2010
Sự Chuẩn Bị Mang Đến Các Phước Lành
tháng Năm năm 2010


Sự Chuẩn Bị Mang Đến Các Phước Lành

Chúng ta hãy xem xét những sự kêu gọi của mình, chúng ta hãy ngẫm nghĩ về các trách nhiệm của mình và chúng ta hãy noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

President Thomas S. Monson

Thưa các anh em, các anh em hiện diện trong Trung Tâm Đại Hội ở Salt Lake City là một quang cảnh đầy soi dẫn để nhìn ngắm. Thật là kỳ diệu để biết rằng trong hằng ngàn giáo đường trên khắp thế giới, có những anh em khác—những người cùng nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế—đang theo dõi buổi phát thanh và truyền hình này qua hệ thống vệ tinh. Quốc tịch và ngôn ngữ của các anh em đều khác nhau, nhưng chúng ta có một điểm chung. Chúng ta đã được giao cho chức tư tế để mang và hành động trong danh của Thượng Đế. Chúng ta là những người nhận lãnh một sự tin cậy thiêng liêng. Nhiều điều được kỳ vọng nơi chúng ta.

Một trong những ký ức sâu đậm nhất của tôi là tham dự buổi họp chức tư tế với tư cách là một thầy trợ tế mới được sắc phong và hát bài thánh ca mở đầu: “Come All Ye Sons of God” (Hãy Đến, Hỡi Tất Cả Các Anh Em Là Con Trai của Thượng Đế). Buổi tối hôm nay, tôi lặp lại ý nghĩa của bài thánh ca đặc biệt đó và nói cùng các anh em: “Hãy đến, hỡi tất cả các anh em là con trai của Thượng Đế là những người đã nhận được chức tư tế.”1 Chúng ta hãy xem xét những sự kêu gọi của mình, chúng ta hãy ngẫm nghĩ về các trách nhiệm của mình và chúng ta hãy noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa của chúng ta.

Cách đây hai mươi năm, tôi tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh nơi mà các trẻ em nói chuyện về chủ đề “Tôi Thuộc vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.” Các em trai và em gái này cho thấy mình đang được huấn luyện để phục vụ Chúa và những người khác. Phần âm nhạc thật tuyệt vời, các em khéo léo đọc phần bài của mình và Thánh Linh được gửi xuống từ thiên thượng. Một trong mấy đứa cháu của tôi, vào lúc ấy được 11 tuổi, nói chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất khi trình bày phần vụ của nó trong chương trình. Sau đó, khi nó đến với cha mẹ và ông bà của nó, tôi nói với nó: “Tommy, ông nghĩ là con đã gần sẵn sàng để làm người truyền giáo rồi đó.”

Nó đáp: “Chưa đâu. Con vẫn còn phải học hỏi nhiều nữa.”

Qua những năm tháng theo sau, Tommy đã thật sự học hỏi, nhờ vào cha mẹ nó và các giảng viên cùng những người cố vấn trong nhà thờ là những người tận tụy và chu đáo. Khi đủ khôn lớn, nó được kêu gọi đi phục vụ truyền giáo. Nó đã làm như vậy trong một cách vinh dự nhất.

Các em thiếu niên thân mến, tôi khuyên các em nên chuẩn bị để phục vụ với tư cách là người truyền giáo. Có nhiều công cụ để giúp cho các em học các bài học có ích cho các em, cũng như giúp các em sống một cuộc sống mà các em sẽ cần phải sống để được xứng đáng. Một công cụ như vậy là quyển sách nhỏ có tên là Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ, được xuất bản dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Quyển sách này đề cao những tiêu chuẩn từ những bài viết, những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội cũng như từ thánh thư, sự tôn trọng triệt để những điều này sẽ mang đến các phước lành của Cha Thiên Thượng và sự hướng dẫn của Vị Nam Tử của Ngài cho mỗi chúng ta. Ngoài ra, có những sách học, đã được chuẩn bị kỹ sau sự thành tâm cân nhắc. Các gia đình có buổi họp tối gia đình nơi mà các nguyên tắc phúc âm được giảng dạy. Hầu như tất cả các em đều có cơ hội tham dự các lớp giáo lý , là nơi các em được giảng dạy bởi các giảng viên tận tâm là những người có nhiều điều để chia sẻ.

Hãy bắt đầu chuẩn bị cho một lễ hôn phối trong đền thờ, cũng như công việc truyền giáo. Việc hẹn hò đúng đắn là một phần của sự chuẩn bị đó. Trong những văn hóa mà việc hẹn hò là thích hợp, thì cũng đừng hẹn hò cho đến khi các em 16 tuổi. “Không phải tất cả các thiếu niên đều cần phải hẹn hò hoặc muốn hẹn hò. Khi các em bắt đầu hẹn hò, hãy đi với nhóm hoặc đi hẹn hò chung với một cặp khác. Hãy chắc chắn rằng cha mẹ các em gặp mặt [và làm quen với] những người các em hẹn hò.” Vì việc hẹn hò là một sự chuẩn bị cho hôn nhân, nên “chỉ hẹn hò với những người có các tiêu chuẩn cao.”2

Hãy cẩn thận chỉ đi đến những nơi có môi trường tốt, nơi mà các em sẽ không đương đầu với cám dỗ.

Một người cha khôn ngoan đã nói cùng con trai của mình: “Nếu con có thấy mình đang ở một nơi mà con không nên ở, thì hãy đi ra ngay!” Đó là một lời khuyên hay cho tất cả chúng ta.

Các tôi tớ của Chúa luôn luôn khuyên dạy chúng ta phải ăn mặc thích hợp để cho thấy lòng tôn trọng đối với Cha Thiên Thượng và đối với bản thân mình. Cách ăn mặc của các em cho người khác thấy con người của mình và thường ảnh hưởng đến cách các em và những người khác hành động. Hãy ăn mặc sao cho có thể khuyến khích tư cách đạo đức nhất nơi các anh em và những người xung quanh các em. Hãy tránh sự thái quá trong lối ăn mặc và diện mạo, kể cả việc xăm mình và xỏ lỗ thân thể.

Mỗi người đều cần bạn bè tốt. Nhóm bạn bè của các em sẽ ảnh hưởng lớn lao đến lối suy nghĩ và hành động của các em, cũng như các em có ảnh hưởng lớn lao đến lối suy nghĩ và hành động của họ. Khi cùng chia sẻ những giá trị chung với bạn bè của mình, thì các em có thể củng cố và khuyến khích lẫn nhau. Hãy đối xử với mọi người một cách tử tế và chững chạc. Nhiều người ngoại đạo vào Giáo Hội qua những người bạn đã mời họ đến các sinh hoạt của Giáo Hội.

Cậu ngạn ngữ thường được lặp lại và luôn luôn đúng: “Tính chân thật là đường lối tốt nhất.”3 Một em thiếu niên Thánh Hữu Ngày Sau sống giống như em ấy giảng dạy và như em ấy tin tưởng. Em ấy chân thật với những người khác. Em ấy chân thật với bản thân mình. Em ấy chân thật với Thượng Đế. Em ấy chân thật theo thói quen và một cách tự động. Khi cần phải chọn một quyết định khó khăn, em ấy không bao giờ tự hỏi: “Những người khác sẽ nghĩ gì?” mà thay vì thế là “Tôi sẽ nghĩ gì về mình?”

Đối với một số người, sự cám dỗ sẽ đến để làm ô danh tiêu chuẩn chân thật của cá nhân. Trong một lớp học luật thương mại tại trường đại học mà tôi theo học, tôi còn nhớ một người bạn cùng lớp rất đặc biệt, không bao giờ chuẩn bị cho các cuộc thảo luận trong lớp cả. Tôi tự nghĩ: “Làm thế nào anh ấy sẽ đậu kỳ thi cuối khóa?”

Tôi khám phá ra câu trả lời khi anh ấy đến lớp để thi cuối khóa, vào một ngày mùa đông anh ấy chỉ mang một đôi dép cho đôi chân trần của mình. Tôi ngạc nhiên và quan sát anh ấy khi lớp học bắt đầu. Tất cả các quyển sách của chúng tôi đều được để trên sàn nhà, theo như chỉ thị. Anh ấy tuột đôi dép của mình ra khỏi chân; và rồi, với các ngón chân mà anh ấy đã huấn luyện và chuẩn bị với dầu glycerine, anh ấy khéo léo giở các trang của quyển sách mà anh ấy đã để trên sàn nhà, do đó có thể xem các câu trả lời cho những câu hỏi của bài thi.

Anh ấy nhận được một trong những số điểm cao nhất của khóa học luật thương mại đó. Nhưng cuối cùng ngày công lý cũng đến. Về sau, khi anh ấy chuẩn bị cuộc thi cuối khóa mà gồm có tất cả các môn học, thì lần đầu tiên viên chức trong trường phụ trách môn học đặc biệt của anh ấy nói: “Năm nay, tôi sẽ không làm theo truyền thống mà sẽ tiến hành một cuộc thi vấn đáp thay vì thi viết.” Nhà chuyên môn huấn luyện ngón chân thấy ngượng ngùng vì không trả lời được câu hỏi thi vào dịp đó và thi hỏng.

Cách các em nói chuyện và lời lẽ các em dùng cho biết nhiều về hình ảnh các em chọn để hành động theo. Hãy dùng lời lẽ để xây dựng và nâng cao những người xung quanh các em. Lời lẽ tục tĩu, khiếm nhã hoặc thô lỗ và không thích hợp hay các câu nói đùa sỗ sàng là xúc phạm đến Chúa. Đừng bao giờ lạm dụng danh của Thượng Đế hay Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa phán: “Ngươi chớ lấy danh Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.”4

Cha Thiên Thượng khuyên dạy chúng ta phải tìm kiếm “điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen.”5 Bất cứ điều gì các em đọc, lắng nghe hay nhìn đều ảnh hưởng đến các em.

Hình ảnh sách báo khiêu dâm đặc biệt là nguy hiểm và làm cho nghiện ngập. Sự khám phá đầy tò mò về hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể trở thành một thói quen điều khiển, đưa đến tài liệu táo bạo hơn rồi đến tội vi phạm tình dục. Bằng mọi giá, hãy tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Đừng sợ phải bỏ đi không xem một cuốn phim, hãy tắt một máy truyền hình, hoặc đổi đài radio nếu điều đang được trình bày không đáp ứng các tiêu chuẩn của Cha Thiên Thượng. Tóm lại, nếu các em có bất cứ thắc mắc nào về một cuốn phim, quyển sách hoặc hình thức giải trí cụ thể nào đó có thích hợp hay không thì đừng xem, đừng đọc và đừng tham dự.

Sứ Đồ Phao Lô nói: “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ.”6 Các em thân mến, trách nhiệm của chúng ta là giữ cho đền thờ của mình được trong sạch và thanh khiết.

Ma túy đầy nguy hiểm, việc sử dụng sai thuốc kê toa, rượu, cà phê, trà và các sản phẩm thuốc lá đều hủy diệt sức khỏe của các em về mặt thể xác, tinh thần và thuộc linh. Bất cứ hình thức rượu mạnh nào cũng có hại cho tinh thần và cơ thể của các em. Thuốc lá có thể biến các em thành nô lệ, làm yếu buồng phổi các em và rút ngắn tuổi thọ của các em.

Âm nhạc có thể giúp các em đến gần Cha Thiên Thượng hơn. Âm nhạc có thể được sử dụng để giáo dục, gây dựng, soi dẫn và đoàn kết. Tuy nhiên, qua nhịp độ, nhịp đánh, cường độ và lời ca của nó, âm nhạc có thể làm cùn đi sự bén nhạy thuộc linh của các em. Các em không thể để cho tâm trí mình tràn đầy âm nhạc không xứng đáng.

Vì sự thân mật tình dục rất thiêng liêng, nên Chúa đòi hỏi sự tự chủ và thanh khiết trước khi kết hôn, cũng như sự chung thủy trọn vẹn sau khi kết hôn. Trong khi hẹn hò, các em phải đối xử với người bạn đi hẹn hò với mình bằng lòng kính trọng và trông mong người bạn đi hẹn hò với mình cũng cho thấy lòng kính trọng đó với các em. Chắc chắn nước mắt sẽ đi theo sau sự phạm giới.

Chủ Tịch David O. McKay, chủ tịch thứ chín của Giáo Hội, khuyên dạy: “Tôi khẩn nài các anh chị em hãy có những ý nghĩ trong sạch.” Rồi ông đưa ra lời nói đầy ý nghĩa về lẽ thật: “Mọi hành động theo sau một ý nghĩ. Nếu muốn kiềm chế hành động của mình, chúng ta cần phải kiềm chế ý nghĩ của chúng ta.” Các anh em thân mến, hãy làm tràn đầy tâm trí mình với những ý nghĩ tốt, rồi thì hành động của các anh em sẽ được thích hợp. Cầu xin cho mỗi anh em có thể lặp lại trong lẽ thật câu nói từ Tennyson được Sir Galahad diễn tả: “Sức mạnh của tôi giống như sức mạnh của mười tấm lòng vì lòng tôi thanh sạch.”7

Cách đây không lâu, tác giả của một bài báo viết về hoạt động tình dục của thanh thiếu niên đã kết luận cuộc nghiên cứu của mình bằng cách nói rằng xã hội mang cho các thanh thiếu niên một thông điệp lẫn lộn: các mục quảng cáo và giới truyền thông đại chúng truyền đạt “những thông điệp mãnh liệt rằng sinh hoạt tình dục có thể chấp nhận và trông mong được,” những điều khuyến khích đôi khi át hẳn những lời cảnh giác của các chuyên viên và lời khẩn khoản của cha mẹ. Chúa cắt đứt tất cả những thông điệp của giới truyền thông với lời lẽ rõ ràng và chính xác khi Ngài phán cùng chúng ta: “Hãy thanh sạch.”8

Bất cứ lúc nào cám dỗ đến, hãy nhớ đến lời khuyên dạy khôn ngoan của Sứ Đồ Phao Lô, ông nói: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”9

Khi được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội, các anh em nhận được quyền có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Ngài có thể giúp các anh em chọn điều đúng. Khi bị thử thách hoặc cám dỗ, các anh em không cần phải cảm thấy cô đơn một mình. Hãy nhớ rằng việc cầu nguyện là sự đảm bảo có được quyền năng thuộc linh.

Nếu có một ai đang vấp ngã trong cuộc sống của mình, thì có con đường trở lại. Tiến trình đó được gọi là sự hối cải. Đấng Cứu Rỗi chết để ban cho các anh em và tôi ân tứ phước lành đó. Mặc dù con đường khó đi, nhưng lời hứa có thật: “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.”10

Đừng đặt cuộc sống vĩnh cửu của các anh em vào cảnh rủi ro. Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Nếu đã phạm tội, các anh em bắt đầu càng sớm để trở lại thì các anh em sẽ càng sớm tìm được sự bình an và niềm vui tuyệt vời có được với phép lạ của sự tha thứ. Hạnh phúc đến từ việc sống theo con đường mà Chúa muốn các anh em sống cũng như từ sự phục vụ Thượng Đế và những người khác.

Sức mạnh thuộc linh thường đến qua sự phục vụ vị tha. Cách đây vài năm, tôi đi thăm nơi mà lúc bấy giờ được gọi là Phái Bộ Truyền Giáo California, nơi đó tôi phỏng vấn một người truyền giáo trẻ tuổi từ Georgia. Tôi nhớ đã nói với anh ấy: “Hằng tuần, anh có gửi thư về nhà cho cha mẹ anh không?”

Anh ấy đáp: “Thưa Anh Monson, có ạ.”

Rồi tôi hỏi: “Anh có thích nhận được thư nhà không?”

Anh ấy không trả lời. Sau một lát, tôi hỏi: “Lần cuối cùng anh nhận được thư nhà là lúc nào?”

Với một giọng run run, anh ấy đáp: “Em chưa bao giờ nhận được thư nhà. Cha em chỉ là một thầy trợ tế và Mẹ em không phải là tín hữu của Giáo Hội. Họ đã khẩn nài em đừng đi. Họ nói rằng nếu em bỏ đi truyền giáo thì họ sẽ không viết thư cho em. Thưa Anh Monson, em phải làm gì đây?”

Tôi dâng một lời cầu nguyện thầm lên Cha Thiên Thượng: “Con phải nói gì với người tôi tớ trẻ tuổi của Ngài, là người đã hy sinh mọi thứ để phục vụ Ngài đây?” Và sự soi dẫn đến. Tôi nói: “Anh Cả này, anh gửi thư về nhà cho cha mẹ của anh mỗi tuần về công việc truyền giáo của anh. Hãy cho họ biết anh đang làm gì. Hãy cho họ biết anh yêu thương họ biết bao và rồi chia sẻ chứng ngôn với họ nhé.”

Anh ấy hỏi: “Rồi họ sẽ viết thư cho em chăng?”

Tôi đáp: “Rồi họ sẽ viết thư cho anh.”

Chúng tôi chia tay và tôi tiếp tục đi con đường của mình. Nhiều tháng sau, tôi đang tham dự một đại hội giáo khu ở Miền Nam California thì một người truyền giáo trẻ tuổi đến gặp tôi và nói: “Thưa Anh Monson, anh còn nhớ em không? Em là người truyền giáo đã không nhận được thư của mẹ hoặc cha mình trong chín tháng đầu tiên ở trong khu vực truyền giáo của mình đây. Anh bảo em: ‘Anh Cả này, hãy gửi thư về nhà mỗi tuần, và cha mẹ của anh sẽ viết thư cho anh.’” Rồi anh ấy hỏi: “Anh còn nhớ lời hứa đó không Anh Cả Monson?”

Tôi vẫn còn nhớ. Tôi hỏi: “Anh có nhận được thư của cha mẹ anh không?”

Anh ấy thò tay vào túi và lấy ra một xấp thư với sợi dây thun cột quanh chúng, lấy cái thư ở trên đầu xấp thư đó và nói: “Em có nhận được thư của cha mẹ em! Hãy nghe bức thư này do mẹ em viết đây: ‘Con trai ơi, cha mẹ rất mừng nhận được thư con. Cha mẹ rất hãnh diện về con, người truyền giáo của cha mẹ. Con biết không? Cha đã được sắc phong làm thầy tư tế. Cha đang chuẩn bị để làm phép báp têm cho mẹ. Mẹ có gặp những người truyền giáo; và một năm nữa, cha mẹ muốn đến California khi con hoàn tất công việc truyền giáo của con, vì cha mẹ muốn cùng với con trở thành một gia đình vĩnh cửu bằng cách vào đền thờ của Chúa.’” Người truyền giáo trẻ tuổi này hỏi: “Thưa Anh Monson, Cha Thiên Thượng có luôn luôn đáp ứng những lời cầu nguyện và làm tròn những lời hứa của Các Vị Sứ Đồ không?”

Tôi đáp: “Khi một người có đức tin như anh đã cho thấy, thì Cha Thiên Thượng nghe những lời cầu nguyện và đáp ứng theo cách của Ngài.”

Bàn tay trong sạch, tấm lòng thanh khiết và một ý muốn đã giao tiếp với Thượng Đế. Một phước lành, được gửi tới từ thiên thượng, đã đáp ứng lời cầu nguyện tha thiết của một người truyền giáo với tấm lòng khiêm nhường.

Thưa các anh em, tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể sống sao cho chúng ta cũng có thể giao tiếp được với thiên thượng và mỗi một người chúng ta cũng được ban phước như vậy, trong tôn danh của Đấng ban cho tất cả các phước lành, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. “Come, All Ye Sons of God,” Hymns, số 322.

  2. Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ (quyển sách nhỏ, 2001), 24, 25.

  3. Miguel de Cervantes, trong John Bartlett, biên soạn, Familiar Quotations, xuất bản lần thứ 14 (1968), 197.

  4. Xuất Ê Díp Tô Ký 20:7.

  5. Những Tín Điều 1:13.

  6. 1 Cô Rinh Tô 3:16–17.

  7. Alfred Lord Tennyson, trong Familiar Quotations, 647.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 38:42.

  9. 1 Cô Rinh Tô 10:13.

  10. Ê Sai 1:18.