Chữa Lành Người Bệnh
Chúng ta có quyền năng chức tư tế này và tất cả chúng ta đều nên sẵn sàng để sử dụng quyền năng này một cách thích đáng.
Trong những lúc hỗn loạn này trên toàn cầu, thì càng có nhiều người có đức tin đang tìm đến Chúa để nhận được các phước lành an ủi và chữa lành. Tôi muốn nói chuyện với cử tọa này của những người nắm giữ chức tư tế về sự chữa lành người bệnh—bằng y khoa, bằng lời cầu nguyện với đức tin và bằng các phước lành của chức tư tế.
I.
Các Thánh Hữu Ngày Sau tin vào việc áp dụng kiến thức và kỹ thuật khoa học tốt nhất đang có sẵn. Chúng ta dùng thức ăn dinh dưỡng, tập thể dục và những cách luyện tập khác để gìn giữ sức khỏe và chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của những người đang hành nghề chữa bệnh, như bác sĩ và nhà phẫu thuật, để phục hồi sức khỏe.
Việc sử dụng y khoa không trái ngược với những lời cầu nguyện của chúng ta trong đức tin và niềm tin cậy của chúng ta nơi các phước lành của chức tư tế. Khi một người hỏi xin một phước lành của chức tư tế thì Brigham Young thường hỏi: “Anh hay chị đã dùng thuốc chữa bệnh chưa?” Đối với những người nói không dùng thuốc vì “chúng tôi muốn Các Anh Cả đặt tay lên đầu chúng tôi và chúng tôi tin rằng sẽ được chữa lành,” thì Chủ Tịch Young đáp: “Điều đó thật là mâu thuẫn theo như đức tin của tôi. Nếu chúng ta bị bệnh và xin Chúa chữa lành chúng ta cùng làm tất cả những điều cần thiết cho chúng ta, thì theo như tôi hiểu về Phúc Âm cứu rỗi, tôi cũng có thể xin Chúa khiến cho lúa mì và bắp mọc lên, mà tôi không cần phải cày xới đất và gieo giống. Tôi thấy dường như phù hợp để áp dụng mọi phương thuốc mà tôi có thể biết được và [rồi] cầu xin Cha Thiên Thượng … thánh hóa sự áp dụng đó để chữa lành thân thể của tôi.”1
Dĩ nhiên chúng ta không chờ cho đến khi không còn một phương pháp nào khác nữa rồi mới cầu nguyện trong đức tin, hoặc ban cho phước lành của chức tư tế để chữa lành. Trong những trường hợp khẩn cấp, lời cầu nguyện và việc ban phước lành phải được làm trước tiên. Nói chung chúng ta thường làm tất cả mọi nỗ lực cùng một lúc. Điều này phù hợp với những lời giảng dạy trong thánh thư rằng chúng ta cần phải “cầu nguyện luôn luôn” (GLGƯ 90:24) cũng như tất cả mọi việc đều cần phải được làm một cách sáng suốt và có trật tự.2
II.
Chúng ta biết rằng lời cầu nguyện bởi đức tin được dâng lên khi ở một mình hoặc trong nhà hay những chốn thờ phượng đều có thể hữu hiệu để chữa lành người bệnh. Có nhiều đoạn thánh thư nói đến quyền năng của đức tin trong việc chữa lành một cá nhân. Sứ Đồ Gia Cơ dạy rằng chúng ta cần phải “cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh,” và còn thêm vào: “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (Gia Cơ 5:16). Khi người đàn bà chạm vào Chúa Giê Su và được chữa lành, Ngài đã phán cùng bà: “Đức tin con đã làm cho con được lành” (Ma Thi Ơ 9:22).3 Tương tự như vậy, Sách Mặc Môn dạy rằng Chúa “dùng quyền năng để hành động, tùy theo đức tin của con cái loài người” (Mô Rô Ni 10:7).
Một cuộc nghiên cứu mới gần đây trên toàn quốc cho thấy rằng gần 8 trong số 10 người Mỹ “tin rằng phép lạ vẫn còn xảy ra ngày nay như [đã xảy ra] vào thời xưa.” Một phần ba trong số những người đó nói rằng họ “đã trải qua hoặc chứng kiến một sự chữa lành thiêng liêng.”4 Nhiều Thánh Hữu Ngày Sau đã kinh nghiệm quyền năng của đức tin trong việc chữa lành người bệnh. Chúng ta cũng nghe nhiều ví dụ như vậy trong số những người có đức tin thuộc các giáo hội khác. Một nhà báo ở Texas đã mô tả một phép lạ như vậy. Khi một đứa con gái năm tuổi đột nhiên bị khó thở và sốt cao, cha mẹ nó vội vàng mang nó đi bệnh viện. Vừa đến đó thì thận và phổi của nó đã ngừng hoạt động, cơn sốt lên đến hơn 41 độ, cơ thể của nó nóng đỏ và đầy vết bầm tím. Các bác sĩ nói rằng nó đang hấp hối vì hội chứng đột biến của chất độc, không rõ nguyên nhân. Khi tin này được loan ra cho gia đình và bạn bè thì những người biết kính sợ Thượng Đế bắt đầu cầu nguyện cho nó và một lễ cầu nguyện đặc biệt được tổ chức trong giáo đoàn Tin Lành của họ ở Waco, Texas. Nhiệm mầu thay, bất ngờ nó trở lại từ vực chết và được bệnh viện cho ra về chỉ sau hơn một tuần. Ông của nó viết: “Nó là bằng chứng sống rằng Thượng Đế có đáp ứng những lời cầu nguyện và làm phép lạ.”5
Quả thật, như Sách Mặc Môn dạy, Thượng Đế “tự biểu hiện cho tất cả những ai biết tin nơi Ngài; phải, cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc, cùng thực hiện những phép lạ lớn lao … giữa con cái loài người, tùy theo đức tin của họ” (2 Nê Phi 26:13).
III.
Đối với cử tọa này—những người lớn là những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các thiếu niên là những người cũng sẽ nhận được quyền năng này một ngày gần đây—tôi sẽ tập trung vào việc nói về các phước lành của việc chữa lành liên quan đến quyền năng chức tư tế. Chúng ta có quyền năng chức tư tế này và tất cả chúng ta đều nên sẵn sàng để sử dụng thích đáng quyền năng này. Những thiên tai và thử thách tài chính đang gia tăng hiện nay cho thấy rằng trong tương lai chúng ta sẽ càng cần quyền năng này nhiều hơn trước đây.
Nhiều thánh thư dạy rằng các tôi tớ của Chúa “hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành” (Mác 16:18)6 Những phép lạ xảy ra khi thẩm quyền của chức tư tế được sử dụng để ban phước cho người bệnh. Tôi đã kinh nghiệm được những phép lạ này. Khi còn là thiếu niên và khi là một người thành niên, tôi đã thấy những sự chữa lành đầy nhiệm mầu như đã được ghi chép trong thánh thư cũng như nhiều người trong các anh em đã thấy như vậy.
Có năm phần trong việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế để ban phước cho người bệnh: (1) lễ xức dầu, (2) phép ấn chứng lễ xức dầu, (3) đức tin, (4) những lời ban phước và (5) ý muốn của Chúa.
Lễ Xức Dầu
Kinh Cựu Ước thường đề cập đến lễ xức dầu là một phần phước lành do thẩm quyền chức tư tế ban cho.7 Lễ xức dầu được cho biết là để thánh hóa8 và có lẽ còn có thể được xem như là biểu tượng của các phước lành được trút xuống từ thiên thượng do kết quả của hành động thiêng liêng này.
Trong Kinh Tân Ước, chúng ta đọc rằng Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su “xức dầu cho nhiều kẻ bịnh và chữa cho được lành” (Mác 6:13). Sách Gia Cơ dạy về vai trò xức dầu có liên quan đến những yếu tố khác trong một phước lành chữa lành bởi thẩm quyền của chức tư tế:
“Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, sau khi nhơn danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người.
“Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy” (Gia Cơ 5:14–15).
Phép Ấn Chứng Lễ Xức Dầu
Khi một người nào đó được thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc xức dầu, thì lễ xức dầu cũng được ấn chứng bởi cùng một thẩm quyền đó. Ấn chứng một điều gì có nghĩa là xác nhận điều đó, làm cho điều đó ràng buộc với mục đích đã định. Khi các anh cả xức dầu cho một người bệnh và ấn chứng lễ xức dầu, thì họ mở cửa sổ trên trời cho Chúa trút xuống phước lành Ngài muốn cho người bệnh đó.
Chủ Tịch Brigham Young dạy: “Khi đặt tay lên đầu người bệnh, tôi kỳ vọng rằng quyền năng cùng ảnh hưởng chữa lành của Thượng Đế xuyên qua tôi đến người bệnh và bệnh tật sẽ thuyên giảm… . Khi chúng ta đã chuẩn bị, khi chúng ta là các bình chứa thiêng liêng trước mặt Chúa thì một luồng quyền năng từ Đấng Toàn Năng có thể xuyên qua thân thể của người ban phước đến thân thể của người bệnh và người bệnh sẽ được lành”9
Mặc dù chúng ta biết về nhiều trường hợp mà những người được thẩm quyền chức tư tế ban phước đã được chữa lành, nhưng chúng ta ít đề cập đến việc chữa lành này ở các buổi họp giữa công chúng vì sự mặc khải hiện đại cảnh giác chúng ta không được “khoe khoang về những điều này và cũng không được nói ra trước thế gian; vì những điều này được ban cho các ngươi vì lợi ích của các ngươi và vì sự cứu rỗi” (GLGƯ 84:73).
Đức Tin
Đức tin rất cần cho sự chữa lành bởi quyền năng của thiên thượng. Sách Mặc Môn còn dạy rằng “nếu không có đức tin ở giữa con cái loài người thì Thượng Đế không thể làm phép lạ ở giữa họ được” (Ê The 12:12).10 Trong một bài nói chuyện đáng chú ý về việc chữa lành người bệnh, Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Nhu cầu về đức tin thường bị đánh giá thấp. Người bệnh và gia đình dường như thường tùy thuộc hoàn toàn vào quyền năng của chức tư tế và ân tứ chữa lành là điều họ hy vọng các anh em ban phước lành có thể có, trong khi trách nhiệm lớn lao hơn thuộc vào người được ban phước … Yếu tố trọng đại là đức tin của cá nhân khi người ấy có ý thức và có trách nhiệm. Câu ‘đức tin con đã làm cho con được lành’ (Ma Thi Ơ 9:22) đã được Đấng Chủ Tể lặp lại thường xuyên đến nỗi hầu như trở thành một điệp khúc.”11
Chủ Tịch Kimball còn đề nghị rằng “việc ban phước quá thường có thể là dấu hiệu của việc thiếu đức tin hoặc của người bệnh cố gắng đẩy trách nhiệm phát triển đức tin cho các anh cả thay vì cho bản thân mình.” Ông nói về một chị phụ nữ trung tín đã nhận được một phước lành chức tư tế. Ngày hôm sau, khi được hỏi chị ấy có muốn được ban phước nữa không thì chị ấy đáp: “Không, tôi đã được xức dầu và ban phước rồi. Giáo lễ đã được thực hiện. Bây giờ là tùy vào tôi để thỉnh cầu phước lành qua đức tin của mình.”12
Những Lời Ban Phước
Một phần khác của phước lành chức tư tế là những lời ban phước của anh cả sau khi người ấy đã ấn chứng lễ xức dầu. Những lời này có thể rất quan trọng, nhưng nội dung của những lời này thì không cần thiết và không được ghi chép vào hồ sơ của Giáo Hội. Trong một số các phước lành của chức tư tế—giống như phước lành tộc trưởng—những lời được nói ra là điều cốt yếu của phước lành đó. Nhưng trong một phước lành chữa bệnh, thì lại là những phần khác của phước lành đó—lễ xức dầu, lễ ấn chứng, đức tin và ý muốn của Chúa—là những yếu tố thiết yếu.
Theo lý tưởng, anh cả làm lễ sẽ hòa nhập với Thánh Linh của Chúa đến nỗi người ấy sẽ biết và nói ra ý muốn của Chúa trong những lời ban phước. Brigham Young dạy những người nắm giữ chức tư tế: “Chính là đặc ân và bổn phận của các anh em để sống sao cho các anh em biết khi nào lời của Chúa được phán cùng các anh em và khi nào thì ý của Chúa được mặc khải cho các anh em.”13 Khi điều đó xảy ra, phước lành nói ra sẽ thật sự được ứng nghiệm một cách nhiệm mầu. Vào một vài dịp đặc biệt, tôi đã kinh nghiệm được sự soi dẫn chắc chắn trong một phước lành chữa lành và biết rằng điều tôi đang nói là ý muốn của Chúa. Tuy nhiên, giống như đa số những người làm lễ ban phước chữa lành, tôi thường thấy khó khăn với việc không chắc chắn về những lời tôi phải nói. Vì một số nguyên nhân khác nhau, mỗi anh cả trải qua những sự gia tăng và giảm bớt trong mức độ nhạy cảm với Thánh Linh. Mỗi anh cả ban phước lành chịu ảnh hưởng bởi điều người ấy mong muốn đối với người bệnh. Mỗi một điều không hoàn hảo này và những điều không hoàn hảo khác của người trần thế có thể ảnh hưởng đến những lời chúng ta nói ra trong khi ban phước.
May thay, những lời ban phước chữa lành không thiết yếu đối với kết quả chữa lành. Nếu có đủ đức tin và nếu Chúa muốn, thì người bệnh sẽ được chữa lành hoặc được ban phước cho dù người làm lễ có nói những lời đó hay không. Ngược lại, nếu người làm lễ nhượng bộ ước muốn cá nhân hoặc việc thiếu kinh nghiệm và đưa ra mệnh lệnh hoặc những lời ban phước quá đáng đối với điều Chúa chọn để ban cho tùy theo đức tin của cá nhân đó, thì những lời đó sẽ không được ứng nghiệm. Thưa các anh em, do đó không một anh cả nào nên lưỡng lự trong việc tham dự vào việc ban phước lành chữa bệnh vì sợ rằng mình sẽ không biết nói gì. Những lời được nói ra trong một phước lành chữa bệnh có thể gây dựng cũng như củng cố thêm cho đức tin của những người biết nghe lời này, nhưng kết quả của phước lành là tùy thuộc vào đức tin và ý muốn của Chúa, chứ không phải vào những lời nói của anh cả làm lễ.
Ý Muốn của Chúa
Các em thiếu niên và các anh em lớn tuổi hơn, xin hãy đặc biệt lưu ý đến điều tôi sẽ nói bây giờ. Khi chúng ta sử dụng quyền năng chức tư tế rõ ràng của Thượng Đế và quý trọng lời hứa của Ngài rằng Ngài sẽ nghe cùng đáp ứng lời cầu nguyện với đức tin, thì chúng ta cần phải luôn luôn ghi nhớ đức tin đó cũng như quyền năng chữa lành của chức tư tế không thể mang đến kết quả trái với ý muốn của Ngài là Đấng mà chức tư tế thuộc vào Ngài. Nguyên tắc này được giảng dạy trong điều mặc khải chỉ bảo rằng các anh cả của Giáo Hội cần phải đặt tay họ lên đầu người bệnh. Lời hứa của Chúa là “kẻ nào có đức tin nơi ta thì sẽ được chữa lành, và không bị chỉ định phải chết thì cũng sẽ được chữa lành” (GLGƯ 42:48; sự nhấn mạnh được thêm vào). Tương tự như thế, trong một điều mặc khải hiện đại, Chúa phán rằng khi một người “cầu xin theo ý muốn của Thượng Đế … điều đó được thực hiện đúng theo như người ấy cầu xin” (GLGƯ 46:30).14
Từ tất cả những điều này chúng ta biết rằng ngay cả các tôi tớ của Chúa, khi sử dụng quyền năng thiêng liêng của Ngài trong tình huống có đủ đức tin để được chữa lành, thì cũng không thể ban cho một phước lành của chức tư tế mà sẽ khiến cho một người được chữa lành nếu sự chữa lành đó không phù hợp với ý muốn của Chúa.
Là con cái của Thượng Đế, khi biết về tình yêu thương lớn lao và sự hiểu biết tột bậc của Ngài về điều gì tốt nhất cho sự an lạc vĩnh cửu của mình, chúng ta tin cậy nơi Ngài. Nguyên tắc đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và đức tin có nghĩa là tin cậy. Tôi cảm thấy được niềm tin cậy đó trong bài nói chuyện của người anh họ của tôi đưa ra trong tang lễ của một thiếu nữ chết vì bệnh nặng. Anh ấy nói những lời này mà thoạt đầu làm cho tôi kinh ngạc, nhưng rồi sau đó những lời này soi sáng cho tôi: “Tôi biết chính là ý muốn của Chúa mà em ấy chết. Em ấy đã được chăm sóc tận tình về y tế. Em ấy đã được ban cho các phước lành của chức tư tế. Tên em đã được gửi vào danh sách những người được cầu nguyện trong đền thờ. Em đã được hằng trăm người cầu nguyện để sức khỏe của em được phục hồi. Và tôi biết rằng gia đình này có đủ đức tin để em ấy được chữa lành trừ phi đó là ý muốn của Chúa để mang em ấy về nhà vào lúc này.” Tôi cũng cảm thấy cùng niềm tin cậy đó nơi những lời của người cha về một em gái chọn lọc khác cũng mới vừa qua đời vì bệnh ung thư khi còn niên thiếu. Người ấy nói: “Đức tin của gia đình chúng tôi là nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chứ không tùy thuộc vào kết quả.” Những lời giảng dạy đó nghe có vẻ rất đúng đối với tôi. Chúng ta đều làm hết sức mình vì sự chữa lành cho một người thân và rồi chúng ta tin cậy nơi Chúa về kết quả.
Tôi làm chứng về quyền năng của chức tư tế của Thượng Đế, về quyền năng của sự cầu nguyện với đức tin, và về lẽ thật của những nguyên tắc này. Hơn hết, tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà chúng ta là tôi tớ của Ngài, mà Sự Phục Sinh của Ngài ban cho chúng ta sự bảo đảm về sự bất diệt, và Sự Chuộc Tội của Ngài ban cho chúng ta cơ hội có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong các ân tứ của Thượng Đế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.