2009
Trở Nên Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế Vững Mạnh Hơn
Tháng Mười Một năm 2009


Trở Nên Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế Vững Mạnh Hơn

Chúng ta có thể trở nên vững mạnh hơn trong việc ban phước cuộc sống của các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng, vững mạnh hơn trong việc phục vụ những người khác.

Hình Ảnh
Elder Walter F. González

Cách đây nhiều năm, một nhóm những người nắm giữ chức tư tế xứng đáng đã giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền lớn lao. Một người trong số họ vững mạnh đến nỗi người ta không thể nào không tin lời nói của ông.1 Những người nắm giữ chức tư tế này đã giúp những người khác học về Đấng Cứu Rỗi và giáo lý của Ngài, cũng như giúp họ tìm được hạnh phúc. Những điều giảng dạy và tấm gương của họ mang đến một phương tiện mà qua đó dân chúng trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng. Chúng ta biết được rằng họ đã hướng dẫn hằng ngàn người chịu phép báp têm và lập các giao ước để kiên trì đến cùng.2 Tôi đang nói về những người truyền giáo lỗi lạc trong Sách Mặc Môn là những người nắm giữ chức tư tế vững mạnh.

Chúng ta có thể học được rất nhiều từ các con cháu này của Lê Hi. Khi làm theo điều họ làm, chúng ta có thể trở nên vững mạnh hơn trong việc ban phước cuộc sống của các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng, vững mạnh hơn trong việc phục vụ những người khác, vững mạnh hơn trong việc giải cứu những người khác cũng như vững mạnh hơn trong việc trở thành những người giống như Đấng Ky Tô hơn.

An Ma Con giảng dạy cho chúng ta một trong số những điều họ đã làm để được thành công như vậy: họ sử dụng các biên sử mà Sách Mặc Môn phát xuất từ đó. Khi ông đưa biên sử này mà cuối cùng sẽ trở thành Sách Mặc Môn cho con trai ông là Hê La Man, ông đã giảng dạy rằng nếu không có các bảng khắc này thì “Am Môn và các anh em của ông đã không thể thuyết phục được hằng ngàn dân … phải, các biên sử này và các lời giảng dạy trong đó đã dẫn dắt họ tới sự hối cải.”3

Thượng Đế cho thấy quyền năng của Ngài qua các bảng khắc bằng cách làm tròn một mục đích: “đó là … đưa biết bao ngàn dân … trở lại … sự hiểu biết lẽ thật.” Sau đó, An Ma tiên tri rằng Thượng Đế sẽ “còn cho thấy quyền năng của Ngài trong những vật này cho các thế hệ tương lai.”4 Do đó, các biên sử đã được bảo tồn và các anh em cũng như tôi là một phần tử của các thế hệ tương lai đó. Cũng giống như thời xưa, chúng ta có thể là những người nắm giữ chức tư tế vững mạnh hơn bằng cách sử dụng Sách Mặc Môn.

Quá trình ra đời của Sách Mặc Môn không thể so sánh được với bất cứ tác phẩm văn chương nào bởi bất cứ tác giả nào trong lịch sử nhân loại. Chúng ta có thể nói rằng đây là một quyển sách đã được chính ngón tay của Thượng Đế hướng dẫn. Trong lúc Ngài đến viếng thăm Châu Mỹ thời xưa, Chúa đã phán bảo Nê Phi mang ra các biên sử họ đang cất giữ và đặt chúng trước mặt Ngài. Rồi Chúa Giê Su nhìn các biên sử đó và truyền lệnh phải thêm vào những sự kiện và đoạn nào đó.5 “[Đấng Cứu Rỗi] phán rằng: Những thánh thư mà các ngươi chưa có, Đức Chúa Cha có truyền lệnh cho ta phải ban cho các ngươi; vì do sự thông sáng của Ngài, các thánh thư đó phải được truyền lại cho các thế hệ tương lai.”6 Tôi cảm thấy biết ơn vĩnh viễn vì được thuộc vào các thế hệ tương lai đó. Tôi là tín hữu của Giáo Hội ngày nay nhờ vào Sách Mặc Môn. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác khi còn nhỏ ở Uruguay, tôi đã đọc quyển sách thiêng liêng này lần đầu tiên. Tôi đã không cần phải đọc nhiều trong sách 1 Nê Phi để vui mừng đến nỗi không thể bày tỏ bằng lời. Điều này cũng giống như quyển sách này được tràn đầy Thánh Linh của Chúa và làm cho tôi cảm thấy gần gũi Thượng Đế hơn.

Kinh nghiệm này bổ sung ý nghĩa cho lời nói của Tiên Tri Joseph Smith về quyển sách này khi ông nói rằng “một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.”7 Tôi cũng nhìn nhận tính xác đáng trong lời hứa của Chủ Tịch Thomas S. Monson khi ông nói rằng “khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn và các tác phẩm tiêu chuẩn khác, khi chúng ta thử áp dụng những lời giảng dạy, thì chúng ta sẽ biết về giáo lý , vì đây là lời hứa ban cho chúng ta; chúng ta sẽ biết nếu sách đó là của loài người hay là của Thượng Đế.”8

Những lời hứa này mang đến cho chúng ta niềm vui bây giờ và trong tương lai. Một khi tôi nhận được chứng ngôn về Sách Mặc Môn, thì cảm giác tự nhiên tiếp theo sau niềm mong ước để áp dụng những lời giảng dạy của sách này bằng cách lập giao ước. Tôi đã lập giao ước bằng cách chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội. Các giao ước được lập qua giáo lễ của chức tư tế, cùng với sự hiểu biết nhận được từ Sách Mặc Môn, đã thay đổi cuộc sống của tôi.

Không có gì ngạc nhiên khi Đấng Cứu Rỗi đến thăm viếng Châu Mỹ thời xưa, ngoài việc giảng dạy giáo lý , Ngài đã ban cho Nê Phi và những người khác quyền năng để làm phép báp têm.9 Nói cách khác, giáo lý và các giáo lễ đi song song với nhau. Việc áp dụng trọn vẹn những lời giảng dạy của Sách Mặc Môn thật sự đòi hỏi các giáo lễ chức tư tế với các giao ước liên hệ.

Có những quyển sách phát hành trên thị trường và nhanh chóng trở thành sách bán chạy nhất. Đôi khi các quyển sách này gây nhiều thích thú đến nỗi người ta nôn nóng chờ đợi ngày phát hành sách. Những quyển sách như vậy dường như tràn ngập thị trường sách ngay lập tức và các anh em có thể thấy người đọc những quyển sách đó khắp nơi. Trong sự thông sáng vô hạn của Ngài, Thượng Đế đã dành riêng Sách Mặc Môn cho lợi ích của chúng ta. Đó là mục đích để nó không trở thành sách bán chạy nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể biến quyển sách thiêng liêng này thành một quyển sách mà chúng ta có thể đọc và áp dụng vào cuộc sống của mình tốt hơn bất cứ quyển sách nào khác. Tôi xin đề nghị ba loại sinh hoạt có thể giúp chúng ta biến quyển Sách Mặc Môn thành quyển sách được đọc và áp dụng tốt nhất để cho phép chúng ta ngày nay trở thành những người nắm giữ chức tư tế vững mạnh hơn giống như những người thời xưa đó.

Thứ nhất, hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô. Chúng ta cần phải đọc Sách Mặc Môn để “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm.”10 Việc nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô là một kinh nghiệm độc nhất vô nhị. Khi chúng ta đọc cùng tìm kiếm các nguyên tắc và giáo lý mà sẽ giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày của mình, thì chúng ta sẽ nhiệt tình hơn. Ví dụ, khi thế hệ đang vươn lên đương đầu với những thử thách khi đối phó với áp lực của bạn bè, thì chúng ta có thể đọc quyển sách này, tìm kiếm một cách cụ thể những điều giảng dạy mà sẽ giúp họ với loại thử thách này. Một trong những điều giảng dạy có thể rút ra từ kinh nghiệm của Lê Mu Ên. Lê Mu Ên có một số lựa chọn sai bởi vì ông ta đã nhượng bộ áp lực của La Man.11 Ông không làm điều đúng vì ông “không hiểu những việc làm của Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra họ.”12 Một nguyên tắc mà chúng ta có thể rút ra từ sự kiện này là học hỏi giáo lý về cách Thượng Đế giao tiếp với chúng ta sẽ giúp chúng ta đương đầu với áp lực của bạn bè. Sách Mặc Môn chứa đựng nhiều điều giảng dạy và tấm gương về đề tài này và chúng ta là các thế hệ có thể hưởng lợi từ những điều giảng dạy của quyển sách tuyệt diệu này.

Thứ nhì, hãy áp dụng vào cuộc sống của mình tất cả những gì chúng ta học được về Đấng Ky Tô. Việc đọc Sách Mặc Môn và tìm kiếm các thuộc tính của Đấng Ky Tô là một kinh nghiệm tốt có tính chất gây dựng. Ví dụ, anh của Gia Rết nhìn nhận rằng Chúa là Đấng Thượng Đế của lẽ thật, do đó Ngài không thể nói dối được.13 Thật là một niềm hy vọng lớn do thuộc tính này mang lại cho tâm hồn tôi! Tất cả những lời hứa trong Sách Mặc Môn và những lời hứa được các vị tiên tri tại thế đưa ra đều sẽ được làm tròn vì Ngài là Thượng Đế và không thể nói dối được. Ngay cả trong những thời kỳ sôi động này, chúng ta biết rằng rồi mọi điều sẽ được ổn thỏa nếu chúng ta tuân theo những điều giảng dạy học được từ Sách Mặc Môn và các vị tiên tri tại thế. Một khi chúng ta học về một thuộc tính của Đấng Ky Tô, chẳng hạn như thuộc tính được anh của Gia Rết nhìn nhận, thì chúng ta cần phải cố gắng áp dụng vào chính cuộc sống của mình. Điều này sẽ giúp chúng ta trở thành những người nắm giữ chức tư tế vững mạnh hơn.

Thứ ba, việc giảng dạy giáo lý và các nguyên tắc được tìm thấy trong các trang thiêng liêng của Sách Mặc Môn. Chúng ta có thể giảng dạy cho bất cứ người nào từ quyển sách này. Các anh em có thể tưởng tượng ra “quyền năng thuyết phục của Thượng Đế”14 được thêm vào khi những người truyền giáo và những người trong gia đình trích dẫn, đọc hoặc đọc thuộc lòng từng lời của quyển sách này không?

Tôi còn nhớ một phái bộ truyền giáo ở Ecuador có những người truyền giáo sử dụng quyển Sách Mặc Môn trong mọi việc làm của họ. Nhờ họ mà hằng ngàn người đã trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng và quyết định lập giao ước qua các giáo lễ của chức tư tế thiêng liêng. Sách Mặc Môn là một công cụ quý báu trong việc tìm kiếm và cải đạo những người chân thành tìm kiếm lẽ thật cũng như trong việc mang nhiều anh chị em của chúng ta trở lại tích cực trong phúc âm.

Tôi biết rằng gia đình sẽ được củng cố qua việc thực hiện những điều giảng dạy của quyển sách tuyệt diệu này trong cuộc sống của họ. Nhiều con cái của chúng ta sẽ được cứu vì chúng sẽ nhớ, như Ê Nót đã nhớ, những lời ông thường nghe cha mình nói về cuộc sống vĩnh cửu, và nhờ vào điều đó, nên ông đã tiến đến việc biết rằng tội lỗi của ông đã được tha thứ nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.15

Các anh em và tôi, với tư cách là một phần tử của các thế hệ tương lai đã được nói đến đó, có thể trở thành những người nắm giữ chức tư tế vững mạnh hơn bằng cách sử dụng Sách Mặc Môn và tôn trọng các giao ước chức tư tế của mình. Sách Mặc Môn làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng mà tôi cũng làm chứng về Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem 3 Nê Phi 7:18.

  2. Xin xem An Ma 23:5–6.

  3. An Ma 37:9.

  4. An Ma 37:19.

  5. Xin xem 3 Nê Phi 23:6–14.

  6. 3 Nê Phi 26:2.

  7. Lời giới thiệu Sách Mặc Môn.

  8. Thomas S. Monson, “Decisions Determine Destiny,” New Era, tháng Mười Một năm 1979, 5.

  9. Xin xem 3 Nê Phi 11:18–22.

  10. 2 Nê Phi 32:3.

  11. Xin xem 1 Nê Phi 3:28.

  12. 1 Nê Phi 2:12.

  13. Xin xem Ê The 3:12.

  14. 3 Nê Phi 28:29.

  15. Xin xem Ê Nót 1:3–5, 10.

In