2010
Ngài Đã Sống Lại!
tháng Năm năm 2010


Ngài Đã Sống Lại!

Ngôi mộ trống của buổi sáng lễ Phục Sinh đầu tiên đó là câu trả lời cho câu hỏi của Gióp: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”

Hình Ảnh
President Thomas S. Monson

Đây là một phiên họp đặc biệt. Thay mặt cho tất cả những người đã tham dự cho đến bây giờ bằng lời nói hay âm nhạc, với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, tôi đã chọn để nói với các anh chị em vào lúc này chỉ hai từ, mà được biết là hai từ quan trọng nhất bằng tiếng Anh. Hai từ đó là “Cám ơn” Chị Cheryl Lant và hai cố vấn của chị, ca đoàn, các nhạc sĩ và những người nói chuyện.

Cách đây nhiều năm, trong khi ở London, nước Anh, tôi đến thăm một phòng trưng bày nghệ thuật Tate. Các tác phẩm nghệ thuật của Gainsborough, Rembrandt, Constable và các họa sĩ nổi tiếng khác được trưng bày trong nhiều căn phòng. Tôi thích thú ngắm nhìn vẻ tuyệt mỹ của chúng và công nhận rằng phải có kỹ năng khéo léo mới có thể tạo ra những kiệt tác này. Tuy nhiên, một bức tranh nằm ở trong một góc yên tĩnh của tầng thứ ba không những làm cho tôi chú ý mà còn làm cho tôi xúc động. Họa sĩ Frank Bramley đã vẽ một ngôi nhà tranh khiêm tốn nhìn ra mặt biển lộng gió. Hai người phụ nữ, người mẹ và người vợ của một người đánh cá vắng nhà, đã trông chờ người ấy trở về suốt đêm. Giờ đây, đêm đã qua, và họ nhận biết rằng người ấy đã bị thất lạc trong biển cả và sẽ không trở về. Người vợ trẻ quỳ xuống bên cạnh người mẹ chồng, gục đầu vào lòng bà và khóc trong tuyệt vọng. Ngọn đèn cầy ở bên cửa sổ cho thấy họ đã chờ đợi một cách vô vọng.

Tôi cảm thông với nỗi đau khổ của người phụ nữ trẻ; tôi thấy được nỗi đau buồn của người ấy. Người họa sĩ để cho tác phẩm của mình nói lên câu chuyện bi thảm đó bằng những dòng chữ viết đầy ấn tượng sống động. Câu viết đó là Bình Minh Tuyệt Vọng.

Ôi, người phụ nữ trẻ đó khát khao niềm an ủi, đó chính là thực tế của bài “Thơ Cầu Hồn” của Robert Louis Stevenson:

Mái gia đình là người thủy thủ, mái gia đình là từ biển cả,

Và người thợ săn, mái gia đình là từ ngọn đồi.1

Trong số tất cả các sự kiện của cuộc sống hữu diệt, không một ai biết chắc về sự cuối cùng của mình. Cái chết đến với tất cả mọi người; đó là “di sản chung của chúng ta. Nó có thể bắt [những] nạn nhân của nó khi còn thơ ấu hoặc niên thiếu; [nó có thể đến viếng thăm] trong thời kỳ rực rỡ nhất của cuộc sống; hoặc có thể hoãn lại cho đến khi mái tóc phơi sương; nó có thể xảy ra do tai nạn hoặc bệnh tật, … hoặc … vì những nguyên nhân tự nhiên; nhưng trước sau gì nó cũng phải đến.”2 Chắc hẳn nó tượng trưng cho một điều mất mát đau đớn về mối quan hệ và nhất là trong một điều gây xúc động mạnh làm tan vỡ những giấc mơ chưa thực hiện, hoài bão không hoàn thành và hy vọng tan vỡ.

Có người phàm nào, khi đối diện với việc mất một người thân, hoặc, quả thực, nhận biết rằng mình cũng sẽ chết, chưa suy ngẫm về điều gì ở bên kia bức màn che là vật chia cách điều hữu hình với điều vô hình không?

Cách đây nhiều thế kỷ , một người tên Gióp—được ban phước từ lâu với mọi thứ vật chất, lại thấy mình bị khổ sở vô cùng vì tất cả những điều có thể xảy ra cho con người—ngồi với những người bạn của mình và thốt lên câu hỏi bất tận, vĩnh viễn: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”3 Gióp nói về điều mọi người nam nữ đang sống đã suy ngẫm như vậy.

Buổi sáng lễ Phục Sinh vinh quang này, tôi muốn suy nghĩ về câu hỏi của Gióp—“Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”—và cung ứng câu trả lời không những có được từ sự cân nhắc có suy nghĩ mà còn từ lời mặc khải của Thượng Đế. Tôi bắt đầu với những yếu tố cần thiết.

Nếu có một kế hoạch trong thế gian này nơi chúng ta đang sống thì phải có một Đấng Thiết Kế. Ai có thể nhìn thấy nhiều kỳ quan của vũ trụ mà lại không tin rằng có một kế hoạch cho tất cả nhân loại? Ai có thể nghi ngờ rằng không có một Đấng Thiết Kế?

Trong sách Sáng Thế Ký , chúng ta học biết rằng Đấng Thiết Kế Vĩ Đại đã sáng tạo ra trời đất: “Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực.”

Đấng Thiết Kế Vĩ Đại đã phán: “Phải có sự sáng, thì có sự sáng.” Ngài sáng tạo ra bầu trời. Ngài tách rời đất ra khỏi nước và phán: “Đất phải sanh cây cỏ … cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình.”

Ngài sáng tạo ra hai ánh sáng— mặt trời và mặt trăng. Các vì sao do kế hoạch của Ngài mà có. Ngài sáng tạo các loài vật ở dưới nước và chim muông bay lên trên khỏi mặt đất. Và điều đó là như vậy. Ngài làm ra gia súc, thú vật và loài bò sát. Kế hoạch hầu như hoàn tất.

Cuối cùng, Ngài đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài—nam và nữ—với quyền thống trị trên vạn vật.4

Chỉ có con người mới nhận được trí thông minh—bộ óc, tâm trí và linh hồn. Chỉ có con người, với những thuộc tính này, có khả năng về đức tin và hy vọng, sự soi dẫn và hoài bão.

Ai có thể có đủ sức thuyết phục để tranh luận rằng con người—tuyệt tác cao quý nhất của Đấng Thiết Kế Vĩ Đại, với quyền thống trị trên vạn vật, với bộ óc và ý muốn, với tâm trí và linh hồn, với trí thông minh và thiên tính—sẽ không tồn tại khi linh hồn rời bỏ thể xác?

Muốn hiểu ý nghĩa của cái chết, chúng ta cần phải biết ơn mục đích của cuộc sống. Sự tin tưởng hời hợt cần phải nhường chỗ cho ánh sáng rực rỡ hơn có được nhờ vào sự mặc khải, mà qua sự mặc khải chúng ta biết rằng mình đã sống trước khi được sinh ra trên trần thế. Trong trạng thái tiền dương thế của mình, chắc chắn chúng ta ở trong số các con trai và con gái của Thượng Đế, là những người đã reo mừng vì cơ hội đến cuộc sống đầy thử thách nhưng cần thiết này.5 Chúng ta biết rằng mục đích của mình là đạt được một thể xác, khắc phục thử thách và chứng tỏ rằng chúng ta sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Đức Chúa Cha biết rằng bởi vì tính chất của cuộc sống hữu diệt nên chúng ta sẽ bị cám dỗ, phạm tội và thất bại. Để chúng ta có thể có được mọi cơ hội để thành công, Ngài đã ban cho Đấng Cứu Rỗi là Đấng chịu đau khổ và chết cho chúng ta. Không những Ngài chuộc tội lỗi của chúng ta mà vì là một phần của Sự Chuộc Tội đó, Ngài cũng sẽ khắc phục cái chết thể xác là cái chết chúng ta sẽ phải trải qua vì Sự Sa Ngã của A Đam.

Do đó, cách đây hơn 2.000 năm, Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta được sinh ra trên trần thế trong một chuồng gia súc ở Bết Lê Hem. Đấng Mê Si được đoán trước từ lâu đã đến.

Có rất ít điều viết về thời niên thiếu của Chúa Giê Su. Tôi ưa thích đoạn thánh thư từ sách Lu Ca: “Đức Chúa Giê Su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”6 Và từ sách Công Vụ Các Sứ Đồ, có một cụm từ ngắn về Đấng Cứu Rỗi, đó là một cụm từ đầy ý nghĩa: “Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”7

Ngài được Giăng làm phép báp têm trong dòng sông Giô Đanh. Ngài kêu gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ. Ngài ban phước cho người bệnh. Ngài làm cho người què đi được, người mù thấy được, người điếc nghe được. Ngài còn làm cho người chết sống lại. Ngài giảng dạy, làm chứng và nêu gương hoàn hảo cho chúng ta noi theo.

Và rồi sứ mệnh trên trần thế của Đấng Cứu Thế bắt đầu gần kết thúc. Một bữa ăn tối với Các Vị Sứ Đồ của Ngài đã xảy ra trong căn phòng trên lầu. Sau đó là Vườn Ghết Sê Ma Nê và cây thập tự trên Đồi Sọ.

Không có một người trần thế nào có thể thấu hiểu trọn vẹn tầm quan trọng của những điều Đấng Ky Tô đã làm cho chúng ta trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Về sau, chính Ngài đã mô tả kinh nghiệm này: “Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn.”8

Tiếp theo nỗi thống khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, và giờ đây bị kiệt sức, Ngài đã bị các bàn tay hung dữ, thô bạo bắt rồi giải đến trước An Ne, Cai Phe, Phi Lát và Hê Rốt. Ngài đã bị buộc tội và chửi rủa. Những cú đánh đầy hằn học làm suy yếu thêm thân thể tả tơi vì đau đớn của Ngài. Máu chảy dài trên mặt Ngài khi một cái mão tàn ác làm bằng gai nhọn ấn mạnh vào đầu Ngài, đâm xuyên chân mày của Ngài. Và rồi, một lần nữa, Ngài bị giải đến trước Phi Lát là người đã nhượng bộ tiếng la hét của đám đông đầy giận dữ: “Đóng đinh nó trên cây thập tự đi, Đóng đinh nó trên cây thập tự đi.”9

Ngài bị đánh bằng một cây roi bằng da bện nhiều kim khí và xương nhọn. Đứng dậy từ cây roi tàn bạo đó với những bước đi loạng choạng, Ngài đã vác cây thập tự của mình cho đến khi Ngài không còn có thể đi thêm được nữa và một người khác đã vác gánh nặng thay cho Ngài.

Cuối cùng, trên ngọn đồi gọi là Đồi Sọ, trong khi các tín đồ nhìn thân thể đầy thương tích của Ngài bị đóng đinh lên cây thập tự một cách vô vọng. Ngài đã bị chế nhạo, chửi rủa và nhạo báng một cách nhẫn tâm. Tuy nhiên Ngài đã kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”10

Những giờ phút đau đớn trôi qua khi Ngài gần kề cái chết. Từ đôi môi khô nẻ của Ngài thốt ra những lời: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha. Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.”11

Khi sự thanh thản và an ủi của cái chết đầy thương xót giải thoát Ngài khỏi nỗi đau khổ trần thế, Ngài trở về nơi hiện diện của Đức Chúa Cha.

Vào giây phút cuối cùng, Đấng Chủ Tể đã có thể trở lui. Nhưng Ngài không làm thế. Ngài đã đi xuống dưới vạn vật để Ngài có thể cứu rỗi vạn vật. Thi hài của Ngài được vội vã nhưng nhẹ nhàng đặt vào một ngôi mộ mượn.

Không có lời nào trong thánh thư Ky Tô giáo có ý nghĩa đối với tôi hơn những lời do thiên sứ nói cùng Ma Ri Ma Đơ Len đang khóc và một người khác cũng tên Ma Ri khi họ đến gần ngôi mộ để chăm sóc thi hài của Chúa họ, vào ngày đầu tuần. Vị thiên sứ đó nói:

“Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết?

“Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.”12

Đấng Cứu Rỗi đã sống lại. Sự kiện vinh quang, an ủi và yên tâm nhất trong số các sự kiện của lịch sử nhân loại đã xảy ra—đó là chiến thắng cái chết. Nỗi đau đớn và thống khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ đã được xóa tan. Sự cứu rỗi của nhân loại đã được bảo đảm. Sự Sa Ngã của A Đam đã được phục hồi.

Ngôi mộ trống của buổi sáng đầu tiên lễ Phục Sinh đó là câu trả lời cho câu hỏi của Gióp: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” Đối với tất cả những người đang nghe tôi nói, tôi tuyên bố: Nếu một người chết rồi thì sẽ sống lại. Chúng ta biết, vì chúng ta có ánh sáng của lẽ thật đã được mặc khải.

“Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết.

“Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại.”13

Tôi đã đọc—và tôi tin—chứng ngôn của những người đã trải qua nỗi buồn về việc Đấng Ky Tô bị đóng đinh và niềm vui về Sự Phục Sinh của Ngài. Tôi đã đọc—và tôi tin—chứng ngôn của những người trong Tân Thế Giới là những người cũng đã được Chúa phục sinh đó đến viếng thăm.

Tôi tin chứng ngôn của một người, trong gian kỳ này, đã tiếp chuyện với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử trong một khu rừng hiện được gọi là thiêng liêng và là người đã hy sinh mạng sống mình, bằng cách đóng ấn chứng ngôn đó bằng chính máu mình. Người ấy đã nói:

“Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!

“Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài, ngay cả ở bên tay phải của Thượng Đế; và chúng tôi đã nghe được tiếng nói làm chứng rằng Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha.”14

Bóng tối của cái chết có thể luôn luôn được ánh sáng của lẽ thật được mặc khải xua tan. Đấng Chủ Tể đã phán: “Ta là sự sống lại và sự sống.”15 “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an cho các ngươi.”16

Trong nhiều năm, tôi đã nghe và đọc quá nhiều chứng ngôn không thể đếm được, nhưng chứng ngôn này được những người làm chứng về sự xác thật của Sự Phục Sinh chia sẻ với tôi và họ là những người đã nhận được, trong những giờ phút hoạn nạn nhất, sự bình an và an ủi đã được Đấng Cứu Rỗi hứa.

Tôi sẽ chỉ nói một phần của câu chuyện như vậy. Cách đây hai tuần, tôi nhận được một lá thư cảm động của một người cha có bảy đứa con, ông viết về gia đình mình và đặc biệt là về con trai của mình tên là Jason, bị bệnh khi 11 tuổi. Trong vài năm kế tiếp, căn bệnh Jason tái phát vài lần. Người cha này nói về thái độ lạc quan của Jason và tính tình vui vẻ bất chấp thử thách về sức khỏe của nó. Jason nhận được Chức Tư Tế A Rôn khi 12 tuổi và “luôn sẵn lòng làm vinh hiển các trách nhiệm của nó một cách xuất sắc, cho dù nó cảm thấy khỏe hay không cũng vậy.” Nó nhận được phần thưởng Eagle Scout (Hướng Đạo Chim Ưng) năm 14 tuổi.

Hè năm ngoái, không lâu sau sinh nhật lần thứ 15 của Jason, một lần nữa, nó vào bệnh viện. Trong một lần đi thăm Jason, cha của nó thấy nó nhắm nghiền đôi mắt. Vì không biết là Jason đang ngủ hay thức, cha của nó bắt đầu nói nhỏ với nó: “Jason, cha biết con đang gặp nhiều thử thách trong cuộc sống ngắn ngủi của con và rằng tình trạng hiện tại của con rất khó khăn. Mặc dù con có một cuộc chiến đấu gay go trước mắt, nhưng cha không bao giờ muốn con mất đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô nhé.” Ông nói rằng ông đã sửng sốt khi Jason mở mắt ra ngay và nói: “Không bao giờ!” bằng một giọng nói rõ ràng và kiên quyết. Rồi Jason nhắm mắt lại và không nói thêm gì nữa.

Cha của nó viết: “Trong câu tuyên bố giản dị này, Jason đã bày tỏ một trong những chứng ngôn vững mạnh, thanh khiết nhất về Chúa Giê Su Ky Tô mà tôi từng nghe… . Khi lời tuyên bố của nó “Không Bao Giờ!” bắt đầu in sâu vào tâm hồn tôi vào ngày đó, thì lòng tôi tràn đầy niềm vui rằng Cha Thiên Thượng đã ban phước cho tôi để làm cha của một đứa con trai khác thường và cao quý như vậy … [Đó] là lần cuối cùng tôi nghe nó nói chứng ngôn của nó về Đấng Ky Tô.”

Mặc dù gia đình của người cha ấy tưởng rằng đây chỉ là một lần nằm bệnh viện thông thường, nhưng Jason qua đời chưa đến hai tuần sau. Vào lúc ấy, một người anh và một người chị của nó đang phục vụ truyền giáo. Một người anh khác, Kyle, mới vừa nhận được sự kêu gọi đi phục vụ truyền giáo. Thật ra, sự kêu gọi đó đã đến sớm hơn họ tưởng và vào ngày 5 tháng Tám, chỉ một tuần trước khi Jason qua đời, gia đình đó đã quy tụ lại trong căn phòng bệnh viện của nó để có thể mở giấy kêu gọi Kyle đi truyền giáo ở đó và chia sẻ với toàn thể gia đình.

Trong thư ông gửi cho tôi, người cha này đã kèm theo bức ảnh của Jason trong giường bệnh viện của nó, với người anh lớn là Kyle đứng bên cạnh giường, đang cầm giấy kêu gọi đi truyền giáo. Lời chú thích được viết dưới tấm ảnh: “Được kêu gọi phục vụ truyền giáo chung—cả hai bên bức màn che.”

Người anh và người chị của Jason đang phục vụ truyền giáo đã gửi những lá thư an ủi tuyệt vời về nhà để được chia sẻ tại tang lễ của Jason. Chị của nó, đang phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Argentina Buenos Aires West, một phần bức thư của chị ấy viết: “Con biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và vì Ngài hằng sống, nên tất cả chúng ta, kể cả em Jason yêu dấu của chúng ta, cũng sẽ sống lại… . Chúng ta có thể được an ủi trong sự hiểu biết chắc chắn của mình rằng chúng ta đã được làm lễ gắn bó với nhau là một gia đình vĩnh cửu… . Nếu chúng ta cố gắng hết sức mình để vâng lời và làm tốt hơn trong cuộc sống này, thì chúng ta sẽ thấy [em ấy lại lần nữa].” Chị ấy viết tiếp: “[Một] câu thánh thư con ưa thích từ lâu giờ đây có một ý nghĩa và tầm quan trọng mới vào lúc này đây… . [Từ] sách Khải Huyền chương 21, câu 4: ‘Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi.’”

Các anh chị em thân mến, trong giờ phút đau buồn nhất của mình, chúng ta có thể được bình an lớn lao từ những lời của vị thiên sứ vào buổi sáng lễ Phục Sinh đầu tiên đó: “Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.”17

Ngài đã sống lại! Ngài phục sinh nay!

Reo to mừng hát vui lên nào.

Ngài vượt khỏi mồ liền sau ba hôm;

Muôn dân hòa tấu khúc hát mừng.

Chúa thắng cái chết cho nhân loại.

Tự do được trao trả từ nay!18

Là một trong các nhân chứng đặc biệt của Ngài trên thế gian ngày nay, vào ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh vinh quang này, tôi tuyên bố rằng điều này có thật, trong thánh danh của Ngài—chính là tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi—A Men.

GHI CHÚ

  1. Robert Louis Stevenson, “Requiem,” trong An Anthology of Modern Verse, do A. Methuen xuất bản (1921), 208.

  2. James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 3 (1916), 20.

  3. Gióp 14:14.

  4. Xin xem Sáng Thế Ký 1:1–27.

  5. Xin xem Gióp 38:7.

  6. Lu Ca 2:52.

  7. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 19:18.

  9. Lu Ca 23:21.

  10. Lu Ca 23:34.

  11. Lu Ca 23:46.

  12. Lu Ca 24:5–6.

  13. 1 Cô Rinh Tô 15:21–22.

  14. Giáo Lý và Giao Ước 76:22–23.

  15. Giăng 11:25.

  16. Giăng 14:27.

  17. Ma Thi Ơ 28:6.

  18. “Ngài Phục Sinh!” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55.

In