2009
Việc Giảng Dạy Giúp Cứu Mạng Người
Tháng Mười Một năm 2009


Việc Giảng Dạy Giúp Cứu Mạng Người

Chúng ta giảng dạy giáo lý chính yếu, mời gọi các học viên làm công việc Thượng Đế giao cho họ và rồi hứa rằng các phước lành chắc chắn sẽ đến.

Russell T. Osguthorpe

Một ngày nọ, trong khi đang phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo, tôi nói chuyện điện thoại với con trai cả của chúng tôi. Con trai tôi đang trên đường đến bệnh viện nơi nó làm việc với tư cách là bác sĩ. Khi đến bệnh viện, nó nói: “Thật là vui được nói chuyện với cha nhưng bây giờ con phải ra khỏi xe để đi cứu mạng người.”

Con trai của chúng tôi điều trị cho các trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Khi có thể chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra cách điều trị đúng, thì nó có thể cứu mạng một đứa trẻ. Tôi nói với những người truyền giáo rằng công việc của họ cũng là để giúp cứu mạng người—cuộc sống thuộc linh của những người họ giảng dạy.

Chủ Tịch Joseph F. Smith nói: “Khi nhận được lẽ thật, chúng ta sẽ được cứu rỗi nhờ vào lẽ thật đó. Chúng ta sẽ được cứu không những vì một người nào đó giảng dạy lẽ thật đó cho chúng ta mà vì chúng ta đã nhận được và hành động theo lẽ thật” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1902, 86; xin xem thêm Teaching, No Greater Call [1999], 49; 1 Ti Mô Thê 4:16).”

Con trai của chúng tôi cứu mạng người bằng cách chia sẻ kiến thức y học của nó; những người truyền giáo và các giảng viên trong Giáo Hội giúp cứu mạng sống bằng cách chia sẻ sự hiểu biết của họ về phúc âm. Khi những người truyền giáo và các giảng viên tìm kiếm Thánh Linh, họ giảng dạy nguyên tắc thích hợp, mời các học viên sống theo nguyên tắc đó và làm chứng về các phước lành đã được hứa chắc chắn sẽ xảy ra. Anh Cả David A. Bednar chia sẻ ba yếu tố giản dị để giảng dạy hữu hiệu trong một buổi họp huấn luyện mới đây: (1) giáo lý chính yếu, (2) mời gọi hãy bắt tay vào hành động và (3) các phước lành đã được hứa.

Sách hướng dẫn Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta giúp những người truyền giáo giảng dạy giáo lý chính yếu, mời gọi những người họ giảng dạy bắt tay vào hành động và tiếp nhận các phước lành đã được hứa. Sách hướng dẫn Teaching, No Greater Call giúp các bậc cha mẹ và các giảng viên cũng làm như vậy. Công việc truyền giáo chính là việc giảng dạy phúc âm của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Chúng ta sử dụng chúng để chuẩn bị giảng dạy và rồi chúng ta mời gọi Thánh Linh khi chúng ta giảng dạy.

Chủ Tịch Thomas S. Monson kể về một giảng viên Trường Chúa Nhật hồi ông còn nhỏ, tên là Lucy Gertsch. Vào một ngày Chúa Nhật, trong khi giảng dạy bài học về sự phục vụ vị tha được nửa chừng, Chị Gertsch mời các học viên tặng số tiền quỹ liên hoan của lớp cho gia đình của một bạn trong lớp có mẹ mới vừa qua đời. Chủ Tịch Monson nói rằng để làm cho lời mời đó biến thành hành động, Chị Gertsch đã “đóng quyển sách hướng dẫn bài học lại và mở mắt, mở tai và mở lòng của chúng tôi ra cho vinh quang của Thượng Đế” (“Examples of Great Teachers,” [buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu, ngày 10 tháng Hai năm 2007], Liahona, tháng Sáu năm 2007, 76). Rõ ràng là Chị Gertsch đã sử dụng sách hướng dẫn bài học để chuẩn bị bài học, nhưng khi được soi dẫn, chị đã đóng lại quyển sách đó và mời các học viên sống theo nguyên tắc phúc âm mà chị đang giảng dạy.

Như Chủ Tịch Monson đã dạy: “Mục tiêu của việc giảng dạy phúc âm … không phải là ‘để thông tin’ cho trí óc của các học viên … Mục tiêu là soi dẫn cá nhân để suy nghĩ, cảm nhận và rồi làm một điều gì đó về việc sống theo các nguyên tắc phúc âm” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1970, 107).

Khi hiện đến cùng Tiên Tri Joseph, Mô Rô Ni không những giảng dạy cho vị tiên tri về các giáo lý chính yếu về Sự Phục Hồi, mà còn nói cho vị tiên tri biết rằng “Thượng Đế có một công việc giao cho [ông] thực hiện” và vị thiên sứ hứa với ông rằng tên của ông sẽ được biết đến trên khắp thế gian (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:33). Tất cả các bậc cha mẹ và các giảng viên phúc âm đều là sứ giả của Thượng Đế. Không phải tất cả chúng ta đều giảng dạy cho các vị tiên tri tương lai, giống như Chị Gertsch và Mô Rô Ni đã làm, nhưng chúng ta đều đang giảng dạy cho các vị lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. Vậy nên chúng ta giảng dạy giáo lý chính yếu, mời gọi các học viên làm công việc Thượng Đế giao cho họ và rồi hứa rằng các phước lành chắc chắn sẽ đến.

Khi còn nhỏ tôi nhớ đã cảm thấy vô tư lự khi tôi đi đến nhà thờ để tham dự một buổi họp Hội Thiếu Nhi. Khi đến đó, tôi ngạc nhiên thấy rằng tất cả các bậc cha mẹ đều có mặt để tham dự một chương trình đặc biệt. Rồi đột nhiên tôi nhớ ra. Tôi có một phần vụ trong chương trình này và tôi đã quên không học thuộc câu của mình. Khi đến lượt tôi nói, thì tôi đứng trước cái ghế, nhưng không có một lời nào thốt ra từ miệng tôi. Tôi không thể nhớ một điều gì cả. Vậy nên, tôi đứng đó, rồi cuối cùng ngồi xuống và nhìn xuống sàn nhà.

Sau kinh nghiệm đó, tôi quyết tâm là sẽ không nói chuyện trong bất cứ buổi họp nào của Giáo Hội nữa. Và tôi đã giữ quyết tâm đó trong một thời gian. Rồi một ngày Chúa Nhật nọ, Chị Lydia Stillman, một người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi, quỳ xuống cạnh tôi và yêu cầu tôi đưa ra một bài nói chuyện ngắn vào tuần lễ sau. Tôi nói: “Em không nói chuyện.” Chị đáp: “Tôi biết nhưng em có thể đưa ra bài nói chuyện này vì tôi sẽ giúp em.” Tôi tiếp tục từ chối nhưng chị đã cho thấy rõ niềm tin nơi tôi khiến cho lời mời của chị rất khó để từ chối. Cuối cùng tôi đã đưa ra bài nói chuyện.

Người phụ nữ tốt lành đó là một sứ giả của Thượng Đế là Đấng đã giao cho tôi một công việc để thực hiện. Chị dạy tôi rằng khi một sự kêu gọi đến, thì ta chấp nhận nó dù ta có thể cảm thấy không thích hợp. Như Mô Rô Ni đã làm với Joseph, chị chắc chắn rằng tôi đã chuẩn bị khi đến lúc đưa ra bài nói chuyện đó. Người giảng viên đầy soi dẫn đó đã giúp cứu mạng sống của tôi.

Khi tôi ở vào tuổi thiếu niên, một người truyền giáo mới vừa giải nhiệm trở về nhà tên là Anh Peterson giảng dạy lớp Trường Chúa Nhật của chúng tôi. Mỗi tuần anh vẽ một mũi tên lớn từ góc trái bên dưới của tấm bảng chỉ lên góc phải ở bên trên. Rồi anh viết ở bên trên tấm bảng: “Nhắm Cao.”

Dù giảng dạy giáo lý nào, anh ấy đều yêu cầu chúng tôi tự mình cố gắng hơn, làm nhiều hơn một chút điều chúng tôi nghĩ là có thể thực hiện được. Mũi tên và hai từ nhắm cao đều là một lời mời gọi liên tục trong suốt bài học. Anh Peterson làm cho tôi muốn phục vụ một công việc truyền giáo hữu hiệu, học giỏi hơn và đặt các mục tiêu cao hơn cho nghề nghiệp của mình.

Anh Peterson giao cho chúng tôi một công việc để làm. Mục tiêu của anh là giúp chúng tôi “suy nghĩ, cảm nhận và rồi làm một điều gì đó về việc sống theo các nguyên tắc phúc âm.” Điều anh dạy đã giúp cứu mạng tôi.

Khi 19 tuổi, tôi được kêu gọi phục vụ truyền giáo ở Tahiti, nơi tôi phải học hai thứ tiếng nước ngoài—tiếng Pháp và tiếng Tahiti. Thời gian đầu truyền giáo, tôi trở nên rất chán nản vì thiếu tiến bộ trong cả hai thứ tiếng đó. Mỗi lần tôi cố gắng nói tiếng Pháp, người ta trả lời bằng tiếng Tahiti. Khi tôi cố gắng nói tiếng Tahiti, thì người ta trả lời bằng tiếng Pháp. Tôi định bỏ cuộc.

Rồi một ngày nọ, trong khi đang đi ngang qua phòng giặt đồ của trụ sở truyền giáo thì tôi nghe có tiếng ai đó gọi tôi. Tôi quay lại và thấy một phụ nữ người Tahiti tóc bạc đứng ở ngưỡng cửa ra hiệu cho tôi trở lại. Tên của bà là Tuputeata Moo. Bà chỉ nói tiếng Tahiti. Và tôi chỉ nói tiếng Anh. Tôi không hiểu nhiều điều bà đang cố gắng nói với tôi, nhưng hiểu rằng bà muốn tôi trở lại phòng giặt đồ mỗi ngày để bà có thể giúp tôi học tiếng Tahiti.

Tôi ghé qua hằng ngày để học với bà trong khi bà ủi quần áo. Thoạt tiên, tôi tự hỏi rằng buổi họp của chúng tôi có giúp ích gì không, nhưng dần dần tôi bắt đầu hiểu bà. Mỗi lần chúng tôi gặp, bà nói rằng bà hoàn toàn tin tưởng là tôi có thể học được cả hai thứ tiếng đó.

Chị Moo đã giúp tôi học tiếng Tahiti. Nhưng bà đã giúp tôi học nhiều điều hơn nữa. Bà thật sự giảng dạy cho tôi nguyên tắc phúc âm đầu tiên—đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Bà dạy rằng nếu tôi trông cậy nơi Chúa, thì Ngài sẽ giúp tôi làm một điều gì đó mà tôi nghĩ rằng không thể làm được. Bà không những giúp tôi ở lại tiếp tục truyền giáo—mà bà còn giúp cứu mạng tôi.

Chị Stillman, Anh Peterson và Chị Moo đã dạy “nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật; nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người” (GLGƯ 121:41–42). Họ giảng dạy với đức hạnh mà làm đẹp tư tưởng của họ, và nhờ vào đó mà Đức Thánh Linh là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên họ (xin xem GLGƯ 121:45–46).

Các giảng viên tuyệt diệu này đã soi dẫn cho tôi để đặt ra những câu hỏi về việc giảng dạy của tôi:

  1. Là giảng viên, tôi có tự thấy mình là một sứ giả của Thượng Đế không?

  2. Tôi có chuẩn bị và rồi giảng dạy theo cách mà có thể giúp cứu mạng người khác không?

  3. Tôi có chú trọng vào giáo lý chính yếu về Sự Phục Hồi không?

  4. Những người tôi giảng dạy có thể cảm nhận được tình yêu thương tôi dành cho họ và Cha Thiên Thượng cùng Đấng Cứu Rỗi không?

  5. Khi sự soi dẫn đến, tôi có đóng lại quyển sách hướng dẫn bài học cùng mở mắt, mở tai và mở lòng cho vinh quang của Thượng Đế không?

  6. Tôi có mời họ làm công việc Thượng Đế giao cho họ để làm không?

  7. Tôi có bày tỏ nhiều niềm tin nơi họ đến nỗi họ thấy khó để từ chối lời mời không?

  8. Tôi có giúp họ nhận ra các phước lành đã được hứa do việc sống theo giáo lý mà tôi đang giảng dạy không?

Việc học hỏi và giảng dạy không phải là các sinh hoạt tùy ý trong vương quốc của Thượng Đế. Các sinh hoạt này chính là phương tiện mà qua đó phúc âm đã được phục hồi cho thế gian và qua đó chúng ta sẽ đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Các sinh hoạt này cung ứng con đường dẫn đến chứng ngôn cá nhân. Không một người nào có thể “được cứu rỗi trong sự ngu dốt” (GLGƯ 131:6).

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Tiên Tri Joseph đã khai mở gian kỳ này bằng cách học hỏi lẽ thật và rồi giảng dạy lẽ thật đó. Joseph đã đặt ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, nhận được những đáp ứng thiêng liêng và rồi giảng dạy điều ông đã học được cho con cái của Thượng Đế. Tôi biết rằng Chủ Tịch Monson là người phát ngôn của Chúa trên thế gian ngày nay và rằng ông vẫn tiếp tục học hỏi và giảng dạy chúng ta như Joseph đã làm vì việc giảng dạy giúp cứu mạng người. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.