hình Ảnh
Barbara Thompson

Cách đây vài năm, tôi đi thăm một vài người bạn thân ở London, Anh Quốc. Trong chuyến đi này, tôi đã sử dụng một loại xe gọi là tube—một hệ thống xe điện ngầm mà người ta thường dùng để đi khắp nơi. Trong mỗi trạm xe điện ngầm đông đúc này có những tấm bảng báo trước nguy hiểm mà người ta có thể gặp phải. Đèn nhấp nháy để báo cho người ta biết xe lửa đang đến gần và họ cần phải đứng lùi lại. Một tấm bảng khác nhắc nhở người ta rằng có mối nguy hiểm—một khoảng trống nguy hiểm giữa xe lửa và thềm ga. Tấm bảng có ghi: “Hãy Coi Chừng Khoảng Trống.” Điều này nhắc nhở người ta đừng để chân bị kẹt và đánh rơi bất cứ thứ gì vào khoảng trống đó vì nó sẽ rơi mất xuống dưới gầm xe lửa. Tấm bảng cảnh cáo rất cần thiết và báo trước cho người ta biết về một mối nguy hiểm có thật. Muốn được an toàn, người ta cần phải “coi chừng khoảng trống.”

Nhiều người trong chúng ta có những khoảng trống trong cuộc sống của mình. Đôi khi, đó là sự khác biệt giữa điều chúng ta biết với điều chúng ta thật sự làm được hoặc khoảng trống giữa mục tiêu của chúng ta với điều chúng ta thật sự hoàn thành. Những khoảng trống này có thể là điều nhắc nhở về cách chúng ta có thể cải tiến hoặc nếu chúng ta làm ngơ, thì có thể trở thành chướng ngại vật trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi muốn đề cập đến một vài khoảng trống mà tôi thấy trong cuộc sống của tôi hoặc trong cuộc sống của những người khác. Những khoảng trống mà tôi sẽ thảo luận buổi tối hôm nay là như sau:

Thứ nhất, khoảng trống giữa việc tin rằng các chị em là con gái của Thượng Đế với việc biết được trong tâm hồn mình rằng các chị em là con gái quý báu và yêu dấu của Thượng Đế.

Thứ nhì, khoảng trống giữa việc hoàn tất chương trình Hội Thiếu Nữ với việc trở thành một thành viên tham gia đầy đủ của Hội Phụ Nữ—“tổ chức của Chúa dành cho phụ nữ.”1

Thứ ba, khoảng trống giữa việc tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô với việc dũng cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô.

Số một, khoảng trống giữa việc tin với việc biết rằng các chị em là con gái quý báu và yêu dấu của Thượng Đế.

Đa số chúng ta là những người đã ở trong Giáo Hội lâu hơn là chỉ một vài tháng, đều đã từng hát bài “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.”2 Tôi hát bài này từ khi tôi còn bé và luôn luôn tin vào điều đó. Mặc dù đa số chúng ta tin vào điều này, nhưng dường như đôi khi vì khó khăn gian khổ, chúng ta lại có khuynh hướng nghi ngờ hoặc quên đi điều này.

Một số người đã nói như sau: “Nếu Thượng Đế thật sự yêu thương tôi thì Ngài đã không để cho căn bệnh này giáng xuống con tôi.” “Nếu Thượng Đế yêu thương tôi thì Ngài đã giúp tôi tìm ra một người chồng xứng đáng mà tôi có thể kết hôn và làm lễ gắn bó trong ngôi đền thờ thánh.” “Nếu Thượng Đế yêu thương tôi, thì chúng tôi đã có đủ tiền để mua một căn nhà cho gia đình tôi rồi.” Hoặc “Tôi đã phạm tội và như vậy Thượng Đế không thể nào yêu thương tôi nữa.”

Rủi thay, chúng ta nghe những lời nói như vậy quá nhiều. Các chị em cần phải biết rằng không có điều gì có thể “phân rẽ [các chị em] khỏi tình yêu thương của Đấng Ky Tô.” Thánh thư nói rõ cho chúng ta biết rằng không có nỗi đau khổ, đau buồn, sự ngược đãi, quyền lực hoặc bất cứ sinh vật nào khác có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Thượng Đế.3

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi Ngài đã sai Con Độc Sinh của Ngài đến cứu chuộc tội lỗi của chúng ta. Đấng Cứu Rỗi không những chịu đau đớn cho mỗi tội lỗi mà Ngài còn cảm thấy mọi đau đớn, buồn khổ, nỗi bực dọc, cô đơn hoặc buồn bã mà bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể trải qua. Điều này không phải là tình yêu thương bao la sao? Chủ Tịch Henry B. Eyring nói: “Chính là Đức Thánh Linh là Đấng làm chứng về sự xác thật của Thượng Đế và để cho chúng ta cảm nhận được niềm vui trong tình thương yêu của Thượng Đế.”4

Chúng ta cần phải chấp nhận tình yêu thương của Ngài, yêu thương bản thân mình và yêu thương những người khác. Hãy nhớ rằng mỗi người trên thế gian này cũng là một người con của Thượng Đế. Chúng ta cần phải đối xử với nhau bằng tình yêu thương và lòng tử tế phù hợp với một người con của Thượng Đế.

Đa số các chị em làm việc rất khó nhọc để thi hành bổn phận của mình, tuân giữ các giáo lệnh và vâng lời Chúa. Các chị em cần phải nhận ra được sự chấp thuận của Chúa. Các chị em cần phải biết rằng Chúa rất hài lòng và đã chấp nhận sự hiến dâng của các chị em.5

Hãy nhớ phải coi chừng khoảng trống này và đừng để cho nỗi nghi ngờ và ngờ vực len lỏi vào tâm trí của các chị em. Hãy tin chắc rằng Thượng Đế yêu thương các chị em tha thiết và các chị em là con yêu quý của Ngài.

Kế đến, khoảng trống giữa việc hoàn tất chương trình của Hội Thiếu Nữ với việc trở thành một thành viên tham gia đầy đủ của Hội Phụ Nữ—tổ chức của Chúa dành cho phụ nữ.

Trong nhiều quốc gia, tuổi 18 là khi một thiếu nữ trở thành phụ nữ. Đối với nhiều người, đây là thời kỳ đầy phấn khởi khi chúng ta cảm thấy rằng chúng ta là người lớn và sẵn sàng đương đầu và chinh phục thế gian. Đối với các thiếu nữ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì đây cũng là một thời kỳ mà chúng ta hoàn tất nhiều mục tiêu của chương trình Sự Tiến Triển Cá Nhân của mình, tìm vào Hội Phụ Nữ, và chấp nhận những sự kêu gọi phục vụ trong Giáo Hội. Chứng ngôn của chúng ta đã được củng cố trong Hội Thiếu Nữ, và chúng ta đã khai triển một loạt mục tiêu mà sẽ đưa đến lễ hôn phối trong đền thờ và gia đình vĩnh cửu của mình.

Rủi thay, một vài em trẻ hơn của chúng ta đang tránh tham gia trọn vẹn vào phúc âm và Hội Phụ Nữ. Một số em có thái độ thể như “Tôi sẽ bắt đầu tham gia Hội Phụ Nữ khi tôi kết hôn hoặc khi tôi lớn hơn hay khi tôi không bận rộn.”

Sau khi tốt nghiệp trung học, mục tiêu của tôi là theo học đại học ít nhất hai năm, kết hôn với một người đàn ông đẹp trai và có bốn đứa con hoàn hảo, xinh đẹp (hai trai và hai gái). Chồng tôi phải có thu nhập cao để tôi không cần phải đi làm, và rồi tôi dự định phục vụ cho Giáo Hội và cộng đồng. May thay, một trong các mục tiêu của tôi là phải là một tín hữu tích cực và trung thành của Giáo Hội.

Vậy thì, như các chị em có thể đã biết, nhiều mục tiêu của tôi đã không được thực hiện theo cách tôi hy vọng. Tôi tốt nghiệp đại học, đi phục vụ truyền giáo, kiếm được việc làm, tiếp tục sự nghiệp học hành để đạt được bằng cao học và tiếp tục làm việc trong nghề của mình trong nhiều năm. (Tôi tưởng rằng hôn nhân chắc chắn đã xảy ra cách đây 13 năm khi tôi mở một cái bánh ngọt gập lại có miếng giấy bên trong ghi rằng: “Bạn sẽ kết hôn trong thời gian chưa tới một năm.”) Nhưng đã không có người đàn ông đẹp trai, không có hôn nhân và không có con cái. Không có điều gì xảy ra như tôi đã hoạch định ngoại trừ một điều. Tôi đã cố gắng làm một tín hữu tích cực và trung thành của Giáo Hội. Tôi biết ơn về điều này nhất. Nó đã tạo ra tất cả mọi khác biệt trong cuộc sống của tôi.

Tôi đã có cơ hội phục vụ nhiều năm trong Hội Thiếu Nữ và cảm thấy rằng điều đó đã mang đến cho tôi cơ hội để giảng dạy và làm chứng cùng các phụ nữ trẻ tuổi hơn đang phát triển chứng ngôn của họ và tìm cách tiến triển theo đường lối đã được Thượng Đế quy định.

Tôi cũng đã có cơ hội phục vụ trong những sự kêu gọi trong Hội Phụ Nữ, mà đã giúp tôi học cách phục vụ những người khác và gia tăng đức tin của mình, cùng mang đến cho tôi một cảm giác tuyệt vời để được thuộc vào tổ chức đó. Mặc dù tôi đã không kết hôn và không có con nhưng tôi cảm thấy rằng cuộc sống của tôi có ý nghĩa. Cũng có những lúc tôi thấy nản lòng và đôi khi tôi có nghi ngờ về kế hoạch của Chúa.

Một người bạn làm chung với tôi, không phải là tín hữu của Giáo Hội, nói với tôi: “Tại sao chị tiếp tục đi theo giáo hội mà xem hôn nhân và gia đình quan trọng quá như vậy?” Câu trả lời giản dị của tôi cho chị ấy là: “Bởi vì giáo hội đó chân chính!” Ở bên ngoài Giáo Hội, tôi có thể chỉ là một người độc thân và không có con. Nhưng với Giáo Hội và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của mình, tôi đã tìm thấy hạnh phúc và tôi biết rằng tôi đang đi trên con đường mà Đấng Cứu Rỗi muốn tôi đi theo. Tôi tìm thấy niềm vui cũng như nhiều cơ hội để phục vụ, yêu thương và phát triển.

Hãy nhớ rằng, không phải chỉ là điều mà các chị em nhận được từ việc tham gia tích cực vào Hội Phụ Nữ mà còn là điều mình có thể ban phát và đóng góp nữa.

Các chị em thân mến, nhất là các em là những người thành niên độc thân trẻ tuổi hơn, tôi làm chứng cùng các chị em rằng Thượng Đế yêu thương các chị em; Ngài quan tâm đến các chị em; Ngài có một kế hoạch cho các chị em. Ngài cần các chị em phục vụ con cái của Ngài. Ngài cần các chị em phải là các phụ nữ tích cực, trung tín và tham gia trọn vẹn trong Giáo Hội của Ngài. Ngài cần các chị em “an ủi và củng cố kẻ yếu đuối.”6

Chị Eliza R. Snow, chủ tịch trung ương thứ hai của Hội Phụ Nữ, đã ngỏ lời cùng một nhóm đông các chị em—thiếu nữ lẫn các phụ nữ thành niên—quy tụ ở Ogden, Utah, vào năm 1873. Bà đưa ra lời khuyên hợp thời lúc bấy giờ và vẫn còn thích hợp với ngày nay như sau:

Bà nói khi ngỏ lời cùng các thiếu nữ: “Nếu các chị em liên kết với nhau [có nghĩa là các phụ nữ và các thiếu nữ], thì trí óc của các chị em được cải tiến, các chị em đạt được trí thông minh và vượt qua được sự ngu dốt. Thánh Linh của Thượng Đế sẽ truyền đạt lời chỉ dẫn vào tâm trí các chị em và các chị em sẽ truyền đạt lại cho nhau. Tôi nói, Thượng Đế ban phước cho các em là các em trẻ tuổi của tôi. Hãy nhớ rằng các em là Thánh Hữu của Thượng Đế; và các em có những công việc quan trọng để thực hiện trong Si Ôn.”

Bà còn khuyên thêm tất cả các phụ nữ: “Sứ Đồ Phao Lô thời xưa đã nói về các phụ nữ thánh thiện. Bổn phận của mỗi người chúng ta là phải làm một người phụ nữ thánh thiện. Chúng ta phải có các mục tiêu cao quý , nếu chúng ta là các phụ nữ thánh thiện. Chúng ta phải cảm thấy rằng chúng ta được kêu gọi để thực hiện các bổn phận quan trọng. Không một ai được miễn khỏi các bổn phận đó. Không có một chị em nào bị biệt lập và tầm ảnh hưởng của người ấy bị giới hạn đến nỗi người ấy không thể làm được gì nhiều trong việc thiết lập Vương Quốc của Thượng Đế trên thế gian.”7

Xin coi chừng khoảng trống này và bằng mọi cách đừng để cho khoảng trống kém tích cực tồn tại trong cuộc sống của các chị em. Các chị em cần Giáo Hội và Giáo Hội cần các chị em.

Và cuối cùng, khoảng trống giữa việc tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô với việc dũng cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô.

Nhiều người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô—rằng Ngài được Ma Ri sinh ra trong hoàn cảnh thấp hèn ở Bết Lê Hem cách đây nhiều năm. Đa số tin rằng Ngài lớn lên để làm một vị thầy lỗi lạc, một tâm hồn nhân từ và cao quý . Một số người tin rằng Ngài đã ban cho chúng ta một loạt các nguyên tắc và các lệnh truyền quý báu và nếu chúng ta tuân theo những lời giảng dạy đó cùng tuân giữ các giáo lệnh đó thì chúng ta sẽ được ban phước.

Tuy nhiên, đối với chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta biết mình cần phải làm nhiều hơn là chỉ tin nơi Đấng Ky Tô thôi. Chúng ta cần phải có đức tin nơi Ngài, hối cải tội lỗi của mình, chịu phép báp têm trong danh của Ngài cùng tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và rồi chúng ta cần phải trung tín kiên trì đến cùng.

Chúng ta cần phải chia sẻ chứng ngôn của mình với những người khác. Chúng ta cần phải trung tín tuân giữ các giao ước đã lập với Thượng Đế. Chúng ta biết rằng tất cả mọi điều đều sẽ được mặc khải và ban cho “những ai đã anh dũng chịu đựng vì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”8

Khi chúng ta được cải đạo, thì có một khuynh hướng tự nhiên đối với chúng ta để chia sẻ phúc âm với những người mình yêu mến. Lê Hi được cải đạo và muốn gia đình của ông dự phần vào sự tốt lành của phúc âm.9 Nê Phi nói về Đấng Ky Tô, hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô, và thuyết giảng về Đấng Ky Tô để cho con cháu của ông có thể hiểu được nguồn gốc của sự xá miễn các tội lỗi của chúng, hay nói một cách khác, nguồn gốc nào chúng có thể tìm được sự bình an và vui sướng.”10

Khi Ê Nót được cải đạo và nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình, ông đã quan tâm đến sự an lạc của các anh em của ông. Ông cũng muốn họ nhận được các phước lành như ông đã nhận được.11

Trong suốt thánh thư chúng ta đọc về những người nam và những người nữ đã trở nên cải đạo và rồi mong muốn “củng cố” các anh chị em của họ.12

Hãy để tiếng nói của các chị em được người trung tín nghe khi các chị em dũng cảm tuyên xưng rằng Ngài hằng sống,13 rằng Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi và rằng kế hoạch hạnh phúc có sẵn cho mọi người.

Khi chúng ta coi chừng những khoảng trống này bằng cách chú ý và tự mình tránh cảnh nguy hiểm thì chúng ta sẽ bắt đầu nhận biết những phước lành trọn vẹn trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống chúng ta.

Các chị em thân mến, tôi yêu mến các chị em. Tôi biết Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Tôi biết Ngài yêu thương mỗi người chúng ta. Tôi biết rằng đây là Giáo Hội chân chính của Ngài. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Spencer W. Kimball, “Relief Society—Its Promise and Potential,” Ensign, tháng Ba năm 1976, 4.

  2. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thámh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  3. Xin xem Rô Ma 8:35–39.

  4. Henry B. Eyring, “The Love of God in Missionary Work” (bài nói chuyện tại hội nghị các chủ tịch phái bộ truyền giáo, ngày 25 tháng Sáu năm 2009).

  5. Xin xem GLGƯ 97:27; 124:1.

  6. “As Sisters in Zion,” Hymns, số 309.

  7. Eliza R. Snow, “An Address,” Woman’s Exponent, ngày 15 tháng Chín năm 1873, 62.

  8. GLGƯ 121:29.

  9. Xin xem 1 Nê Phi 8:10–12.

  10. Xin xem 2 Nê Phi 25:26.

  11. Xin xem Ế Nót 1:5–11.

  12. Xin xem Lu Ca 22:32.

  13. Xin xem GLGƯ 76:22.

In