Đôi Tay Giúp Đỡ, Đôi Tay Cứu Giúp
Cầu xin cho chúng ta tuân theo lời khuyên dạy và tấm gương của vị tiên tri cũng như tìm đến những người đang gặp hoạn nạn mỗi ngày.
Các anh chị em thân mến, tôi vô cùng biết ơn cơ hội nói chuyện tại đại hội này. Tôi biết ơn Chủ Tich Thomas S. Monson và tôi làm chứng rằng ông là vị tiên tri của Thượng Đế hằng sống. Tôi có ấn tượng sâu xa bởi tấm gương tuyệt diệu của Chủ Tịch Monson, ông đã dành cả đời mình sử dụng đôi tay để giúp đỡ và cứu giúp những người khác.
Chúng ta sống trong một thời kỳ có nhiều người đương đầu với thiên tai và đang cần được giúp đỡ vì những hậu quả đầy tác hại của các trận động đất, sóng thần, cuồng phong cùng các thiên tai khác. Giáo Hội đang cố gắng giúp đỡ những người này qua sự viện trợ nhân đạo. Các tín hữu Giáo Hội hiến tặng rộng rãi các của lễ nhịn ăn mỗi tháng và phục vụ trong một tinh thần yêu thương. Họ thật sự dang tay giúp đỡ theo cách của Chúa. Họ tuân theo lệnh truyền của Chúa để “nhớ tới những kẻ nghèo khó và những kẻ túng thiếu, những người bệnh tật và những người đau buồn, vì kẻ nào không làm những điều này thì không phải là môn đồ của ta” (GLGƯ 52:40).
Ngày hôm nay, tôi muốn tập trung vào các bàn tay giúp đỡ và cứu giúp phần thuộc linh. Công việc và vinh quang của Chúa “là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Nhiều người xung quanh chúng ta cần sự giúp đỡ thuộc linh. Khi dang tay cứu giúp các tín hữu kém tích cực, các gia đình chỉ có một vài người là tín hữu và những người không thuộc vào tín ngưỡng của mình, chúng ta mời gọi tất cả mọi người “đến cùng Đấng Ky Tô.”1
Khi mới cải đạo vào Giáo Hội, tôi đã kinh nghiệm được sự giải cứu thuộc linh nhờ vào các bàn tạy cứu giúp của một tín hữu trung thành của Giáo Hội. Tôi lớn lên ở Matsumoto Nhật Bản, gần nơi đăng cai Thế Vận Hội Mùa Đông Nagano. Nơi sinh quán của tôi cũng rất giống Salt Lake City, một thung lũng vây quanh bởi núi non hùng vĩ. Khi được 17 tuổi, tôi gặp hai người truyền giáo Mỹ, Anh Cả Carter và Anh Cả Hayashi. Mặc dù về tuổi tác chúng tôi chỉ cách nhau hai hoặc ba tuổi, nhưng các anh cả có một điều gì tuyệt vời mà tôi không hề cảm nhận được trước đó. Họ rất chăm chỉ, vui vẻ, lòng tràn đầy tình yêu thương và ánh sáng. Tôi có ấn tượng sâu xa trước những đức tính của họ và tôi muốn được trở thành giống như họ. Tôi lắng nghe sứ điệp của họ và quyết định chịu phép báp têm. Cha mẹ tôi theo đạo Phật nên chống đối mãnh liệt lễ báp têm của tôi. Nhờ sự giúp đỡ của những người truyền giáo và Chúa, nhiệm mầu thay, tôi được phép làm lễ báp têm.
Năm sau đó, tôi vào trường đại học ở Yokohama. Vì sống một mình xa nhà và những người tôi quen biết, tôi trở nên cô đơn và rời xa Giáo Hội. Một ngày nọ, tôi nhận được một tấm bưu thiếp từ một tín hữu Giáo Hội ở quê nhà. Người ấy viết rằng người ấy đã nghe là tôi không đi dự các buổi họp Giáo Hội. Người ấy trích dẫn một câu thánh thư và mời tôi trở lại giáo hội. Những lời trong câu thánh thư làm lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Điều này giúp tôi nhận thức rằng có lẽ tôi đã mất một điều gì quan trọng và tôi đã vất vả suy ngẫm trong nhiều ngày. Điều này cũng khiến cho tôi nhớ lại lời những người truyền giáo đã hứa với tôi: “Nếu anh đọc Sách Mặc Môn và cầu vấn với lời cầu nguyện khẩn thiết xem lời hứa trong Mô Rô Ni có thật không, thì anh sẽ biết được lẽ thật qua quyền năng của Đức Thánh Linh.”2
Tôi nhận biết rằng tôi đã không hết lòng cầu nguyện nên tôi quyết định phải làm điều đó. Một buổi sáng, tôi thức dậy sớm, quỳ xuống trong căn hộ nhỏ của mình và chân thành cầu nguyện. Trước nỗi ngạc nhiên của tôi, sự xác nhận của Đức Thánh Linh trút xuống tôi như đã được hứa. Trái tim tôi hừng hực, thân thể tôi run rẩy và lòng tôi tràn đầy niềm vui. Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, tôi biết được rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và hai Ngài thật sự hiện đến cùng Joseph Smith. Tôi cam kết trong lòng là phải hối cải và trung tín noi theo Chúa Giê Su Ky Tô đến hết cuộc đời còn lại của mình.
Kinh nghiệm này đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi! Tôi quyết định đi phục vụ truyền giáo vì lòng biết ơn đối với Chúa và đối với người tín hữu Giáo Hội đã giải cứu tôi. Tiếp theo công việc truyền giáo của mình, tôi được làm lễ gắn bó trong đền thờ với một thiếu nữ tuyệt vời và chúng tôi đã được ban phước với bốn đứa con. Không phải ngẫu nhiên, đây chính là người thiếu nữ đã giải cứu tôi bằng cách gửi tấm bưu thiếp đến căn hộ cô đơn đó ở Yokohama cách đây nhiều năm. Tôi luôn luôn biết ơn lòng thương xót của Chúa và sự giúp đỡ của người tín hữu Giáo Hội này đã mời gọi tôi một lần nữa đến cùng Đấng Ky Tô.3
Tôi biết có nhiều anh chị em đã âm thầm đưa ra đôi bàn tay yêu thương và cứu giúp mỗi ngày. Điều này gồm có một chị trung tín trong Hội Phụ Nữ, chị không những chăm sóc các chị em phụ nữ mà chị đã được chỉ định thăm viếng giảng dạy mà còn đối với bất cứ chị em phụ nữ nào đang đau ốm hoặc cần sự giúp đỡ nào khác. Chị phụ nữ này thường đi thăm viếng và trong nhiều năm đã củng cố đức tin của nhiều người. Tôi nghĩ về một vị giám trợ đã thường đi thăm viếng các góa phụ và những người góa vợ trong tiểu giáo khu của mình. Mẫu mực giúp đỡ này đã tiếp tục trong nhiều năm sau khi ông giải nhiệm.
Tôi biết có một vị lãnh đạo chức tư tế đã dành thời giờ cho một thiếu niên mồ côi cha. Vị này đã cùng với thiếu niên đó đi dự các buổi sinh hoạt, giảng dạy cho thiếu niên đó về phúc âm và đưa ra lời khuyên dạy theo như cách mà người cha của thiếu niên đó sẽ làm nếu còn sống. Một gia đình khác hân hoan trong việc chia sẻ phúc âm. Mỗi người cha mẹ và con cái đều làm chứng về phúc âm với những người chung quanh họ cũng như được rất nhiều người yêu mến.
Là một phần sinh hoạt của Hội Thiếu Nhi, đứa cháu gái năm tuổi của tôi để một hạt bắp rang vào một cái chai thủy tinh lớn mỗi lần nó làm điều tốt. Nó hát lớn tiếng bài ca thiếu nhi khi tìm cách làm điều tốt mỗi ngày: “Hãy tuân theo vị tiên tri, hãy tuân theo vị tiên tri, Hãy tuân theo vị tiên tri, ông biết con đường!”4
Tôi không có thời giờ để kể cho các anh chị em biết về tất cả những điều tốt lành tôi thấy các tín hữu Giáo Hội làm. Họ tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri—không phải vì bổn phận hay trách nhiệm, mà vì theo ý muốn của mình, một cách âm thầm và vui vẻ.
Đôi khi chúng ta cảm thấy yếu đuối và thiếu sức mạnh để giải cứu những người khác, nhưng Chúa nhắc nhở chúng ta: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” (Ma Thi Ơ 25:40).
Tôi kết thúc với câu trích dẫn từ Chủ Tịch Thomas S. Monson: “Thưa các anh chị em, chúng ta sống ở giữa những người đang cần chú ý , lời khích lệ, hỗ trợ, an ủi và lòng nhân từ của chúng ta—cho dù họ là những người trong gia đình, bạn bè, người quen hay người lạ. Chúng ta đều là các bàn tay của Chúa nơi đây trên thế gian, với lệnh truyền phải phục vụ và nâng đỡ các con cái của Ngài. Ngài trông cậy vào mỗi người chúng ta.”5
Cầu xin cho chúng ta tuân theo lời khuyên dạy và tấm gương của vị tiên tri cũng như tìm đến những người đang gặp hoạn nạn mỗi ngày, để chúng ta có thể là những bàn tay của Chúa trong việc giúp đỡ và cứu giúp con cái của Ngài, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.