Tiếp Tục Kiên Nhẫn
Các bài học chúng ta học được từ tính kiên nhẫn sẽ phát triển cá tính của chúng ta, nâng đỡ cuộc sống của chúng ta và gia tăng hạnh phúc của chúng ta.
Vào thập niên 1960, một giáo sư trường Stanford University bắt đầu một cuộc thí nghiệm giản dị về sức mạnh ý chí của các trẻ em bốn tuổi. Ông để trước mặt chúng một cục kẹo dẻo to rồi cho chúng biết rằng chúng có thể ăn kẹo ngay, hoặc nếu chờ được 15 phút, thì chúng có thể có được hai cục kẹo dẻo.
Rồi ông để cho những đứa trẻ này ở một mình và theo dõi điều xảy ra ở phía sau tấm kính hai chiều. Một vài đứa trẻ lập tức ăn cục kẹo dẻo; một vài đứa khác chỉ có thể chờ đợi một vài phút trước khi nhượng bộ cám dỗ. Chỉ 30 phần trăm có thể chờ được mà thôi.
Đó là một cuộc thí nghiệm khá thú vị và vị giáo sư đi sang những lãnh vực nghiên cứu khác vì chính ông đã nói rằng: “chúng ta khó có thể ngăn các đứa trẻ đang muốn ăn cục kẹo dẻo.” Nhưng thời gian trôi qua, ông theo dõi những đứa trẻ đó và bắt đầu thấy một mối tương quan thú vị: các đứa trẻ không thể chờ được thì đã vất vả về sau trong cuộc đời và gặp nhiều vấn đề trong hành vi ứng xử, trong khi các đứa trẻ chờ được thì hay lạc quan và năng động hơn, học điểm cao hơn, có thu nhập cao hơn và có được mối quan hệ lành mạnh hơn.
Điều bắt đầu bằng thí nghiệm giản dị với các trẻ em và những cục kẹo dẻo đã trở thành một cuộc nghiên cứu đầy ý nghĩa cho thấy khả năng chờ đợi—phải kiên nhẫn—là một đặc tính chính yếu có thể báo trước sự thành công về sau trong đời.1
Có Thể Rất Khó để Chờ
Việc chờ đợi có thể là một điều rất khó. Các đứa trẻ cũng như người lớn đều biết điều đó. Chúng ta sống trong một thế giới cung cấp thức ăn nhanh, việc trao đổi lời nhắn qua lại trên máy vi tính, phim ảnh luôn luôn đáp ứng nhu cầu, và có những giải đáp tức thời cho những câu hỏi không quan trọng hoặc sâu xa nhất. Chúng ta không thích chờ. Một số người còn cảm thấy huyết áp của họ tăng lên khi hàng họ đang đứng tại cửa hàng siêu thị di chuyển chậm hơn các hàng xung quanh khác.
Tính kiên nhẫn—khả năng để giữ lại ước muốn của mình trong một thời gian—là một đức tính hiếm quý . Chúng ta muốn điều chúng ta muốn và chúng ta muốn điều đó ngay bây giờ. Do đó, ý nghĩ về tính kiên nhẫn đó có thể dường như không dễ chịu và đôi khi khó chấp nhận.
Tuy nhiên, nếu không có tính kiên nhẫn, chúng ta không thể làm Thượng Đế hài lòng; chúng ta không thể trở nên hoàn hảo. Quả thật vậy, tính kiên nhẫn là một tiến trình cải tiến sự hiểu biết, gia tăng hạnh phúc, tập trung vào hành động và mang đến hy vọng về sự bình an.
Là cha mẹ, chúng ta biết rằng việc chiều theo mỗi ước muốn của con cái chúng ta là điều không khôn ngoan biết bao. Nhưng con cái không phải là những người duy nhất bị hư hỏng khi được nhanh chóng ban thưởng cho quá nhiều. Cha Thiên Thượng biết điều các bậc cha mẹ hiền dần dần cũng hiểu, đó là: nếu con cái có muốn được chín chắn và đạt được tiềm năng của mình thì chúng cần phải học cách chờ đợi.
Tính Kiên Nhẫn Không Phải Chỉ Là Chờ Đợi Mà Thôi
Khi tôi được 10 tuổi, gia đình tôi là những người tị nạn trong một vùng đất mới. Tôi đã luôn luôn là một học sinh giỏi trong trường—nghĩa là cho đến khi chúng tôi đến Tây Đức. Nơi đó, kinh nghiệm học hành của tôi thì khác biệt hẳn. Môn địa lý mà chúng tôi học trong trường rất mới mẻ đối với tôi. Môn lịch sử chúng tôi học cũng rất khác biệt. Truớc đó, tôi đã học tiếng Nga là ngôn ngữ thứ nhì; bây giờ là tiếng Anh. Điều này thật khó đối với tôi. Thật vậy, có những lúc tôi thật sự tin rằng lưỡi của tôi không phải tạo ra để nói tiếng Anh.
Vì chương trình giảng dạy có quá nhiều điều mới mẻ và xa lạ đối với tôi nên tôi bị tụt lại. Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu tự hỏi là mình có hoàn toàn đủ thông minh để học không.
May thay, tôi có một người thầy đã dạy tôi phải kiên nhẫn. Ông dạy tôi rằng sự làm việc đều đặn và kiên định—bền chí kiên nhẫn—sẽ giúp tôi học hành.
Với thời gian, những môn học khó trở nên rõ ràng hơn— cả tiếng Anh. Dần dần, tôi bắt đầu thấy rằng nếu tôi luôn luôn chăm chú thì tôi có thể học được. Điều đó không đến nhanh, nhưng với lòng kiên nhẫn, điều đó đã thật sự đến.
Từ kinh nghiệm đó, tôi học biết rằng tính kiên nhẫn còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ chờ đợi cho một điều gì xảy ra—tính kiên nhẫn là cần thiết, tích cực làm việc hướng đến các mục tiêu đáng giá, chứ không trở nên nản lòng khi kết quả không đạt được ngay hoặc không có nỗ lực.
Có một khái niệm quan trọng ở đây: tính kiên nhẫn không phải là việc thụ động cam chịu, cũng như không phải là không hành động vì nỗi sợ hãi của chúng ta. Tính kiên nhẫn có nghĩa là tích cực chờ đợi và chịu đựng. Nó có nghĩa là bền bỉ trong một điều gì đó và làm hết sức mình—làm việc, hy vọng và sử dụng đức tin; trải qua nỗi gian khổ bằng cách dũng cảm chịu đựng, ngay cả khi những ước muốn trong lòng mình bị trì hoãn. Tính kiên nhẫn không chỉ đơn thuần là chịu đựng không thôi; mà còn là kiên trì chịu đựng nữa!
Mặt khác, tính thiếu kiên nhẫn là một dấu hiệu của tính ích kỷ . Đó là đặc điểm của tính vị kỷ . Nó nảy sinh từ tình trạng rất thường thấy được gọi là hội chứng “trung tâm của vũ trụ”, mà khiến người ta tin rằng thế giới xoay quanh họ, và tất cả những người khác chỉ là diễn viên phụ trong một rạp hát hữu diệt rộng lớn mà trong đó chỉ có họ đóng vai chính mà thôi.
Các anh em thân mến, đây là điều khác biệt biết bao với tiêu chuẩn Chúa đề ra cho chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế.
Tính Kiên Nhẫn: một Nguyên Tắc của Chức Tư Tế
Là những người mang chức tư tế và đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cần phải phục vụ những người khác theo cách thức phù hợp với tấm gương của Ngài. Có một lý do mà hầu như mỗi bài học về sự lãnh đạo của chức tư tế cuối cùng đều đưa đến tiết 121 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Trong một vài câu, Chúa cung ứng một khóa học giảng dạy về sự lãnh đạo chức tư tế. “Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật.”2
Những đặc điểm và thực hành được mô tả trong những câu này là nền tảng của lòng kiên nhẫn thiêng liêng và gắn liền với sự phục vụ hữu hiệu của chức tư tế và chức tộc trưởng. Những đặc tính này sẽ mang đến cho các anh em sức mạnh và sự thông sáng trong việc làm vinh hiển chức vụ của mình, trong việc thuyết giảng phúc âm, kết tình thân hữu với các thành viên nhóm túc số và ban phát sự phục vụ quan trọng nhất của chức tư tế—tức là sự phục vụ với tình thương thật sự ở bên trong nhà của mình.
Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng một trong số các lý do Thượng Đế đã giao phó chức tư tế cho chúng ta là để giúp chuẩn bị chúng ta cho các phước lành vĩnh cửu bằng cách cải tiến bản tính của mình qua tính kiên nhẫn cần thiết trong sự phục vụ của chức tư tế.
Như Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta, chúng ta hãy kiên nhẫn với những người mình phục vụ. Hãy hiểu rằng họ cũng như chúng ta đều không hoàn hảo. Giống như chúng ta, họ cũng làm điều lầm lỗi. Giống như chúng ta, họ muốn những người khác nghĩ tốt về mình.
Đừng bao giờ bỏ cuộc đối với bất cứ người nào. Và điều đó cũng gồm có việc không tự mình bỏ cuộc.
Tôi tin rằng vào một lúc này hay lúc khác, mỗi người chúng ta có thể đồng cảm với người tôi tớ trong câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Ky Tô là người nợ tiền nhà vua và khẩn nài với nhà vua: “Thưa chủ, xin giãn cho tôi.”3
Cách Thức và Kỳ Định của Chúa
Con cái Y Sơ Ra Ên đã chờ 40 năm trong vùng hoang dã trước khi họ có thể vào đất hứa. Gia Cốp đã chờ Ra Chên 7 năm dài. Dân Do Thái đã chờ 70 năm ở Ba Bi Lôn trước khi họ có thể trở về xây cất lại đền thờ. Dân Nê Phi đã chờ một điềm triệu về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô, mặc dù biết rằng nếu điềm triệu đó không đến thì họ sẽ chết. Những thử thách của Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty đã khiến ngay cả vị tiên tri của Thượng Đế phải tự hỏi: “Còn bao lâu nữa?”4
Trong mỗi trường hợp, Cha Thiên Thượng đều có một mục đích là đòi hỏi con cái của Ngài phải chờ.
Mỗi người chúng ta được kêu gọi phải chờ theo cách của mình. Chúng ta chờ sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện. Chúng ta chờ những điều mà có lúc có thể dường như rất đúng và rất tốt cho chúng ta, nhưng không thể nào tưởng tượng được lý do tại sao lại trì hoãn sự đáp ứng.
Tôi còn nhớ khi tôi đang chuẩn bị để được huấn luyện làm người phi công chiến đấu. Chúng tôi đã dành ra rất nhiều thời giờ cho cuộc huấn luyện quân sự dự bị về thể dục. Tôi vẫn không biết chắc tại sao việc chạy bộ liên tục lại được xem là phần dự bị thiết yếu để trở thành một phi công. Tuy nhiên, chúng tôi đã chạy rất nhiều và chạy thêm nhiều nữa.
Trong khi chạy, tôi bắt đầu thấy rằng một điều gì đó thật sự làm tôi băn khoăn. Nhiều lần trong khi chạy, tôi bị vượt qua mặt bởi những người hút thuốc, uống rượu cũng như làm tất cả những điều khác trái với phúc âm và nhất là Lời Thông Sáng.
Tôi nhớ đã nghĩ: “Xem nào! Chẳng phải tôi có thể chạy mà không mệt nhọc sao?” Nhưng tôi đã bị mệt nhọc, và tôi đã bị những người dứt khoát không tuân theo Lời Thông Sáng vượt qua. Tôi thú nhận rằng ý nghĩ đó làm tôi băn khoăn vào lúc ấy. Tôi tự hỏi lời hứa đó có thật hay không?
Câu trả lời không đến ngay. Nhưng cuối cùng, tôi biết được rằng những lời hứa của Thượng Đế không phải luôn luôn được làm tròn một cách nhanh chóng hoặc theo cách chúng ta có thể hy vọng; những lời hứa này đến theo kỳ định và cách thức của Ngài. Nhiều năm sau, tôi có thể thấy rõ bằng chứng của các phước lành thể chất đến với những người nào tuân theo Lời Thông Sáng—ngoài các phước lành thuộc linh đến ngay lập tức từ việc tuân theo bất cứ luật pháp nào của Thượng Đế. Khi nhìn lại, tôi biết chắc rằng những lời hứa của Chúa, có lẽ không luôn luôn được làm tròn nhanh chóng, đều luôn luôn là chắc chắn.
Tính Kiên Nhẫn Đòi Hỏi Đức Tin
Brigham Young dạy rằng khi có việc gì đó xảy ra và ông không thể thấu hiểu trọn vẹn thì ông sẽ cầu nguyện lên Chúa: “Xin ban cho con tính kiên nhẫn để chờ cho đến khi con có thể tự mình hiểu điều đó.”5 Rồi Brigham tiếp tục cầu nguyện cho đến khi ông có thể hiểu thấu sự việc.
Chúng ta cần phải biết rằng trong kế hoạch của Chúa, sự hiểu biết của chúng ta đến, “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một.”6 Nói tóm lại, kiến thức và sự hiểu biết đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn.
Thường thường, chúng ta sẽ chỉ hiểu được những thung lũng sâu của hiện tại bằng cách nhìn lại hiện tại đó từ dải núi của kinh nghiệm tương lai của mình. Chúng ta thường không thấy bàn tay của Chúa trong cuộc sống của mình cho đến sau khi những thử thách đã trôi qua. Thường thường, những lúc khó khăn nhất của cuộc sống chúng ta đều thiết yếu cho việc xây đắp các khối đá mà tạo nên nền móng cho cá tính của chúng ta cũng như lót đường cho cơ hội, sự hiểu biết và hạnh phúc tương lai.
Tính Kiên Nhẫn, Trái của Thánh Linh7
Tính kiên nhẫn là thuộc tính của Chúa mà có thể chữa lành tâm hồn, mở cửa các kho tàng kiến thức và hiểu biết, cùng biến đổi những người nam người nữ bình thường thành thánh hữu và thiên thần. Tính kiên nhẫn quả thật là trái của Thánh Linh.
Tính kiên nhẫn có nghĩa là chịu đựng một điều gì đó cho đến cùng. Nó có nghĩa là hoãn lại sự ban thưởng để nhận được các phước lành tương lai. Nó có nghĩa là kiềm chế cơn tức giận và lời không tử tế. Nó có nghĩa là chống lại điều xấu xa mặc dù điều xấu xa đó hình như làm cho những người khác giàu có.
Tính kiên nhẫn có nghĩa là chấp nhận điều không thể thay đổi và đương đầu với nó bằng lòng can đảm, ân điển và đức tin. Nó có nghĩa là “sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho [chúng ta], chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”8 Cuối cùng tính kiên nhẫn có nghĩa là “vững chắc và bền bỉ, và bất di bất dịch trong việc tuân giữ các lệnh truyền của Chúa”9 mỗi giờ, mỗi ngày ngay cả khi rất khó để làm. Trong những lời của Giăng Đấng Mặc Khải: “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê Su.”10
Tính kiên nhẫn là tiến trình dẫn đến sự hoàn hảo. Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng nhờ tính kiên nhẫn của mình mà các anh em giữ được linh hồn mình.11 Hoặc để sử dụng một bản dịch bản văn Hy Lạp khác, nhờ tính kiên nhẫn của mình mà các anh em nắm vững được linh hồn mình.”12 Tính kiên nhẫn có nghĩa là tuân theo trong đức tin, biết rằng đôi khi chúng ta tăng trưởng nhiều nhất trong khi chờ đợi hơn là nhận được. Cũng đúng như vậy trong thời kỳ chúng ta, vì chúng ta được truyền lệnh trong những ngày sau này “hãy tiếp tục kiên nhẫn cho đến khi nào các ngươi được toàn hảo.”13
Chúa Ban Phước cho Chúng Ta vì Tính Kiên Nhẫn của Chúng Ta
Để diễn giải lời của tác giả Thi Thiên thời xưa, nếu chúng ta kiên nhẫn chờ đợi Chúa thì Ngài sẽ lắng nghe chúng ta. Ngài sẽ nghe tiếng kêu gào của chúng ta. Ngài sẽ mang chúng ta ra khỏi hố sâu khủng khiếp và đặt chân của chúng ta lên trên tảng đá rắn chắc. Ngài sẽ đặt một bài ca mới vào miệng chúng ta và chúng ta sẽ ngợi khen Thượng Đế của mình. Nhiều người xung quanh chúng ta sẽ thấy điều đó và họ sẽ tin cậy Chúa.14
Các anh em thân mến, về cơ bản tính kiên nhẫn là như sau: tuân giữ các lệnh truyền, tin cậy Thượng Đế Cha Thiên Thượng của chúng ta, phục vụ Ngài với tính nhu mì và tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô; sử dụng đức tin và hy vọng nơi Đấng Cứu Rỗi; cũng như không bao giờ bỏ cuộc. Các bài học chúng ta học được từ tính kiên nhẫn sẽ phát triển cá tính của chúng ta, nâng đỡ cuộc sống của chúng ta và gia tăng hạnh phúc của chúng ta. Các bài học này sẽ giúp chúng ta trở thành những người mang chức tư tế xứng đáng và các môn đồ trung tín của Đấng Chủ Tể của chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi cầu nguyện rằng tính kiên nhẫn sẽ là một đặc tính quan trọng của chúng ta là những người mang chức tư tế của Thượng Đế Toàn Năng; rằng chúng ta sẽ dũng cảm tin cậy những lời hứa của Chúa và kỳ định của Ngài; rằng chúng ta sẽ đối xử với những người khác bằng tính kiên nhẫn và lòng trắc ẩn do chúng ta tự mình tìm kiếm; và rằng chúng ta sẽ tiếp tục kiên nhẫn cho đến khi chúng ta được toàn hảo. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.