2010
Tìm đến Chúa
tháng Năm năm 2010


Tìm đến Chúa

Đừng bao giờ để cho hoàn cảnh của thế gian làm mất khả năng hoạt động phần thuộc linh của các anh chị em.

Elder Donald L. Hallstrom

Cách đây nhiều năm, tôi đã quan sát một cảnh đau buồn—trở thành thảm kịch. Một cặp vợ chồng trẻ đang chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng của họ. Cuộc sống của họ tràn đầy hy vọng và phấn khởi về kinh nghiệm phi thường này. Trong lúc sinh, những biến chứng xảy ra và đứa bé chết. Nỗi đau khổ biến thành thương tiếc, thương tiếc biến thành tức giận, tức giận biến thành đổ lỗi và đổ lỗi biến thành trả thù vị bác sĩ mà họ cho là phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cha mẹ và những người khác trong gia đình đó cũng tích cực tham gia vào vụ ấy, cùng nhau tìm cách làm mất thanh danh và sự nghiệp của vị bác sĩ đó. Trong nhiều tuần và rồi nhiều tháng đắng cay làm héo mòn gia đình đó, nỗi đau khổ của họ lan sang việc trách móc Chúa. “Làm thế nào Ngài để cho điều khủng khiếp này xảy ra được?” Họ bác bỏ nhiều nỗ lực không ngừng của các vị lãnh đạo và các tín hữu Giáo Hội để an ủi họ về mặt tinh thần lẫn cảm xúc, rồi cuối cùng họ rời bỏ Giáo Hội. Giờ đây, bốn thế hệ của gia đình đó đã bị ảnh hưởng. Khi xưa từng có đức tin và lòng tận tụy cùng Chúa và Giáo Hội của Ngài, giờ đây không còn sự tích cực thuộc linh của bất cứ người nào trong gia đình đó trong nhiều thập niên.

Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống, thường chỉ có một nguồn bình an. Hoàng Tử Bình An, Chúa Giê Su Ky Tô, ban cho ân điển của Ngài với lời mời gọi: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28). Ngài còn hứa thêm: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho” (Giăng 14:27).

Ông bà nội tôi có hai người con, một người con trai (là cha tôi) và một người con gái. Sau khi phục vụ truyền giáo và phục vụ trong quân đội ở Hawaii, cha tôi trở lại các hải đảo đó vào năm 1946 để sinh cơ lập nghiệp cùng nuôi nấng gia đình. Cha mẹ cũng như em gái của ông vẫn ở Salt Lake City. Cô của tôi kết hôn năm 1946 và bốn năm sau mang thai. Có một điều gì rất đặc biệt đối với cha mẹ để đặt hy vọng nơi đứa con gái (trong trường hợp này là con gái độc nhất) sinh con đầu lòng. Không một ai biết là cô ấy đã có song thai. Buồn thay, cô ấy và hai đứa con sinh đôi đều chết trong lúc sinh.

Ông bà nội tôi rất đau khổ. Tuy nhiên, nỗi sầu khổ của họ lập tức hướng họ đến Chúa và Sự Chuộc Tội của Ngài. Họ không quanh quẩn với lý do tại sao điều này có thể xảy ra và ai có thể chịu trách nhiệm cho điều đó, mà họ tập trung vào việc sống một cuộc sống ngay chính. Ông bà nội tôi không bao giờ giàu có; họ không bao giờ thuộc vào thành phần ưu tú trong xã hội; họ không bao giờ nắm giữ chức vụ cao trong Giáo Hội—họ chỉ là Các Thánh Hữu Ngày Sau tận tụy.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 1956, họ dọn đi Hawaii để sống với người con duy nhất còn lại của họ. Trong những năm tiếp theo đó, họ dành hết thời gian yêu thương gia đình mình, phục vụ Giáo Hội, và phần lớn là họ vui hưởng hạnh phúc bên nhau. Họ không bao giờ thích sống xa nhau và họ còn nói về việc người nào chết trước sẽ giúp người kia sớm đoàn tụ với mình. Gần đến sinh nhật thứ 90 của họ và sau 65 năm kết hôn, họ qua đời cách nhau trong vòng vài giờ vì nguyên nhân tự nhiên của tuổi già. Vì là giám trợ của họ, tôi đã điều khiển một tang lễ cho hai người.

Lòng trung tín của Ông Nội Art và Bà Nội Lou, nhất là khi đối phó với cảnh khó khăn, giờ đây đã ảnh hưởng đến bốn thế hệ noi theo gương ông bà. Một cách trực tiếp và sâu xa, điều đó ảnh hưởng đến con trai của họ (là cha tôi) và mẹ tôi, khi con gái của cha mẹ tôi, đứa con út của họ, chết vì biến chứng trong khi sinh. Em tôi qua đời vào lúc 34 tuổi, 10 ngày sau khi sinh nở, bỏ lại 4 đứa con, nhỏ nhất là 10 ngày và lớn nhất là 8 tuổi. Với tấm gương họ thấy nơi thế hệ trước, cha mẹ tôi đã tìm đến Chúa để được an ủi—không hề do dự.

Trên khắp thế giới và trong số các tín hữu của Giáo Hội, có một niềm vui sướng và nỗi đau khổ lớn lao. Cả hai đều là một phần của kế hoạch. Nếu không có điều này, thì chúng ta không thể biết được điều kia. Câu “Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25) và câu “Vì cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc” (2 Nê Phi 2:11) không mâu thuẫn với nhau; mà bổ sung cho nhau. Trong khi mô tả cảm nghĩ của ông lúc ông tìm đến Chúa, An Ma Con đã nói: “tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy” (An Ma 36:20).

Một số người bị nhiều vấn đề trọng đại quật ngã; những người khác thì để cho những vấn đề nhỏ trở thành lớn. Symonds Ryder là một người lãnh đạo tôn giáo Campbell đã nghe về Giáo Hội và họp với Joseph Smith. Cảm động trước kinh nghiệm này, ông gia nhập Giáo Hội tháng Sáu năm 1831. Ngay sau đó, ông được sắc phong làm anh cả và được kêu gọi đi phục vụ truyền giáo. Tuy nhiên, trong bức thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn kêu gọi ông đi truyền giáo và trên giấy tờ chính thức chỉ định ông thuyết giảng, tên của ông bị đánh vần sai—chỉ một chữ cái. Họ của ông viết là R-i-d-e-r, không đúng như R-y-d-e-r. Điều này khiến ông nghi ngờ sự kêu gọi của mình và những người đưa ra sự kêu gọi đó. Ông chọn không đi truyền giáo và bội giáo, chẳng mấy chốc hành động này đưa đến sự căm ghét và chống đối dữ dội Joseph và Giáo Hội. Tháng Ba năm 1832, khi Joseph Smith và Sidney Rigdon bị một đám đông khủng bố đầy giận dữ lôi ra khỏi nhà của John Johnson vào lúc giữa đêm, rồi bị trét nhựa đường và rắc lông gà lên người, thì người ta nghe có tiếng la: “Symonds, Symonds, cái thùng đựng nhựa đâu rồi?” (History of the Church, 1:262–263). Chưa đến 10 tháng, Symonds Ryder từ một người cải đạo đầy hăm hở trở thành một người lãnh đạo đám đông khủng bố, sự suy tàn phần thuộc linh của ông bắt đầu với việc xúc phạm vì đánh vần sai tên ông—chỉ một chữ cái. Bất kể mức độ của vấn đề như thế nào, cách chúng ta phản ứng có thể thay đổi lối sống của chúng ta.

Tiên Tri Joseph Smith cung ứng một mẫu mực để đối phó với thảm cảnh và sự chống đối cá nhân. Trong khi đang ở trong Ngục Thất Liberty, vây quanh bởi những người độc ác, ông đã được mặc khải điều hướng dẫn thiêng liêng này (là một phần mô tả về cuộc sống của Joseph cho đến thời điểm đó và cũng là một lời báo trước): Nếu “những kẻ điên rồ sẽ nhạo báng ngươi, … nếu ngươi được kêu gọi để trải qua cơn hoạn nạn; … nếu kẻ thù của ngươi xông sả vào ngươi, … nếu ngươi bị liệng xuống hố sâu, hay vào trong tay quân sát nhân, … và tất cả các nguyên tố đều cùng nhau cản trở con đường của ngươi; và nhất là, nếu hầm của ngục giới hả rộng miệng ra để nuốt ngươi, thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:1, 5–7). Rồi là câu nói rất sâu sắc: “Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?” (câu 8). Câu nói này được kèm theo lời chỉ dẫn rõ ràng và lời hứa lớn lao: “Vậy nên, hãy tiếp tục con đường của ngươi, và … chớ sợ hãi chi những điều loài người có thể làm được, vì Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi và đời đời” (câu 9).

Trong những năm sau đó, Joseph Smith tiếp tục chịu đựng cuộc sống đầy nghịch cảnh một cách ngay chính. Ông cho thấy viễn cảnh tràn đầy đức tin này: “Và đối với những điều nguy hiểm mà tôi được kêu gọi phải trải qua, đó chỉ là điều nhỏ nhặt đối với tôi … Tôi quen bơi lội nơi có nước sâu … Tôi … có khuynh hướng muốn hân hoan trong hoạn nạn; vì … Thượng Đế … đã giải thoát cho tôi khỏi tất cả các hoạn nạn này, và sẽ giải thoát cho tôi từ đây về sau” (GLGƯ 127:2). Niềm tin tưởng của Joseph trong việc khắc phục sự chống đối liên tục dựa trên khả năng của ông để tiếp tục tìm đến Chúa.

Nếu các anh chị em cảm thấy mình đã bị đối xử bất công—bởi bất cứ người nào (một người trong gia đình, một người bạn, một tín hữu khác trong Giáo Hội; một vị lãnh đạo Giáo Hội; một đồng nghiệp) hoặc bởi bất cứ điều gì (cái chết của một người thân, vấn đề sức khỏe, sự đảo lộn tài chính, sự ngược đãi, thói nghiện ngập)—hãy trực tiếp đối phó với vấn đề đó và bằng hết sức mình. “Hãy tiếp tục con đường của ngươi” (GLGƯ 122:9); đầu hàng không phải là một sự chọn lựa. Và, lập tức tìm đến Chúa. Hãy sử dụng tất cả đức tin mà các anh chị em có nơi Ngài. Hãy để cho Ngài chia sẻ gánh nặng của các anh chị em. Hãy để cho ân điển của Ngài làm nhẹ gánh của các anh chị em. Chúng ta được hứa rằng chúng ta sẽ “khỏi phải chịu một nỗi đau khổ nào, vì sự đau khổ đã bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô” (An Ma 31:38). Đừng bao giờ để cho hoàn cảnh của thế gian làm mất khả năng hoạt động phần thuộc linh của các anh chị em.

Trong hành động nêu gương sáng nhất của Ngài, Sự Chuộc Tội đòi hỏi Chúa Giê Su phải “hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (GLGƯ 88:6) và hứng lấy “những sự đau đớn của mọi người” (2 Nê Phi 9:21). Như vậy, chúng ta hiểu được Sự Chuộc Tội có mục đích rộng lớn hơn việc cung ứng phương tiện để khắc phục tội lỗi. Thành quả lớn nhất này trong số tất cả các thành quả trên thế gian mang đến cho Đấng Cứu Rỗi quyền năng làm tròn lời hứa này: “Nếu đồng bào quay về với Chúa một cách hết lòng, đặt tin cậy vào Ngài, và phục vụ Ngài với tất cả sự cần mẫn của tâm trí mình, nếu đồng bào làm như vậy, thì Ngài sẽ … giải thoát cho đồng bào khỏi vòng nô lệ” (Mô Si A 7:33).

Trong khi kỷ niệm buổi sáng lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy tìm đến Chúa, “sao mai sáng chói” của chúng ta (Khải Huyền 22:16). Tôi làm chứng rằng Ngài sẽ vĩnh viễn là đường đi, lẽ thật và sự sống của chúng ta (xin xem Giăng 14:6), trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.