2010
Dùng Sự Bền Đổ Trọn Vẹn mà Tỉnh Thức
tháng Năm năm 2010


Dùng Sự Bền Đổ Trọn Vẹn mà Tỉnh Thức

Hệ thống cảnh cáo sớm của Thánh Linh có thể giúp các bậc cha mẹ trong Si Ôn luôn thận trọng và sáng suốt đối với con cái của mình.

Elder David A. Bednar

Mới vừa đây, khi tôi đang lái xe, những giọt mưa từ một trận bão bắt đầu rơi xuống trên kính chắn gió. Bên đường, tấm bảng điện tử báo hiệu giao thông cho thấy lời cảnh cáo thật đúng lúc: “Vũng Nước Đọng Phía Trước.” Mặt đường chỗ tôi đang lái xe dường như khá an toàn. Nhưng thông tin thiết yếu này giúp tôi có thể chuẩn bị cho một nguy cơ có khả năng sẽ xảy ra mà tôi đã không nghĩ đến và không thể thấy được. Khi tiếp tục đi, tôi lái xe chậm lại và chú ý kỹ đến những tấm bảng báo hiệu nguy hiểm khác.

Những dấu hiệu báo trước đều rất hiển nhiên trong nhiều khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Ví dụ, một cơn sốt có thể là một triệu chứng ban đầu về sự đau yếu hoặc bệnh tật. Nhiều dấu chỉ khác nhau về tài chính và thị trường lao động được sử dụng để báo trước chiều hướng tương lai trong nền kinh tế địa phương và quốc gia. Và tùy theo khu vực của thế giới nơi mình đang sống, chúng ta có thể nhận được những dấu hiệu báo trước về nạn lụt, tuyết lở, giông bão, sóng thần, cơn lốc xoáy hoặc bão tuyết mùa đông.

Chúng ta cũng được phước nhờ những dấu hiệu cảnh cáo sớm về phần thuộc linh làm nguồn bảo vệ trong cuộc sống của chúng ta. Hãy nhớ lại cách Nô Ê đã được Thượng Đế báo trước về những điều chưa thấy và ông “đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình” (Hê Bơ Rơ 11:7) như thế nào.

Lê Hi được cảnh cáo phải rời bỏ xứ Giê Ru Sa Lem và đưa gia đình vào vùng hoang dã vì những người ông giảng dạy phải hối cải đang tìm cách giết ông (xin xem 1 Nê Phi 2:1–2).

Chính Đấng Cứu Rỗi cũng đã được cứu mạng nhờ vào lời báo trước của một thiên sứ: “Có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô Sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê Díp Tô, rồi có ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê Rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết” (Ma Thi Ơ 2:13).

Hãy suy ngẫm lời của Chúa phán trong điều mặc khải được biết là Lời Thông Sáng: “Vì hậu quả của những điều tà ác và những ý định xấu xa hiện đang có và sẽ có trong lòng những kẻ âm mưu trong những ngày sau cùng, nên ta đã cảnh cáo ngươi và nay cảnh cáo các ngươi trước, bằng cách ban cho các ngươi lời thông sáng này qua sự mặc khải” (GLGƯ 89:4).

Những lời cảnh cáo của Thánh Linh cần phải dẫn đến việc đề phòng thận trọng hơn. Các anh chị em và tôi đang sống trong “một ngày cảnh cáo” (GLGƯ63:58). Và vì đã được và sẽ được cảnh cáo, chúng ta cần phải, như Sứ Đồ Phao Lô khuyên bảo: “dùng sự bền đỗ trọn vẹn mà tỉnh thức” (Ê Phê Sô 6:18).

Tôi cầu nguyện để được Đức Thánh Linh hướng dẫn khi tôi mô tả hệ thống cảnh cáo sớm của Thánh Linh để có thể giúp các bậc cha mẹ trong Si Ôn luôn thận trọng và sáng suốt đối với con cái của mình. Hệ thống cảnh cáo sớm này áp dụng cho các con cái thuộc mlứa tuổi và chứa đựng ba yếu tố cơ bản: (1) đọc và nói chuyện về Sách Mặc Môn với con cái của các anh chị em, (2) ứng khẩu chia sẻ chứng ngôn về các lẽ thật phúc âm với con cái của các anh chị em, và (3) mời gọi con cái hành động chứ không phải hoàn toàn bị tác động với tư cách là những người học hỏi phúc âm. Các bậc cha mẹ làm những điều này một cách trung tín thì sẽ được phước để nhận ra những dấu hiệu ban đầu về sự tăng trưởng phần thuộc linh hoặc về những thử thách với con cái của họ và chuẩn bị kỹ hơn để được soi dẫn nhằm củng cố cùng giúp đỡ mấy đứa con đó.

Yếu tố Thứ Nhất: Đọc và Nói Chuyện về Sách Mặc Môn

Sách Mặc Môn chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Đấng Cứu Rỗi và là quyển sách duy nhất chính Chúa đã làm chứng là chân chính (xin xem GLGƯ 17:6; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Một Chứng Ngôn về Sách Mặc Môn” Liahona, tháng Giêng năm 2000, 84). Quả thật, Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta.

Việc tập trung chính yếu vào Chúa Giê Su Ky Tô lẫn điều giảng dạy đầy soi dẫn, minh bạch và rõ ràng của Sách Mặc Môn đều tạo ra quyền năng đầy sức thuyết phục và cải đạo của sách. Nê Phi nói: “Tâm hồn tôi rất hân hoan được nói một cách minh bạch với dân tôi, để họ có thể học hỏi được” (2 Nê Phi 25:4). Nguồn gốc của từ minh bạch trong câu này không ám chỉ những điều tầm thường hoặc giản dị mà thay vì thế từ này có nghĩa là lời chỉ dạy rõ ràng và dễ hiểu.

Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian vì sách này đặt trọng tâm vào Lẽ Thật (xin xem Giăng 14:6, 1 Nê Phi 13:40), tức là Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như việc phục hồi những điều minh bạch và quý báu đã bị lấy đi khỏi phúc âm chân chính (xin xem 1 Nê Phi 13:26, 28–29, 32, 34–35, 40). Sự phối hợp độc nhất của hai yếu tố này—việc tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và tính minh bạch của những điều giảng dạy—đã hùng hồn mời gọi sự làm chứng vững chắc của Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, chính là Đức Thánh Linh. Do đó, Sách Mặc Môn nói với tâm hồn và với tấm lòng của độc giả mà không có một bộ thánh thư nào khác làm được như thế.

Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng việc tuân theo lời giáo huấn trong Sách Mặc Môn sẽ giúp chúng ta “đến gần Thượng Đế hơn” so với bất cứ cuốn sách nào khác (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 64). Việc đọc và nói chuyện thường xuyên về Sách Mặc Môn mời gọi quyền năng chống lại cám dỗ và tạo nên cảm nghĩ yêu thương trong gia đình của chúng ta. Và những cuộc thảo luận về giáo lý và nguyên tắc trong Sách Mặc Môn tạo ra cơ hội cho các bậc cha mẹ để quan sát theo dõi con cái, lắng nghe chúng nói, học hỏi từ chúng và dạy dỗ chúng.

Giới trẻ thuộc mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ thơ, có thể và thật sự đáp ứng tinh thần đặc biệt của Sách Mặc Môn. Trẻ em có thể không hiểu hết tất cả lời nói và các câu chuyện, nhưng chắc chắn là chúng có thể cảm nhận được “giống tiếng đồng bóng” [tức là tinh thần quen thuộc này] (Ê Sai 29:4; xin xem thêm 2 Nê Phi 26:16) như Ê Sai mô tả. Và những câu hỏi một đứa con đặt ra, những lời nhận xét một đứa con chia sẻ và những cuộc thảo luận xảy ra đều mang đến dấu hiệu cảnh cáo sớm của Thánh Linh. Quan trọng hơn nữa là những cuộc nói chuyện như vậy có thể giúp cha mẹ thấy rõ điều con cái đang học hỏi, suy nghĩ và cảm nhận về lẽ thật trong bộ thánh thư thiêng liêng này cũng như những khó khăn chúng có thể gặp phải.

Yếu Tố Thứ Hai: Ứng Khẩu Chia Sẻ Chứng Ngôn

Chứng ngôn là sự hiểu biết của cá nhân dựa trên sự làm chứng vững chắc của Đức Thánh Linh rằng một số sự kiện về ý nghĩa vĩnh cửu là có thật. Đức Thánh Linh là sứ giả của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử và là Đấng thầy và Đấng hướng dẫn đến mọi lẽ thật (xin xem Giăng 14:26; 16:13). Do đó, “bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, [chúng ta] sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều” (Mô Rô Ni 10:5).

Sự hiểu biết và tin chắc về phần thuộc linh mà chúng ta nhận được từ Đức Thánh Linh là kết quả của sự mặc khải. Việc tìm kiếm và nhận được các phước lành này đòi hỏi một tấm lòng chân thành, chủ ý thật sự và đức tin nơi Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 10:4). Một chứng ngôn cá nhân cũng mang đến trách nhiệm và trách nhiệm giải trình.

Các bậc cha mẹ cần phải cảnh giác và lưu tâm đến những cơ hội xảy ra bất ngờ để chia sẻ chứng ngôn với con cái của mình. Những cơ hội như vậy không cần phải được hoạch định, đưa vào lịch trình hoặc viết sẵn. Thật ra, việc chia sẻ chứng ngôn như vậy càng ít khuôn phép thì khả năng gây dựng và ảnh hưởng dường như càng được lâu dài hơn. “Các ngươi cũng chớ nên nghĩ ngợi trước về những gì các ngươi sẽ nói; nhưng hãy luôn luôn tích trữ trong tâm trí mình những lời nói về cuộc sống, rồi chính trong giờ phút ấy các ngươi sẽ được ban cho phần đó là phần sẽ thích hợp cho từng người” (GLGƯ 84:85).

Ví dụ, một cuộc nói chuyện như vậy xảy ra một cách tự nhiên trong gia đình vào bữa ăn tối có lẽ là bối cảnh lý tưởng nhất cho người cha hoặc mẹ để kể lại và làm chứng về các phước lành cụ thể người ấy nhận được trong các sinh hoạt tương đối thường lệ vào ngày đó. Và một chứng ngôn không phải lúc nào cũng cần bắt đầu với câu: “Tôi xin chia sẻ chứng ngôn của tôi.” Lời chứng của chúng ta có thể nói giản dị như là: “Ba/mẹ biết rằng ba/mẹ đã được phước với sự soi dẫn tại sở làm ngày hôm nay,” hoặc “Lẽ thật trong câu thánh thư này luôn luôn là một nguồn hướng dẫn vững mạnh đối với ba/mẹ.” Các cơ hội tương tự để chia sẻ chứng ngôn cũng có thể xảy ra trong khi cùng đi trên xe, một chuyến xe buý t hoặc trong nhiều bối cảnh khác.

Phản ứng của con cái đối với chứng ngôn được ứng khẩu chia sẻ như vậy và niềm hăm hở hoặc miễn cưỡng để tham gia là nguồn gốc hữu hiệu của những dấu hiệu cảnh cáo sớm của Thánh Linh. Lời bày tỏ của một đứa con về một bài học mới học được trong khi học thánh thư chung với gia đình hoặc lời nói thẳng thắn về mối quan tâm đến một nguyên tắc phúc âm hoặc một điều thực hành có thể làm sáng tỏ nhất và giúp cha mẹ hiểu rõ hơn câu hỏi hoặc nhu cầu cụ thể của một đứa con. Những cuộc thảo luận như vậy—nhất là khi cha mẹ thiết tha chú ý lắng nghe trong khi chúng nói chuyện—có thể nuôi dưỡng một môi trường đầy hỗ trợ và an toàn trong nhà cũng như khuyến khích cuộc truyện trò đang tiếp diễn về những đề tài khó.

Yếu Tố Thứ Ba: Mời Gọi Con Cái Hành Động

Trong sự phân chia vĩ đại của tất cả những tạo vật của Thượng Đế thì có “những vật hành động lẫn những vật bị tác động” (2 Nê Phi 2:14). Là con cái của Cha Thiên Thượng, chúng ta được ban phước với ân tứ quyền tự quyết về mặt đạo đức, khả năng và quyền năng để tự hành động. Chúng ta được ban cho quyền tự quyết và chúng ta chủ yếu phải hành động chứ không phải hoàn toàn bị tác động—nhất là khi chúng ta “tìm kiếm sự hiểu biết … bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” (GLGƯ 88:118).

Là những người học hỏi phúc âm, chúng ta nên “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ” (Gia Cơ 1:22). Tâm hồn của chúng ta đã được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh khai mở khi sử dụng quyền tự quyết một cách thích hợp cũng như hành động theo các nguyên tắc đúng—và như vậy chúng ta mời gọi lời giảng dạy cùng quyền năng làm chứng của Ngài. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm thiêng liêng để giúp con cái hành động và tìm cách học hỏi bằng đức tin. Và một đứa con không bao giờ quá nhỏ để dự phần vào mẫu mực học hỏi này.

Cho một người một con cá thì chỉ cho người ấy một bữa ăn. Dạy một người cách câu cá thì nuôi ăn người ấy suốt đời. Là cha mẹ và người giảng dạy phúc âm, các anh chị em và tôi không phải làm công việc phân phối cá; thay vì thế, công việc của chúng ta là giúp con cái mình học “cách câu cá” và trở nên kiên trì về mặt thuộc linh. Mục tiêu thiết yếu này được thực hiện tốt nhất khi chúng ta khuyến khích con cái mình hành động theo các nguyên tắc đúng—khi chúng ta giúp chúng học hỏi bằng cách hành động. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Việc học hỏi như vậy đòi hỏi nỗ lực làm việc về mặt thuộc linh, tinh thần và thể chất chứ không phải chỉ thụ động tiếp nhận.

Với tư cách là những người học hỏi phúc âm, việc mời con cái hành động và không hoàn toàn bị tác động đều xây đắp việc đọc và nói chuyện về Sách Mặc Môn cùng ứng khẩu chia sẻ chứng ngôn trong nhà. Ví dụ, hãy tưởng tượng một buổi họp tối gia đình nơi đó con cái được mời gọi và trông mong đến tham dự với tư thế sẵn sàng đặt ra những câu hỏi về điều chúng đang đọc và học hỏi trong Sách Mặc Môn—hoặc về một vấn đề mới được nhấn mạnh trong cuộc thảo luận về phúc âm hoặc ứng khẩu làm chứng trong nhà. Và hãy tưởng tượng thêm rằng con cái đặt ra câu hỏi nhưng cha mẹ lại không sẵn sàng để trả lời một cách thỏa đáng. Một số cha mẹ có lẽ e ngại trước một phương pháp rời rạc như vậy cho buổi họp tối gia đình. Nhưng buổi họp tối gia đình hữu hiệu nhất không nhất thiết cần phải có khối dữ kiện đại cương hoặc phương tiện giảng dạy trực quan đã được chuẩn bị từ trước, mua hoặc tải xuống từ máy vi tính. Thật là một cơ hội tuyệt vời cho những người trong gia đình để tìm cách học hỏi bằng cách nghiên cứu và cũng bằng đức tin, cũng như được Đức Thánh Linh giảng dạy. “Vì người thuyết giảng không hơn gì người nghe giảng, và người giảng dạy cũng không hơn gì người học; do đó tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, ai ai cũng phải lao động chân tay tùy theo sức lực của mình” (An Ma 1:26).

Các anh chị em và tôi có đang giúp con cái mình trở thành những người hành động và tìm kiếm việc học hỏi bằng cách nghiên cứu cũng như bằng đức tin không, hay là chúng ta đã huấn luyện con cái mình phải chờ để được dạy dỗ và bị tác động? Là cha mẹ, chúng ta có cho con cái mình số cá thuộc linh tương đương để ăn, hay là chúng ta có kiên định giúp chúng hành động, tự học hỏi và có lòng vững chắc không lay chuyển không? Chúng ta có đang giúp con cái mình trở nên thiết tha nhiệt thành trong việc cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa không? (Xin xem 3 Nê Phi 14:7).

Sự hiểu biết thuộc linh mà các anh chị em và tôi đã được phước để nhận được cũng như được xác nhận là chân chính trong lòng mình đều không thể nào dễ dàng đưa cho con cái mình được. Cái giá của sự chuyên cần cũng như của học hỏi bằng cách nghiên cứu và cũng bằng đức tin cần phải được trả để nhận được rồi tự “sở hữu” sự hiểu biết đó. Chỉ bằng cách này một đứa con mới có thể vượt qua khỏi việc dựa vào sự hiểu biết thuộc linh và những kinh nghiệm của cha mẹ cùng những người lớn khác để thỉnh cầu các phước lành đó cho mình. Chỉ bằng cách đó con cái chúng ta mới có thể được chuẩn bị phần thuộc linh đối với những thử thách của cuộc sống.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Tôi làm chứng rằng nếu cha mẹ thường xuyên đọc và nói chuyện về Sách Mặc Môn với con cái của mình, ứng khẩu chia sẻ chứng ngôn với con cái và mời gọi con cái là những người học hỏi phúc âm để hành động chứ không phải hoàn toàn bị tác động thì sẽ được ban phước với mắt có thể thấy được xa (xin xem Môi Se 6:27) và với tai nghe được tiếng kèn (xin xem Ê Xê Chi Ên 33:2–16). Sự sáng suốt và soi dẫn thuộc linh các anh chị em nhận được từ việc phối hợp cả ba thói quen thánh thiện này sẽ giúp cho các anh chị em có thể làm người canh gác ở trên cái tháp đó cho gia đình mình—“dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức” (Ê Phê Sô 6:18)—vì phước lành của gia đình thân thuộc và con cháu tương lai của mình. Tôi hứa và làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.