2010
Bổn Phận của Chúng Ta đối với Thượng Đế: Sứ Mệnh của Cha Mẹ và Những Người Lãnh Đạo đối với Thế Hệ Đang Vươn Lên
tháng Năm năm 2010


Bổn Phận của Chúng Ta đối với Thượng Đế: Sứ Mệnh của Cha Mẹ và Những Người Lãnh Đạo đối với Thế Hệ Đang Vươn Lên

Bổn phận cấp bách của chúng ta là giúp giới trẻ hiểu và tin vào phúc âm trong một cách hết sức riêng tư.

Hình Ảnh
Elder Robert D. Hales

Buổi trưa hôm nay, tôi muốn khuyến khích các cha mẹ cùng tất cả những người được kêu gọi lãnh đạo và phục vụ giới trẻ của thế gian này. Chúa đã mặc khải cho Joseph Smith rằng chúng ta có: “một bổn phận khẩn thiết mà chúng ta cần phải có đối với tất cả thế hệ đang lên” (GLGƯ 123:11).

Trong suốt cuộc sống của mình với tư cách là một người cha và người ông, tôi đã suy ngẫm về câu hỏi: bổn phận của tôi đối với Thượng Đế liên quan gì đến giới trẻ? Tôi xin được chia sẻ một vài điều tôi học được từ việc suy ngẫm và chứng ngôn cá nhân.

Đối với tất cả chúng ta, việc làm bổn phận của mình đối với Thượng Đế với tư cách là cha mẹ và những người lãnh đạo bắt đầu với việc lãnh đạo bằng tấm gương—kiên định sống theo các nguyên tắc phúc âm và siêng năng trong nhà. Điều này cần có quyết tâm và chuyên cần hằng ngày.

Đối với giới trẻ, không có điều gì thay thế cho việc thấy phúc âm được sống theo trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Các chiến sĩ trẻ tuổi không cần phải tự hỏi cha mẹ của họ tin điều gì. Họ nói: “Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy” (xin xem An Ma 56:47–48). Con cái chúng ta có biết điều chúng ta biết không?

Tôi có một đứa cháu nội có lần rủ tôi đi với nó xem một cuốn phim nổi tiếng nhưng không thích hợp. Tôi bảo nó rằng tôi không đủ trưởng thành để xem cuốn phim đó. Nó bối rối cho đến khi bà nội của nó giải thích cho nó biết rằng hê thống xếp loại theo tuổi không áp dụng cho Ông Nội. Nó trở lại tôi và nói: “Ông Nội ơi, bây giờ con hiểu rồi, ông nội sẽ không bao giờ đủ trưởng thành để xem cuốn phim đó phải không?” Và nó đã nói đúng!

Ngoài việc chỉ cho giới trẻ thấy con đường qua tấm gương, chúng ta còn hướng dẫn họ bằng việc am hiểu tấm lòng của họ và bước đi bên cạnh họ trên con đường phúc âm. Để thật sự am hiểu tấm lòng của họ, chúng ta cần phải làm nhiều hơn là chỉ ở trong cùng một căn phòng hoặc cùng tham dự các sinh hoạt gia đình và Giáo Hội. Chúng ta cần phải hoạch định đồng thời tận dụng những giây phút giảng dạy có thể tạo ra ấn tượng sâu đậm và lâu dài trong tâm trí họ.

Ví dụ, các vị lãnh đạo Giáo Hội hoạch định đều đặn các buổi sinh hoạt của chức tư tế và cắm trại Hướng Đạo —nhưng các sinh hoạt đó có luôn luôn đạt được mục đích quan trọng của chúng không? Tôi biết được rằng điều làm cho một sinh hoạt của chức tư tế hoặc Hướng Đạo có ý nghĩa nhất đối với một thiếu niên không phải là chỉ nhận được bằng khen mà còn có cơ hội để ngồi nói chuyện với một vị lãnh đạo quan tâm đến mình và cuộc sống của mình.

Thưa các bậc cha mẹ, tương tự như thế, khi các anh chị em lái xe đưa con cái hoặc dẫn con cái đi học hay đến những buổi sinh hoạt khác nhau của chúng, các anh chị em có dùng thời giờ để nói chuyện với chúng về những hy vọng, ước mơ và nỗi sợ hãi cùng niềm vui của chúng không? Các anh chị em có dành thời giờ ra để bảo chúng lấy ra khỏi tai nút nghe của máy MP3 cùng tất cả những dụng cụ khác để chúng có thể nghe các anh chị em nói và cảm nhận được tình yêu thương của các anh chị em không? Càng sống lâu, tôi càng nhận thấy rằng những giây phút giảng dạy trong thời niên thiếu của mình, nhất là những giây phút giảng dạy của cha mẹ tôi, đã định hướng cuộc sống của tôi và làm cho tôi trở thành con người hiện tại.

Không thể nào đánh giá quá cao ảnh hưởng của cha mẹ là những người am hiểu tấm lòng của con cái họ. Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng trong thời kỳ chuyển tiếp quan trọng nhất của cuộc sống—kể cả những thời kỳ mà giới trẻ thường xa lánh Giáo Hội nhiều nhất—ảnh hưởng lớn nhất không đến từ cuộc phỏng vấn với vị giám trợ hoặc một vị lãnh đạo khác mà từ việc đối thoại thường xuyên, nhiệt tình, thân thiện với cha mẹ.

Do đó, khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, gia đình của chúng ta có đông đủ ở đó không? Tôi còn nhớ khi còn là một thiếu niên xin phép đi chơi môn bóng chày trong giờ ăn tối. Tôi nói với mẹ tôi: “Mẹ cứ để thức ăn của con vào lò.” Bà đáp: “Robert, mẹ thật sự muốn con nghỉ chơi một lát, về nhà, dành thời giờ với gia đình trong bữa ăn tối và rồi con có thể đi chơi bóng chày cho đến trời tối.” Bà dạy tất cả chúng tôi rằng khi nào có bữa ăn chung gia đình thì không phải là thức ăn mà là sự đối thoại giữa những người trong gia đình mới nuôi dưỡng tâm hồn. Mẹ tôi dạy rằng tình yêu thương lớn lao nhất chúng ta có thể ban cho là bên trong nhà của mình.

Để những cuộc đối thoại của chúng ta với giới trẻ thật sự cảm động lòng họ, chúng ta phải lưu ý đến họ cũng giống như chúng ta lưu ý đến một đồng nghiệp thành niên tin cậy hoặc một người bạn thân. Quan trọng hơn hết là đặt ra những câu hỏi cho họ, để họ nói rồi sẵn lòng lắng nghe—vâng, lắng nghe và lắng nghe nhiều hơn—ngay cả với đôi tai thuộc linh! Cách đây vài năm, trong khi tôi đang đọc báo thì một đứa cháu nội đến ngồi sát bên tôi. Trong khi đọc, tôi vui mừng được nghe tiếng nói dễ thương của nó loáng thoáng bên tai. Hãy tưởng tượng nỗi ngạc nhiên của tôi trong một vài giây phút sau, khi nó xen vào giữa tôi và tờ báo. Nó lấy đôi tay ôm mặt tôi và ấn mũi nó vào mũi tôi, nó hỏi: “Ông Nội ơi! Ông Nội có nghe con nói không?”

Hỡi những Người Mẹ, Người Cha, các anh chị em có đang lắng nghe không? Hỡi những Người Ông, những Người Bà, các anh chị em có đang lắng nghe không? Lắng nghe có nghĩa là thấu hiểu tấm lòng của giới trẻ chúng ta và liên kết với họ. Và liên kết với họ có nghĩa là không những nói chuyện với họ mà còn sinh hoạt chung với họ nữa.

Mới gần đây, tôi đã nghe một người mẹ kể lại cách người này giúp ba đứa con gái đầu tiên của mình hoàn tất những điều kiện cho chương trình Sự Tiến Triển Cá Nhân bằng cách làm điều đã được kỳ vọng—luôn luôn am hiểu và ký tên vào các dự án. Rồi người ấy nhẹ nhàng giải thích, trong khi nước mắt lăn dài trên má: “Mới gần đây, tôi đã làm việc với đứa con gái thứ tư của mình bằng cách thật sự thực hiện các dự án của nó cùng với nó. Điều đó tạo ra sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống và mối quan hệ của chúng tôi. Nhưng thật buồn làm sao khi tôi nhận thức được rằng tôi đã mất mát vì không làm điều này với ba đứa kia.” Những lời buồn nhất khi nói ra và viết xuống là những lời nói: “Đáng lẽ!”1

Các tín hữu thành niên của Giáo Hội cần phải hiểu rằng những điều kiện cho chương trình Sự Tiến Triển Cá Nhân và Bổn Phận đối với Thượng Đế không phải chỉ là những bản liệt kê dài để kiểm tra. Chúng là các mục tiêu cá nhân được đề ra cho mỗi thiếu niên và thiếu nữ để giúp họ trở nên xứng đáng nhằm nhận được các giáo lễ đền thờ, đi phục vụ truyền giáo, bước vào hôn nhân vĩnh cửu cùng vui hưởng sự tôn cao. Nhưng hãy hiểu rằng: đối với các thiếu niên và thiếu nữ cố gắng hoàn thành các mục tiêu này một mình thì đó sẽ là một sự mất mát lớn lao và một thảm cảnh!

Thưa các bậc cha mẹ và những người lãnh đạo của giới trẻ, chúng tôi khuyến khích các anh chị em tham gia vào chương trình Sự Tiến Triển Cá Nhân và Bổn Phận đối với Thượng Đế với con cái của mình và với giới trẻ. Không những họ sẽ phát triển mà các anh chị em cũng phát triển nữa. Và cũng quan trọng là các anh chị em và họ sẽ cùng phát triển trong một mối ràng buộc với đức tin cũng như tình bạn mà sẽ cho phép các anh chị em củng cố lẫn nhau và vĩnh viễn ở trên con đường phúc âm, để thật sự là một gia đình vĩnh cửu.

Một phần cũng quan trọng của sự làm tròn bổn phận của cha mẹ đối với Thượng Đế là giảng dạy con cái mình về phúc âm và chuẩn bị cho chúng tham dự trọn vẹn vào Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nhớ bài học về dân của Vua Bên Gia Min. Do những lời giảng dạy của ông nên nhiều người lớn đã có được một sự thay đổi lớn lao trong lòng (xin xem Mô Si A 5:2). Nhưng rồi cũng có nói “có nhiều người trong thế hệ đang vươn lên không hiểu được những lời của vua Bên Gia Min nói, vì khi vua nói với dân ông thì họđang còn nhỏ bé; và họ không tin… . Và lòng họ đã chai đá” (Mô Si A 26:1, 3).

Bổn phận cấp bách của chúng ta là giúp giới trẻ hiểu và tin vào phúc âm một cách hết sức riêng tư. Chúng ta có thể giảng dạy cho họ bước đi trong ánh sáng, nhưng ánh sáng đó không thể vay mượn được. Họ phải tự mình nhận được ánh sáng đó. Họ phải nhận được ánh sáng chứng ngôn riêng của mình từ nguồn ánh sáng thuộc linh—chính là Thượng Đế—qua việc cầu nguyện, học hỏi và suy ngẫm. Họ phải hiểu họ là ai và Cha Thiên Thượng muốn họ trở thành con người như thế nào. Chúng ta giúp đỡ họ như thế nào?

Khi chúng ta có buổi họp tối gia đình, buổi họp bàn thảo của gia đình, hoặc một cuộc nói chuyện về phúc âm đầy ý nghĩa với con cái của chúng ta, thì chúng ta có cơ hội để nhìn vào mắt chúng rồi nói cho chúng biết rằng chúng ta và Cha Thiên Thượng đều yêu thương chúng. Trong những bối cảnh thiêng liêng này, chúng ta cũng có thể giúp chúng hiểu tận đáy lòng mình, chúng là ai và chúng may mắn biết bao để đến thế gian này và vào mái gia đình của chúng ta cùng dự phần vào các giao ước mà chúng ta đã nhận trong đền thờ để là một gia đình vĩnh viễn. Trong mỗi cuộc đối thoại, chúng ta đều có thể chia sẻ, cho thấy các nguyên tắc và phước lành của phúc âm.

Trong những lúc nguy hiểm này, việc giới trẻ của chúng ta chỉ biết không thôi thì không đủ. Chúng còn phải làm nữa. Việc hết lòng tham gia các giáo lễ, các nhóm túc số và tổ chức bổ trợ, các chương trình đầy soi dẫn và sinh hoạt củng cố sẽ giúp cho giới trẻ mang lấy mọi khí giới của Thượng Đế. Chúng ta sẽ giúp họ mang lấy khí giới đó để họ có thể chống lại các tên lửa của kẻ nghịch thù không? Để thật sự chọn con đường của Chúa, họ cần phải biết con đường của Ngài. Và để thật sự biết con đường của Ngài, chúng ta cần phải giảng dạy và hướng dẫn họ hành động, tham gia rồi thực hiện.

Công việc truyền giáo trọng đại nhất mà chúng ta từng làm sẽ là ở bên trong nhà của mình. Nhà cửa, nhóm túc số và các lớp học của chúng ta cũng là một phần của khu vực truyền giáo của mình. Con cháu của chúng ta là những người tầm đạo quan trọng nhất của mình.

Công việc lịch sử gia đình trọng đại nhất chúng ta sẽ làm là ở bên trong nhà của chúng ta. Đó là sự chuẩn bị cho con cái của mình trong thế hệ đang vươn lên, mà qua sự vâng lời của chúng, sẽ bảo đảm việc giữ gìn và tồn taị vĩnh cửu của gia đình chúng ta đối với thế hệ mai sau.

Cuộc giải cứu quan trọng nhất, sự giúp đỡ trọng đại nhất để tích cực trở lại sẽ là trong nhà của mình. Nếu một người nào đó trong gia đình các anh chị em đang lang thang trên lối đi xa lạ, thì các anh chị em cũng là người giải cứu, tham gia vào nỗ lực giải cứu lớn nhất mà Giáo Hội từng biết. Tôi làm chứng từ kinh nghiệm cá nhân: Không có nỗi thất bại trừ phi bỏ cuộc. Không bao giờ quá sớm hay quá trễ để bắt đầu. Đừng lo lắng về điều đã xảy ra trong quá khứ. Hãy gọi điện thoại. Hãy viết một lá thư ngắn. Hãy đi thăm viếng. Hãy đưa ra lời mời trở về nhà. Đừng sợ hãi hay ngượng ngùng. Đứa con của các anh chị em cũng là đứa con của Cha Thiên Thượng. Các anh chị em đang làm công việc của Ngài. Ngài hứa sẽ quy tụ con cái Ngài lại và Ngài ở cùng với các anh chị em.

Đức tin lớn lao nhất mà chúng ta có sẽ ở bên trong nhà của mình khi chúng ta vẫn vững mạnh trong những thử thách và nỗi thống khổ của vai trò làm cha mẹ. Mới gần đây, Chủ Tịch Monson đã nói với một nhóm nhỏ gồm có những người mẹ: “Đôi khi chúng ta phê phán quá nhanh về hiệu quả của sự thành công và thất bại của mình.” Tôi xin thêm vào, đừng xem những thử thách của ngày nay là vĩnh cửu. Cha Thiên thượng làm công việc của Ngài trong tương lai xa. Tiên tri Joseph Smith phán: “Vậy nên, … chúng ta hãy vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta; và rồi chúng ta có thể đứng yên, với một sự an tâm lớn lao nhất, để nhìn thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra” (GLGƯ 123:15, 17).

Vào ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh này, tôi hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội làm chứng rằng chúng ta biết là Thượng Đế hằng sống và Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ làm chứng để con cái của mình sẽ biết lòng chúng ta đặt ở đâu và chúng ta yêu thương chúng. Tình yêu thương lớn nhất và những lời giảng dạy quan trọng nhất cần phải ở trong nhà của chúng ta.

Tôi cầu xin các phước lành của Chúa sẽ được ban cho các bậc cha mẹ và giới trẻ là những người đã được nuôi dạy trong những mái gia đình trung tín, để họ sẽ hiểu được niềm vui được ở trong mái gia đình nơi họ có thể được yêu thương, hướng dẫn và dẫn dắt. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể có được gia đình vĩnh cửu và sống với nhau vĩnh viễn nơi hiện diện của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi đặc biệt làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống. Ngài là Đấng chăn của các con chiên đi lạc, Đấng giải cứu những người lâm vào cảnh khó khăn, Đấng chữa lành các vết thương lòng, niềm hy vọng của tất cả nhân loại. Với Ngài là Đấng Chủ Tể của mình, chúng ta hãy làm tròn bổn phận của mình đối với Thượng Đế bằng đức tin nơi Ngài và tình yêu thương vĩnh cửu của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem “Maud Muller,” The Complete Poetical Works of John Greenleaf Whittier (1876), 206.

In