Hãy Xin, Hãy Tìm, Hãy Gõ Cửa
Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau đều có thể xứng đáng với sự mặc khải cá nhân.
Các anh chị em thân mến, tôi rất biết ơn mỗi anh chị em. Tôi cũng biết ơn về phép lạ của kỹ thuật truyền thông hiện đại cho phép đại hội này đến với hằng triệu người trên khắp thế giới.
Kỹ thuật ngày nay cũng cho phép chúng ta sử dụng điện thoại không dây để trao đổi thông tin nhanh chóng. Mới đây, khi Wendy và tôi đang đi công tác trên một lục địa khác, thì nghe tin về một bé sơ sinh mới chào đời trong gia đình của chúng tôi. Chúng tôi nhận được tin vui đó chỉ vài phút sau khi đứa bé chào đời cách đó nửa vòng trái đất.
Cơ hội của chúng ta để có được thông tin trực tiếp từ thiên thượng mà không cần phần cứng, phần mềm hoặc lệ phí thuê bao hằng tháng thì còn tuyệt diệu hơn kỹ thuật hiện đại nữa. Đó là một trong các ân tứ kỳ diệu nhất mà Chúa ban cho người trần thế. Lời mời gọi khoáng đạt của Ngài là “hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”1
Việc ban cho vô tận cung ứng sự mặc khải cá nhân này được dành cho tất cả các con cái của Ngài. Điều này dường như nghe quá lý tưởng. Nhưng đúng là như vậy! Tôi nhận được và đáp ứng sự giúp đỡ đó của thiên thượng. Và tôi biết rằng tôi luôn luôn phải sẵn sàng để tiếp nhận sự giúp đỡ đó.
Cách đây nhiều năm, trong khi tôi đắm chìm trong việc chuẩn bị một bài nói chuyện cho đại hội trung ương, thì một ý nghĩ chợt đến làm tôi tỉnh dậy từ giấc ngủ say. Tôi lập tức chộp ngay cây bút và giấy gần bên giường và nhanh chóng ghi lại ý nghĩ đó. Tôi trở lại ngủ tiếp và nghĩ rằng tôi đã ghi lại được ý nghĩ đó. Buổi sáng hôm sau, khi nhìn vào tờ giấy đó và lấy làm thất vọng vì chữ viết của tôi hoàn toàn không đọc được! Tôi vẫn còn giữ bút chì và giấy ở cạnh giường nhưng giờ đây tôi viết kỹ hơn khi có một ý nghĩ chợt đến.
Để nhận được thông tin từ thiên thượng, trước hết một người cần phải có một đức tin vững vàng và một ước muốn sâu xa. Một người cần phải “cầu xin với tấm lòng chân thành [và] với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.2 “Chủ ý thật sự” có nghĩa rằng một người phải thật sự có ý định tuân theo hướng dẫn thiêng liêng đã được ban cho.
Điều kiện kế tiếp là siêng năng nghiên cứu vấn đề. Khái niệm này được giảng dạy cho các vị lãnh đạo của Giáo Hội phục hồi này khi họ học cách đạt được sự mặc khải cá nhân lần đầu tiên. Chúa dạy họ: “Ta nói cho ngươi hay rằng, ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi ngươi phải hỏi ta xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì ta sẽ làm cho tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.”3
Một phần của việc chuẩn bị là biết và tuân theo những lời giảng dạy thích đáng của Chúa. Một số lẽ thật vĩnh viễn của Ngài có thể áp dụng một cách chung chung, như các giáo lệnh chớ trộm cắp, chớ giết người và chớ làm chứng dối. Những lời giảng day hoặc các lệnh truyền khác cũng dành cho mọi người như về ngày Sa Bát, Tiệc Thánh, phép báp têm và lễ xác nhận.
Một số những điều mặc khải đã được ban cho vì những hoàn cảnh độc nhất như lệnh truyền cho Nô Ê đóng chiếc tàu hoặc việc cần thiết để các vị tiên tri như Môi Se, Lê Hi và Brigham, dẫn những người đi theo họ trong cuộc hành trình gian khổ. Mẫu mực của Thượng Đế đã được thiết lập từ lâu để giảng dạy các con cái của Ngài qua các vị tiên tri, bảo đảm với chúng ta rằng Ngài sẽ ban phước cho mỗi vị tiên tri và Ngài sẽ ban phước cho những người lưu tâm đến lời khuyên dạy của các vị tiên tri.
Ước muốn để tuân theo vị tiên tri đòi hòi nhiều nỗ lực vì con người thiên nhiên biết rất ít về Thượng Đế và biết vị tiên tri của Ngài còn ít hơn nữa. Phao Lô viết rằng “người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”4 Việc thay đổi từ một con người thiên nhiên ra một môn đồ tận tụy là một sự thay đổi mạnh mẽ.5
Một vị tiên tri khác dạy rằng “con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”6
Mới đây tôi đã quan sát một thay đổi lớn lao như vậy đối với một người tôi gặp lần đầu tiên cách đây khoảng 10 năm. Người ấy đến đại hội giáo khu nơi con trai của mình được tán trợ với tư cách là một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu mới. Người cha này không phải là tín hữu của Giáo Hội. Sau khi con trai của ông đã được phong nhiệm xong, tôi choàng tay ôm người cha này và khen ngợi ông đã có được một người con trai tuyệt vời như vậy. Rồi tôi mạnh dạn nói: “Rồi sẽ đến ngày mà anh muốn có được đứa con này làm lễ gắn bó với anh và vợ anh trong đền thờ thánh. Và khi ngày đó đến, tôi sẽ hân hạnh thực hiện lễ gắn bó đó cho anh.”
Trong thập niên tiếp theo, tôi không gặp lại người đàn ông ấy nữa. Cách đây sáu tuần, ông ta cùng vợ đến văn phòng tôi. Ông nhiệt tình chào tôi và kể lại rằng ông rất sửng sốt khi nói chuyện với tôi vào lần trước. Ông không làm gì nhiều theo lời tôi nói cho đến sau này khi thính giác của ông bắt đầu suy giảm. Rồi ông ý thức rằng cơ thể của ông đang thay đổi và thời gian của ông trên trần thế quả thật đã bị giới hạn. Rồi cuối cùng ông bị mất thính giác. Đồng thời, ông cải đạo và gia nhập Giáo Hội.
Trong khi chúng tôi nói chuyện, thì ông tóm lược những thay đổi hoàn toàn của mình: “Tôi phải mất thính giác trước khi tôi có thể lưu tâm đến tầm quan trọng lớn lao trong sứ điệp của ông. Rồi tôi nhận thấy rằng tôi muốn những người thân của mình được làm lễ gắn bó với tôi biết bao. Tôi hiện đang xứng đáng và đã sẵn sàng. Xin ông vui lòng thực hiện lễ gắn bó đó”7 Tôi đã làm điều này với một cảm giác biết ơn sâu xa đối với Thượng Đế.
Sau khi một sự cải đạo như vậy xảy ra, thì còn có thêm một sự cải tiến thuộc linh nữa. Sự mặc khải cá nhân có thể được phát triển để trở thành sự phân biệt thuộc linh. Phân biệt có nghĩa là xem xét, phân tích hoặc nhận ra.8 Ân tứ về sự phân biệt thuộc linh là một ân tứ thiêng liêng9 và cho phép các tín hữu của Giáo Hội thấy những điều không thấy được và cảm nhận được những sự việc vô hình.
Các vị giám trợ có được ân tứ đó khi đương đầu với nhiệm vụ tìm kiếm người nghèo khó và chăm sóc người túng thiếu. Với ân tứ đó, các chị em phụ nữ có thể thấy được những khuynh hướng trên thế gian và nhận ra những khuynh hướng phổ biến nhưng rất nông cạn và còn nguy hiểm nữa. Các tín hữu có thể phân biệt giữa những thủ đoạn hào nhoáng phù du với những phương pháp giúp nâng cao tinh thần và lâu dài.
Khả năng phân biệt được ẩn chứa trong những chỉ thị quan trọng do Chủ Tịch John Taylor đưa ra cách đây rất lâu.10 Ông dạy các chủ tịch giáo khu, giám trợ và những người khác: “Đó chính là quyền của những người nắm giữ [chức vụ này] nhằm nhận được lời của Thượng Đế liên quan đến bổn phận của chủ tịch đoàn của mình để họ có thể thực hiện các mục đích thiêng liêng của Ngài một cách hiệu quả. Không có sự kêu gọi hoặc chức vụ nào trong chức tư tế nhắm vào lợi ích cá nhân, phần thưởng và danh tiếng của những người nắm giữ các chức vụ này, mà được đưa ra cốt để làm tròn mục đích của Cha Thiên Thượng và xây đắp Vương Quốc của Thượng Đế trên thế gian… . Chúng ta … cố gắng hiểu được và rồi thực hiện ý muốn của Thượng Đế; và chắc chắn rằng nó sẽ được những người chúng ta có trách nhiệm thực hiện.”11
Một số chỉ dẫn đã được đưa ra để mỗi anh chị em nhận được sự mặc khải chỉ dành cho nhu cầu và trách nhiệm của mình. Chúa phán bảo các anh chị em phải phát triển “đức tin, hy vọng, lòng bác ái, và tình thương, với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế.” Rồi với “đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, tính ôn hòa, lòng kiên nhẫn, tình thương yêu anh em, sự tin kính, lòng bác ái, sự khiêm nhường, [và] sự cần mẫn” vững chắc, các anh chị em hãy xin, thì sẽ nhận được; hãy gõ cửa, thì cửa sẽ mở cho các anh chị em.12
Sự mặc khải từ Thượng Đế thì luôn luôn phù hợp với luật pháp vĩnh cửu của Ngài, chứ không bao giờ mâu thuẫn với giáo lý của Ngài. Khả năng để nhận được sự mặc khải phát sinh từ sự tôn kính trọn vẹn Thượng Đế. Đấng Chủ Tể đã đưa ra lời chỉ dẫn này:
“Ta, là Chúa, đầy lòng thương xót và nhân từ đối với những ai biết kính sợ ta, và thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng. “Phần thưởng của họ sẽ vĩ đại và vinh quang của họ sẽ vĩnh cửu.
“… Và đối với họ, ta sẽ tiết lộ tất cả những điều kín nhiệm, [và] … nhã ý của ta về tất cả những điều liên quan tới vương quốc của ta.”13
Sự mặc khải không cần phải xảy đến cùng một lúc mà có thể gia tăng bội phần: “Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan; vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho.”14 Lòng kiên nhẫn và kiên trì là một phần của sự tiến triển vĩnh cửu.
Các vị tiên tri đã mô tả cảm nghĩ của họ trong khi nhận được sự mặc khải. Joseph Smith và Oliver Cowdery kể lại rằng “bức màn che được cất khỏi tâm trí của chúng tôi, và mắt hiểu biết của chúng tôi được mở ra.”15 Chủ Tịch Joseph F. Smith viết: “Trong khi tôi đang suy ngẫm về những điều đã viết này, thì mắt hiểu biết của tôi được mở ra, và Thánh Linh của Chúa ngự trên tôi.”16
Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau đều có thể xứng đáng với sự mặc khải cá nhân. Lời mời hãy cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa để có được sự hướng dẫn thiêng liêng là có thật vì Thượng Đế hằng sống và Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô hằng sống. Lời mời đó có thật vì đây là Giáo Hội tại thế của Ngài.17 Và ngày nay chúng ta được ban phước vì Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri tại thế của Ngài. Cầu xin cho chúng ta có thể lắng nghe và lưu tâm đến lời khuyên dạy có tính cách tiên tri của ông, là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.