Tình Thương Yêu của Thượng Đế
Tình thương yêu là thước đo đức tin, sự soi dẫn về việc vâng lời và sức mạnh thật sự của vai trò môn đồ của chúng ta.
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục phát triển và được biết đến nhiền hơn trên khắp thế giới. Mặc dù lúc nào cũng sẽ có người gán cho Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội những điều tiêu cực, nhưng đa số những người khác đều nghĩ về chúng ta là những người lương thiện, hữu ích và siêng năng. Chúng ta mang hình ảnh của những người truyền giáo gọn gàng, sáng sủa, gia đình thương yêu nhau, và những người láng giềng thân thiện không hút thuốc và không uống rượu. Chúng ta cũng có thể được biết là một dân tộc đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật trong ba giờ đồng hồ, ở một nơi mà mọi người đều là anh chị em với nhau, trẻ em hát những bài ca về dòng suối biết nói, về cây cối xanh tươi hoa trắng nở rộ như bắp rang, và trẻ con trở thành những tia nắng mặt trời.
Thưa các anh chị em, trong số tất cả những điều chúng ta muốn được biết đến, thì có thuộc tính nào quan trọng hơn hết cần cho thấy rõ chúng ta là tín hữu của Giáo Hội của Ngài, chính là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô không? Kể từ đại hội trung ương lần trước cách đây sáu tháng, tôi đã suy ngẫm về điều này và những câu hỏi tương tự. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các anh chị em một số ý nghĩ và ấn tượng đến từ câu hỏi đó. Câu hỏi thứ nhất là:
Làm Thế Nào Chúng Ta Trở Thành Các Môn Đồ Chân Chính của Chúa Giê Su Ky Tô?
Chính Đấng Cứu Rỗi đã đáp ứng bằng lời phán sâu xa này: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.”1 Đây là thực chất của ý nghĩa về việc làm một môn đồ chân chính: những người tiếp nhận Chúa Giê Su Ky Tô thì bước đi với Ngài.2
Nhưng điều này có thể là một vấn đề đối với một số người vì có rất nhiều điều “nên” và “không nên” làm, mà chỉ suy nghĩ và theo dõi không thôi cũng có thể là một thử thách rồi. Đôi khi, các nguyên tắc thiêng liêng do những người có thiện chí—nhưng không hề được soi dẫn—giải thích sâu hơn những gì Chúa đã mặc khải, làm phức tạp hóa vấn đề với những điều thêm bớt, do đó giảm đi sự trong sáng của lẽ thật thiêng liêng. Một người có ý kiến hay—có thể hữu hiệu cho người ấy—sẽ bén rễ và trở thành một kỳ vọng của mình. Và dần dần, các nguyên tắc vĩnh cửu có thể bị lạc mất bên trong mê cung của “những ý kiến hay.”
Đây là một trong những lời phê phán của Đấng Cứu Rỗi về “các chuyên gia” tôn giáo trong thời kỳ của Ngài là những người mà Ngài khiển trách đã chú tâm vào hằng trăm chi tiết nhỏ nhặt của luật pháp mà lại bỏ qua những điều hệ trọng.3
Vậy thì, làm thế nào chúng ta tập trung và tuân theo những điều hệ trọng này? Có một la bàn bất biến nào có thể giúp chúng ta ưu tiên cho cuộc sống, ý nghĩ và hành động của mình không?
Một lần nữa, Đấng Cứu Rỗi mặc khải về con đường. Khi được yêu cầu kể ra điều giáo lệnh lớn nhất, Ngài đã không do dự mà phán rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa,” Ngài phán: “Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.”4 Kèm theo với điều giáo lệnh lớn thứ hai—phải yêu mến người lân cận như chính mình5—chúng ta có một la bàn chỉ đường và hướng không những cho cuộc sống của chúng ta mà còn cho Giáo Hội của Chúa ở cả hai bên bức màn che.
Vì tình thương yêu là giáo lệnh lớn, nên cần phải được đặt vào trung tâm của tất cả và mọi điều chúng ta làm trong gia đình, trong những sự kêu gọi trong Giáo Hội và nghề nghiệp của mình. Tình thương yêu là nhũ hương chữa lành mối bất hòa trong mối quan hệ của cá nhân và gia đình. Đó là mối ràng buộc đoàn kết gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tình thương yêu là quyền năng khởi đầu tình bạn, lòng khoan dung, phép lịch sự và lòng tôn trọng. Đó là nguồn gốc khắc phục sự chia rẽ và lòng căm thù. Tình thương yêu là ngọn lửa sưởi ấm cuộc sống của chúng ta với niềm vui tuyệt vời và hy vọng thiêng liêng. Tình thương yêu phải nằm trong lời nói và hành động của chúng ta.
Khi thật sự hiểu ý nghĩa của tình thương yêu giống như Chúa Giê Su Ky Tô thương yêu chúng ta, thì điều lẫn lộn sẽ được làm sáng tỏ và điều chúng ta đặt ưu tiên sẽ phù hợp với ý muốn của Thượng Đế. Cuộc sống của chúng ta với tư cách là môn đồ của Đấng Ky Tô trở nên vui vẻ hơn. Cuộc sống của chúng ta có một ý nghĩa mới. Mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng trở nên sâu đậm hơn. Sự vâng lời trở thành một niềm vui thay vì là một gánh nặng.
Tại Sao Chúng Ta Phải Yêu Mến Thượng Đế?
Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu không ban cho giáo lệnh lớn thứ nhất đó vì Ngài cần chúng ta yêu mến Ngài. Quyền năng và vinh quang của Ngài không bị giảm bớt nếu chúng ta bất chấp, chối bỏ hoặc ngay cả coi nhẹ danh Ngài. Ảnh hưởng và quyền thống trị của Ngài kéo dài suốt thời gian và không gian không tùy thuộc vào sự chấp nhận, tán thành hoặc ngưỡng mộ của chúng ta.
Không, Thượng Đế không cần chúng ta phải yêu mến Ngài. Nhưng ôi, chúng ta cần phải yêu mến Thượng Đế biết bao!
Vì điều chúng ta yêu mến xác định điều chúng ta tìm kiếm.
Điều chúng ta tìm kiếm xác định điều chúng ta suy nghĩ và làm.
Điều chúng ta suy nghĩ và hành động xác định con người hiện tại— và con người tương lai của chúng ta.
Chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của cha mẹ thiên thượng của mình và là con cái linh hồn của Thượng Đế. Do đó, chúng ta có một khả năng bao la để thương yêu—đó là một phần di sản thuộc linh của chúng ta. Cách chúng ta bày tỏ tình thương yêu không những định rõ chúng ta là các cá nhân, mà còn là một Giáo Hội nữa. Tình thương yêu là đặc điểm thiết yếu của một môn đồ của Đấng Ky Tô.
Kể từ lúc khởi thủy, tình thương yêu là nguồn gốc cho hạnh phúc lớn lao nhất nhưng cũng là gánh nặng nhất. Ở giữa nỗi đau khổ từ thời kỳ A Đam cho đến ngày nay, các anh chị em sẽ thấy tình thương yêu đối với những điều sai lầm. Và ở giữa niềm vui sướng, các anh chị em sẽ thấy tình thương yêu đối với những điều tốt lành.
Và những điều vĩ đại nhất trong số tất cả những điều tốt lành chính là Thượng Đế.
Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta các con cái của Ngài nhiều tài năng và khả năng hơn bất cứ ai có thể hiểu được. Dưới sự hướng dẫn của Ngài, Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sáng tạo ra thế gian kỳ diệu nơi chúng ta sinh sống. Thượng Đế Đức Chúa Cha trông nom chúng ta, ban cho niềm vui tuyệt vời tràn đầy tâm hồn, an ủi trong những giờ phút tối tăm nhất với phước lành của sự bình an, mang đến các lẽ thật quý báu, dẫn dắt qua những lúc đau khổ, hân hoan khi chúng ta sung sướng và đáp ứng những lời cầu nguyện ngay chính của chúng ta.
Ngài ban cho con cái của Ngài lời hứa về một cuộc sống vinh quang và bất tận cùng cung ứng con đường cho chúng ta để phát triển trong sự hiểu biết và vinh quang cho đến khi chúng ta nhận được một niềm vui trọn vẹn. Ngài đã hứa ban cho chúng ta tất cả những gì mà Ngài có.
Nếu tất cả những điều đó vẫn không đủ lý do để yêu mến Cha Thiên Thượng, thì có lẽ chúng ta có thể học từ những lời của Sứ Đồ Giăng: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước.”6
Tại Sao Cha Thiên Thượng Thương Yêu Chúng Ta?
Hãy nghĩ về tình thương yêu thanh khiết, mãnh liệt nhất mà các anh chị em có thể tưởng tượng được. Rồi hãy nhân tình thương yêu đó lên vô hạn—đó là thước đo tình thương yêu của Thượng Đế dành cho các anh chị em.7
Thượng Đế không nhìn diện mạo bề ngoài.8 Tôi tin rằng Ngài không hề quan tâm đến việc chúng ta sống trong lâu đài hay mái nhà tranh, xinh đẹp hay thô kệch, nổi tiếng hay là người bình thường. Mặc dù chúng ta không hoàn hảo nhưng Thượng Đế hoàn toàn thương yêu chúng ta. Mặc dù chúng ta có thể bị lạc đường và không có la bàn chỉ đường, nhưng tình thương yêu của Thượng Đế vẫn bao phủ chúng ta trọn vẹn.
Ngài thương yêu chúng ta vì Ngài tràn đầy tình thương yêu vô hạn, thánh thiện, thanh khiết và không sao kể xiết. Chúng ta quan trọng đối với Thượng Đế không phải vì lý lịch bản thân mà vì là con cái của Ngài. Ngài thương yêu mỗi người chúng ta, ngay cả những người không hoàn thiện, bị loại bỏ, vụng về, buồn phiền hoặc đau khổ. Tình thương yêu của Thượng Đế lớn lao đến nỗi Ngài thương yêu ngay cả người kiêu hãnh, ích kỷ , ngạo mạn và tàn ác.
Điều đó có nghĩa là, dù là người như thế nào thì chúng ta vẫn có thể luôn luôn hy vọng. Bất luận nỗi đau khổ, nỗi buồn phiền và lỗi lầm của chúng ta như thế nào, thì Cha Thiên Thượng với lòng trắc ẩn bao la vẫn mong muốn chúng ta đến gần Ngài để Ngài có thể đến gần chúng ta.9
Làm Thế Nào Chúng Ta Có Thể Gia Tăng Tình Yêu Mến Thượng Đế?
Vì “Đức Chúa Trời là sự thương yêu”10 nên càng đến gần Ngài hơn thì chúng ta sẽ kinh nghiệm một cách sâu đậm hơn tình thương yêu.11 Nhưng vì bức màn che tách rời cuộc sống hữu diệt này khỏi mái nhà thiên thượng của mình, nên chúng ta cần phải tìm kiếm nơi Thánh Linh mà không thể thấy được bằng mắt người trần.
Đôi khi, thiên thượng có thể dường như quá xa xôi, nhưng thánh thư đã mang đến hy vọng: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.”12
Tuy nhiên, việc hết lòng tìm kiếm Thượng Đế còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ dâng lên lời cầu nguyện hoặc thốt ra một vài lời để mời Thượng Đế vào cuộc sống của chúng ta. “Vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài.”13 Chúng ta có thể công khai nói rằng chúng ta biết Thượng Đế. Chúng ta có thể tuyên bố công khai rằng chúng ta yêu mến Ngài. Tuy nhiên, nếu chúng ta không vâng lời Ngài, thì tất cả điều đó cũng vô ích vì “kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.”14
Chúng ta gia tăng tình yêu mến Cha Thiên Thượng và cho thấy tình yêu mến đó bằng cách tập trung ý nghĩ, hành động của mình vào lời phán của Thượng Đế. Tình thương yêu thanh khiết của Ngài hướng dẫn và khuyến khích chúng ta trở nên thanh khiết và thánh thiện hơn. Tình thương yêu này soi dẫn chúng ta bước đi trong sự ngay chính—không phải vì sợ hãi hoặc bổn phận mà vì ước muốn thiết tha để trở thành giống như Ngài hơn, bởi vì chúng ta yêu mến Ngài. Khi làm như vậy, chúng ta có thể được “sinh ra [và] … được tẩy sạch bằng máu, đó là máu của Con Độc Sinh; để [chúng ta] có thể được thánh hóa khỏi mọi tội lỗi, và hưởng những lời về cuộc sống vĩnh cửu trong thế gian này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau, đó là vinh quang bất diệt.”15
Các anh chị em thân mến, đừng chán nản nếu đôi khi các anh chị em vấp ngã. Đừng cảm thấy nản lòng hoặc thất vọng nếu các anh chị em không cảm thấy luôn luôn xứng đáng là một môn đồ của Đấng Ky Tô. Bước đầu tiên để bước đi trong sự ngay chính chỉ là cố gắng. Chúng ta cần phải cố gắng để tin. Cố gắng học hỏi về Thượng Đế: đọc thánh thư; nghiên cứu lời của các vị tiên tri ngày sau của Ngài; chọn lắng nghe lời của Đức Chúa Cha và làm những điều Ngài phán bảo chúng ta làm. Hãy cố gắng và tiếp tục cố gắng cho đến khi thấy khó thực hiện được—và điều mà dường như chỉ có thể thực hiện được trở thành thói quen và một phần thật sự của các anh chị em.
Làm Thế Nào Chúng Ta Có Thể Nghe Được Tiếng Nói của Đức Chúa Cha?
Khi các anh chị em tìm tới Cha Thiên Thượng, khi cầu nguyện lên Ngài trong tôn danh của Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ đáp ứng cho các anh chị em. Ngài nói chuyện với chúng ta ở khắp nơi.
Khi các anh chị em đọc lời của Thượng Đế ghi trong thánh thư, hãy chú ý lắng nghe tiếng nói của Ngài.
Trong đại hội trung ương lần này và về sau, khi các anh chị em nghiên cứu những lời nói ra ở đây, hãy chú ý lắng nghe tiếng nói của Ngài.
Khi các anh chị em đi đền thờ và tham dự các buổi họp của Giáo Hội, hãy chú ý lắng nghe tiếng nói của Ngài.
Hãy chú ý lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha trong các phước lành và những vẻ xinh đẹp của thiên nhiên, trong lời mách bảo dịu dàng của Thánh Linh.
Trong khi tiếp xúc với những người khác hằng ngày, trong những lời của bài thánh ca, trong tiếng cười của một đứa trẻ, hãy chú ý lắng nghe tiếng nói của Ngài.
Nếu các anh chị em chú ý lắng nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha, thì Ngài sẽ dẫn các anh chị em trên đường đi mà sẽ cho phép các anh chị em kinh nghiệm được tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.
Khi chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng, thì chúng ta trở nên thánh thiện hơn. Và khi trở nên thánh thiện hơn, chúng ta sẽ khắc phục sự không tin và tâm hồn của chúng ta sẽ tràn đầy phước lành của ánh sáng Ngài. Khi tập trung cuộc sống của mình vào ánh sáng cao quý này, thì nó sẽ đưa chúng ta ra khỏi bóng tối và hướng đến ánh sáng rực rỡ hơn. Ánh sáng rực rỡ hơn này dẫn đến sự phục sự không tả xiết của Đức Thánh Linh rồi bức màn che giữa trời và đất có thể trở thành mỏng hơn.
Tại Sao Tình Thương Yêu Là Giáo Lệnh Lớn?
Tình thương yêu của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài là sứ điệp chính yếu về kế hoạch hạnh phúc, tức là kế hoạch được hữu hiệu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—sự biểu lộ thương yêu sâu đậm nhất mà thế gian từng biết.16
Đấng Cứu Rỗi đã phán rõ ràng khi Ngài nói rằng mỗi một giáo lệnh khác đều dựa vào nguyên tắc của tình thương yêu.17 Nếu chúng ta không lơ là với các luật pháp lớn—nếu chúng ta thật sự học cách hết lòng, hết tâm hồn, hết ý yêu mến Cha Thiên Thượng và đồng loại của mình—thì mọi điều khác đều sẽ xảy ra đúng như dự định.
Tình thương yêu thiêng liêng của Thượng Đế biến những hành động bình thường thành sự phục vụ phi thường. Tình thương yêu thiêng liêng là động cơ biến đổi những lời giản dị thành thánh thư thiêng liêng. Tình thương yêu thiêng liêng là yếu tố biến đổi sự miễn cưỡng tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế thành phước lành của lòng tận tụy và sự hiến dâng.
Tình thương yêu là ánh sáng hướng dẫn soi rọi con đường của người môn đồ và làm cuộc sống hằng ngày của chúng ta tràn đầy ý nghĩa và điều kỳ diệu.
Tình thương yêu là thước đo đức tin, sự soi dẫn về việc vâng lời và sức mạnh thật sự trong vai trò môn đồ của chúng ta.
Tình thương yêu là con đường của người môn đồ.
Tôi làm chứng rằng Thượng Đế ở trên thiên thượng. Ngài hằng sống. Ngài biết và thương yêu các anh chị em. Ngài quan tâm đến các anh chị em. Ngài nghe những lời cầu nguyện và biết ước muốn trong lòng của các anh chị em. Ngài tràn đầy tình thương yêu bao la dành cho các anh chị em.
Các anh chị em thân mến, tôi xin được kết thúc như khi tôi bắt đầu: thuộc tính nào cho thấy rõ chúng ta là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô?
Chúng ta hãy để cho người khác biết mình là một dân tộc hết lòng, hết tâm hồn, hết ý yêu mến Thượng Đế và yêu mến người lân cận như chính mình. Khi chúng ta hiểu và thực hành hai giáo lệnh lớn này trong gia đình, trong tiểu giáo khu và chi nhánh, trong quốc gia và trong cuộc sống hằng ngày của mình, thì chúng ta sẽ bắt đầu hiểu ý nghĩa của việc làm môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng điều này, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.